Những cứ liệu lịch sử về cái chết của Phan Đình Phùng

834

Đình Nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng (1847-1895), người làng Đông Thái, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, từng làm quan đến chức Ngự sử rồi xin bãi chức về quê. Ông là nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hương Khê, đỉnh cao của phong trào Cần Vương, một lãnh tụ tiêu biểu của phong trào chống Pháp vào cuối thế kỉ XIX. Là biểu tượng của giới trí thức yêu nước đương thời, ông được biết đến là người học hành xuất chúng, phẩm chất chính trị, đạo đức được mọi người công nhận, kể cả kẻ thù của ông lúc bấy giờ, có khả năng tập hợp người hiền tài, cả giới trí thức lẫn người bình dân, biết dùng sức mạnh của nhân dân để đánh giặc…


Tiến sĩ Phan Đình Phùng (1847-1895).

Có nhiều giả thuyết, phỏng đoán xung quanh cái chết của Phan Đình Phùng, về nguyên nhân cái chết, về thực chất người nằm trong quan tài tìm thấy, về việc an táng. Để giải đáp những nghi vấn này, chúng tôi đã khảo sát nhiều tư liệu lưu trữ của Pháp ở Trung tâm lưu trữ Hải ngoại của Pháp ở Aix-en-Provence, ở Trung tâm tư liệu I Hà Nội, một số sách vở, bài viết bằng tiếng Pháp và cả tư liệu triều Nguyễn. Việc này trước đây đã có một số nhà nghiên cứu thực hiện và nêu ra trong một số bài viết, chúng tôi sẽ điểm lại và bổ sung thêm các tư liệu khác.

Báo cáo nhận diện tử thi dịch ra tiếng Pháp đang được cất giữ ở Trung tâm lưu trữ hải ngoại Aix-en-Provence là tài liệu tìm thấy trong văn phòng của Phó công sứ Pháp tại Nghệ An Duvillier, người được Khâm sứ Trung Kỳ giao nhiệm vụ phối hợp với Nguyễn Thân trong cuộc đàn áp khởi nghĩa Hương Khê. Ngoài bản này do Lê Thiết, Tán lý quân vụ và Nguyễn Cửu Khải, Án sát Hà Tĩnh lập, còn một bản khác, bằng chữ Hán do Tuần Vũ quan phòng Hà Tĩnh Phan Huy Quán lập (bản Nguyễn Quang Tô tìm được trong hồ sơ của Nha Kinh lược Bắc Kỳ và dịch ra tiếng Việt). Trong hai bản báo cáo khám nghiệm tử thi này, phần miêu tả nạn nhân giống nhau, chúng tôi sử dụng bản dịch trực tiếp từ tiếng Hán của Nguyễn Quang Tô để thông tin được chính xác hơn:

“Trên linh cữu với hàng chữ đỏ như sau: “Hoàng triều Bính Tý khoa cử nhân, Đinh Sửu khoa Đình nguyên Tiến sĩ, có phụ tư thiện đại phu, An Tĩnh Tổng đốc sung kiêm đốc chư tỉnh Quân vụ đại thần, gia tứ Bình trung tướng, tự Tôn Cát, thụy Trang Lạng, hiệu Châu Phong, Phan công chi cữu”.

“Mở hòm ra khám, thấy dài ước 4 thước, tuổi ước trên dưới 50, đầu tóc ngắn, râu dài ước chừng 4 tấc; đầu một nửa đã bạc. Miệng và mắt đều mở. Tiểu liệm và đại liệm đều dùng lụa sống. Đầu chít khăn sa màu đỏ. Mặt đậy một vuông đoạn đỏ. Hai tay đều bọc đoạn đỏ, hai chân bọc đoạn trắng. Ngoài mặc đoạn Tàu sắc lục; một chiếc áo rộng ống; lại tới một chiếc áo hẹp ống bằng sa mịn màu xanh, tiếp đó là áo bằng xuyến trắng. Bên trong là chiếc áo lụa, phần dưới vấn lụa trắng sống. Ngón cái tay mặt phân làm 3 chi; chi trong cùng liền xương; một chi thịt đã rữa. Lưng vấn sa màu xanh, ước 10 vuông, cùng với lụa cũng chừng 10 vuông.”

