Nhớ cỏ tranh – Tản văn của Võ Văn Thọ

1069

Cỏ tranh là một loại cỏ có nhiều hữu ích, mọc khắp nơi trên quê hương Việt Nam, trong các vườn đồi, cỏ tranh gắn bó với đời sống của người dân ta từ ngàn đời nay.


Cỏ tranh.

Sau ngày giải phóng, vườn nhà tôi có hẳn nỗng tranh khá rộng để nuôi dưỡng cỏ tranh mọc, cứ mỗi năm cắt tranh lợp nhà xong là ba mẹ tôi lại phát những bụi cây mua, cây sim, trứng cá, cỏ ống mọc trong nỗng tranh, rồi đốt sạch cho tranh mọc. Ba còn dẫn tôi dùng cuốc vố đào những gốc cây mua, sim, trứng cá… để cho tranh phát triển, không để các loại cây khác chiếm lĩnh vị trí độc nhất, vô nhị của cỏ tranh.

Cỏ tranh mọc dày thành đám như lúa đồng đang thì con gái, cứ mỗi lần có cơn gió thoảng qua, từng lớp lớp cỏ tranh như những làn sóng biển lại uyển chuyển trông rất đẹp mắt. Nên tôi cũng tập tành làm thơ, ca ngợi vẻ đẹp hoang hoải của cỏ tranh:

Cỏ tranh tạo nét tranh quê
Đẹp xinh duyên thắm đến mê quá chừng
Quên tôi có núi, có rừng
Có con sông nhỏ in từng dáng nâu
Nỗng tranh, bãi mía, nương dâu
Bức tranh quê kiểng giờ đâu mất rồi!?

Cỏ tranh là loại cỏ có tốc độ sinh trưởng, phát triển rất nhanh về mùa đông. Nên trong vườn, nhà ba tôi phải luôn bỏ công sức để nhổ nó tận gốc. Nếu chỉ còn 1 nhánh rễ là nó lại sinh sôi, nảy mầm rất nhanh, cứ rễ ra đến đâu là cỏ tranh phát triển ra đến đó.

Rễ cỏ tranh có vị ngọt, có nhiều tác dụng trong chữa bệnh Đông y như: Lợi tiểu, thanh nhiệt, mát gan, giải độc, kháng viêm, trị ho lâu năm, chảy máu cam… Nên người dân quê tôi luôn biết dùng cỏ tranh và kết hợp với các vị thuốc Nam khác để chữa những bệnh thông thường rất có hiệu nghiệm, lại không tốn nhiều tiền bạc. Chỉ cần dùng cuốc vố đào và dũ rễ cỏ tranh, sau đó về rửa sạch, để ráo nước, chặt thành từng đoạn 10 đến 15 phân phơi vừa khô và dùng nồi đất sao vàng, hạ thổ. Tức sao vàng từng mẻ cỏ tranh bằng bếp củi, và đổ xuống nền đất. Sau khi nguội thì lấy cỏ tranh cất vào bao, để nơi khô ráo và có thể nấu nước uống hàng ngày, giải nhiệt, rất tốt cho sức khỏe nhất là về mùa hè thời tiết nắng nóng, cơ thể cần nhiều nước trong quá trình lao động sản xuất. Rễ cỏ tranh nấu chung với lá mùng năm hoặc chè xanh trong vườn, thêm tí gừng tươi uống rất thơm ngon.Vì sau khi uống nước cỏ tranh vị thơm ngọt của cỏ tranh còn đọng ở cổ, ở đầu lưỡi. Uống một lần rồi sẽ ghiền, muốn được uống nhiều lần.

Bông cỏ tranh còn có tác dụng cầm máu, nếu ta bị đứt tay, chân chỉ cần lấy bông cỏ tranh vò đắp vào vết thương sẽ có tác dụng cầm máu và trị nhiễm trùng, kháng viêm, làm lành vết thương.

Ngày ấy, bác Bốn (thúc bá với ba tôi) ông có nghề hốt thuốc Nam, trong nhà mỗi khi cắt thuốc ông đều gia thêm 1 ít rễ cỏ tranh đã sao vàng hạ thổ, làm cho thang thuốc khi sắc dễ uống hơn, nhất là trẻ em, vì thuốc Nam thường có vị đắng, khó uống. Ngoài ra, cỏ tranh cũng là vị thuốc tốt, chữa được nhiều bệnh.

Cứ mỗi lần bác Bốn sao rễ cỏ tranh là mùi hương cỏ tranh bay lên thơm lừng, cái mùi thơm thân quen dễ chịu. Chứ không phải như mùi thơm nồng của thuốc Bắc rất khó chịu.

Hồi nhỏ tôi có bệnh hay chảy máu cam, nhất là về mùa hè, nên cũng nhờ rễ cỏ tranh uống thường xuyên, nên bệnh hết từ lúc nào không biết.

Cỏ tranh với tuổi thơ tôi cũng giống như củ khoai, củ sắn nó gắn bó trong thời gian dài của những năm tháng tuổi thơ thập niên 80 và đầu năm 90. Khi tôi vào quân ngũ, thì không còn được uống nước cỏ tranh nữa. Nhưng mỗi lần nhớ đến cỏ tranh là tôi luôn thèm cái nước dân dã, nhưng nó như chất dẫn, chất nhựa sống đã ăn vào tâm hồn, máu xương của tôi, làm sao tôi có thể hờ hững với cây cỏ tranh, là cây thuốc đáng yêu như vậy.

Sau này, quê tôi đổi mới phát triển hơn, người dân làm nhà lợp ngói hoặc lợp tôn để thay thế nhà lợp tranh, cũng đồng nghĩa hết thời khó khăn “Một túp lều tranh”, nên cỏ tranh ở nỗng tranh trong vườn được thay thế thành trồng cây keo lá tràm, để người nông dân có thu nhập cao hơn về kinh tế.

Bây giờ mỗi lần về quê, thăm vườn nhà cũ, tìm lại cỏ tranh là rất khó. Thật đúng, cái gì mất đi rồi mới thấy quý giá. Cỏ tranh tôi viết đây chỉ còn trong tâm thức, liên tưởng về hình ảnh cỏ tranh đã gắn bó với tuổi thơ tôi. Vạn vật luôn thay đổi, như triết gia người Hy Lạp cổ đại đã nói: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”, nên đành gửi kỉ niệm vào nhung nhớ trong tiềm thức!…

Ngày 18/11/2020

V.V.T