Thằng mực – Truyện ngắn của Nguyễn Thanh

777

(Vanchuongphuongnam.vn) – Khi còn bé tí, người ta gọi Nam là thằng Mực. Dù nước da Nam không đen đúa như Táo quân, đầu óc nó cũng chẳng tối tăm như Uất Trì Cung. Đằng khác, ngay từ lúc còn nhỏ dại, Mục sở hữu lớp da trắng trẻo và khuôn mặt sáng đẹp, tính lại hiền hòa dễ thương dưới mái tóc gợn sóng bồng bềnh. Bác Chín Hậu đặt tên nó như vậy bởi lẽ nó là đứa con trai cầu tự của vợ chồng bác. Cha Mực ăn hương quả, giữ nhà thờ, phải cúng kiến ông bà và lo chuyện con cháu nối dõi tông đường. Anh hai Mực không may mất sớm trong lúc chị Ba chị Tư Mực gần đến tuổi cập kê nay mai cũng phải lấy chồng xa hai vợ chồng bác Chín và các em. Do vậy, có được Mực, bác Chín cố làm sao giữ được đứa con trai cầu tự cho ấm áp cửa nhà. Đặt tên Mực, chó mực, loài thú đen đúa xấu xí cho yên lòng không sợ quỉ tha ma bắt.

– Tôi đặt tên con là Mực nghe bà! Bác Chín Hậu vui mừng nói với bác gái khi vừa nhận ra đứa bé mới chào đời là con trai, sau bữa bé Mực còn đỏ hỏn từ bảo sanh viện về nhà.

– Sao cũng được mà, tùy ông… Bác chín gái chậm rãi nói với chồng. Vốn thương chồng, lúc nào bác chín gái cũng chìu chuộng, nghe lời chồng. Mọi việc quan trọng trong nhà, ngoài ngõ, bác chín gái đều nhường cho chồng một mình tự do quyết định. Bác trai hỏi ý kiến vợ xuất phát từ lòng yêu thương người đấu ấp tay gối với mình, chứ ông cũng thừa biết rõ ý của vợ luôn dành sẵn cho mình đặt tên con rồi.

– Tôi vui quá ! Lo lắng cho bà  mấy bữa nay bụng dạ không yên. Vừa kéo tấm chăn đấp chân lại cho cho đứa con đang nằm híp mắt ngây thơ ngủ trên giường, bác Chín Hậu vừa nói vừa nghĩ lại càng thương vợ. Người đàn bà mỗi lần sinh con có thể gặp không ít nguy hiểm như một lần đi sông đi biển. Bây giờ thấy vợ sanh mẹ tròn con vuông, bác tỏ ra vui mừng khôn xiết!

Không gian bên ngoài báo hiệu với tiếng chim heo kêu eng éc cho biết đêm bắt đầu sang canh năm khiến bác chín Hậu, ba Mực trở mình thức giấc. Loay hoay chưa tỉnh ngủ, huơ tay sang cạnh bên, bác chín hoảng hồn khi nhận ra thằng Mực con mình không có trên giường. Linh cảm khiến ông tốc mùng, nhanh nhẹn không kịp xỏ chân vô đôi guốc vông, và chẳng đốt lên được chiếc đèn dầu mù u, ông chín bươn bả đi vội một mạch xuống chiếc cầu ván cũ dưới bến sông vì linh cảm nó đi sông. Gần đến cầu, trong bóng đêm lờ mờ, ông chín nhận ra hai chiếc dép và có tiếng lỏm bỏm dưới sông. Hành động như phản xạ, ông chín hoảng hồn chạy đến cầu, lao vội xuống vùng nước óng ánh trên mặt gần bên cầu. Nhanh nhẹn, bác Chín đoán thầm trong óc: chắc chắn rồi.

Hôm ấy, mùa nước lớn, sông Cái Tắc sâu hơn khiến bác chín Hậu bị nước ngập sâu đến càm. Nhưng cũng may, thằng Mực mới uống vài hớp nước… đã được cha nó nhảy ùm xuống sông cứu kịp. Hóa ra buồi chiều hôm trước, ngon miệng ăn nhiều sầu riêng nên gần sáng chột bụng, nó phải đi cầu. Mực vịn thành cầu, miếng ván cũ long mối nối bị sút khiến nó bất ngờ rơi xuống nước.