Việc nhận diện tử thi do người Pháp và phủ Hà Tĩnh cùng tiến hành tại đồn Linh Cảm. Tư liệu lưu trữ tại Pháp là bản dịch tiếng Pháp của bản xác nhận tử thi ghi ngày 22 tháng 1 năm 1896, dịch cùng thời điểm bản gốc, ngoài Lê Thiết, Tán lý quân vụ và Nguyễn Cửu Khải, Án sát Hà Tĩnh, còn có xác nhận của 3 người trong gia đình cụ Phan là Phạm Thị Bốn, Đặng Thị Đường, Phan Văn Thiết, với điểm chỉ của Hương Lão và Lý trưởng làng Đông Thái, với xác nhận của Phan Quan Cư và Nguyễn Khương, những người tham gia khởi nghĩa biết mặt cụ Phan đã đầu hàng quân Pháp. Buổi khám nghiệm và xác nhận tử thi còn có sự tham gia của bác sĩ Pháp Hantz và Haguet, thanh tra vệ binh bản xứ. Sau khi khám nghiệm áo quan, bản báo cáo khám nghiệm và 2 lá cờ phủ quan tài được gửi vào cho triều đình Huế. Ngày 26.01.1896, Thượng thư Bộ Binh gửi Khâm sứ Trung Kỳ một lá thư về việc trên và đề nghị triều Nguyễn mang một trong hai lá cờ thông báo cho dân chúng kinh thành biết, và đưa một lá cờ khác đi bố cáo rộng rãi từ Quảng Nam tới Bình Thuận.

Còn đây là thông tin trên một số điện tín bằng tiếng Pháp trao đổi giữa Phủ Thống sứ Trung Kỳ ở Huế và Phủ Toàn quyền Đông Dương ở Hà Nội từ ngày 22 đến ngày 25 tháng 1 năm 1896 lưu tại tại Trung tâm lưu trữ I ở Hà Nội.

Theo điện tín ngày 22 tháng 1 năm 1896 của Phủ Thống sứ gửi Phủ Toàn quyền Đông Dương ở Hà Nội, “Thi hài trưa nay đưa đến Linh Cảm vừa được chính thức xác nhận là Phan Đình Phùng, được nhận diện bởi Phan Quang Cư Ng Khuông tức Đế Trạch, Tổng lý Lê Khiết, một linh mục người An Nam đi qua Linh Cảm (tên là Trung, theo một điện tín khác cùng ngày gửi từ Vinh – NTSH chú thích), các hương lãocủa làng Việt Yên, Hà Xá và các chị dâu của Phan Đình Phùng. Thi thể tạm thời được để trong quan tài gần chỗ ở của Quan Phủ, theo đề nghị của Khâm Mạng. Hài cốt của thủ lĩnh cuộc nổi dậy sẽ được đem thiêu và rải tro. Theo thông lệ An Nam, để công bố là thủ lĩnh của cuộc nổi dậy đã rơi vào tay chúng ta, Khâm Mạng sẽ gửi một lá cờ đỏ có ký tự Hồng Kỳ Bảo Thiệp ra ba hướng: thứ nhất về phía kinh đô, thứ hai về phía bắc cho tới Bình Định, thứ 3 về phía nam cho tới Bình Thuận.”

Còn theo điện tín số 28 của Phủ Thống sứ Trung Kỳ gửi Phủ toàn quyền ở Hà Nội:

“Các Ủy viên Chính phủ thông báo Phan Đình Phùng qua đời vào ngày 28 tháng 12 do chấn thương xảy ra vào ngày 21 cùng tháng trong cuộc giao tranh với một đội cảnh binh gửi đến Lào. Tin tình báo được đưa ra bởi một người theo khởi nghĩa bị bắt là Đới Tinh, người này cho biết thêm rằng Trần Cường Quinh, Cang Sách, Lãnh Khai và quả phụ Phan Đình Phùng đã để tang vào ngày 24 tháng 12. Những khẩu súng trường được cho là đã được gói lại và giấu đi trong khi hầu hết những người đồng đảng đã giải tán. Nhờ những thông tin này và được hướng dẫn bởi một tù nhân khởi nghĩa bị bắt, giám binh Moutin đã phát hiện ra một chiếc quan tài, những dòng chữ trên đó không để lại nghi ngờ gì về danh tính của người đã khuất. Nạn nhân có 6 ngón bên tay phải, cần đem ra ngoài các dãy núi để quan lại nhận diện. Dù xác suất lớn nhưng thông tin này cung cấp cho quý ngài vẫn mang tính dè dặt, danh tính của người chết vẫn chưa được thiết lập. Lãnh binh Khuê cùng bọn nổi dậy đã đầu hàng Thượng Biên, do Khâm mạng cử đến ở vùng thượng Quảng Bình. Đội cảnh binh tiếp tục chặn chặt khối núi Quạt”.

