Những tác giả cách tân thơ lục bát ngoài nước Việt

1469

Nguyễn Hàn Chung

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Lục bát mãi mãi là một tài sản thiêng liêng của nền văn hóa Việt. Chừng nào thế giới còn chưa thấu tỏ vẻ đẹp của lục bát, chừng ấy họ chưa thực sự hiểu vẻ đẹp của thơ Việt. Và, chừng nào ta còn chưa làm cho thế giới tiếp nhận được vẻ đẹp của lục bát, chừng ấy nền thơ Việt vẫn còn chưa thực sự làm tròn sứ mạng của mình”.

Tác giả Nguyễn Hàn Chung

Tôi mở đầu bài viết về một số nhà thơ mà tôi biết có những thành tựu về thơ lục bát ở hải ngoại bằng lời kết trong bài viết của nhà văn, nhà giáo Chu Văn Sơn là một cách nhấn mạnh rằng chẳng những các nhà thơ trong nước canh cánh trở trăn về  duy trì bảo tồn và làm mới thơ lục bát mà ở hải ngoại chúng tôi những người cầm bút lưu lãng cũng đau đáu giữ gìn và phát huy cái đẹp lấp lánh của thơ lục bát trước sự tấn công ồ ạt của thơ tự do, thơ hiện đại, thơ tân hình thức, hậu hiện đại thậm chí cả hậu hậu hiện đại.
Về lý luận thơ tôi nghĩ trong rất nhiều hội thảo khi tôi còn ở trong nước tôi đã nghe đã biết, trong phạm vi bài viết này tôi chỉ xin trích dẫn cụ thể những tác phẩm của các nhà lục bát hải ngoại đương đại… Tất nhiên còn nhiều tác giả nổi tiếng tôi chưa có thời gian đọc kỹ. Các tác giả tôi dẫn chứng sau đây tôi đã đọc và ưa thích nhiều hơn. Nói chung phần lớn các tác giả thành danh ở thế kỷ hai mươi từng xuất hiện trên các tạp chí văn nghệ uy tín của miền Nam trước một chín bảy lăm: Cung Trầm Tưởng, Viên Linh, Du Tử Lê, Luân Hoán , Hoàng xuân Sơn…
Cung Trầm Tưởng nổi tiếng trong làng thơ không phải ở thế loại lục bát. Các bài Mùa Thu Paris, Chưa bao giờ buồn thế đều là pha tạp giữa thơ ngũ ngôn và tự do nhưng anh cũng đã ra mắt: Một hành trình thơ trong những bài lục bát qua lời nhận xét của Nguyễn Thanh Châu “Từ nhiều năm nay Cung Trầm Tưởng là nhà thơ thích đánh đu với lục bát. Qua tập Tình Ca và các sáng tác khác, nhiều người đã cho rằng lục bát và hồn thơ Cung Trầm Tưởng là một cuộc hôn nhân thành tựu. Cung Trầm Tưởng đã đưa lục bát vào mỹ viện để lột xác. Cung Trầm Tưởng đã khoác cho lục bát những chiếc áo mới nhất của thời trang. Cung Trầm Tưởng đã trao tặng lục bát những trang sức diễm kỳ nhất của thời đại.
Nhưng ở trong cuộc đuổi bắt đam mê ngôn ngữ, Cung Trầm Tưởng đã không để tuột mất cái hồn muôn thuở của lục bát, cái khí phong bàng bạc đã khiến thi ca Việt Nam lồng được một hương sắc rực rỡ vào trong bầu trời bát ngát của thi ca Đông Phương. Ý tôi muốn nói ở lục bát Cung Trầm Tưởng phảng phất một giao hòa nào đó giữa cái hồn nhiên trong sáng của ca dao dân tộc, cái hào hoa tuyệt vời của thi bá Nguyễn Du, cái trầm mặc não nề của khúc Cung Oán thuở xưa và một “mang mang thiên cổ sầu”…

(trích)


Cho thuê

sống là một thứ đi buôn
mang thân bán vốn, còn hồn cho thuê
mỗi ngày một giấc ngủ mê
sớm đi ảo mộng, tối về cưu mang
bát cơm miếng cháy khê vàng
miệng chua khó nuốt, địa đàng khó lên
trăm năm trăm thứ tủi phiền
vấn vương rồi cũng vô duyên một đời
đêm nằm nghĩ biển thèm khơi
nghe mây hồn dạt nước trời mênh mông

