Nhà thơ Trăng Khuyết và “Trang thơ tình mùa hạ”

52

  NGUYỄN QUẾ

Nhà thơ Trăng Khuyết là một trong những gương mặt quen biết của làng thơ  Bình Dương trong nhiều năm qua. Năng lực sáng tác của chị đã được khẳng định qua tuyển tập thơ “Níu thu vào mộng”. Nội dung tuyển tập bao quát nhiều mảng đề tài, trong đó “trang thơ tình mùa hạ” là một trong những chủ đề tạo được ấn tượng trong lòng người đọc.

Tác giả Trăng Khuyết

Nói về việc lựa chọn bối cảnh tình yêu, nhiều người cho rằng đó phải là sắc thái lãng mạn của mùa Thu với lá phông vàng, với chiều “nắng nhạt” và những làn “mây nhè nhẹ”“gió hiu hiu” như Xuân Diệu, “ông hoàng thơ tình Việt Nam” đã viết, hay là mùa Xuân với không khí ấm áp, cây cối đâm chồi nẩy lộc, đất trời rực rỡ ngàn sắc hoa, biểu thị cho sự sinh sôi và hạnh phúc. Có người lại cho rằng, nói đến tình yêu là nói đến sự rung động, đồng điệu của hai con tim, hà cớ chi phải tính ngày, chọn tháng? Mỗi người một ý, chẳng biết nói sao cho vừa. Còn với nhà thơ Trăng Khuyết, chị bộc bạch nỗi niềm đắm say với “trang thơ tình mùa hạ” của tuổi học trò. Đối với những nam thanh nữ tú chuẩn bị rời ghế nhà trường phổ thông, lòng bâng khuâng trước “thuở” mới “bước vào yêu”, có gì đẹp đẽ, lưu luyến bằng cảnh vật, thanh âm mùa Hạ? Đó là mùa chia ly có tiếng ve kêu rả rích, có những cánh phượng hồng mang theo “nghìn giấc mộng”, có những đóa sen thắm tươi trong màu nắng tinh khôi… Trước không gian đặc biệt ấy, người thiếu nữ thấy lòng mình sao bỡ ngỡ và xao xuyến quá:

“Sương mai sớm khẽ khàng đón hạ

Gió ngỡ ngàng chợt lạ chợt quen

Nắng vàng ôm nhẹ cành sen

Nửa trao nhung nhớ… nửa nghèn nghẹn tim

Dẫu năm tháng trôi qua, những kỷ niệm ấy không phai mờ trong lòng nhà thơ. Chị cảm thấy nuối tiếc, bâng khuâng, muốn “mượn” những năm tháng tuổi trẻ để “cầm về hong lại” nghìn  giấc mộng đẹp cùng một chút hương của tình xưa:

“Một thoáng hạ rơi nghìn giấc mộng

Của thuở nào còn đọng hương xưa

Cho tôi mượn tuổi đón đưa

Cầm về hong lại cho vừa… tình ai”.

(Một thoáng hạ)

Nhịp điệu, âm hưởng của những câu thơ song thất lục bát như tạo nên không khí vừa trang trọng, vừa đằm thắm, tha thiết, giúp tác giả dãi bày nỗi niềm sâu lắng của mình. Sau những phút giây tình tự, chị thoáng hăm hở, ước ao:

“Về hạ xưa

Về tìm tuổi thanh xuân năm mười bảy

Tìm bóng dại khờ chia cắt nửa vầng trăng”

(Hạ năm 17 tuổi)

Tình yêu tuổi học trò tuy “dại khờ” nhưng thật đẹp và luôn gắn liền với không gian đầy thơ mộng. Nhớ về cảnh cũ, người xưa, chị tha thiết, bâng khuâng:

“Phượng hồng rụng đỏ mùa thương

Hỏi người

còn nhớ hạ vương lưng trời”?