Ngày 22 tháng 1 năm 1896, điện tín từ Huế gửi Phủ thống sứ Bắc Kỳ và Phủ toàn quyền ghi rằng đội cảnh binh đã khẳng định những thông tin đưa ra trong điện tín số 28 và “nạn nhân có 2 ngón cái bên tay phải. Một số kẻ đầu hàng đã nhận diện Phan Đình Phùng trước sự chứng kiến ​​của Thanh tra Gandel. Hài cốt của thủ lĩnh cuộc nổi dậy sẽ được đưa đến Vinh vào ngày mai và cảnh sát trưởng sẽ cùng với Phan Quang Cư và Đế Trạch xác nhận danh tính. Một tấm trải vải lụa thêu thẻ hiện cấp bậc và phẩm giá phủ trên quan tài”.

Điện tín ngày 25.01.1896 của Phủ Thống sứ Trung Kỳ từ Huế gửi Phủ Toàn quyền ở Hà Nội ghi như sau:“Việc hỏa táng thi thể của Phan Đình Phùng bắt đầu vào sáng hôm qua đã được định gần như chắc chắn. Mặc dù qua thời gian, nhưng cơ thể tiều tụy vẫn được bảo quản để có thể dễ dàng phân biệt các đặc điểm và hình dáng. Rất đông người đổ xô đến xem thi hài. Những giám binh dân sự từng dán yết thị về Phan Đình Phùng đã thốt lên khi nhận ra. Nạn nhân là một người đàn ông có chiều cao trên trung bình, trên năm mươi, tóc hoa râm, mũi rất mảnh và có độ cong đặc trưng, ​​trán lộ, rộng, phần dưới của khuôn mặt thu hẹp lại, bàn tay phải có thêm ngón cái, có một dấu hiệu đặc biệt là chiếc răng cửa của hàm trên bắt chéo, lộ ra khi cười và đặc điểm đã được biết đến với những người từng gặp.”

So sánh tư liệu lưu trữ của Pháp với sử liệu triều Nguyễn ghi trong Đại Nam Thực Lục – Chính Biên Đệ Lục Kỷ Phụ Biên thì thông tin trùng hợp:

“Trước đó Đình Phùng đã chết, quan binh Đại Pháp tới nơi khám xét xác nhận xong, trước tiên gởi điện văn báo hai lần (Một nói quân thứ Quảng Bình báo tin bắt được Đốc binh giặc Vi méo khai Đình Phùng ngày 11 trước đây bị thương, ngày 13 chết, lại nhận được tờ tư của quý Khâm sai đại thần nói quan binh Pháp tới nơi tìm được quan tài của Đình Phùng, khám thấy đúng là bàn tay phải có ngón thừa, cùng việc Chánh Lãnh binh Khuê của giặc tới quân thứ ấy xin đầu thú. Một nói nhận được tin quan một về đồn đòi họ hàng làng xóm lên khai, khám ra quả là xác tên giặc ấy đã được thiêu hóa. Tờ tư của Quảng Bình cũng giống như thế), kế đem cờ đỏ báo tiệp, lại gởi phi chương tâu lên. Vua mừng vì không phụ sự ủy thác, chuẩn cho bàn xong những việc cần làm về sau thì sớm ban sư.”(Quyển 7).