Mấy hôm sau ngày té sông uống mấy hớp nước… may mắn được cha vớt kịp, Mực bị cảm nóng mê man, nằm một chỗ không chạy chơi được. Ở nhà luôn dự trữ sẵn mấy gói thuốc tàu Đầu thống tán và một ống Aspirine trong tủ, bác chín lấy ra cho con uống, nhưng bệnh Mực vẫn không thuyên giảm. Mới lên năm, nó chỉ nằm suốt ngày trên giường chỉ ăn ít cháo, mà chẳng nói gì nhiều, khiến cho cha mẹ nó lo lắng không yên. Có người mách là sợ bị bà Thủy, Hà Bá quỡ vì té sông. Cha mẹ Mực chạy tìm pháp sư về bắt bàn ngoài, rồi cho pháp sư đến tụng kinh, hô thần gọi quỷ, rồi đốt vàng mả đỏ rực con đường từ nhà đến sông. Hai vợ chồng bác Chín đốt đèn hương khấn vái ông bà tổ tiên, thầy pháp kể lể trần tình …mấy đêm nhưng nó không hết bệnh. Mực vẫn nằm liệt giường, bỏ ăn uống, mỗi ngày một ốm xanh, bệnh tình không thấy thuyên giảm khiến cha mẹ, anh chị nó xót xa trong lòng, ăn ngủ không yên. Bác Năm hàng xóm đến thăm, gợi ý  bác Chín đưa Mực đến bà Đính, một bà lang già xuất thân là một nữ hành khất ăn mặc luộm thuộm lôi thôi dưới gốc cây me cổ thụ, bên xóm trên để trị bệnh cho Mực. Kỳ diệu thay, Mực uống thang thuốc thứ hai thì bệnh giảm dần, đến thang thứ ba thì hoàn toàn hết bệnh. Bác chín đem một con gà trống và một chục vú sữa lớn đền ơn nữ thần y tài danh trước khi nhận lời phán thêm của bà Đính:

– Về nhà chọn ngày lành tháng tốt thí phác đầu Mực thành ba vá, để không bị cõi âm quấy phá.

Về nhà, bác chín Hậu nghe lời bà lương y đã trị hết bệnh đứa con trai cưng của mình. Mực trở thành thằng bé đầu trọc ba vá, như chú tiểu nhà chùa. Như bao khách thập phương khác, bác Chín đi cúng chùa ngày rằm, ba mươi hay ngày lễ Phật. Mực mang bánh trái lẽo đẽo theo sau cha không quên đeo trước ngực lá bùa hộ mạng, đựng trong bao giấy đỏ nhỏ bà Đính ban cho. Lá bùa như một vật bất ly thân Mực mang nó cho tới khi bắt đầu ra tỉnh học mới thôi vì ngại bạn bè trông thấy.

Trời ngã xế tà ở miền quê. Những cây mận um tùm sau vườn đứng im lìm đợi gió, đổ từng vũng bóng đen mờ như những vết dầu loang trên mặt đất khô khan, thỉnh thoảng rời rạc buông ra âm thanh xạc xào của những chiếc lá khô, lịm dần trong không gian vắng lặng. Đám giỗ nội Nam đông đủ vui vầy ở nhà bác chín sắp tàn, bà con chuẩn bị ra về. Bỗng có tiếng la hớt hải của mấy đứa nhỏ bạn bè của Nam, mặt mày tái mét từ sau vườn nhà người hàng xóm chạy về báo tin với bác chín:

– Thằng Nam bị chó cắn rồi!

Mọi người trong nhà hốt hoảng, Bác chín gái nghe tin như muốn đứng tim, từ trong nhà kêu với bác trai:

– Ông ơi, đi coi thế nào. Ba thằng Nam mau đi. Bác gái giục giã thêm.

