Những mẫu gốc ám gợi trong thơ Hồ Xuân Hương

1814

Mai Ngọc Phát

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hồ Xuân Hương (HXH) là nhà thơ tiêu biểu, một hiện tượng độc đáo nhất trong lịch sử văn học Việt Nam trung đại và cả sau này. Bà có hai hình mẫu thơ, đầu tiên là thơ Nôm được lan truyền rộng khắp trong nhân gian và mẫu thứ hai mang phong cách khác, đó là tập thơ Lưu Hương ký, được ông Nguyễn Thanh Mại công bố năm 1964.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương – Tác giả tranh: Nguyễn Tuấn Sơn

Thơ Nôm của HXH đậm chất phong tình và tâm thức phản kháng, mang khát vọng hạnh phúc và tự do, không chỉ vang dội trong thời đại của bà, mà có sức sống mãnh liệt, liên tục lan truyền, chiếm lĩnh tâm thức và tình cảm người đọc đương đại. Trước khi đưa ra ý kiến nhỏ về thơ HXH, tôi đã đọc một số cuốn sách, khảo cứu khá nhiều chuyên luận, những bài viết về thơ Nôm HXH. Nhận thấy, mọi cánh cửa trong thi giới của nữ sĩ họ Hồ đã được rộng mở. Đây thực sự là niềm hạnh phúc, may mắn cho người đọc đương thời, nhưng cũng dễ cảm nhận. Có chăng chỉ còn lại con đường rất hẹp và khó tìm cho những ai muốn đi tới, tiếp tục khám phá vườn thơ rộng lớn, còn nhiều bí ẩn của bà. Từ bối cảnh và tâm thế đó, người viết bài này xin nêu một vài suy nghĩ về thơ Nôm của HXH dưới góc nhìn mẫu gốc, nhằm góp thêm ý kiến về một gương mặt thơ tiêu biểu nhất của văn học trung đại Việt Nam.

Theo nhà tâm lý học C.G. Jung[1], mẫu gốc, hay còn gọi cổ mẫu, nguyên  tượng, siêu mẫu, nguyên mẫu (archétypes) được người đọc dùng để khảo sát, đánh giá các hình tượng và biểu tượng văn học mang tính nguyên thủy trong hệ thống tác phẩm của một hay nhiều tác giả theo một khuynh hướng văn học nhất định. Tính khởi nguyên này của mẫu gốc đã sinh ra nguồn năng lượng đặc thù, thậm chí có thể ví chúng như những chiếc máy cái phát/ phủ sóng, làm nên từ trường, hấp lực của tác phẩm. Trong một số trường hợp, những mẫu gốc còn tạo ra xung năng làm nên tư tưởng thẩm mỹ, phong cách riêng của tác giả. “Các mẫu gốc là những mô hình, hình ảnh cổ xưa xuất phát từ vô thức tập thể và luôn đối trọng với tâm lý bản năng. Chúng là những tiềm năng được thừa hưởng khi được nhận thức dưới dạng hình ảnh hoặc biểu hiện trong hành vi tương tác với thế giới bên ngoài; đồng thời, là những hình thức tự trị và ẩn giấu sự biến đổi, một khi chúng đi vào ý thức và được các cá nhân và nền văn hóa kích hoạt biểu hiện”[2]. Như vậy, khảo cứu tác phẩm từ góc nhìn mẫu gốc là cách người đọc quan sát tác phẩm từ bên ngoài, khác với cách đọc nhập tâm/ thần, hóa thân vào tác phẩm như trước đây.