Như vậy, câu chuyện về việc Nguyễn Thân đào xác cụ Phan Đình Phùng đem thiêu rồi trộn tro với thuốc súng bắn xuống sông Lam là một lời kể không có căn cứ nhưng đến bây giờ tình tiết hư cấu này vẫn được nhắc đi nhắc lại trong nhiều bài viết về cụ Phan Đình Phùng, kể cả trong sách lịch sử[i]. Năm 1919, Trần Trọng Kim đưa tình tiết này vào sách Việt Nam Sử Lược nhưng cũng đưa thêm một giả thiết bác bỏ: “Bấy giờ người Pháp không muốn dùng đại binh sợ náo động lòng người ở bên Pháp, cho nên chỉ sai quan đem lính tập đi đánh. Đánh từ cuối năm quí-tị (1893) cho đến cuối năm ất-mùi (1895) ngót 2 năm trời mà không dẹp yên được, quân lính chết hại cũng nhiều. Bên Bảo-hộ cũng đã tìm đủ mọi cách, như bảo Hoàng Cao Khải viết thư dụ Phan Đình Phùng về hàng cho xong cũng không được. Sau cùng Triều-đình ở Huế thấy việc dai-dẳng mãi không yên, mới xin chính-phủ Bảo hộ để sai quan Tổng-đốc Bình-định là Nguyễn Thân làm Khâm-mạng tiết-chế-quân-vụ đem quân ra tiễu-trừ. Ông PhanĐình Phùng lúc bấy giờ tuổi đã già, mà thế-lực mỗi ngày một kém, lại phải nay ẩn chỗ này, mai chạy chỗ kia, thật là lao khổ vô cùng, bởi vậy khi Nguyễn Thân đem quân ra đến Hà-Tĩnh, thì ông đã phải bệnh mất rồi. Nguyễn Thân sai người đuổi đánh tìm thấy mả, đào lấy xác đem về xin người Pháp cho đem đốt lấy tro trộn với thuốc súng mà bắn đi. Có người nói rằng việc ấy tuy Nguyễn Thân trước định thế, nhưng sau lại cho đem chôn, vì muốn để làm cái tang-chứng cho đảng phản-đối với chính-phủ Bảo-hộ là quan Đình Nguyên đã mất rồi. Từ đó đảng văn-thân tan-vỡ; ai trốn đi mất thì thôi, ai ra thú thì phải về Kinh chịu tội. Nguyễn Thân về Kinh được thăng làm Phụ-chính thay ông Nguyễn trọng Hợp về hưu”.

Thông tin tham khảo nhiều nhất là lấy từ cuốn Phan Đình Phùng, một vị anh hùng có quan hệ đến lịch sử hiện thời của Đào Trinh Nhất, vốn là một cuốn truyền thuyết lịch sử( xuất bản lần đầu năm 1936). Đào Trinh Nhất viết về chuyện này như sau: “Nói về quân Pháp biết chỗ, khai quật được mả cụ Phan lên, đem di thể về đồn Linh Cảm giao cho Nguyễn Thân xem xét có phải thiệt là di thể Phan Đình Phùng không.

Bấy giờ Nguyễn Thân mới biết cụ Phan mất rồi, đắc chí, miệng cười ha hả, dơ tay lên ngang trán mà nói:

– Từ nay ta được ngủ yên rồi!

Hôm sau, lão sức đòi các phụ lão ở làng Đông Thái và họ hàng bà con cụ Phan lên đồn Linh Cảm nhìn nhận đích xác. Rồi đó Nguyễn Thân dở thủ đoạn “anh hùng” của lão để hành hạ tới nắm xương khô thịt nát của người cừu địch với lão mà lúc người ấy còn sống, lão không dám xuất trận giao phong, bây giờ người ta chết rồi mới lên mặt dương oai diệu võ.

Mà lão dương oai diệu võ cách nào?

Không nói ra thì bỏ quên mất sự thật, mà nói thì mình phải thương tâm và gớm ghiếc.

Nguyễn Thân sai đem di thể cụ Phan ra chỗ địa đầu của tổng Việt Yên, đổ dầu châm lửa mà đốt cho xương thịt cháy ra tro, rồi tro ấy trộn vào thuốc súng, nhồi trong súng thần công của ta mà bắn xuống La Giang”.

Cuốn Lịch sử Hà Tĩnh do Nxb. Chính trị Quốc gia in năm 2000 cải chính thông tin cụ Phan mất vì bệnh nhưng vẫn nêu lại chi tiết về hành động của Nguyễn Thân: “Những tháng cuối năm 1895, địch càng ra sức lùng sục để bắt cho được Phan Đình Phùng và các tướng lĩnh khác. Ngày 28 tháng 12 năm 1895, trong một trận giao chiến ác liệt, Phan Đình Phùng, vị lãnh tụ kiên cường của nghĩa quân, đã bị thương và sau đó hy sinh. Mười ngày sau, giặc Pháp và tay sai mới biết tin, Nguyễn Thân đã hèn hạ cho đào xác Phan Đình Phùng đem về làng bắt tổng lý và người thân ra nhận mặt. Sau đó hắn đem đốt xác rồi nhồi vào thuốc súng bắn xuống sông La. Tội ác man rợ của tên đại việt gian bị hậu thế đời đời nguyền rủa” (tr. 383-384).