Đang tiễn bà con dự tiệc ra về, bác chín Hậu mất hồn, vội vã chạy nhanh ra sau vườn nơi có tiếng trẻ nhỏ báo tin. Bác chín nhảy vội như phản xạ để vượt qua mấy cái mương cau rộng để tìm Nam. Bác chín cảm thấy tim đập mạnh, mắt rung rưng khi tìm gặp được Nam. Thằng bé nằm dài trên cỏ, miệng la khóc, một tay ôm bên mông bị chó cắn. Máu đỏ chảy loang từ vết thương ra ngoài, rịn ướt đỏ cả đít quần và chảy tràn lên bàn tay nhỏ bé của nó. Hóa ra, ngày giỗ trong lúc bà con, người lớn sau buổi tiệc xúm xít nói chuyện, Nam và một vài anh em cùng lứa trong họ rủ nhau đi lượm trái dâu sau nhà bà Năm Ốm hàng xóm. Đám con nít vô vườn bị con chó Vện to kềnh như con sư tử của bà Năm rượt đuổi. Tranh nhau chạy, Mực nhỏ nhất trong đám, lại ốm yếu, chạy sau cùng vấp té ngã nằm bệt xuống đất, bị con chó dữ đuổi kịp, cắn sâu một miếng vào mông trong lúc các bạn nó chỉ biết chạy về nhà khóc thét báo tin. Bác chín luồn hai cánh tay lao động cuồn cuộn gân xanh dưới thân Mực, bồng xốc nó lên ột ệch lội qua những con mương về nhà.

Nhà bác chín xì xào trong cảnh chia tay giữa thân nhân sau lễ giỗ. Nơi một góc nhà, đau đớn Nam nằm thiếp đi trên bộ ván. Bà con lo lắng, nhiều người ở nán lại không về để tiếp bác chín lo chạy chữa cho Nam. Theo kinh nghiệm nhân gian có người mách, bác chín Hậu nhận mấy trái chuối ta chín muồi ra trước mái nhà với một gáo nước mưa. Vẻ mặt lo lắng, bác chín dùng tay phải,lấy hết sức bình sinh hất nước trong gáo lên mái ngói rồi đón xem nước chảy xuống chỗ nào trên mặt đất. Thấm nước, đất mềm, bác chín lấy con dao yếm khựi đất lên, đem nhào trộn đều với chuối chín, đấp vào vết thương bị chó cắn sau khi lau sạch lớp máu hoen đọng.

– Nghe bớt đau chưa con ? Nghe bác trai gọi con trai đang nằm rên ư ử, đang dọn dẹp từ sau nhà bếp, Bác chín gái bỏ hết mọi việc đi nhanh lên hỏi Nam. Thằng bé từ ban sang chưa ăn uống gì, vẫn nằm thiêm thiếp không trả lời, khiến người mẹ trong lòng càng thêm lo lắng. Bà con hàng xóm nghe tin Nam bị chó cắn, đến thăm càng lúc càng đông và không ngớt góp ý tìm cách chữa trị cho Nam.

Vừa hết canh ba ngày hôm sau, để yên tâm, vợ chồng bác chín Hậu dùng chiếc ghe tam bản nhà, mướn người chở Nam ra tỉnh Cần Thơ. Nằm khiêm tốn bên mấy gốc dừa lão và cây bã đậu, nhà thương Bùi Hữu Nghĩa dạo ấy còn lèo èo mấy dãy trệt, thiếu thốn nhiều phương tiện thiết bị y khoa. Đội trời đêm, chiếc ghe tam bản kẻo kẹt chở Nam, theo sông Trà Mơn vượt qua sông Hậu đến Cần Thơ vào buổi sáng. Sau khi bác sĩ chuyên khoa bệnh viện quan sát kỹ vết thương bị chó cắn khám bệnh cho Nam, nó được uống thuốc giảm đau và một cô y tá chích luồn dưới da (injection sous-cutanée) nơi rốn Nam một mũi thuốc bằng cây kim dài trông phát sợ khiến nó nhăn mặt chịu đựng nhưng không khóc. Nam được cho về phòng tạm chờ xét nghiệm trong tình trạng không bắt được con chó dữ mang theo. Buổi chiều hôm ấy, bác sĩ chuyên khoa tái khám Nam cho biết con chó cắn Nam có nọc dại nguy hiểm. Nam phải nhập viện để bác sĩ thường xuyên theo dõi bệnh tình đúng chế độ điều trị. Biết tính thích yên lặng, rất sợ cảnh ồn ào nơi đông người và không khí ngột ngạt ở bệnh viện, bác chín Hậu thương con, xin cho Nam được ngoại trú.

