Như Quỳnh – Tổng biên tập có tầm nhìn rộng rãi

506

26.11.2017-20:10

 Nhà báo Như Quỳnh (1922 – 2017)

 

Tiễn biệt người

Tổng biên tập có tầm nhìn rộng rãi

 

KIỀU MAI SƠN

 

NVTPHCM- Bà Như Quỳnh (tên thật là Võ Thị Ngọc ), bí danh Ngọc Nghi, Tổng biên tập đầu tiên của báo Phụ Nữ Việt Nam. Bà được đồng nghiệp đánh giá là người có tầm nhìn rộng rãi và nhân ái.

 

“HỢP QUẦN” GIÀNH TƯƠNG LAI CHO ĐẤT NƯỚC

 

Năm 14 tuổi, lần đầu tiên trong đời, cô thiếu nữ  tỉnh Sa Đéc, một tỉnh nhỏ ở miền Tây (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp), rời nhà lên Sài Gòn học tại trường Áo Tím (tên Tây là Collège des Jeunes Filles Indigènes – trường Trung học cho Nữ sinh bản xứ – nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai). Đây cũng là lần đầu tiên cô phải học tất cả các môn học bằng tiếng Pháp, dưới sự chỉ dạy của bà giáo Lý Thị Xuân Yến – vợ bác sĩ Trần Văn Đôn. 

 

Với 4 năm học ở trường Tây (1937 – 1941), tinh thần “tự do, bình đẳng, bác ái”, giúp bà sống tự lập và khảng khái giữa cuộc đời. Cái đầu bé nhỏ của cô nữ sinh Võ Thị Ngọc cũng được bà giáo Xuân Yến mở cửa thuở ban đầu đã đón đủ mọi xu hướng văn học thế kỷ XVII – thế kỷ XIX của Pháp. Trong số đó có những câu thơ của Musset được cô thuộc lòng: “Les plus désespérés sont les chants les plus beaux/ Et j’en sais d’immortel qui sont depuis sanglots” (Những câu ca tuyệt vọng là những câu ca hay nhất/ Và tôi biết nhiều câu ca bất hủ chỉ thuần là những tiếng nấc thôi).

 

Hồi đó, nam sinh trường Pétrus Ký có ra một tờ nội san chép tay trên giấy thếp, đặt tên là tờ Hợp Quần. Nam sinh ngạo nữ sinh bằng một bức vẽ tranh viễn cảnh gồm mấy đường thẳng dưới đường chân trời chụm về một điểm, phía trên có quẹt thêm cho thành một con đường xa tít mù tắp. Nữ sinh Áo Tím cũng chẳng kém, cho ra tờ Tương Lai vẽ 3-4 sợi dây giăng chồng chéo, trên treo đủ các loại quần. Đó là mong ước Hợp Quần để giành tương lai cho đất nước, song được thể hiện với chút ít hài hước gây cười.

 

Thế rồi, cô nữ sinh ấy rời xa bút nghiên, lên đường để thực hiện mong ước “hợp quần” giành tương lai cho đất nước. Đã ngoài 90 tuổi, bà vẫn say sưa nhẩm hát cho tôi nghe những lời ca hùng tráng của những người lính chân đất đứng lên bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cách mạng, sau này thành Quốc ca nước Pháp: “Aux armes, citoyens, marchons, marchons/ Un sang impur abreuve nos sillons” (Các công dân hỡi! Hãy cầm vũ khí! Tiến lên, tiến lên/ Một loại máu vẩn đục đang tràn lên đồng ruộng chúng ta).

 

NGƯỜI CÓ TẦM NHÌN RỘNG RÃI

 

Cách mạng tháng Tám, rồi tiếng súng Nam Bộ kháng chiến chuẩn bị. Bà được ông Hoàng Quốc Việt – Thường vụ Trung ương Đảng, cử mang tài liệu của Xứ ủy Nam Kỳ ra Hà Nội báo cáo tình hình với Trung ương Đảng. Ẵm con trai mới sinh trên tay, bà ra đến Thanh Hóa ngày 23.9.1945 thì được tin qua đài: quân Anh mới chiếm Nam Bộ phủ.

