Đọc những tác phẩm của Tự Lực văn đoàn và những hồi ức về họ, nhiều người có thể tưởng tượng cuộc sống của nhà văn Thạch Lam ít ra cũng thuộc hàng trung lưu. Nhưng sau này, khi được đọc cuốn sách của tác giả Nguyễn Thị Thế “Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường – Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam”, người đọc mới cảm nhận sâu sắc hơn về nhà văn tài hoa nhất của dòng họ Nguyễn Tường. Bà Nguyễn Thị Thế là chị ruột của Thạch Lam. Bà cho in cuốn hồi ký này vào năm ngoài 60 tuổi.
Nhà văn Thạch Lam
Người cha của Thạch Lam là Nguyễn Tường Nhu (1881-1918). Ông biết chữ Hán và tiếng Pháp, làm Thông phán tại Tòa sứ. Mẹ là bà Lê Thị Sâm, con gái đầu của cụ Lê Quang Thuật. Cụ Thuật người Huế nhưng nhiều đời làm quan ở đất Bắc. Bấy giờ, tri huyện Cẩm Giàng là ông Nguyễn Tường Tiếp, quê gốc Quảng Nam, có con trai là Nguyễn Tường Nhu, đến tuổi lấy vợ. Bà mối đã giới thiệu cô Lê Thị Sâm về làm dâu họ Nguyễn Tường. Cha mẹ Thạch Lam sinh được 7 người con. Sáu trai và một gái. Thạch Lam là con thứ sáu, sinh năm Canh Tuất (1910). Bà Nguyễn Thị Thế là chị, sinh năm Kỷ Dậu (1909).
Trong khoảng mười năm đầu, cha mẹ Thạch Lam ở ấp Thái Hà. Sau đó thuê nhà ở phố Hàng Bạc, nhà số 10. Bà Thế nhớ lại, hồi về Hàng Bạc, bà mới 5 tuổi. Tính bà nhút nhát, đi đâu cũng sợ. Nhưng Thạch Lam lại bạo dạn, đi chỗ nào cũng kết bạn được ngay. Ngôi nhà ở Hàng Bạc cổ kính, tối tăm. Cửa hàng bên ngoài cho người đàn bà tên Bảy thuê. Bà Bảy không chồng con, sống một mình. Bà bán các thứ lặt vặt như dầu mỡ mắm muối tương cà.
Gia đình Thạch Lam ở giữa. Bên trong là căn buồng mà ngày cũng như đêm, đều tối om. Bên trong nữa cũng là căn buồng nhỏ. Căn này cho một ông nấu bếp cho người Pháp thuê. Khoảng sân tối đó làm hai chị em sợ ma. Một hôm, hai người chạy vào nhà trong, chị Thế chạy trước. Thạch Lam chạy sau. Bỗng Thạch Lam vấp ngã, cằm đập xuống nền gạch. Bà Thế quay lại, thấy mặt em đầy máu. Bà sợ, khóc thét lên. Nhưng Thạch Lam vẫn điềm nhiên không khóc. Bà nghĩ, có lẽ em mình sợ ma nên quên đau. Sau này, chỗ vấp ở cằm thành cái sẹo.
Ở Hàng Bạc được ít lâu, ông Thông phán nghỉ việc ở Thái Hà. Gia đình thu xếp về Cẩm Giàng. Lần đầu được đi tàu hỏa, Thạch Lam rất thích, luôn miệng hỏi, tại sao tàu chạy được? Chạy bằng gì? Người cha lại giảng giải rành rọt cho cậu con.
Ở Cẩm Giàng, bà mẹ Thạch Lam làm nhà mới ở gần ga, buôn bán thuốc lào, mua lại thóc của nông dân… Ông bà tần tảo nuôi bốn người con trai ăn học ở Hà Nội, Hải Dương. Bà Thế được học ít, phải ở nhà giúp mẹ. Sau này, có người mách, ông bố Thạch Lam sang Lào làm việc. Nhưng chỉ không đầy một năm, ông mắc bệnh, mất ở bên Lào. Bà mẹ Thạch Lam ôm đứa con út, sau này là bác sĩ Nguyễn Tường Bách, về lại Cẩm Giàng.
Ở quê buồn. Hai chị em thường có thú vui, mỗi khi có chuyến tàu Hà Nội xuống Hải Phòng, đến gần nhà, dừng lại, là chạy ra coi. Thạch Lam thường chỉ cho chị xem các bánh xe, sờ vào chỗ nhẵn, sáng bóng. Người chị thì sợ, người xung quanh cũng hoảng, nhỡ tàu chạy thì tai nạn xảy ra. Nhưng Thạch Lam vẫn bình thản. Bởi hai chị em đều biết, bao giờ tàu cũng tới đó là lùi lại chứ không bao giờ đi quá vạch vôi mà Thạch Lam đã đánh dấu.
