Những thân phận hậu chiến trong một số truyện ngắn Lê Trâm

446

Hoàng Diệu

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà văn Lê Trâm – Cây bút truyện ngắn nổi bật của văn học Quảng Nam đương đại. Sinh ra và lớn lên trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, Lê Trâm đã có một vốn sống thực tế sâu sắc, dày dạn. Sau những năm tháng chiến tranh, sự thấu cảm và những quan sát của Lê Trâm đã tái dựng đầy đủ những vết thương và tâm thế của những người về từ chiến trường xưa. Những nhân vật trở về sau chiến tranh trong truyện Lê Trâm làm cho người đọc rơi vào nhiều ngưỡng cảm xúc khác nhau, những con người ấy, họ đã nhận về những “vết thương” để đem lại sự bình yên hạnh phúc cho mỗi vùng đất mà họ đi qua. Trong truyện ngắn Lê Trâm, những con người ấy để tồn tại và sống với hiện tại, họ phải mải miết đi tìm phần hồn của mình nơi chiến trường xưa ác liệt, số khác mãi loay hoay không lối ra trong thanh xuân một thời.


Nhà văn Lê Trâm.

1. Người đi tìm phần hồn

Chiến tranh đi qua, kẻ thắng, người bại đều trở về nhà nhưng cuộc chiến không kết thúc vào lúc ngừng tiếng súng. Nó vẫn còn tiếp diễn với nhiều người, đặc biệt là những người lính trở về từ chiến trường. Nỗi đau mất đi người thân, đồng đội hoặc một phần thân thể, nỗi ám ảnh về những nghịch cảnh bạo tàn của nhà tù, của quá khứ như bóng ma cứ đeo đuổi mãi, khiến cho vết thương tâm hồn ngày càng trầm trọng thêm, khi mà vết thương thịt da đã được chữa lành. Truyện ngắn Lê Trâm vén màn cuộc sống hiện tại của những con người sống sót trở về sau chiến tranh, họ ngày đêm đi tìm phần hồn của mình vẫn lạc trong chiến trường xưa.

Trở về với cuộc sống bình thường những con người ấy đã đối mặt với cuộc sống cơm áo và tiếp tục xây dựng, cống hiến, nhưng những ám ảnh vọng lại từ cuộc chiến lửa đạn vẫn còn đó, hằng ngày vẫn hiện hữu, dày vò, dằng xéo họ đến đổ vỡ, dù họ đã bao lần quên đi để sống ý nghĩa cho đời người lính. Trong truyện Tiếng hú Tư Liền đã vượt qua mưa bom bão đạn, đồng đội đã hy sinh cả, tất cả đã bị vùi hết giữa bom và pháo. Sau chiến tranh, Tư Liền trở về với những vết thương chằng chịt. Những vết thương thể xác lẫn tinh thần bám lấy ông, dày vò tâm trí và cuộc sống. Đớn đau, ám ảnh, day dứt không nguôi, người lính ấy đã tiếp tục cuộc sống với công việc lựa chọn là tháo gỡ bom mìn, khắc phục những tàn dư của chiến tranh “Sau chiến tranh cơ man là mìn lẩn trong cỏ cây, đất đá. Thế nhưng Tư Liền chẳng chút sợ hãi. Sau ngày giải phóng, được xuất ngũ chưa bao nhiêu ngày Tư Liền đã tình nguyện đi tháo gỡ bom mìn. Tính Tư Liền lầm lì và khó gần. Nói như cánh nhà văn, con người anh đầy tâm sự. Quê Tư Liền đâu dưới miệt biển. Và sự có mặt của anh khiến không ít người ngạc nhiên. Trong lúc bao nhiêu người co rúm lại khi bị phân công làm cái công việc đùa giỡn với tử thần ấy thì Tư Liền vẫn điềm nhiên, một mình tỉ mẩn dọn sạch dần thứ rác rưởi quái quỉ, chẳng đợi ai phân công”[7, tr.6]. Bản tính luôn nghĩ cho người khác, cho sự bình yên của mọi nhà, của đất nước đã nuôi dưỡng những người như Tư Liền không chỉ trong chiến tranh mà khi về với cuộc sống hòa bình hiện tại họ vẫn mong muốn góp công sức vào sự đi lên của đất nước, không màn hiểm nguy. Rủi ro và bất trắc đã đến với Tư Liền trong một lần tháo gỡ bom mìn “Rủi ro đến ngay với Tư Liền.

