Nguyễn Thắng – người quân nhân sống trọn vẹn với những thơ xanh

684

Hồ Xuân Đà

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi biết anh Nguyễn Thắng, bút danh Trọng Nhân Nghĩa qua đợt được kết nạp Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh,  vào năm 2019, khi đó tôi đi dự họp lễ tổng kết cuối năm của hội. Trong niềm vui, tự hào khi được kết nạp vào một nơi sinh hoạt văn chương lớn nhất của thành phố, anh Nguyễn Thắng rạng ngời khi chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình, đồng nghiệp, bè bạn.


Gia đình nhà thơ Nguyễn Thắng.

Tình yêu với con chữ, với những vần thơ xanh, sau rất nhiều năm làm thơ, tham gia các phong trào thơ ca ở phường, quận, có những đóng góp đáng kể, và được công nhận với những bằng khen động viên khuyến khích tinh thần.

Điều đó, làm cho anh Nguyễn Thắng có một nguồn sức mạnh tinh thần vô giá, để tiếp tục làm những câu thơ, bài thơ mang nhiều tình cảm yêu thương con người, quê hương, đất nước. Điều này, tôi cảm nhận được khi đọc các tập thơ của anh, những bài thơ có niêm luật, cùng những bài thơ theo thể tự do, cũng được anh không ngần ngại sáng tạo, khám phá, đổi mới.

Ngoài đời, anh là một quân nhân, đảm nhiệm vai trò quân nhu cho đơn vị mình đóng quân ở Bình Thạnh. Khi gặp anh, chúng ta sẽ rất bất ngờ với anh chàng sĩ quan chất phát, thạo việc, khiêm tốn, chân tình, đúng chất bộ đội cụ Hồ. Không tiếp tục, trò chuyện với anh, chắc chắn chúng ta không thể hình dung hết anh dành tình yêu cho thơ ca nhiều đến vậy. Cần mẫn như con ong thợ, bên cạnh hoàn thành nhiệm vụ của người quân nhân, anh đã dành trọn vẹn những thời gian nghỉ ngơi để thư giãn cùng với thơ. Đều đặn góp nhặt, gom từng từng cảm xúc, xếp đặt câu chữ, chọn lọc từng thông điệp cho các tác phẩm thơ của mình, anh đã cho ra đời được những  tập thơ, là những đứa con tinh thần để anh được gửi gắm tình yêu, quan điểm, lý tưởng sống của một người lính, đến tất cả bạn bè, độc giả yêu thơ.

Sẽ thật thiếu sót nếu như nói về anh, mà không trích dẫn thơ anh. Những câu thơ, mà tôi nghĩ rằng đây là tiếng lòng với không chỉ của riêng ai:

“Trăng vơi từng giọt bên thềm

Ta ngồi uống đến say mềm bóng nhau

Đường đời gặp lúc thương đau

Vịn trăng đứng dậy đêm thâu sáng bừng”

(Uống Trăng – trích trong tập Gọi Xuân Về – NXB Hội nhà văn)

Tôi cũng là một người rất yêu thơ, tôi đọc thơ và tìm thông điệp tác giả muốn gửi mình, thì trong những câu thơ trên, khi tôi buồn, tôi cũng cô đơn với trăng, rồi thức tỉnh, cuộc sống này dù có thất bại, thì cũng đứng dậy. Hình ảnh vịn trăng đứng dậy/ đêm thâu sáng bừng. Phải chăng là đã quá ý nghĩa cho một tâm lý trong tôi đang bất ổn định sao?

Đến bài “Chè Xanh”, cũng trong tập Gọi xuân về:

“Sóng sánh thành ly

sóng sánh em

Chè xanh đậm đặc vị thân quen

Ngày xưa theo bố ra tiền tuyến

Mẹ ủ tình yêu trong ấm đêm

Hôm nay lặng gió mùa xuân đến

Ta ủ chè xanh với chút hoa

Ngồi im nghe sóng tình thương mến

Khẽ đập va mình để hát ca”

Đời sống tinh thần của người lính đơn sơ và giản dị. Lối sống đó được rèn luyện của những người cha đã bước qua những cuộc chiến gian khổ. Chính vì sống trong môi trường như vậy, mà cái việc thưởng thức nước chè xanh của anh cũng được kế thừa từ bố mẹ. Hình ảnh, nhịp điệu, cách gieo vần của bài thơ cho ta thấy một bức tranh của buổi sáng tinh mơ khi mùa xuân đến, với tình yêu gương mẫu của cha mẹ để lại, sẽ là tấm gương tốt cho nhà thơ xây dựng một mái ấm gia đình theo chuẩn mực đạo đức xã hội của dân tộc Việt. Tôi thích đọc thơ Nguyễn Thắng là vậy, dung dị, dễ hiểu, thông điệp, ý tứ thơ rõ ràng, nhưng đến lại rất nhiều thấu cảm. Thi ảnh để lại vương vấn mãi những ngày sau, dẫu ngày vội, bận rộn qua nhanh.