 

Nhiều công tác bà đã trải qua, từ báo Tiếng Gọi Phụ NữCứu Quốc Khu 2, cho đến khi về báo Phụ Nữ Việt Nam mà bà tự nhận là người may mắn được cử làm Tổng biên tập đầu tiên. Trong ký ức của bà, những chuyện nghề có đủ cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Tuy nhiên, với công việc thì bà luôn được mọi người kính nể. Đặc biệt, đối với những cây bút trẻ ngày ấy như Sơn Tùng (tác giả Búp sen xanh), Ngô Ngọc Bội (tác giả Ao làng)… bà đều ưu ái duyệt đăng bài. “Những cậu ấy gần dân, kỹ thuật viết lúc đầu không cao nhưng nhiều hơi thở đời sống”, bà Như Quỳnh nhớ lại.

 

Còn với chị em đồng nghiệp, bà luôn tận tình quan tâm. Trong hồi ký mang tên “Thời con gái”, nhà thơ Cẩm Lai viết về bà đã chia sẻ: “Chị không phải là người trực tiếp phụ trách tôi mà chị lo lắng cho tôi hơn những người trực tiếp có trách nhiệm với tôi. Chị xứng đáng là một cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn rộng rãi và có tấm lòng nhân ái. Nếu ai cũng có được tấm lòng như chị Ngọc Nghi thì chị em cán bộ cấp dưới sống thoải mái biết bao!”

 

Mười năm làm Tổng biên tập báo, bà tự hào rằng, cùng với báo Tiền Phong (Tổng biên tập Nguyễn Thanh Dương), thì Phụ Nữ Việt Nam ngày ấy là hai tờ báo sống được bằng tự thu chi hạch toán, Nhà nước không phải bao cấp.

 

Trong cuộc đời cũng nhiều tình huống trào lộng. Một hôm, người phụ trách Cục Xuất bản (Bộ Văn hóa) mời Tổng biên tập các báo đến, nêu đề xuất sắp tới sẽ kiểm duyệt nội dung trước khi in. Bà Như Quỳnh thẳng thắn trả lời: “Tôi với chị cùng nhau đi làm cách mạng để giành độc lập và tự do, chống kiểm duyệt báo chí. Bây giờ chị lại đòi kiểm duyệt chúng tôi. Dù là chủ trương của cấp nào thì cũng không đúng. Tôi không đồng ý kiểm duyệt. Nếu báo của tôi in sai, các anh chị thu hồi, tôi hết vốn, nhưng tôi không đồng ý kiểm duyệt”. Những lần phản ứng dữ dội như vậy không phải ít lần trong cuộc đời làm báo của bà.

 

Một lần khác, Hội Nhà báo có đề xuất sẽ tăng phụ cấp cho phóng viên. Lần này, bà cùng ông Nguyễn Thanh Dương nêu ý kiến: “Các anh nói không có tí logic nào. Chúng ta học lý luận đều biết rõ, công nhân đấu tranh là đòi tăng lương. Anh chị em phóng viên cũng cần tăng lương chứ tăng chứ phụ cấp để nay các anh thích thì tăng, sau không thích các anh cắt à?”

 

Ngoài 10 năm làm Tổng biên tập báo Phụ Nữ Việt Nam, bà Như Quỳnh còn là Phó Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam (tại Đại hội thành lập năm 1950); Ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam (từ Đại hội II năm 1956); Uỷ viên Thường vụ Trung ương Hội LHPN Việt Nam… Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

 

Mỗi khi vào Sài Gòn, tôi đều đến thăm bà ở ngôi nhà nhỏ trên đường Trần Tuấn Khải, quận 5. Gần đây nhất, tháng 8 tôi vào, bà mới qua cơn tai biến nặng. Chị Bạch Liên con gái út hỏi bà có nhận ra tôi không, bà gật đầu: “Có”. Lại hỏi tôi làm gì? Bà nói: “Làm báo” và nở một nụ cười thân thương. Thế mà từ nay tôi đã không còn được gặp bà nữa.

 

Do tuổi cao sức yếu, bà Như Quỳnh đã từ trần lúc 11g30 ngày 23.11.2017 (tức 06.10 năm Đinh Dậu) tại nhà riêng, hưởng thọ 95 tuổi, an táng tại Nghĩa trang Thành phố – Thủ Đức.

 

Xin tiễn biệt một con người có tầm nhìn rộng rãi và nhân ái!

 

 

>> XEM TƯ LIỆU THAM KHẢO KHÁC…