Nhà văn Phi Vân – Hồn cốt thôn làng

1925

(Vanchuongphuongnam.vn) – Bộ phận văn học ở các tỉnh phía Nam từ trước năm 1945 được coi là có những  đóng góp đáng kể vào nền văn học nước nhà. Bên cạnh Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam… nhà văn Phi Vân dù viết không nhiều, vẫn để lại dấu ấn đặc biệt về những tác phẩm mang tính hiện thực về đời sống dân quê Nam bộ: Đồng quê (1942), Tình quê (1949), Cô gái quê (1950), Dưới đồng sâu, Nhà quê trong khói lửa (1950). Dù Phi Vân khiêm tốn cho mình chỉ là nhà báo viết phóng sự, nhưng tác phẩm của ông vẫn có giá trị văn chương, được công chúng, và các nhà phê bình văn học đánh giá cao. Đó những bức tranh làm tái hiện đời sống người dân quê Nam bộ thời thực dân phong kiến từ trước cách mạng tháng Tám.

Nhà văn Nguyễn Thanh.

Tây Đô, đất nước cầm thi, không chỉ sung túc với gạo trắng nước trong mà còn rạng rỡ với nền văn học nghệ thuật đã có những thành tựu đáng kể lưu lại trong lịch sử văn hoá nước nhà. Cần Thơ văn vật không thiếu những văn nghệ sĩ yêu nước như Phan Văn Trị (1830-1910), Bùi Hữu nghĩa (1807-1872), Lưu Hữu Phước (1921-1989), Mai Văn Bộ (1918-2002),.. Năm 1943, bác sĩ Lê Văn Ngôn (?-1976), Hội trưởng Hội Khuyến học Cần Thơ, lúc bấy giờ, đã tổ chức trọng thể Cuộc thi Văn chương nhằm mục đích tôn vinh và tặng thưởng cho những danh sĩ có tác phẩm giá trị và cuộc đời đã tận tụy với sứ mệnh cao cả của người cầm bút. Phi Vân, với tiểu thuyết Đồng quê, là nhà văn đã danh dự đoạt giải thưởng văn chương cao quý năm ấy.

Nhà văn Phi Vân (1917-1977) có tên thật là Lâm Thế Nhơn. Sinh ra trong một gia đình trung lưu, ở tỉnh Bạc Liêu. Thuở nhỏ Lâm Thế Nhơn học ở quê nhà, sau lên học trường Trung học Cần Thơ (Collège de CanThơ). Yêu văn chương, ông bắt đầu cầm bút cộng tác với nhiều nhật báo và tạp chí ở Trung và Nam: Tiếng chuông, Tiếng dân, Dân chúng,… Sau cách mạng tháng Tám, ông lên Sài Gòn sống bằng nghề cầm bút, sáng lập tờ Thủ đô thời báo, làm Chủ bút một số tờ báo có tuổi thọ không dài. Sau hai truyện vừa viết đăng báo viết vào khoảng năm 1941: Trên bãi cát vàng và Chim trời bạt gió thuộc loại phiêu lưu tình cảm, Phi Vân chuyển sang viết quyển tiểu thuyết phóng sự Đồng quê (1942), tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi văn chương “Bùi Hữu Nghĩa” của Hội Khuyến học Cần Thơ năm 1943 do Bác sĩ Lê Văn Ngôn thành lập ở cương vị là Hội trưởng. Hội Khuyến học Cần Thơ (1943) được coi là “Tây Đô Văn đoàn” đã hoạt động văn học mạnh mẽ vào thời gian ấy cùng một số nhà giáo, nhà văn và trí thức tiến bộ như : 1). Giáo sư Nguyễn Văn Kiết (1906- 1987), bút danh Tây Đô Cát Sĩ, là một trí thức-chính khách kháng chiến đã tham gia suốt hai thời kỳ- nguyên Phó Chủ tịch  nước Cộng hòa Lâm thời miền Nam Việt Nam kiêm Bộ trưởng Giáo dục và Thanh niên. 2). Bác sĩ Lê Văn Ngôn, bút danh Bảo Hương, bào đệ của nhà nghiên cứu Lê Thọ Xuân, gốc người Bến Tre, là một trí thức yêu văn chương đã xuất bản nhiều tác phẩm: Nợ Vu Sơn, Bệnh ho lao,… 3). Nhà thơ Tố Phang, tức là GS. Thuần Phong Ngô Văn Phát (1910-1983). 4). Trúc Đình (?)…..5). Kiều Thanh Quế ( 1914- 1947), lúc này đang bị thực dân Pháp quản thúc tại Cần Thơ.  Bác sĩ Lê Văn Ngôn, nguyên soái của Tao đàn Tây Đô đã cổ xúy trùng tu mộ phần nhà thơ Bùi Hữu Nghĩa và cho xuất bản tờ đặc san Xuân Tây Đô cùng vào năm 1943 (Xuân Quý Mùi), làm sôi động không khí sinh hoạt văn học nghệ thuật một thời tại Cần Thơ.