Trong trường hợp thơ HXH, trước tiên, xin đề cập đến tín ngưỡng phồn thực, nơi căn nguyên làm hiển lộ những mẫu gốc trong thơ bà. Đọc thơ HXH dù chỉ một vài bài, thậm chí một đôi câu, ta bỗng thấy hiện lên trước mắt cả hệ thống hình ảnh trực tiếp hoặc gián tiếp ám gợi về đời sống phồn thực, vạn vật sinh sôi, về sinh thực khí nam nữ, những hành động tính giao, hay những bộ phận gợi cảm trên thân thể phụ nữ: “Chành ra ba góc da còn thiếu/ Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa” (Cái quạt); hay, “Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không” (Đánh đu)… Người đời đã tốn rất nhiều thời gian và giấy mực bàn luận sôi nổi về những hình ảnh ám gợi này. Đọc thơ bà, ta thường liên tưởng ngay đến những trò chơi ngôn ngữ từ xa xưa, như đố tục giảng thanh, đố thanh giảng tục, hay những câu ca dao đặc trưng tín ngưỡng phồn thực của người Việt. Do sống trong xã hội quân chủ Nho giáo chuyên chế, nên HXH bị coi đã vi phạm những điều cấm kỵ, dâm và tục. Ngay đến tận bây giờ, thơ HXH vẫn được coi là “quả bom sex” có sức công phá rất mạnh, tiếp tục gây tranh cãi về thuần phong mỹ tục, thẩm mỹ nói chung. Nhưng những bài thơ được/ bị coi là dâm tục ấy, nhìn từ góc độ xã hội học, nó có tính trào tiếu và phê phán thẳng thắn những thói hư tật xấu, sự giả dối, bạc bẽo của một bộ phận người trong xã hội, đồng thời cất cao tiếng gọi công bằng, tự do. “Quân tử có thương thì bóc yếm/ Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi” (Ốc nhồi). “Ong non ngứa nọc châm hoa rữa/ Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa” (Mắng học trò dốt). Đọc những câu thơ đầy ám gợi ấy, ai trong chúng ta cũng thấy nhồn nhột, thấy cần yên lặng hơn để tự cật vấn mình.

Trong bài thơ “Thân phận người đàn bà” có câu thơ rất sinh động và gợi dục hầu như ai cũng thuộc: “Bố cu lổm ngổm bò trên bụng/ Thằng bé hu hơ khóc dưới hông”. Câu thơ này, với tôi không hề dung tục hay thiếu chất thơ, mà nó tác tạo hình tượng một phụ nữ Việt cao đẹp, giàu lòng vị tha và đầy bản lĩnh.

Nhà nghiên cứu – phê bình văn học Đỗ Lai Thúy, người đã đi tìm ngọn nguồn thơ HXH trong tín ngưỡng phồn thực, đã gọi bà là “người phát ngôn phồn thực”, một tín ngưỡng tôn thờ sự sinh sôi nảy nở của con người, cả vật nuôi và cây trồng. Tín ngưỡng ấy thấm sâu, làm nên hồn cốt những câu thơ bà viết về thiên nhiên sinh động và tinh nghịch: “Quân tử có yêu xin đóng cọc/ Đừng mân mó nữa nhựa ra tay” (Quả mít); “Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám” (Canh khuya). Tính phồn thực trong thơ bà thường được thể hiện rộn ràng nơi đời sống sinh hoạt cộng đồng, các trò chơi dân gian của người Việt: “Trai đu gối hạc khom khom cật/ Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng/ Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới/ Hai hàng chân ngọc duỗi song song” (Đánh đu). Và đây là hai câu thơ tựa đoạn phim 3D viết về công việc dệt cửi, một nghề truyền thống ở các làng quê Việt Nam: “Hai chân đạp xuống năng năng nhắc/ Một suốt đâm ngang thích thích mau” (Dệt cửi đêm).

Tín ngưỡng phồn thực chính là căn nguyên làm hiển lộ những mẫu gốc trong thơ HXH. Trong tác phẩm thơ Nôm của bà hiển thị một số mẫu gốc, nhưng tôi khảo sát hai mẫu gốc cơ bản nổi bật: mẫu gốc thiên nhiên bắc Bộ và mẫu gốc phụ nữ Việt xưa. Hai mẫu gốc này tựa hai cây cột cái chống đỡ ngôi nhà thơ kiên cố và rộng lớn của HXH. Chúng luôn hoán chuyển ngữ nghĩa cho nhau, ám gợi tín ngưỡng phồn thực, làm nên một thi giới đặc biệt có một không hai không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới.

Ở mẫu gốc thiên nhiên bắc Bộ, hình ảnh làng quê như: giếng khơi, lá trầu, đám rêu, khe nước, hòn cuội, ghềnh thác… thường hiện ra sống động, đầy gợi cảm. Xin được nói thêm, cha của HXH là ông Hồ Phi Diễn, ở làng Quỳnh Đôi (Nghệ An), mẹ của bà họ Hà, quê ở Hải Dương. Nhưng bà lớn lên và chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hoá vùng châu thổ sông Hồng, đặc biệt trong thơ bà thể hiện cốt cách của miền đất Thăng Long kinh kỳ.

