Nhạc sĩ, phát thanh viên bị gạt ra khỏi hệ thống danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân?

404

Việc dự thảo Luật Thi đua Khen thưởng gạt nhạc sĩ, phát thanh viên ra khỏi hệ thống danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) được giới nghệ sĩ quan tâm.

Điều này cũng gây nên một số hiểu lầm rằng nhạc sĩ cũng từng được xét danh hiệu nhưng thực ra không phải. Họ đều là những nhạc sĩ hoạt động mạnh trong lĩnh vực biểu diễn nhạc cụ hoặc chỉ huy. Đây cũng là dịp để các nghệ sĩ chia sẻ những tâm tư quanh việc trao tặng danh hiệu.


NSƯT Kim Tiến.

NSND Thanh Hoa: Có nghệ sĩ nhân dân mà không ai biết là ai

Năm ngoái lần đầu tiên được ngồi xét duyệt danh hiệu ở Hội đồng cấp Nhà nước, tôi ngớ người ra – cả quay phim cũng “ưu tú”, hay có nhiều người tôi không biết là ai, chỉ nghe nói là trẻ lắm, nhiều huy chương. Tôi phải căng ra hình dung tại sao các bạn ấy lên “nhân dân” được.

Bệnh thành tích hình như đang trở lại. Ai cũng muốn đưa đơn vị của mình lên. Ngược lại biết bao nhiêu nghệ sĩ chịu thiệt thòi. Người ta đi chiến trường, cống hiến lâu năm, thực sự được nhân dân biết đến nhưng lại không thi thố bao giờ, nếu cứ vin vào huy chương để xét thì họ không bao giờ được. NSƯT dành cho người có công trong nghề và người trong nghề công nhận. Nhưng còn NSND thì phải lan tỏa trong nhân dân, được nhân dân biết đến.

Ngày nay số nghệ sĩ được nhận danh hiệu NSƯT, NSND đã nhiều, vì vậy nên thêm những danh hiệu xứng đáng dành cho những nghệ sĩ nổi bật hẳn lên trong số đó. Nếu cần thì bỏ phiếu. Với phát thanh viên- cũng là một hình thức biểu cảm, biểu diễn, vì thế nên có danh hiệu dành riêng cho họ.

NSƯT Kim Tiến: Không còn nhiều “người nói” chuyên nghiệp

Có thể những người làm công tác thi đua khen thưởng cũng chưa thực sự nắm rõ đặc thù ngành nghề. Phát thanh viên cũng là lao động nghệ thuật, nhất là khi công việc này được chuyên môn hóa như vài chục năm trước. Khi chúng tôi đọc tất cả các thể loại từ tin tức thời sự cho tới chuyên đề, lời bình phim tài liệu, thuyết minh phim truyện. Với mỗi dạng mình phải tìm cách thể hiện khác nhau. Khi chúng tôi chỉ chuyên trau chuốt một kỹ năng trình bày bằng giọng nói. Đó chính là nghệ thuật.

Phát thanh viên thời chúng tôi còn là người gìn giữ vẻ đẹp, tính chính xác, ngữ điệu, thanh dấu của tiếng Việt. Điều mà ngày nay phần nào bị mai một. Nhưng cũng không thể trách được các bạn vì ngày nay phát thanh viên phải kiêm nhiệm cả công việc của phóng viên, biên tập viên, thậm chí quay dựng. Nó gần với chuyên môn của báo chí hơn. Ngày nay không còn những “người nói” chuyên nghiệp để nâng tầm việc nói lên đến mức nghệ thuật thôi thì bỏ đi cũng được.

Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Kha: Bỏ danh hiệu cho phát thanh viên cũng phù hợp

Các nhạc sĩ sáng tác từ trước đến nay vốn không được xét danh hiệu “ưu tú” hay “nhân dân”. Ví dụ Đỗ Hồng Quân sáng tác rất giỏi nhưng không thể là NSND. Còn Trọng Bằng vốn là chỉ huy và có sáng tác là câu chuyện khác. Nếu nhạc sĩ từ nghệ sĩ lên vẫn có quyền là NSND vì có cống hiến trong biểu diễn. NSND Trần Quý, NSND Quang Hải đều là chỉ huy.

