Những ‘mắt thấy tai nghe’ về phong tục tết xưa của người Việt

620

Trong ký sự hành trình Une campagne au Tonkin (Một chiến dịch ở Bắc kỳ), bác sĩ Hocquard tường thuật những điều “mắt thấy tai nghe” về tết xưa một cách chân thực và lôi cuốn về lịch sử, văn minh, văn hóa, phong tục của người Việt.

Hocquard miêu tả nhiều nội dung thú vị về không khí tết xưa ở thành Huế năm 1886 và cho biết mình ở thành Huế vào “mùa lễ hội”, vì gần tới tết Nguyên đán.

Theo quan sát của Hocquard, trong không khí kéo dài một tháng trời ấy người dân bản địa, người giàu cũng như nghèo, dừng tất cả mọi công việc hằng ngày để dành thời gian nghỉ ngơi, ăn uống và hoạt động giải trí.


Con cháu mừng tuổi ông bà ngày đầu năm mới.

Ông viết: “không có buôn bán, không việc đồng áng, không lao dịch khổ sai; người lớn và trẻ nhỏ sẽ mặc quần áo đẹp; những người khốn khổ sẽ đem bán nốt đồ đạc và vay mượn cho đủ tiền ăn tết”.

Trở lại câu chuyện của Camille Paris, người chịu trách nhiệm xây dựng đường điện báo Trung kỳ từ Huế đến Bình Thuận ở kỳ trước, cũng đã có những trải lòng về không khí chuẩn bị đón tết Nguyên đán của người Việt khi ông dừng chân ở Vân Hội (thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) đầu năm 1886.

Trong tác phẩm Voyage d’exploration de Hué en Cochinchine par la Route mandarine (Du ký Trung kỳ theo đường cái quan, xuất bản năm 1889; Nguyễn Thúy Yên dịch sang Việt ngữ, Thư Books và NXB Hồng Đức ấn hành năm 2021), Camille Paris được dịp quan sát những hoạt động chuẩn bị đón tết Nguyên đán của người bản xứ, Paris cảm thấy rất vui và thú vị. Trong mắt ông, vào những ngày đầu năm mới người Việt ai cũng ăn mặc đẹp, “lũ trẻ con mặc quần áo đẹp, đội nón rộng vành che nắng. Từ trẻ con cho tới người già đều ăn mặc đẹp khác với ngày thường”.

Tết mang đến một bầu không khí vui tươi, tích cực nhưng cũng mang lại điều phiền toái cho công việc của Camille Paris và người Âu lúc bấy giờ, đó là mọi người làm công cho ông đều bỏ về ăn tết cổ truyền hết. “Thằng bồi của tôi cũng không bỏ phong tục này cho dù chúng tôi đang trên đường. Nó còn xin ứng tiền trước và bỏ mặc tôi từ Bình Định, cùng lúc ăn cắp của tôi một chai [rượu mùi] Chartreuse và một đôi giày!”, Paris hài hước viết.


Người Huế đi chợ tết năm 1923.

Tác giả người Anh là bà Gabrielle M. Vassal cũng kể câu chuyện tương tự ở Nha Trang trong tác phẩm Mes Trois Ans d’Annam (Ba năm ở An Nam, xuất bản năm 1912).

Trong một quan sát khác, khi dừng chân và ngủ lại ở Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) một đêm trước tết (đêm giao thừa), Paris thấy “một vài người đã bắt đầu đón tết rồi”.

Ở những nơi công cộng thì “gánh hát rong treo nhạc cụ vào một cái dây và gõ trống chiêng, thanh la, và khi muốn thật ồn ĩ, họ thi nhau gào lên những âm mũi và họng. Một chú nhóc đi xin tiền khán giả xung quanh. Rồi pháo nổ tứ phía, có cả pháo sáng nữa, ai cũng cần phải gây tiếng ồn mới được.”

Hoạt động của những đoàn kịch tỉnh lẻ trong dịp mồng 1 tết Nguyên đán cũng được bác sĩ Hocquard mô tả trong tác phẩm Une campagne au Tonkin (Một chiến dịch ở Bắc kỳ, xuất bản năm 1892), theo Hocquard những đoàn kịch này cũng có mặt trong các lễ hội dân gian được chính quyền tổ chức hoặc ngày mừng thọ vua chúa hay nhân dịp có sự kiện quốc gia khác.


Chợ tết Huế xưa.

Bác sĩ J.C. Baurac thì viết trong tác phẩm La Cochinchine et ses habitants Provinces de l’Ouest (Nam kỳ và cư dân các tỉnh miền Tây, xuất bản năm 1894) rằng, “lễ hội quan trọng nhất của người An Nam [tức Việt Nam] là tết hay năm mới kéo dài ba ngày, khi đó, tất cả công việc và mọi hoạt động buôn bán đều bị ngưng lại; người ta không họp chợ. Ở Sài Gòn tết xưa ở các trạm nội địa, người Âu châu phải dự phòng và trữ đồ trước Tết vì trong ba ngày nghỉ lễ này, khắp nơi đều đóng cửa”. Baurac cho biết thêm, mồng 1 tết là ngày dành cho việc cúng bái tổ tiên; mồng 2 để thăm bạn bè, người quen; mồng 3 là cho các trò giải trí các loại. “Người An Nam, lớn và nhỏ, trẻ như già, giàu hay nghèo đều chủ yếu là tham gia các trò chơi vào ngày cuối cùng này”.

Theo Nguyễn Quang Diệu/Thanh Niên