Sự nghiệp văn học của nhà văn Phi Vân hình thành trên một loạt tác phẩm mang chủ đề về đời sống, cùng với nỗi lo lắng, buồn vui của người nông dân Nam bộ  trước năm 1945. Tiểu thuyết “Đồng  quê”, gồm 16 truyện. Tiêu biểu là các truyện: Dưới đồng sâu, Trao thân con khỉ mốc, Các trò ơi, thầy phen này thọ tử, Muốn ăn trứng nhạn, Đạo phù thần,…được giải thưởng văn chương Bùi Hữu Nghĩa (năm 1943) là bức tranh hiện thực xã hội đậm nét, mô tả tình cảnh sinh hoạt của người dân quê dưới chế độ thực dân phong kiến đương thời.

Trong truyện “Đạo phù thần”, “Chú Sáu đờn kìm vì tin mê vào khả năng huyễn hoặc của “thầy”, của bùa chú… để rốt cuộc mẹ mình phải chết một cách “lãng nhách” và bản thân chú Sáu phải bị tù biệt xứ. ‘Ông chủ’ trong truyện phản ánh trung thực lòng dạ bạc ác của đa số điền chủ ở miệt vườn ngày trước. Với lòng dạ thâm độc mưu mô, họ bất chấp luật lệ, đạo đức, coi thường lương tâm, phẩm giá con người miễn sao có được nhiều giấy xăng (cent: 100 đồng/piastre), ruộng đất, thỏa mãn tình dục bằng cách lợi dụng các cô thôn nữ thật thà, chất phác ở làng quê.  Bọn trai làng thường kết bè tụ tập, khi đố kỵ thì thanh toán nhau chẳng chút khoan nhượng. Dù vậy, trong khung cảnh bao la sông nước ruộng đồng, cũng diễn ra tích cực sinh hoạt văn hóa dân gian như : hát bội, cải lương, cúng đình; nhưng những đám cưới hỏi thì phải dựa theo con nước mà đưa rước, đi về…

Trong truyện của nhà văn Phi Vân, độc giả thấy được mảng ánh sáng nhân văn tốt đẹp lấp lánh sau những trang văn mộc mạc chân thành. Đó là tinh thần tôn sư trọng đạo trong  tác phẩm được kịch bản hóa “Các trò ơi, thầy phen này thọ tử” phản ánh được nét son trong đời sống tinh thần của người dân quê ít học là bao giờ cũng đặt đạo đức, lễ nghĩa lên hàng đầu. Như một họa sĩ tả chân, nhà văn Phi Vân đã sử dụng ngòi bút điêu luyện của mình thay thế cho cây cọ vẽ nên một bức tranh đầy màu sắc về làng quê giăng mắc sông ngòi kênh rạch Việt Nam nơi vùng đất tận cùng của tổ quốc. Nhà văn đã làm nổi bật phong cách nghệ thuật trong truyện này bằng một bút pháp trong sáng, dung dị mà sâu lắng tình cảm của một con người từng gắn bó với sông nước, đồng ruộng miệt vườn như mình. Có thể minh họa bằng đoạn văn tả cảnh một đám rước dâu cách nay sáu bảy thập niên. Họ đàng trai, sau hai ngày ngồi bó chân trong tàu, qua những kênh rạch nơi miền Cà Mau, ‘muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh’, bên nhà trai tới nhà gái, và bị nhà gái bo bo giữ hũ tục mà bắt bẻ từng chút: “Tàu ghé bên cái cầu có nhà mát. Cả đoàn lần lượt lên bờ và sắp hàng có thứ tự đi vô sân… Họ đàng trai vẫn đứng ngoài chờ. Hương Ba nóng ruột : – Mẽ ! Tại sao không có người ra mời ? Một câu nói trịnh trọng trong nhà khách đưa ra dường như để trả lời: – Bây ra ngoài mời họ đàng trai đứng chờ đấy. Chưa tời giờ đâu ! Chưa tới giờ ! Mấy tên bưng mâm chán nản. Thằng Trí lẩm bẩm: – Đợi tới giờ thì gãy mẹ cái tay đi còn gì ! Mỏi thấy tổ rồi đấy”.