Ở Pháp, Giáo sư Trịnh Văn Thảo trong bài Nhìn lại cuộc khởi nghĩa Cần Vương, phần ba Trận Hương Sơn (1885-1895) cũng nhắc đến “hành động trả thù “tiểu nhân” trên xác của người lãnh đạo Hương Sơn (đã chết và đã được chôn cất)”khi Nguyễn Thân “khai quật trước khi tẩu tán tro cốt của ông”nhưng không nói việc tẩu tán tro cốt thế nào.

Việc này từ năm 1974, Giáo sư Nguyễn Quang Tô đã đề cập đến trong bài Vài tài liệu về Phan Đình Phùng in trong Tập san lịch sử số 27-28 (sau này Tôn Thất Thọ điểm lại trong bài Phan Đình Phùng và giai thoại lịch sử). Nguyễn Quang Tô nhận định đây là những thông tin có tính chất dã sử, truyền miệng chứ không phải sử liệu có căn cứ “giấy trắng mực đen”. Trong bài này ông cung cấp ba cứ liệu lịch sử. Thứ nhất là tờ yết thị của Nguyễn Thân, nguyên văn bằng chữ Hán, ghi rằng “Thi hài ấy sẽ bị đem thiêu hủy”. Thứ hai là Thông tư số 83 ngày 29.01.1896 của viên Phó sử ủy viên chính phủ, (dẫn từ tài liệu của Trác Ngọc, nội san trường Vinh, số Xuân 1971), nguyên văn bằng tiếng Pháp cũng ghi tương tự “Thi hài ấy sẽ bị thiêu, và tro tàn sẽ bị phân tán”. Thứ ba là biên bản nhận diện tử thi Phan Đình Phùng, do Phan Huy Quán, quan Tuần vũ Hà Tĩnh lập, nguyên văn bằng chữ Hán, phần cuối ghi rằng: “Chúng tôi đã sức cho phủ Đức Thọ liệu biện đầy đủ củi lửa đem áo quan ra nơi đất trống hỏa phần. Sáng nay vâng lệnh, phó lãnh binh Nguyễn… đã hội đồng với các phái quan của quý tòa cùng với nhân viên phủ Đức Thọ đã tới để liệu biện việc hỏa phần nầy”.

Ngoài những tư liệu lưu trữ của Pháp đã nêu trên, chúng tôi nêu thêm một số sách vở của Pháp có ghi chép về việc khai quật mộ và việc an táng sau đó.

Trong cuốn Đế chế An Nam xuất bản ở Paris năm 1904, Charles Gossilin ghi lại như sau: “Vào cuối năm 1895, người ta nhận thấy rằng cuộc khởi nghĩa dường như suy yếu và thiếu phương hướng; Lần theo một manh mối tưởng như không đáng kể, người ta biết được cái chết của Phan Đình Phùng, ở tuổi bảy mươi tư do bệnh kiết lỵ và kiệt sức sau những né tránh liên tục xuyên qua những khu rừng nơi ông bị truy đuổi không ngừng. Thi hài của vị quan này đã được khai quật và đưa về quê gốc ở Hà Tĩnh, dưới chân đồn Linh Cảm. Tại đó, trong tình trạng vô cùng náo nhiệt, người ta đặt thi thể ông lên giàn thiêu, rưới dầu hỏa lên rồi đốt lửa, và khi việc hủy hoàn thành, tro được rải xuống sông. Triều đình An Nam dập tắt cuộc khởi nghĩa trong máu.Tất cả những kẻ nổi dậy vượt qua Lào nhưng không tới được Xiêm La đều bị đưa đến Huế và bị xử tử. Sự đàn áp thật khủng khiếp (tr.314).