Một quả lựu đạn phát nổ bất ngờ khiến anh bị thương khá nặng. Xuất viện với chiếc chân còn lại. Tư Liền tiếp tục quay về vùng đất một thời gắn bó của mình. Anh cất nhà trên núi và sống thui thủi một mình. Hình như có điều gì ám ảnh anh thì phải. Những cơn động kinh xuất hiện và ngày càng gần nhau hơn. Hai năm sau thì anh mất trí hẳn. Hằng ngày người ta thấy anh đi quanh các tảng đá, thỉnh thoảng lại cất tiếng hú “u..u.. ê..ê…” như muốn gọi ai. Rừng núi vắng vẻ, thâm u thêm tiếng hú càng ghê rợn. Nhiều người nghe lẫn trong tiếng hú có tên mình nên hãi”[7, tr. 6]. Tưởng rằng ngày hòa bình ai nấy đều được hưởng cuộc sống no ấm, thanh thản, thế nhưng những con người như Tư Liền vẫn còn nhiều bất hạnh và dằn vặt quá. Cuộc sống cô đơn, bơ vơ, sống qua ngày nhờ sự cưu mang của hàng xóm, những người ai gặp Tư Liền ai cũng xót xa và ái ngại khi nhắc đến “Khi tỉnh Tư Liền rất hiền. Dân quanh vùng ai cũng thương và thường mang lên cho anh đủ thứ. Mỗi lần có người mang quà lên Tư Liền đều ứa nước mắt và lại “hê…hê…” đáp lễ. Tiệt không có người thân nào tới thăm anh suốt một thời gian dài”[7, tr.6]. Trở về với cuộc sống đầy những ám ảnh trong chiến tranh đã khiến Tư Liền không thể có cuộc sống bình thường trong thời bình, ông giao tiếp với xã hội bằng những tiếng hú, u ê, con người trở về từ chiến trường khốc liệt khi xưa đã chịu nhiều mất mát nhưng hòa bình lặp lại, họ vẫn phải sống với nỗi lòng nặng nề đau thương.

Đến khi người đồng đội còn sống đến tìm anh, mọi đau thương như vỡ òa, họ chua xót nhìn nhau, cả đơn vị chỉ còn hai người còn sống trở về, bao ám ảnh và dằn vặt, họ dắt nhau vượt rừng, vượt thác, đi tìm xác những người đồng đội năm xưa còn nằm lại ven đồi, ven suối hay bên gốc cây nào đó. Họ đã tìm được rất nhiều đồng đội của họ. Có như vậy họ mới thanh thản, Tư Liền mới trở nên tỉnh táo hơn “ Họ lại tiếp tục lên núi. Sau đó họ còn trở lại cơ quan xã nhiều lần nữa. Lần cuối cùng, lúc người lính tên Nguyễn Chút định nói cái câu nói quen thuộc thì Tư Liền gạt anh ra, bước tới buột miệng: X…i…n…- Rồi bật khóc”[7, tr.8]. Sau chiến tranh, những người lính vẫn luôn đau đáu đi tìm nhau. Có lẽ trải qua bao biến cố, thăng trầm nhưng hình ảnh những đồng đội đã hy sinh vì đất nước hằn sâu trong ý nghĩ của những người như Nguyễn Chút, Tư Liền, thường trực ý nghĩ sự trở về của mình là điều kỳ diệu, may mắn, cùng nghĩa tình sâu nặng với đồng đội, nên sau hai mươi năm họ lại miệt mài lục lọi ký ức về từng địa điểm, khoảnh rừng nơi xưa kia có đồng đội của mình hy sinh, để tìm lại phần hồn của mình còn lại nơi chiến trường năm xưa.