Truyện “Dưới đồng sâu” mô tả một vùng đất sinh lầy tại Bạc Liêu, trong đó có những xóm làng mới mọc lên bên bờ kênh rạch mà việc đi lại phải dùng ghe xuồng. Dân nghèo ở đây sống bằng cách đi mướn ruộng của những chủ đất với địa tô rất nặng. Trong hoàn cảnh này, đàn bà có nhan sắc dễ bị chủ ruộng lợi dụng cưỡng hiếp.  Nhân vật Sáu trong truyện là một tá điền nghèo khổ, mẹ bị địa chủ giở trò hiếp đáp, vợ lão theo rình, sai người ở trói bà vào cột, đánh chết. Uất ức đến bầm gan tím ruột, Sáu quyết báo thù cho mẹ, nhưng việc chưa thành đã bị lãnh án tù 15 năm. Cái hay của truyện là Phi Vân đã xây dựng được những hình tượng nhân vật chất phác cần cù biết đem sức lao động của mình ra để chiến thắng thiên nhiên khắc nghiệt, muỗi mòng, thú dữ nơi vùng đất mới, và không ngừng đấu tranh với chủ đất để giành cho được  miếng cơm manh áo. Họ là những con người bản tính bộc trực, ngang tàng mà coi trọng đạo nghĩa, rất Nam bộ chẳng khác nào những nhân vật: Vương Tử Trực, Hớn Minh trong Lục Vân Tiên của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888). Dù sống cực khổ, bị chèn ép, bóc lột, họ vẫn là người tốt trong gia đình với cha mẹ anh em, lao động cần cù với tinh thần lạc quan, yêu đời và có tài năng. Sáu, Tám Én, Tư Bồ là những nhân vật đáng trân trọng vì không những biết chơi hay đàn kìm, ca vọng cổ mùi mẫn mà còn giỏi võ nghệ. Cái đáng thương ở họ là thường bị thất học, mê tín dị đoan, và ăn nói cục mịch không văn vẻ như nhiều người có hoàn cảnh may mắn trong xã hội. Đọc lại Dưới đồng sâu của nhà văn Phi Vân, ta nhận ra được sự mâu thuẫn gay gắt giữa tầng lớp nông dân – địa chủ ở làng quê và thái độ phản kháng quyết liệt của thành phần bị áp bức.

Những truyện Muốn ăn trứng nhạn, Trao thân con khỉ mốc trong tiểu thuyết “Đồng quê” vẽ ra cảnh thiên nhiên hoang dã, sông rạch bùn lầy ở Cà Mau với lắm câu chuyện cười ra nước mắt, khiến cho người đọc không tránh khỏi ngạc nhiên, xúc động. Muốn thoát khỏi đi cảnh bị bọn cướp chặn ghe rước dâu để hốt nữ trang vàng bạc (Muốn ăn trứng nhạn) ắt phải tạo ra một đám cưới khác kiểu đời thường (Trao thân con khỉ mốc) để bắt cô dâu đi một cách thần tốc trong khoảnh khắc chớp nhoáng. Bởi lẽ nếu cử hành bình thường, đợi đến giờ lành e gặp phải sự cố không hay.

