Nguyễn Phong Việt: “Một mình đến cuối đất cùng trời cũng là hạnh phúc…”

1006

“Cũng đã có đôi lần, tôi thử viết về niềm vui, nhưng thú thật khi ấy tôi cảm giác câu chữ không thuộc về mình” – nhà thơ Nguyễn Phong Việt chia sẻ sau những trang thơ phảng phất nỗi buồn chất chứa.

Nguyễn Phong Việt tại buổi ra mắt tập thơ thứ 8: “Mình sẽ đi cuối đất cùng trời”

Như thông lệ, cứ đến mùa Giáng sinh, nhà thơ “triệu view” lại cho ra một tập thơ mới. Sau 7 tập thơ trước thành công, nhận được sự đón đọc của đông đảo những người trẻ yêu thơ, Nguyễn Phong Việt tiếp tục cho ra tập thơ thứ 8 mang tên Mình sẽ đi cuối đất cùng trời. Nguyễn Phong Việt trò chuyện cùng Thể thao & Văn hóa (TTXVN).

* So với những tập thơ trước đó, “Mình sẽ đi cuối đất cùng trời” có điều gì đặc biệt không?

– So với chuỗi cảm xúc 7 tập thơ trước đó thì Mình sẽ đi cuối đất cùng trời mang nhiều góc nhìn nội tâm hơn. Vì thật ra đây là giai đoạn tôi nhìn thấu được nhiều điều ở bên trong mình. Và cũng xuất phát từ thông điệp, nếu chúng ta có được “chúng mình” để đi cùng nhau thì quá tốt, còn nếu không chúng ta vẫn có thể một mình đi hành trình mà mình mong muốn. Đi một mình đến cuối đất cùng trời cũng là một loại hạnh phúc và tràn ngập tự do.

Tập thơ Mình sẽ đi cuối đất cùng trời”

* Tựa thơ “cuối đất cùng trời” như tả về một không gian vô tận của sự gắn kết tình yêu. Có phải như vậy không?

– Ngược lại, tôi dùng “cuối đất” trước “cùng trời” vì mong muốn con người nhìn vào thực tế trước nhất. Bàn chân vẫn phải luôn để trên mặt đất, biết nơi mình đi, khả năng mình làm và tầm nhìn mình có thể hướng tới. “Cuối đất cùng trời” với người này có thể là một khoảng cách về địa lý, nhưng với một người khác đôi khi chỉ cần đi ra khỏi những giới hạn, rào cản, nguyên tắc của bản thân để biến mình thành một phiên bản tốt hơn thì cũng đã là “cuối đất cùng trời” rồi.

* Từ những tập thơ trước đó: “Đi qua thương nhớ”, “Từ yêu đến thương”, “Về đâu những vết thương”, “Sống một cuộc đời bình thường”… đều phảng phất nỗi buồn và sự cô đơn. Dường như đây là phong cách thơ mà anh lựa chọn?
– Tôi nghĩ mình không có quyền lựa chọn mà theo cách nào đó, nỗi buồn đã chọn tôi để chuyển tải xuống trang viết. Cũng đã có đôi lần, tôi thử viết về niềm vui, nhưng thú thật khi ấy tôi có cảm giác câu chữ không thuộc về mình. Có người viết hài hước rất hay, có người viết mạnh mẽ rất hay… thì tôi, ở một góc khác, phù hợp hơn với việc viết về nỗi buồn.
* Anh có chia sẻ rằng: “Khi viết ra được nỗi lòng của mình là lúc mình đi qua được những nỗi đau đó”. Vậy với nhà thơ đa cảm nỗi đau đó là gì? Có được khái quát cụ thể không?
– Đến giờ này, thú thật tôi không thể khái quát cụ thể những nỗi đau đó là gì nữa. Nhưng theo cách nào đó, những nỗi đau tôi từng đi qua đều khắc những vết dấu rất sâu trong ký ức. Và như một cái nghiệp, tôi hay nhìn vào nỗi đau, với góc nhìn đa chiều. Về sau này, tôi rất hiếm khi đi tìm lý do cho nỗi đau, tôi gần như đã học được cách đối diện trực tiếp với nó và bước qua nó. Tôi đi tìm giải pháp cho các biến cố cuộc sống chứ không còn chăm chăm đi tìm lý do vì sao nó xảy ra như ngày 20 tuổi nữa.

* Thơ Nguyễn Phong Việt thường chạm vào những vết thương chung của tuổi trẻ. Dường như tuổi trẻ của nhà thơ cũng đã từng đi qua nhiều “giông bão”?
– Tôi nghĩ đó là lẽ công bằng. Vì nếu không có những nỗi đau đó sẽ không có những trang viết này, không có những trang sách này. Tôi vẫn luôn nói, nếu tôi vui chắc chắn tôi sẽ không thể viết được và chính tôi cũng không muốn viết. Trả giá với nỗi đau để có những câu chữ như tôi đang có, theo tôi, cũng là một lẽ công bằng của cuộc đời.
Nhiều nhà thơ cũng ra sách nhưng thời điểm này có ít người qua nổi Nguyễn Phong Việt. Theo anh, thơ của mình có sức hút từ đâu?

– Tôi nghĩ điều đầu tiên thuộc về may mắn, khi tôi có một cú hích quá lớn với Đi qua thương nhớ vào mùa Giáng sinh 2012. Rồi sau đó, cứ mỗi mùa Giáng sinh tôi lại có một sự nhắc nhớ với độc giả của mình. Và cũng may mắn, tôi vẫn còn cảm xúc để viết, những trang viết ấy khi độc giả đọc vẫn tìm thấy phần nào đó hình ảnh của họ trong đó. Tôi nghĩ sức hút cuối cùng đọng lại với độc giả vẫn là cảm xúc. Và để có được điều đó, tôi cần cả sự may mắn lẫn sự lao động cần mẫn.

* Giới trẻ cũng viết thơ, viết truyện rất nhiều. Anh có lời khuyên gì đối với họ?
– Tôi theo trường phái viết bằng trải nghiệm của bản thân nhiều hơn tưởng tượng. Nên nếu có lời khuyên, tôi nghĩ chỉ cần bạn viết ra những điều bạn đã thấy, đã đi qua, đã vấp phải… bằng sự chân thành nhất. Viết mỗi ngày giống như mỗi sáng thức dậy đánh răng, súc miệng… thì chắc chắn đến lúc nào đó trang viết của bạn sẽ kết tinh thành những cảm xúc chắt lọc mà bạn mong muốn chia sẻ với những người khác!

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Nguyễn Phong Việt – nhà thơ trẻ đông fan nhất
Nguyễn Phong Việt (sinh năm 1980) là tác giả của các tập thơ bán chạy như: Đi qua thương nhớ, Từ yêu đến thương, Về đâu những vết thương, Sống một cuộc đời bình thường, Sao phải đau đến như vậy, Chỉ cần tin mình là duy nhất…

10 năm miệt mài cầm bút viết thơ, Nguyễn Phong Việt vẫn tiếp tục là một nhà thơ tạo nên những hiện tượng xuất bản ở Việt Nam khi đã bán được hàng chục ngàn bản in sau mỗi tập thơ xuất bản.

Nguyễn Phong Việt cũng là nhà thơ trẻ chiều fan, trân trọng fan và nhiều fan nhất. Anh tự ký tay toàn bộ những tác phẩm được bạn đọc đặt hàng qua mạng.
(Theo TTVH)