Bỏ danh hiệu đối với phát thanh viên, tôi thấy nhiều người có vẻ đồng tình. Nó là nghề rất hay nhưng không phải biểu diễn. Đọc truyện trên đài chỉ là một khía cạnh nhỏ thôi. Đạo diễn, quay phim, họa sĩ xuất hiện trên generic (bảng chữ ghi tên, vị trí của đoàn làm phim) và đã hóa thân vào phim. Biên kịch không được (vì như nhà văn rồi), nhưng đạo diễn phải được phong tặng.

Nhạc sĩ, NSND Quang Vinh: Nhạc sĩ nên được ghi nhận theo cách phù hợp

Cũng đứng trước ống kính nhưng phát thanh viên không phải nghệ sĩ, gọi thẳng PTVƯT là được. Cái này là điều chỉnh không phải bỏ. Nhạc sĩ không phải người trực tiếp biểu diễn, kể cả thể hiện trực tiếp tác phẩm của mình cũng chưa chắc. Có rất ít nhạc sĩ tự thể hiện tác phẩm. Sự ghi nhận với nhạc sĩ là giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh tùy theo hiệu quả xã hội của tác phẩm.

Tôi nghĩ Dự thảo Luật Thi đua khen thưởng đang từng bước chuyển đổi, có những cái chưa đầy đủ ngay lập tức nhưng rõ ràng đang hướng tới điều này. Còn với những người tham gia phía sau có đóng góp, tác phẩm tốt sẽ được ghi nhận theo cách khác, phù hợp hơn là tặng cho họ danh hiệu nghệ sĩ.

Chỉ huy dàn nhạc vẫn tính là nghệ sĩ. Với điều kiện anh phải tham gia trực tiếp chỉ huy trên sân khấu, phải trực tiếp xây dựng tác phẩm từ đầu, biểu diễn thể hiện cảm xúc của tác phẩm trên sân khấu, thông qua hành vi của anh truyền đạt đến nghệ sĩ. Tiết mục anh trực tiếp tham gia chỉ huy được giải thưởng thì mới được tính. Ở đây không có sự so sánh về chuyên môn với những chỉ huy chỉ phục vụ thu thanh, vì danh hiệu NSND, NSƯT dành cho những người biểu diễn trực tiếp.

MC Phí Linh: Danh hiệu đang bị bão hòa


MC Phí Linh.

Ở Đài Truyền hình Việt Nam có nhiều quay phim là NSƯT do có giải tại Liên hoan Truyền hình Toàn quốc và giải quay một số giải phim tài liệu. NSƯT, NSND là khát khao của tất cả nghệ sĩ và người làm nghệ thuật dù đứng trước ánh đèn sâu khấu, máy quay hay hậu đài.


Nhạc sĩ Đỗ Bảo.

Vấn đề không phải cho ai ra hay vào, mà tiêu chí của việc xét tặng đã sâu sát chưa, đã hợp tình hình mới chưa. Nhiều nghệ sĩ tự do không có huy chương theo quy định nhưng thực sự có đóng góp, cống hiến, được khán giả yêu mến. Số lượng nghệ sĩ tự do trong tương lai sẽ ngày càng nhiều, phải nhìn nhận đóng góp của họ cho phù hợp.

“Một số người mang danh NSND cũng không có đóng góp gì nhiều, nhân dân cũng không biết. Với nghệ sĩ được phong tặng đều là quý, nhưng khi sự phong tặng có những bất cập thì các đơn vị phải có cách quản lý việc phong tặng đích đáng, đúng người. Có thể là nâng các tiêu chuẩn lên thế nào đấy, khắt khe hơn”, Nhạc sĩ Đỗ Bảo.

Theo Tiền Phong