Sau tiểu thuyết Đồng quê, truyện Tình quê nổi bật lên tinh thần yêu nước của lớp thanh niên làng quê khi gặp cơn quốc biến qua không gian sinh hoạt nông thôn. Truyện kể: con trai thiếm Hai Tý là Giác một thanh niên nông dân hiền lành khỏe mạnh, yêu cô Nhạn là con của ông Hương Kiểm trong làng và được cô Nhạn đáp lại tình cảm. Ông Hương Kiểm là người lúc nào cũng nghĩ đến quyền lợi riêng tư của mình nên ra điều kiện: Ai muốn cưới con gái của ông phải ở rể hai năm. Anh Giác bằng lòng với điều kiện này vì quá yêu Nhạn. Sợ không được vợ, anh Giác phải ra sức lao động thái quá nên đâm ra bị bệnh, làm việc nặng nhọc không nỗi. Thấy thế, ông Hương Kiểm trả anh về nhà để gả Nhạn cho một thầy giáo tư đang dạy lớp vỡ lòng cho con trai ông. Tính thâm độc, khi cô Nhạn không chịu, ông Hương Kiểm bố trí cho anh chàng nhà giáo vô luân này giở trò sở khanh ngay trong nhà mình để buộc Nhạn phải phục tùng. Bị làm nhục, Nhạn quyết trốn đi mất trước ngày cưới. Ông Hương Kiểm bí thế, tìm cách bắt Giác bỏ tù. Tình hình chính trị chuyển biến mau lẹ, lực lượng thanh niên cách mạng nổi dậy giành lấy chính quyền, ông Hương Kiểm mất chức. Con trai lớn ông Hương Kiểm từ trên rẫy về hiến ruộng và lúa cho chính quyền mới. Nhưng ông vẫn u mê, muốn đòi lại của cải của mình. Giặc thù đến ruồng bố, vợ con ông chết và ông cũng bị thương nặng. Trước khi chết, ông Hương Kiểm gặp lại con gái là Nhạn bây giờ làm nữ cứu thương và Giác là tự vệ trong lực lượng cách mạng. Ông tỏ ra vô cùng hối hận, ngỏ lời xin lỗi con và rể, mong hai người đẹp duyên với nhau để ông vơi bớt nỗi giày vò trong lòng. Nhưng trong tình thế nhạy cảm của đất nước, Giác và Nhạn không còn kịp nghĩ đến chuyện tình riêng. Hai người vội vã chia tay nhau đi làm ngiệm vụ. Truyện Tình quê của nhà văn Phi Vân khiến ta nhớ đến vở kịch thơ có nội dung tương tự: Le Cid của thi hào Pháp Pierre Corneille (1606-1684) với đôi thanh niên nam nữ: Rodrigue và Chimène, một tác phẩm nổi tiếng trên thế giới cũng đã được Hồ Biểu Chánh (1885-1958) và một tác giả tuồng Hát bội phóng tác.

Nền văn học phê phán đã có những ngòi bút sắc sảo của Nam Cao (1917-1951) trong Chí Phèo, Nguyễn Công Hoan (1903-1977) trong Bước đường cùng, Ngô Tất Tố (1894-1954) trong Tắt đèn,…Ở miền Nam, ngoài Hồ Biểu Chánh trong Cha con nghĩa nặng,…  mộc mạc trong những truyện mang chủ đề luân lý được phỏng theo tác phẩm phương Tây, nhà văn Phi Vân được coi là một tiểu tuyết gia phóng sự với những tác phẩm tập trung vào chủ đề nông dân ở vùng đất Mũi Tây Nam bộ. Với lập trường dân tộc vững vàng và một bút pháp chuẩn mực, Phi Vân tỏ ra khá gần gũi với Sơn Nam () trong Tìm hiểu đất Hậu Giang,.. Xoay quanh quỹ đạo chủ đề tư tưởng về nông thôn trước năm 1945, nhà văn Phi Vân đã để lại những tác phẩm giá trị mang dấu ấn hồn cốt của thôn làng Nam bộ. Nhận định về nhà văn Phi Vân, GS. Nhà phê bình văn học Trần Hữu Tá có ý kiến: “Về chặng đường 15 năm cách mạng tháng Tám (1930-1945), một giai đoạn phát triển rất tốt đẹp của văn học Việt Nam hiện đại, sẽ không có bức tranh hoàn chỉnh nếu không khẳng định những mặt đóng góp tích cực của Phi Vân – một Ngô Tất Tố của miền Nam – giúp chúng ta cảm nhận những nét đặc sắc, độc đáo của nông thôn”.

Nguyễn Thanh