Thời gian điều trị hơn ba tháng vì bệnh ác, bác chín gái và các chị thay phiên nhau ở lại bệnh viện với Nam. Mỗi lần ra tỉnh, bác chín phải nhiều lần thuê người chèo ghe từ nhà ròng rã hơn mười cây số vượt sông lớn ra bệnh viện tái khám cho con. Dọc đường, đôi lúc bệnh làm Nam đau đớn, rên khóc khiến lòng bác chín cũng bầm gan tím ruột với con. Sang tỉnh chích thuốc được mấy lần, bệnh Nam xem ra có phần thuyên giảm, được bác sĩ cho Nam xuất viện. Trên đường về nhà sau khi chích thuốc xong tại nhà thương, bỗng Nam kêu than đau nhức, lăn lộn  trên ghe. Đôi lúc nam ngất lên người ta bảo là bị ngộp nước khiến bác chín lo lắng, nghĩ là có thể nọc dại con chó hành nó. Về nhà, thấy Nam lại trăn trở, khóc la lúc bệnh hành, hai vợ chồng bác chín lo xa, định đưa Nam lên viện Pasteur Sài Gòn tiếp tục chữa bệnh cho con trai với suy nghĩ còn nước còn tát.

Nhưng mấy hôm sau, không ngờ Nam có biểu hiện hết bịnh, hai vợ chồng bác chín các chị thở phào nhẹ nhõm, vui mừng khôn xiết. Bác chín gái, theo lời dặn của bác sĩ, hết sức kỹ lưỡng cho con trong việc ăn uống, tuyệt đối cử đậu xanh và giá với người bị chó dại cắn. Thương con, bác gái chỉ cho Nam ăn thịt nạc heo và tìm mua cá lóc nấu cháo bồi dưỡng cho con mau phục hồi thể lực, chuẩn bị cho Nam đến trường. Cảm thấy vô cùng sung sướng chờ ngày khai trường, Nam nghêu ngao hát suốt ngày khiến cả nhà cũng vui lây với nó. Thoát được bệnh bị chó cắn, niềm vui được đi học chưa được bao lâu, Nam bắt đầu bị bệnh suyễn do hệ lụy từ khi bị cắn bởi con chó có nọc dại. Bệnh suyễn ác độc bắt đầu hành hạ Nam tàn tệ với cơn hen khó thở mỗi khi thời tiết trở lạnh nhất là lúc vào đông hay bắt đầu vào mùa nước lớn. Khi bị kéo đờn cò (lên cơn hen), ban đêm Nam phải dựa vào vách nhà hoặc gối dựa để ngủ ngồi mới thở nhẹ được đôi chút ! Nhiều đêm khi thấy con bị bệnh, bác chín Hậu phải ngồi sát bên, đỡ cho Nam ngủ. Ăn uống lại phải hết sức cử kiên, không được ăn đồ lạnh bụng, trứng gà, thịt bò…

Cách mạng tháng tám thành công, muôn người vỡ òa với niềm vui chiến thắng của dân tộc chưa được bao lâu, thực dân Pháp quay đầu trở lại mưu toan tái chiếm Nam bộ. Thanh niên lên đường đuổi giặc cứu nước, trường học Tân Quới bị ngoại xâm bắn phá tan tành. Tới tuổi đến trường nhưng Nam phải ở luôn tại nhà vì chiến tranh. Nam bị trễ hai năm mới bắt đầu đi học tại một ngôi chùa cổ làm tạm trường học gần nhà lồng chợ xã. Hằng ngày, vẫn với cái đầu ba vá và bộ đồ bà ba đen, và để uống khi cơn suyễn lên đột xuất, Nam đi học với bọc tiêu và chai thuốc suyễn : Nhơn sâm trừ đàm hạ khí hiếu suyễn hoàn của nhà thuốc Á Châu tại Chợ Lớn, bỏ vào hai túi áo. Thương con bị bệnh không thể ngồi yên, bác chín Hậu đã thuê ghe chở Nam lặn lội đi tìm thầy thuốc hay ở bất cứ nơi đâu. Khi chèo ghe đội mưa gió trên sông Hậu đến tận Bùng Binh Bến Bạ, khi bác chín tự tay một mình gian nan bơi xuồng chở Nam, gồng sức cưỡi lưng những con sóng lưỡi búa, sóng bạc đầu nguy hiểm sang đến Sân Trắng, Cái Trôm mong trị hết bệnh cho con.