Trong cuốn Những người bạn cố đô Huế, số 3 năm 1942, Léon Sogny, từng là Chánh Sở mật thám Trung kỳ khi viết về Nguyễn Đình Hòe, thông ngôn của Nguyễn Thân trong cuộc trấn áp khởi nghĩa Hương Khê, có đoạn viết về cái chết của Phan Đình Phùng: “Từ năm 1885 Phan Đình Phùng phải đối đầu với quân chính quy. Khi đội quân cảnh đến Linh Cảm ở Hà Tĩnh, Bộ chỉ huy cấp cao An Nam quyết định chia quân thành nhiều toán cơ động để truy kích quân nổi dậy trên mọi hướng, bằng cách chiếm các tuyến đường tiếp tế của chúng hoặc bằng cách đánh lui chúng từng bước trong rừng đại ngàn của các dãy núi An Nam. Phương pháp này đã mang lại kết quả tuyệt vời và cuối cùng dẫn đến việc phát hiện ra thi thể của Phan Đình Phùng, chết vì đói và chôn trong một thân cây. Hài cốt của học giả phiến quân được bảo quản tốt, người chết được mặc lễ phục Tiến sĩ lộng lẫy gồm mũ áo, áo dài gấm xanh, và giầy quan cấp Tứ. Kẻ nổi loạn sau khi gieo rắc nỗi kinh hoàng suốt 10 năm ở Nghệ Tĩnh đã muốn chết dưới lớp áo ôn hòa của kẻ sĩ. Quan tài được khai quật và vận chuyển đến Linh Cảm. Thi thể sau khi xác định được hỏa táng và tro rải bốn phương: đây là sự khắc nghiệt của chiến tranh nhằm trừng phạt những kẻ gây rối.” (tr.346).

Như vậy, về ngày mất của Phan Đình Phùng, đa phần các tư liệu của Pháp đều ghi ngày 28 tháng 12 năm 1895 dương lịch, tức ngày 13 tháng 11 năm Ất Mùi. Sách của Đào Trinh Nhất ghi Phan Đình Phùng mất ngày 13 tháng 11 năm Mùi. Đại Nam Thực Lục – Chính Biên Đệ Lục Kỷ Phụ Biên của triều Nguyễn cũng ghi ngày 13. Ba nguồn thông tin này trùng khớp nhau.

Về nguyên nhân cái chết của Phan Đình Phùng, các sách vở chỗ ghi do bị đói (Léon Sogny), nơi ghi là do bị bệnh (Charls Gossilin, Trần Trọng Kim, Đào Trinh Nhất), còn theo tài liệu lưu trữ của Pháp thì do ông bị thương nặng rồi mất. “Phan Đình Phùng qua đời vào ngày 28 tháng 12 do chấn thương xảy ra vào ngày 21 cùng tháng trong cuộc giao tranh với một đội cảnh binh gửi đến Lào”(điện tín Phủ Thống sử gửi Phủ toàn quyền, số 28). Thông tin này lấy từ lời khai của một người theo nghĩa quân ra đầu thú.

Về mục đích của việc khai quật mộ và khám nghiệm là để xác nhận người nằm trong quan tài chính là Phan Đình Phùng, xác định sự thật thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Hương Khê đã qua đời. Việc không mai táng lại để tránh mộ phần người chỉ huy sẽ trở thành một hình tượng cho những người ủng hộ cuộc khởi nghĩa, và việc hỏa thiêu và rải tro có phần chủ ý răn đe. Tuy nhiên cũng cần nói thêm rằng vào thời điểm đó, hỏa táng còn xa lạ với người Việt nhưng đó là hình thức an táng thông thường ở phương Tây. Tro sau khi hỏa táng có thể được đựng vào hũ, bình, hoặc rải ra sông hồ, đồi núi.

Liệu ngôi mộ bị khai quật lên có đúng là mộ Phan Đình Phùng và tử thi được đưa về Linh Cảm để nhận diện chính là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hương Khê? Liệu chính quyền bảo hộ Pháp ở An Nam và triều đình nhà Nguyễn có bị mắc bẫy nghĩa quân và dân chúng, như những giả thiết đưa ra trong bài Theo dấu chân thành lũy cụ Phan của Văn Nguyễn? Chúng tôi cho rằng câu chuyện về ngôi mộ của cụ Phan còn được lưu giữ đâu đó trên đất rừng Hà Tĩnh chỉ là lời đồn miệng dân gian, chừng nào chưa có chứng cứ cụ thể, thì đó vẫn chỉ là truyền thuyết, một truyền thuyết đẹp và hào hùng, không kém phần kì bí về lãnh tụ của nghĩa quân Cần Vương, một chí sĩ yêu nước và anh hùng của vùng đất kiên cường Hà Tĩnh.

Theo Nguyễn Thị Sông Hương/Vanvn