Sau này, Thạch Lam viết truyện “Hai đứa trẻ”. Bà Thế đọc và nghĩ, không ngờ em mình “Có trí nhớ dai như thế, như chuyện em tôi tả hai chị em thức đợi chuyến tàu đêm qua rồi mới đi ngủ. Năm đó tôi mới có 9 tuổi, em tôi lên 8 mà mẹ tôi đã giao cho hai chị em tôi coi hàng. Cửa hàng chỉ có bán rượu, ít bánh khảo, thuốc lào, cốt để đưa khách quen vào trong nhà bà ngoại.
Tối đến, hai chị em phải ngủ lại để trông hàng. Hai chị em vì ở quê đã lâu nên bạo dạn. Chủ nhà là hai bà cụ đã già tóc bạc phơ hình như hai người là bạn với nhau, đều không có con, tôi cũng không rõ là ở đâu tới…”. Nhưng trong truyện ngắn này, Thạch Lam còn vẽ nên khung cảnh heo hút, buồn bã của một vùng quê với nhà chị Tý bán nước chè, bác Siêu bán phở, bà cụ Thi hơi điên, nghiện rượu, cảnh cô đơn mà ấm áp của hai chị em tần tảo…
Rồi gia đình Thạch Lam lại chuyển về Thái Bình, theo chân người anh cả là Nguyễn Tường Thụy. Anh Thụy làm đốc học ở một trường có mỗi ông giáo, nhưng học trò có đến trăm người. Và Thạch Lam được đi học. Nhưng phải ở trọ. Bà Thế nhớ lại: “Một tháng sau được nghỉ lễ, bà tôi lên đón về chơi. Giở hòm quần áo ra, ôi thôi mùi mốc đưa lên tận mũi. Quần áo cái nào cũng mốc meo chẳng cái nào sạch. Hỏi, em tôi nói em không biết giặt mà chẳng có ai giặt cho em cả. Em cứ thay hết một lượt quần áo em lại mặc lại. Bà tôi chỉ cười thôi, bà bảo cũng quên không chỉ cho nó cách giặt, làm sao nó biết được. Từ bé đến giờ đã phải giặt lần nào đâu”.
Tuổi thơ qua đi. Mặc dù gia đình Thạch Lam luôn sống trong cảnh nghèo túng, nhưng bà mẹ vẫn nhất quyết vay mượn cho các con ăn học đầy đủ. Tất cả đều trưởng thành, có danh tiếng và sự nghiệp. Nhưng trong bảy gia đình của những người con họ Nguyễn Tường, chỉ có gia đình Thạch Lam và gia đình bà Nguyễn Thị Thế sống đạm bạc nhất. Nhà Thạch Lam ở Hồ Tây, nhưng đều là nhà thuê.
Và hai căn nhà mà Thạch Lam thuê, đều do người chị nhượng lại. Không như những người anh, lấy vợ nhờ bà mối, Thạch Lam tự chọn vợ cho mình. Người vợ của Thạch Lam là bà Nguyễn Thị Sáu. Họ sinh được ba người con. Thạch Lam định đặt tên các con là Bạch – Đằng – Giang. Nhưng người con đầu lòng là con gái. Thạch Lam đổi tên con là Nguyễn Tường Nhung. Còn hai người con trai sau vẫn giữ nguyên tên. Nguyễn Tường Giang sau này vừa là bác sĩ vừa viết văn.
Thạch Lam viết văn, làm báo Phong hóa cùng các anh mình. Nhưng do tin người, báo Phong hóa bị người làm trộm cắp tiền bạc. Bà Thế kể, gia đình Thạch Lam rất nghèo. Mùa đông không có chăn ấm. Nhưng Thạch Lam có rất nhiều bạn như Đinh Hùng, Huyền Kiêu, Thế Lữ… Khi nhà có khách, người vợ vẫn làm cơm, đãi rượu những người bạn của chồng với nét mặt tươi sáng. Và Thạch Lam có mong ước nhỏ. Theo lời bà Thế, “Lúc nào chú cũng ao ước có một cái ghế mây có nệm ngồi êm ái, hoặc cái ghế có thể nằm hay ngồi cũng được mà chả có tiền mua. Sẵn người bạn thân biếu chú hai cái ghế mây, chú lấy làm thích lắm, ngồi cho tới khi chết”.
Tết năm 1942, gia đình họ Nguyễn Tường tản mác. Thạch Lam mắc bệnh lao phổi. Bà Thế kể, sau Tết, “Thạch Lam bắt đầu yếu. Hôm chú sang chơi nhà anh Thế Lữ rồi qua tôi, thấy tôi đốt lò sưởi, chú thích quá. Chú nói bên hồ năm nay lạnh quá, chú chịu không nổi. Tôi mời chú qua đây ở, tôi sẽ nhường chú căn phòng khách có lò sưởi cho ấm, chứ nhà tôi có tiếp khách nào đâu. Nói rồi, tôi thấy nét mặt chú buồn.