Theo lời bà con chỉ bảo, bác chín Hậu đã từng cho Nam nhắm mắt nuốt thằn lằn sống, nhăn mặt uống dây cóc đắng ói mật để cho con không bị bệnh hành hạ. Một lần, nghe nói cấy nhau (Filatov) sẽ hết bệnh, bác chín cũng chở Nam sang Cần Thơ nhờ bác sĩ Lê Văn Thuấn, lần thứ hai gian truân hơn bác không ngại máy bay giặc, bơi xuồng chở Nam vào bưng tận vùng trong ở cuối rạch Thông Lưu, nhờ cán bộ y tế Việt Minh cấy nhau khô vào ngực Nam. Từ đó, bệnh suyễn Nam có phần thuyên giảm nhưng vẫn chưa dứt hẵn. Khi sang học Trung học ở tỉnh Cần Thơ, có lẽ nhờ đi học thêm võ thuật mấy năm, Nam dần gỉảm bệnh. Vượt lên từ nghiệt ngã, biến bệnh tật thành ý chí, ở nhà trường, Nam luôn được đánh giá xuất sắc về cả hai mặt đạo đức và học tập, bao giờ cũng được thầy cô thương yêu và bè bạn quý mến. Đến khi lên Đại học ra trường, Nam bắt đầu đi làm nghề gõ đầu trẻ thì dứt hẵn bệnh suyễn cho đến ngày nay.

Đất nước Đại Việt an cư lạc nghiệp, thủ đô miền Tây văn vật gạo trắng nước trong – thành phố mùa xuân ấn tượng với chiếc cầu thế kỷ mang dáng đứng Cửu Long : Cần Thơ đẹp như một trái tim/ Đã cho và nhận máu trăm miền/ Từ nay Nam Bắc thôi ngăn cách/ Cầu nối đôi bờ những nhịp duyên (Ngũ Lang). Từ thuở ấu thơ, thằng Nam chết danh với tên Mực ba vá  nhưng cuộc đời Nam về sau không là màu lông chó mực đen đúa tối tăm mà là màu mực đỏ, biểu tượng của thành công và chiến thắng. Thằng bé tên Mực ốm tong ốm teo nhưng ham học, ba lần chết hụt ngày nào, nay đã đường hoàng là một giảng viên đa ngữ (multilingual lecturer) Cao học Văn chương.

Nam không chỉ ngày ngày đứng lớp cầm phấn dạy văn chương, ngoại ngữ cho học trò mà tay phải anh còn cầm bút viết văn, tay trái cầm cọ vẽ tranh, lại kiêm thêm nghề chuyển ngữ – phiên dịch viên đủ tư cách pháp nhân để dịch 9 thứ tiếng : Anh (English) -Pháp (Francais) -Đức (Deutsch) -Hoa (Chinese) -Hàn (Korean) -Nga (Russian) -Ý (Italiano)- Tây Ban Nha (Espagnol) -Nhật (Japanese)… Đã có không ít người thấy Nam, nhìn lại mình rồi đâm ra đố kỵ. Vậy mà, đôi lúc Nam còn ham hố, xuống núi cùng bạn bè và đệ tử biểu diễn thư pháp, vẽ ký họa ngoài đường phố hoặc nơi cơ quan, hội chợ vào những ngày lễ Tết, làm họ thêm chướng mắt.

Thằng Mực ngày nào hôm nay thực sự là hồn cốt thầy giáo Nam đa phương, được tự hào với hạnh phúc gia đình, bà con và học trò bốn phương. Duy có điều là trong lòng Nam còn mãi đau đáu một nỗi ngậm ngùi không thể cùng ai san sẻ – bác lão nông chín Hậu hiền lành chất phác, người cha thân yêu tận tụy một đời hy sinh cho thằng Mực năm xưa, giờ đây đã vắng bóng trên cõi trần gian!

Nguyễn Thanh