Tập san Văn Nghệ

Viên Linh một nhà thơ nói như Lư Diên Nhượng “Ngâm an nhất cá tự/ Nhiên đoạn sổ hàng tu” nghĩa là anh rất chi kỹ tính khi làm thơ, nhà PBVH Huỳnh Hữu Ủy đã nhận định: ”Lê Huy Oanh, Thanh Nam, Võ Phiến than phiền là Viên Linh sửa thơ kỹ quá, cái cầu kỳ nhiều lúc thay thế cái tân kỳ, làm bài thơ mất đi cảm giác tươi mát ban đầu, có lúc lại còn làm biến mất cả một bài thơ hay đã từng được nghe. Riêng tôi, tôi thích thú và trân trọng cung cách đó của Viên Linh. Tôi nhớ đến Giả Đảo khi nghe thấy những lời phàn nàn trên. Giả Đảo để đời với giai thoại “thôi xao”, cũng đã từng viết: Nhị cú tam niên đắc/ Nhất ngâm song lệ lưu/ Tri âm như bất thức/ Qui ngọa cố sơn thu. Hẳn là Viên Linh phải khoái trá với mấy ý tưởng này: Ba năm mới làm được chỉ hai câu thơ, khi ngâm ngợi lên thì hai hàng lệ nhỏ xuống, mà nếu kẻ tri âm không hiểu thấu, thì người viết hai câu thơ này chỉ còn cách, giữa mùa thu, đi về nằm một góc trong núi cũ mà thôi”. Lầu Chuông là một bài thơ lục bát dài của anh nhưng vẫn cân nhắc từng câu từng chữ khắc họa nỗi buồn lưu xứ.

“Thấy tôi nguyền rủa Thánh Hiền
Cầm dao giết Phật giả điên đốt chùa
Nhớ mưa xưa nhớ mưa xưa
Tháng tư úng thủy đầu mùa máu tuôn.

Mưa đưa tôi lại Sài Gòn
Trán căng nhiệt đới hồn còn Đông Dương
Gặp em trở lại lầu chuông
Dang tay nện xuống hư không một chày.

Chuông không tiếng đã bao ngày
Nghe quen em tưởng chiều đầy âm thanh.

“Đời ôi thể phách hao dần
Hoang mang tín mộ, linh thần vụt bay
Ta rơi nằng nặng từ đây
Trong không bụi cũng trôi đầy mộng mê

Ngoài kia dơi lưới chiều về
Vây muôn vũng lệ trời tê máu hồng
Lưới mau đáy nặng hoàng hôn
Chân tay mỏi rủ tâm hồn mỏi theo”
(Bản thân, Hóa thân)
Một nhà thơ mà cả đời thơ đau đáu làm mới thơ nói chung và thơ lục bát nói riêng là thi sĩ Du Tử Lê. Tác giả Bùi Văn Phú đã có một nhận định về cách tân thơ lục bát của Du:”Người đọc thơ Du Tử Lê rất dễ nhận ra cách làm thơ của ông có những khác lạ. Những vần thơ, và cả văn, của ông viết theo lối mà ông gọi là “cách tân” – không phải là thơ “tân hình thức”.

“Những bài lục bát, một thể loại thơ phổ biến trong dân gian nước Việt, thường theo nhịp 2 đều đặn, như trong Truyện Kiều xưa với hàng nghìn câu hay những vần thơ đương đại của Phạm Thiên Thư: “Rằng xưa có gã từ quan/ Lên non tìm động hoa vàng ngủ say”.

Còn lục bát Du Tử Lê ngắt theo lối khác, có thể là 1, 3, 2 cho câu sáu và 3, 1, 4 cho câu tám, bằng dấu phẩy, chấm, hai chấm, ba chấm hay dấu “nên, con sông không thi hành

cát suy thoái, muộn, vơi ghềnh/ thác/ cao/.

trưa chôn chân: dăm con sào

bóng toan xuống cấp. thân hồ hởi, can/.”

[Biển, gương, seattle]

Hay một đoạn lục bát khác của ông:

“hàng cây, hàng cây, phương tây/.

gió: khô góc trái; ngực: lầy dấu đinh/.

nàng về, nàng về, vai thuôn

vòm tâm ấn tượng trí cường điệu, khoan/.”