Thiên nhiên trong thơ bà để hiện đa dạng hình bóng và sắc thái các miền quê Bắc Bộ. Bài thơ “Vịnh giếng” có lẽ được thi sĩ viết khi còn rất trẻ, hiện ra màu sắc tươi non mơn mởn trong nhịp điệu gấp gáp, tinh nghịch của thiếu nữ vừa bước vào tuổi cập kê: “Cầu trắng phau phau hai ván ghép,/ Nước trong leo lẻo một dòng thông/ Cỏ gà lún phún leo quanh mép,/ Cá diếc le te lội giữa dòng”. Ta dễ nhận thấy, ngay từ bài thơ tinh khôi, trong vắt này, HXH đã thể hiện một phong cách thơ hiếm có, sự ám gợi tính dục đã thể hiện rất rõ trong câu thơ kết: “Đố ai dám thả nạ dòng dòng?”.

Những bài thơ về thiên nhiên của HXH, đặc biệt những bài mang địa danh cụ thể đều mang tinh thần sáng tạo của Thánh Mẫu trong tín ngưỡng Đạo Mẫu. Trong bài thơ “Hang Cắc Cớ” cho thấy ánh sáng của bà mẹ quyền năng mang tính khởi nguyên của “con người vũ trụ”. “Trời đất sinh ra đá một chòm/ Nứt làm đôi mảnh hỏm hòm hom/ Kẽ hầm rêu mọc trơ toen hoẻn/ Luồng gió thông reo vỗ phập phòm”. Hay câu thơ “Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom” trong bài “Động Hương Tích” tác giả đã khêu gợi hình bóng buổi tạo thiên lập địa làm nên vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên gợi nhắc đến sự hoài thai, sinh nở của kiếp người.

Có lẽ điều đặc biệt trong thơ HXH, khác với những nhà thơ trung và cận đại khi nói về thiên nhiên, là tác giả thường xuất hiện ở ngôi thứ hai. Ngôi vị này, nhà thơ trở thành một “đối tác”, “bạn tình” của nhân vật có tên “thiên nhiên”. Do vậy, thiên nhiên trong thơ HXH thường hiện ra đầy nhục cảm, gợi mời đụng chạm, ái ân: “Lườn đá cỏ leo sờ rậm rạp,/ Lách khe nước rỉ mó lam nham” (Hang Thánh Hóa); “Cửa son đỏ loét tùm hum nóc/ Hòn đá xanh rì lún phún rêu” (Đèo Ba Dội).

Bài thơ về quần thể đá có tên “ông Chồng bà Chồng” ở Sầm Sơn Thanh Hoá, HXH đã mô tả sự sắp đặt vô tình của tạo hóa như một động thái mang tính giao của con người. “Tầng trên tuyết điểm phơ đầu bạc/ Thớt dưới sương pha đượm má hồng”.

Lần theo dấu vết trên các văn bản thơ HXH cho thấy, sau những thất bại về hôn nhân, tình ái, thi sĩ đã dành nhiều thời gian đi ngao du đó đây, chủ yếu ở miền Bắc và cả miền Trung. Ta có thể điểm tên một số bài thơ để thấy dấu chân của nữ sĩ họ Hồ: Chợ Trời, Chùa Thầy, Kẽm Trống, Quán Khách, Hang Thánh Hóa, Đèo Ba Dội, Động Hương Tích, Miếu Sầm thái thú, Hang Cắc Cớ, Chùa Quán Sứ

Mẫu gốc nổi bật thứ hai trong thơ HXH là phụ nữ Việt xưa. Hình tượng người phụ nữ trong thơ bà thường hiện lên với số phận bé mọn, bất hạnh, đầy trắc trở và khổ đau trong tình duyên và hôn nhân, nhưng luôn nhẫn nhịn và giàu lòng vị tha, bác ái. Bà dám trực diện đấu tranh cho quyền của phụ nữ, phản kháng quyết liệt và trần trụi, chia sẻ tận cùng với những số phận bất hạnh của nữ giới trong xã hội cũ: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung/ Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng” (Lấy chồng chung).