(Phượng hồng rụng đỏ mùa thương)

Chẳng biết, chị “hỏi người”, “người” có nhớ hay chăng? Riêng mình, chị không thể nào quên những tháng ngày lưu luyến ấy. Chị tự bảo lòng:

“Em đi nhặt phượng chia lìa

Xếp đôi bướm hạ mang “dìa” ưu tư

Nhớ ngày xưa… chắc hình như

Cái câu ly biệt cũng từ trong mơ.”

Với nữ nhà thơ, mùa hạ đã xa luôn là quảng đời đầy ắp những kỷ niệm đẹp đẽ, để lại trong chị bao cảm xúc dạt dào, sâu lắng. Đó là những tháng ngày gắn bó với hình bóng người thương, với bao cảnh vật thân quen và những phút giây nhung nhớ. Nhưng tất cả đã thuộc về dĩ vãng. Chị tha thiết được sống lại những phút giây của “ngày xưa” ấy, dù chỉ là để “nhặt” những cánh hoa rơi:

“Một chút…

Một chút thôi nhé hạ!

Cho ta thương… ta nhớ ngày xưa

Đếm thời gian biết nói sao vừa

Người thương hỡi… em nhặt hoa làm kỷ niệm”

Lòng nặng mang nỗi niềm nhung nhớ, nữ nhà thơ cùng nhân vật trữ tình của mình tha thiết “gọi gió”, muốn được “vay một chiều mưa đổ” để tìm lại những phút giây mùa cũ nhưng ước nguyện khó thành:

“Một chút

Một chút hạ sao tình ta mải miết

Có còn chi

Thôi từ tạ phượng xưa ơi…”

(Một chút thôi… cho em về với hạ)

Gọi gió vay mưa không thể tìm về miền hạ gắn liền với bao kỷ niệm thân thương, nữ thi nhân đi đến bến cũ mong gặp lại những hình ảnh ngày nào nhưng vô vọng:

“Em về thăm lại bến xưa

Nhặt sầu ký ức rụng vừa sáng nay

Sông kia lạc kiếp u hoài

Hỏi mùa kỷ niệm trôi bay phương nào?”

Một câu hỏi đầy nỗi niềm sâu lắng mà chưa có lời giải đáp. Lòng người không khỏi xao xuyến, bồi hồi trước nỗi lạc lõng, cô đơn của những cánh phượng già nổi trôi giữa dòng sông – dòng thời gian và không gian xa vời vợi. Nhưng ngay cả cảnh ấy cũng chỉ là sự tưởng tượng pha chút hoài niệm xót xa:

“Phượng già một thuở cuối trời

Cánh hoa đỏ rụng chơi vơi giữa dòng”

(Chuyến đò đưa em vào hạ)

Tấm lòng thi nhân thật mặn nồng, tha thiết, nhưng tình mãi còn đâu như thuyền lạc bến? Trước nỗi niềm vô vọng ấy, người đành tự ru “nửa khúc tự tình”:

“Tình xưa

lạc bến giang đầu

Lỡ quên uống cạn giọt sầu thế nhân.

Mượn chiều sương bạc phù vân

Ru ta vào mộng…

đường trần…

ru ta…”

(Ru ta)

Với câu lục bát biến thể, ngôn ngữ, nhịp điệu lời ru như vừa khắc sâu, vừa lan tỏa trong cõi lòng người thi sỹ. Nhưng càng ru, càng tỉnh. Một ngày, nhà thơ đành “xếp lại” tiếng lòng mình:

“Em xếp lại trang thơ tình mùa hạ

Có phượng hồng nhuộm cả một trời thương

Có hoa rơi lác đác ngủ ven đường

Che dấu chân tròn vương trên ngọn cỏ”

Dẫu đã quyết “xếp lại” bao nỗi niềm của những ngày tháng cũ, chị vẫn không thể nào quên trang mực tím học trò, và nhớ mãi đêm mưa lạc lối, nhớ “Bàn tay nắm nao nao đêm hò hẹn”, nhớ “Nhành phượng đỏ giấu nụ cười bẽn lẽn/ Trộm nhìn nhau len lén tuổi đôi mươi”… Tuổi học trò cùng mối tình của quãng đời đầy mộng mơ ấy thật đẹp nhưng cũng thường để lại bao nỗi “buồn dang dở” không thể phôi phai, và cảnh cũ, người xưa vẫn vương vấn mãi trong lòng thi nhân. Nhưng buồn mãi cũng chẳng giải quyết được gì nên người thơ đành“khép tuổi buồn một thuở bước vào yêu” :