[phác hoạ Hoa Thịnh Đốn]

Không phải khi ra hải ngoại thơ Du Tử Lê mới cách tân. Trong những năm đầu sáng tác ông đã có lối ngắt lục bát khác thường:

Xin em đôi cánh tay mềm

Một bên nắng… dắt, một bên mưa… dìu

[Trầm ca tháng Giêng, 1962]”

Đêm nhớ trăng Sài Gòn

đêm về theo vết xe lăn
tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng
tìm tôi đèn thắp hai hàng
lạc nhau cuối phố sương quàng cổ cây
ngỡ hồn tu xứ mưa bay
tôi chiêng, trống gọi mỗi ngày mỗi xa
đêm về trên bánh xe qua
nhớ em Xa Lộ, nhớ nhà Hàng Xanh
nhớ em kim chỉ khíu tình
trưa ngoan lớp học chiều lành khóm tre
nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè
nắng Trương Minh Giảng lá hè Tự Do

[…]

Một nhà thơ bền bỉ với thơ truyền thống nhất là thể loại lục bát: Luân Hoán. Anh đã  chủ trương một trường thơ ”Em từ lục bát bước ra” với rất nhiều bài lục bát vừa dân dã vừa phá cách có sức ám ảnh người đọc.

“em ngồi trải cánh chân phơi
nắng thơm nghiêng một góc trời săm se
tôi ngồi đờ đẫn tay che
com-chim-thơ-đội-mộng xòe cánh bay

gió rình trong nách lá cây
hồ đồ rơi trúng mình dây em mềm
hoảng hồn, gió vãi hương lên
thanh xuân cỏ biếc hai bên tôi nằm
mon men tôi ướm tay thăm
vô tình vướng phải cái dằm nhớ nhung
(Trên đồi cỏ)

Luân Hoán đưa vào thơ những ý tưởng ngộ nghĩnh tự nhiên kỳ lạ

“mỗi lần sắp sửa yêu ai
tự nhiên mặt mũi tóc tai lạ lùng
hình như có triệu vi trùng
ngo ngoe đòi được nhớ nhung với mình”

hoặc

“trời sinh em, trời sinh thơ
nếu không chẳng biết phải thờ em đâu
trái tim dù rất là sâu
chắc gì em được ở lâu đời đời”

(Em và thơ)

“Khó mà tưởng tượng được một câu nói thường nghe trong cuộc sống hằng ngày vào tay ông lại biến thành một câu lục bát đậm đà. Không phải lúc nào cũng mẫu mực tuân theo luật lục bát, ông có những câu thơ lục bát trúc trắc, duyên dáng phá nhịp điệu như một chiếc răng khểnh nghịch ngợm của một cô gái xinh đẹp. Thơ của ông như tôm chua càng ăn càng nghiện, như rượu nếp than bà ngoại ủ trong bếp. Uống vào không biết là uống rượu, say mà không biết mình say, vì cái say rất đằm” (Nguyễn Thị Hải Hà).
Người thơ cũng ăn nằm với thơ lục bát và cách tân triệt để là nhà thơ Hoàng Xuân Sơn. Nhật báo người Việt đã có một bài viết về anh “Hoàng Xuân Sơn, từ lục bát, tới những đổi mới về hình thức”: Những ai theo dõi đường bay thi ca của Hoàng Xuân Sơn, thì sẽ dễ nhận ra rằng, bước vào thời điểm đầu kỷ nguyên 2000, chính xác là năm 2003, qua bài thơ “Chương sông,” ta thấy, ngay khi bước vào dòng thơ thứ nhất của bài lục bát thứ năm này của họ Hoàng, đã thấy xuất hiện nhiều những dấu chấm, phết… tưởng như… “bất thường” của tác giả tên tuổi này. Bởi vì ông không hề vô tình, ngẫu nhiên, “để rơi” những dấu chấm, phết ấy trong thơ của ông, mà nó là sự cố tình mang lại cho nhịp chảy của thơ ông, cách ngắt nhịp (repunctuation) khác. Chúng giống như những nhịp chỏi (syncope, đảo phách) trong âm nhạc vậy.