Trong bài thơ “Ánh xuân” – tặng người vợ hôm sớm tảo tần cùng anh gầy dựng gia đình, với tình nghĩa vợ chồng sắt son, nghe mà xúc động,  trân quý biết bao:

“Trăng chếch đầu hiên soi ánh xuân

Tình em son sắt đẹp tuyệt trần

Anh mang thư thái ru yên phận

Khe khẽ kề môi thưởng thức dần

Em ạ, giàu sang nào cứ phải

Rủng rỉnh tiền, vàng, son phấn với nước hoa

Mà anh thấy hợp lẽ với chúng ta

Là tình nghĩa chân thành là mơ ước

Dệt tâm tình tiếp bước sóng reo ca”

 (Trích trong tập Gọi Xuân Về – NXB – Hội nhà văn 2018)

Người quân nhân với sự bình dị, một lòng với người vợ son sắt của mình, lời tâm tình như đi vào rút hết tâm can của mình, để tâm tình cùng vợ. Tình yêu của người lính chân thành, đậm đà sự thuyết phục người đọc, vốn bình dân như tôi đây. Chỉ cần tình nghĩa vợ chồng thương yêu chung thủy cùng nhau khi no khi đói, khi giàu sang là đã hạnh phúc đủ đầy. Điều này, không riêng gì tôi, mà những người có gia đình, đều mong sự ấm êm trọn vẹn nghĩa tình đó.

Với bút danh Trọng Nhân Nghĩa, anh chàng quân nhân Nguyễn Thắng đã phần nào muốn cho chúng ta thấy quan điểm sáng tác của anh. Một người làm thơ luôn trọng nhân nghĩa, lấy kim chỉ nam đó mà chuyển tải cảm xúc của mình về tình yêu quê hương, cuộc sống. Phải chăng là điều rất đáng trân quý sao.

Trong những tác phẩm thơ của anh, có một tập dành riêng cho công việc anh đang đảm nhiệm, đó là tư tưởng của chú bộ đội, với tựa đề: “Vỗ nhịp quân hành”, những dòng thơ là chính tâm hồn nhỏ bé của anh viết ra, mà sao tình cảm ấy, tình cảm dành cho đất nước vô bờ bến đến vậy.

Chẳng bao giờ thấy lửa tàn

Muôn đời truyền thông cháy lang bập bùng

Lửa trong than, lửa trong lòng

Âm thầm âm ỉ xoay vòng bốc lên

Tuyệt thay ngọn lửa thanh niên

Nhiệt thành cháy khắp mọi miền quê hương

Lan từ lịch sử lan sang

Lửa không tắt lửa mênh mang chuyển mình

Lửa hiến dâng, lửa hy sinh

Lửa yêu nước, lửa chúng mình trao nhau

Niềm tin ánh sáng tỏa giàu tình thương

Cháy trong bom đạn chiến trường

Nén đau thương lửa vô thường từ tâm

Ấy là ngọn lửa Thùy Trâm

Âm ỉ cháy suốt 35 năm trời

Từ trong tiềm thức cuộc đời

Bừng lên rực sáng là lời tình yêu

(Trích trong tập Vỗ Nhịp Quân Hành – NXB Hội Nhà Văn 2020)

Nhật ký Đặng Thùy Trâm – Nguyễn Văn Thạc, là cuốn nhật ký ghi lại tình yêu với đất nước mà rất nhiều thế hệ trẻ yêu thích. Đặc biệt là các bạn đoàn viên thanh niên. Anh Nguyễn Thắng – nhà thơ trưởng thành trong môi trường quân đội, với những phong trào thơ ca tại đơn vị, địa phương mình, phần nào đó, tuy nhỏ nhưng rất lớn trong việc xây dựng và phát triển giá trị tinh thần, về niềm tin vào đất nước đang trong thời kỳ đổi mới, phát triển.

Những bài thơ bằng ngôn ngữ mang phong cách người lính, góp phần truyền tải thông điệp sống đẹp, gương mẫu trong gia đình, và xây dựng cuộc sống đẹp cho xã hội, tiếp lửa cho giới trẻ biết yêu quê hương, đất nước, phụng sự hy sinh cho Tổ Quốc nhiều hơn. Bằng những vần thơ xanh màu xanh của hy vọng, màu áo lính, anh bộ đội Nguyễn Thắng hứa hẹn cho chúng ta những trang cảm xúc với nhiều nguồn cảm xúc tích cực về cuộc sống này.

H.X.Đ