Lúc tiễn chú ra cổng, tôi thấy thân hình chú mặc cái áo cẳng dài, chân bước đi như gió thoảng trên mặt đê, lòng tôi tự nhiên thấy buồn, nhưng không rõ vì sao…”.
Thạch Lam bị bệnh, thích yên tĩnh. Bà Thế nhớ lại, mỗi lần sang thăm em “phải bảo mấy cháu chơi ở ngoài hoặc ra cây đa, hoặc sang sân đình. Tôi còn nhớ lần đó sang chơi, thấy chú đương ăn cơm, chú mời tôi ăn với chú một thể, nhưng tôi đã ăn rồi, chú mới hỏi mấy cháu có qua với tôi không.
Tôi bảo: “Chúng nó sợ chú nên chơi ở ngoài sân đình rồi”. Chú bèn nói, gọi hết mấy cháu vào đây. Tôi và thím Sáu nhìn nhau lấy làm lạ vì đã có lần chú nói tôi có sang thì để lũ trẻ con ở nhà. Thế mà hôm nay chú lại vui vẻ gọi các cháu vào, nào là bắt ăn rồi lại mở tủ sách của chú mà xưa nay các cháu thích lắm nhưng chẳng bao giờ dám mó vào, bây giờ muốn đọc thì tha hồ mà đọc. Lúc về chú lại cho mượn đem về, hẹn phải giữ cẩn thận rồi đem qua chú đổi cho quyển khác. Tôi thấy chú cười nói, tôi cũng mừng, hay là chú đã hết bệnh rồi nên chú thay đổi tính nết. Ai ngờ là gở chết, vì theo như các cụ nói thì người đương dễ tính sẽ đổi ra khó, còn người đương khó tính sẽ đổi ra dễ, đó là điềm gở”.
Thạch Lam được cả gia đình tận tình chăm sóc. Em trai Nguyễn Tường Bách đã tốt nghiệp bác sĩ, hàng ngày xuống chích thuốc cho anh, nhưng không đỡ vì nhà văn đã lao phổi nặng. Bà Thế kể, “Mẹ tôi cũng từ dưới trại lên để trông nom chú và người bếp già vì thím ấy đã gần ngày sanh. Chú gầy quá lại kêu đau mình, nên mẹ tôi lại mang cả giường lò xo lên cho chú nằm cho êm”.
Rồi những giờ phút cuối cùng của Thạch Lam trước khi từ giã cõi đời, cũng đến. Bà Thế viết: “Mẹ tôi đi coi số cho chú ấy nói nếu có hai con trai thì là tận số. Hôm ấy thím sanh, nói con trai, chú chỉ thở dài nói lại con trai. Mẹ tôi thấy chú phù hai chân, biết là khó qua khỏi, nên thím ấy sanh mới được có ba ngày là cho đón về lúc buổi sáng mười giờ.
Bế thằng bé con ra cho chú coi mặt, chú bảo trông nó khỏe mạnh đấy. Tôi bắc ghế ngồi bên chú, chú bảo chị cho cái gối cao lên để em ngắm liễu, hôm nọ nó (chú người ở) chặt mất cành thấp rủ xuống, em tiếc quá. Xong chú nói em nhớ bữa cơm nguội mà hôm em đi chơi về, chị cho em ăn với cá kho và dưa chua, sao mà ngon thế, hôm nào em khỏi chị lại cho em ăn như thế.
Tôi cười nói đúng đó chú ạ, mình chỉ ăn ngon vào đúng lúc mình đói thì bữa cơm đó không có gì ăn cũng ngon, chú nhỉ. Chú lại hỏi sắp đến mùa na chưa, em thèm ăn na quá. Tôi lại bảo, tháng Sáu hoặc tháng Bảy chú ạ. Chú chỉ ao ước một bộ đồ lụa mỏng vải cúc áo dài lụa thì mẹ tôi đã may cho chú để mặc cho mát và nhẹ. Còn các thứ trái cây thì chú thích nhất là na, xoài, dưa tây ướp đá”.
Khoảng 12 giờ ngày 27 tháng 6 năm 1942, nhà văn Thạch Lam từ trần. Năm ấy nhà văn mới 32 tuổi. Mộ của ông được đặt trong nghĩa trang Hợp Thiện thuộc làng Mai Động, phía Nam Hà Nội. Sau này, nghĩa trang giải tỏa. Hài cốt của ông được chuyển lên Yên Kỳ. Năm 2004, sau nhiều lần tìm kiếm, người con út của ông là nhà văn – bác sĩ Nguyễn Tường Giang đã tìm thấy mộ cha.
Theo Đoàn Tuấn/Vanvn