Trở lại với “Chương sông” của Hoàng Xuân Sơn, cụ thể với hai câu lục bát mở đầu, họ Hoàng viết:

“đi đi
mây phất tang. Đâu
còn chi mong, ngó
sầu âu một mình”

Ở câu 6, sau chữ thứ 5, tác giả đã dùng một dấu chấm không chỉ như một cách ngắt nhịp mới, mà, dấu chấm ở đây, còn cho thấy câu thơ đã có thêm cho nó một mệnh đề độc lập (bắc qua câu 8):

“Đâu còn chi mong (phết) ngó sầu âu một mình”

Khi dùng dấu phết giữa hai chữ “mong, ngó” một loại từ kép (hay từ ghép) rất thường có trong ngôn ngữ Việt, ngoài việc chẻ chữ cho nghĩa thêm rõ, nó còn làm bật lên sự hiện hữu của chữ thứ hai trong từ kép này, khi ta bị bắt buộc phải ngưng thở trong vài giây…”

(Trích)

mùi mấy

đồi của nguời

rừng của trời

đi hoang nhánh lạ

cây bồi tịch liêu

ờ thì bước

[chậm]

liêu

xiêu

men theo dấu đợi

tuổi chiều ngây ngây

già đi

cũng có phiên ngày

mây nghe sảng khoái

chút gầy vóc thơm

nụ phía tàn

buổi chiều ngậm phía môi hôn

sương đi chầm chậm giữa

mồn một

tay

đêm rồi cũng hứa nguyện. ngày

đổ bay lên nắng

hàng cây ửng chào

hương vị đời rất thanh tao

lúc chưa sắc nhiễm

bụi

vào thể tinh

đừng. sưng mặt đỏ. hóa hình

một mùa tim phổi

và đinh

thở mòn

Nguyễn Hàn Chung – Người viết bài này cũng là người muốn làm mới thơ lục bát từ vốn truyền thống cũ qua tập thơ Lục bát tản thần (NXB Bản Sắc Việt 2018) với hơn hai trăm bài thơ. Nhà văn Vân Hạ trong nước có nhận xét về tập thơ: “Lục bát tản thần”: Hiện đại hơn linh hoạt hơn, của riêng thương hiệu Nguyễn Hàn Chung. Những câu nói lái kiểu Nam Trung bộ, kiểu Hồ Xuân Hương được ông chọn lựa sử dụng đã làm những bài thơ có nội dung nặng trở nên nhẹ hều, đọc xong mới hiểu tác giả không đùa. Có lẽ nhờ vậy dù tập thơ toàn lục bát nhưng khi đọc vẫn không bị mê man mất tỉnh táo theo nhịp điệu ru ru đều đều của thể thơ này. Có những bài có lẽ tác giả viết cho những người cùng thời ông, đang sống cùng không gian với ông, như:

Từ ta con chữ phản đòn

làm thơ chạy trốn mơ màng khôn nguôi”
(Về đâu đợi nàng).

Hoặc Trong bài “Cô liêu ca” có đoạn:

“Chừ mình mỏi rục tha phương

hồng nhan đã xếp ly còn nhớ nhau

lề mề câu trước câu sau

câu nào cũng có dàu dàu. Vì ai?”

Nhà thơ Luân Hoán thì nhận định “Cảm ơn Nguyễn Hàn Chung không có hoặc bỏ ý định tiếp cận những cánh cửa thi ca thế giới. Anh ở lại cùng vần vè (nói theo kiểu châm biếm của những người học theo cách tân) hoặc vần điệu (theo nhóm thủ cựu, cũng ăn theo người xưa). Tân kỳ hay thơ có vần đều là hình thức cả. Không đồng dạng, đồng phục trong nhóm này, thì cũng ở bầu, ở ống trong nhóm khác. Cái cần là ghi nhận cuộc sống với tài nghệ riêng, và phương thức ghi nhận cần có người khác đồng tình thưởng ngoạn. Tạo đường lối mới hay học theo đường lối mới, không phải đả phá cái cũ để đi lên, kiểu nhóm Sáng Tạo một thời cũng có giai đoạn đầu áp dụng. Hướng dẫn sự thưởng ngoạn của tôi (nói theo kiểu toà án) đương nhiên không thiếu sự sai lệch. Tất cả tùy theo bạn đọc cảm nhận trực tiếp cùng tác phẩm.
Mời cùng đọc Lục bát tản thần của Nguyễn Hàn Chung, để biết sự tản thần của anh khi viết ra sao. Và cũng để xem mình sẽ tản thần như thế nào khi đọc lục bát của anh”. Nhà văn Hồ Đình Nghiêm có một nhận định khác:
“Tản thần theo cách luận chuyện của nhà thơ Nguyễn Hàn Chung thì khó có ai “dễ cởi đâu nghe”. Bạn hãy tạm quên cái nhan có vẻ “tản thần” đầy đe doạ nọ, thử đọc một bài có dính tới “lục bát tản thần” hoạ may ngộ ra, bài Tự ngôn thơ:

Chuyên tâm lục bát tản thần
Không ham cày xới mấy tầng thanh cao

Trữ tình bờ bụi ca dao
Rong chơi tự sự tầm phào lâng lâng
Đôi khi gieo thả rần rần
Cũng là hơi hám cách tân bộn bề

Những gì cấm kị u mê
Tung ra xả láng chẳng hề sợ nhau
Thuốc nào vơi bớt niềm đau
Là ta chích choác cần đâu e dè

Chuyên tâm lục bát vỉa hè
không cam bóng sáo mòn đè lên thơ”

Có thể đây là một tuyên ngôn, nhằm xác định chủ đích của tác giả. Quan niệm của nhà thơ, tự mình khoanh vùng và rõ là ông chưa từng phụ bạc ca dao.”

Dù chủ trương đổi mới cái tình điệu trầm thống muôn đời của lục bát Nguyễn Hàn Chung cũng không muốn cách tân triệt để như Du Tử Lê, Hoàng Xuân Sơn  vẫn còn muốn “bình cũ rượu mới” quan niệm ấy đã hiển lộ trong bài thơ mở đầu cho tập thơ Lục bát tản thần:

Về thôi, lục bát

Anh từng khao khát sân ga
Đi hun hút cõi mù xa đuối tầm
Van em về lại với anh
Xẻ vầng trăng, xẻ chiếu manh, xẻ mình

Mặc người hất hủi coi khinh
Anh hoài nâng níu chuyện tình mị nương
Người ta đã lạc mù phương
Lũy tre chái bếp con mương vẫn chờ

Từ ngày anh biết đau thơ
Đã xông vào cõi bơ vơ lắm lần
Từng quay lưng với mái tranh
Đi tìm lửa đáy biển xanh rã rời

Về đem lục bát ra phơi
Có em đang cắp nón cời đợi nhau
Anh từng chiết giải thâm sâu
Chiều quê vẫn sững sờ câu“ Chiều chiều… ”

Bài kệ âm dương lại phá bỏ cái cũ tạo một hiệu ứng vắt dòng:

em mà âm
đạo đức kinh
thì anh dương
vật vã mình rong chơi
em cõi âm
hộ vệ đời
thì anh dương
vật vờ nơi cõi phàm

em biến âm
thần rất ham
anh dương cương
đến điêu tàn khói mây
em không âm
đạo nghĩa nào
anh dương
cụ cựa rạt rào nữ lang

âm âm
vật vật lỡ làng
dương dương
cụ cụ

quy hàng tình chung

và sự trăn trở về con chữ trong thơ nói chung và thơ lục bát nói riêng:

Con chữ

Có con chết
đã đem chôn
Đêm đêm hú hí hiện hồn
vào ra
Có con sống sít sương sa
Đêm đêm lầm lụi
bóng ma vật vờ
Con nào rác
Con nào thơ
ta run rẩy rụng
bệ thờ con âm

Thật ra ở hải ngoại còn nhiều tác giả làm thơ lục bát nhưng họ thỉnh thoảng chỉ viết đôi ba bài và không chủ trương cách tân thơ lục bát nên người viết bài này không trích dẫn. Họ có thể là những nhà thơ tài hoa khi sử dụng nhiều thể loại thơ hiện đại hơn nhưng ở thơ lục bát thì tôi chưa cảm nhận được. Hơn nữa thời gian và dung lượng bài viết không cho phép nên chỉ xin giới thiệu một số tác giả ở trên với bạn đọc trong nước. Đa tạ.

Houston TX. U.S A
14/9/2020

N.H.C