“Hạ thương ơi… gửi lại lối cỏ mềm

Lời yêu dấu ru đêm… đêm vào hạ”

(Trang thơ tình mùa hạ)

Chất chứa bao nỗi niềm sâu lắng, trang thơ tình mùa hạ của Trăng Khuyết là những hoài niệm đầy xao xuyến, bâng khuâng về mối tình của tuổi học trò mười bảy, đôi mươi. Mối tình ấy thật trong sáng, đắm say và thơ mộng nhưng mang“nỗi buồn dang dở”, được tác giả thể hiện qua những câu thơ đầy xúc cảm, và có lẽ, qua đó, chị cũng đã nói thay nỗi lòng của bao người khác. Tuy “mộng ước không thành” nhưng đó mãi mãi là kỷ niệm đẹp trong cuộc đời của mỗi người. Cũng chính vì vậy, nó góp phần hướng lòng ta vươn tới những giá trị cao quý hơn trong cuộc sống.

Trong quá trình sáng tác, nhà thơ Trăng Khuyết đã sử dụng khá nhuần nhuyễn các thế thơ và thủ pháp nghệ thuật truyền thống, đồng thời có những sáng tạo của riêng mình. Tùy từng văn cảnh, từng sắc thái tình cảm, chị sử dụng những hình thức khác nhau. Khi là những câu lục bát uyển chuyển, nhẹ nhàng. Khi là lục bát chuyển thể để tăng độ nhấn. Lại có khi là song thất lục bát mang hơi hướng thơ ca diễn ngâm; hay thơ tự do, bảy chữ, tám chữ phóng khoáng… Đọc thơ chị, thi thoảng ta bắt gặp những câu, từ khá ấn tượng như “nắng vàng ôm nhẹ cành sen”, hay trạng thái “ngủ” của những cánh hoa rơi ven đường… Bằng khả năng quan sát đầy tinh tế và nhạy cảm của mình, tác giả còn phát hiện được bức tranh tuyệt vời: Khi ngủ, những cánh hoa kia đang vô tình“che dấu chân tròn vương trên ngọn cỏ”. Đó là một hình ảnh đẹp và rất lãng mạn.

Thơ Trăng Khuyết giàu hình ảnh và nhạc điệu. Ngôn ngữ trong tác phẩm của chị phong phú, sinh động, uyển chuyển, nhiều lúc trang trọng và có sức lan tỏa. Đọc thơ chị, ta cảm nhận được những rung động của một hồn thơ giàu xúc cảm.

Tuy nhiên, bên cạnh những cái đẹp, cái hay của tác phẩm, thi thoáng ta bắt gặp một vài từ ngữ, hình ảnh chưa thật hòa nhập với toàn cục. Ví như khi đọc câu “vầng trăng khuya mượn giấc mộng gối đầu”, hay những cụm từ “ngàn năm tao ngộ”, “giọt sầu thế nhân”, “sương bạc phù vân”, người đọc dễ cảm thấy câu thơ chưa được khoáng đạt, còn cũ kỹ chưa phù hợp với ngôn ngữ hiện đại. Có lẽ, đó cũng là điểm chung của cả tập thơ. Phải chăng Trăng Khuyết muốn tạo nên một không khí thơ thật đặc biệt, có cả những chuẩn mực, biểu tượng xưa và nay để dãi bày bao nỗi niềm chất chứa trong lòng? Dẫu sao, đây chỉ là những vết gợn nhỏ. Thành công là nét chủ yếu và rất đáng trân trọng trong thơ chị nói chung và ở trang thơ tình mùa hạ nói riêng.

N.Q