Để lột tả đa dạng chân dung của người phụ nữ Việt xưa, HXH thường xưng hô ở ngôi thứ nhất với tâm thế bi hài pha chút khêu gợi, mỉa mai xen với mời mọc, lạnh lùng đan với chua xót…

Xin nêu một khảo sát nhỏ cho thấy cách xưng hô độc đáo, hóm hỉnh của nhà thơ HXH. Một số bài thơ bà xưng “em”: “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn/ Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son” (Bánh trôi nước); “Của em bưng bít vẫn bùi ngùi,/ Nó thủng vì chưng kẻ nặng dùi” (Trống thủng)

HXH xưng “chị”: “Này này chị bảo cho mà biết/ Chốn ấy hang hùm chớ mó tay” (Trách Chiêu Hổ)

Tác giả xưng “thiếp”: Cái tội trăm năm chàng chịu cả/ Chữ tình một khối thiếp xin mang (Không chồng mà chửa)

Xưng chính danh “Xuân Hương”: “Này của Xuân Hương đã quệt rồi”

Có lúc nhà thơ xưng “thân này”: “Thân này đâu đã chịu già tom (Tự tình)

Hoặc bà xưng hô một cách lửng lơ “đây”: “Ví đây đổi phận làm trai được/ Thì sự anh hùng há bấy nhiêu” (Miếu Sầm thái thú)…

Cách xưng hô của HXH ngoài mục đích xác định vị thế của tác giả, ta còn thấy thái độ đấu tranh không khoan nhượng của bà vì quyền của phụ nữ trong một xã hội phong kiến cổ hủ, đang suy tàn.

Như đã trình bày, hai mẫu gốc nổi bật làm nên một thế giới thơ HXH riêng biệt và độc đáo. Các mẫu gốc thường đan xen, ảnh hưởng lẫn nhau. Nhưng trong trường hợp thơ HXH, hai mẫu gốc thiên nhiên và người nữ đã soi chiếu cho nhau, là hình bóng của nhau, cùng song hành trong tâm lý ngạc nhiên, háo hức của người đọc. Cả hai mẫu gốc đều mang áp lực lớn và cường độ mạnh đến mức, khi chạm vào mẫu gốc này, bạn đọc lập tức liên tưởng đến mẫu gốc kia, và ngược lại. Các mẫu gốc, dưới góc nhìn sáng tạo, tự nó luôn trống rỗng và hoàn toàn độc lập. Nhưng khi được tôi trong “lò luyện đan” của nghệ sĩ thì nó được tái sinh trong những hình thức và tinh thần hoàn toàn mới mẻ.

Xin trở lại với khái niệm về mẫu gốc của C.G. Jung, đối chiếu với trường hợp thơ HXH cho thấy, các “mẫu gốc đã hợp nhất trong dòng cảm xúc sáng tạo của tác giả, tạo thành nền tảng năng động chung cho toàn thể cộng đồng”[3]. Dựa trên nền tảng mà mỗi cá nhân xây dựng trải nghiệm sống của riêng mình, tô điểm chúng bằng những thành tựu và biến thể văn hóa, cũng như tính cách và cuộc sống độc đáo của người viết.

Thơ HXH được khởi sinh từ những mẫu gốc bắt nguồn từ văn hóa dân tộc Việt, từ tập tục dân gian được thể hiện sinh động trong cao dao, ngụ ngôn, hò vè, đố tục giảng thanh, đố thanh giảng tục… Thơ của bà trĩu nặng nỗi bi ai về thân phận con người, về kiếp nhân sinh gắn liền với tư tưởng khai phóng, đặc biệt, giải phóng phụ nữ. Đồng thời, thơ bà thể hiện vẻ đẹp nhân hậu, giàu lòng vị tha của người Việt Nam thông qua những mẫu gốc ám gợi của tín ngưỡng phồn thực, làm nên chân dung một nhà thơ lớn, độc đáo nhất trong vòng hơn hai trăm năm nay. Nữ sĩ HXH sẽ mãi “Trơ cái hồng nhan với nước non” (Tự Tình). Câu thơ ấy đủ hàm nghĩa một giọng thơ độc đáo và táo bạo, một thiên tài chịu nhiều bất hạnh, khổ đau. “Cái hồng nhan” ấy của bà chính là tài năng, định mệnh, và vẻ đẹp thơ HXH đã cống hiến cho nước non này.

Hà Nội, 8-2019

M.N.P

[1]  Carl Gustav Jung (1875 – 1961) – nhà tâm lý học người Thụy Sĩ

[2] Stevens, Anthony in “The archetypes” (Chapter 3.) Ed. Papadopoulos, Renos. The Handbook of Jungian Psychology (2006).

[3] Jungian archetypes – https://en.wikipedia.org/wiki/Jungian_archetypes