 Cũng là cuộc tìm kiếm đồng đội như Nguyễn Chút và Tư Liền, người lính mỹ năm xưa quay lại chiến trường Việt Nam để tìm kiếm người bạn thân của anh, mấy chục năm trước đã nằm lại nơi mảnh đất Việt anh hùng. Chiến tranh đã lùi xa , nhưng còn để lại những hậu quả khôn lường cho những binh lính Mỹ sống sót trở về. Nó đã “mở ra” một thời kì “sau Việt Nam” đầy dằn vặt cho nước Mỹ. Đi liền với cái chết, thương tật và những di chứng, binh lính Mỹ còn gặp phải nỗi ám ảnh mang tên “hội chứng Việt Nam”.Nhiều người Mỹ trở về từ cuộc chiến đã mãi kẹt lại ở quá khứ, với những đớn đau, hận thù, ám ảnh. Dick, người lính Mỹ trong truyện ngắn Trưa muộn, trở lại mảnh đất từng quen thuộc với mình hơn hai chục năm trước. Đứng trước cảnh vật đã đổi thay, anh và người bạn đang đứng trên mảnh đất nhiệt đới còn nhiều niềm khổ, họ tự nhủ họ đang làm gì ở vùng đất này đây, như một sự hối tiếc cho quá khứ và việc làm của họ trên chiến trường Việt Nam “Cánh đồng sau vụ gặt chỉ còn trơ lại rơm rạ và cỏ dại trông thật hoang liêu.Làng mạc hiện ra ở xa xa, thấp thoáng bóng ngói đỏ (…) Nắng vẫn xối xả. Họ đi qua mấy lùm tre vàng vọt. Hai bên vệ đường la liệt những chân hương cắm xiêu vẹo. Ở đây vừa trải qua lễ hội? Alice thầm đoán. Họ đi tiếp. Xuất hiện thêm mấy khóm thờ đầy hoa và hương. Nhiều cây hương còn nghi ngút khói”[7, tr.19]. Những người lính Mỹ năm xưa ấy vẫn mang mặc cảm khi phải quay lại Việt Nam, họ là những kẻ tội đồ, là kẻ thù, họ chưa hiểu được rằng, chiến tranh đi qua là đau thương, là mất mác, là đắng cay với người Việt nhưng tất cả đã qua rồi, chúng ta không còn hận thù, vì ai cũng chằng chịt những nỗi đớn đau, những nén hương là sự thương nhớ cho cả những người lính đã ngã xuống, không phân biệt người trong nước hay kẻ ngoại lai, chết là đau thương. Điều đó làm cho những người chứng kiến như Dick và Alice phải nghẹn ngào. Dick cảm thấy tội lỗi, họ đã mang những gì tới đất nước xa xôi cách nửa vòng Trái Đất. Họ cầm súng, hung hăng vào làng cướp phá, thiêu trụi những ngôi nhà tranh nghèo nàn, hất đổ hết những hũ gạo chẳng còn lại bao nhiêu… Họ tìm được gì ở đó? Chính họ cũng không thể trả lời câu hỏi ấy.

Chiến tranh đã đi qua nhưng những con người trở về từ chiến trường xưa vẫn còn chưa nguôi những tội lỗi, đó là những lời vọng từ cái chết của đồng đội thân quen ngày trước. Ký ức về Việt Nam với họ không chỉ là đạn bom và chết chóc, một đất nước nghèo xơ “ toàn nhà tranh lụp xụp”, cây cỏ bụi rậm phủ đầu, mà mảnh đất này còn lắm người dám xông lên khi bom đạn vẫn đổ trên đầu, hết người này nằm xuống, lại có người khác xông lên, kiên cường và bất khuất. Dick đã nhớ rất kĩ khoảng lặng giữa những cuộc tấn công, những cánh rừng nhiệt đới xanh ngút ngàn và giờ đây những mái ngói đỏ yên bình, những người dân đã quên hận thù, vì họ còn “bao mối lo toan khác”. Những người như Dick trở về đầy dằn vặt, đau đáu về quá khứ, và họ có chỉ thể sống yên bình khi trở về mảnh đất xưa để tìm lại mình và nhận được sự bao dung thứ tha của những người đã từng bị coi là kẻ thù, lời bà cụ đã xóa nhẹ đi những tội lỗi vẫn nặng nề trong người lính Mỹ bao năm “Cậu này nói nghe lạ không? Ôi dà, bao nhiêu là người chết bờ chết bụi ai mà nhớ cho hết, cứ gì là con tôi! (…) cho cả những người như chúng tôi? Thắp cho họ nén hương sưởi ấm kẻo tội nghiệp. Bữa ni rằm tháng bảy, ngày xá tội vong nhơn…”[7, tr.22]. Dẫu khuất lấp trong vô vàn nỗi đau khủng khiếp do chiến tranh, truyền thống nhân hậu, vị tha đã giúp những người dân của một đất nước từng chịu quá nhiều đau thương và ám ảnh của chiến tranh, gác lại thù hận xích lại gần nhau, quên đi đau thương, thù hận để mà sống tiếp.

Những câu chuyện của Lê Trâm nhẹ nhàng mà gây xúc động mạnh, qua đó mới thấy được những con người đã đi qua những đau thương, những người từ chiến trường trở về họ không thiết thù hận, không muốn ôm giữ lòng căm thù, không thiết truy lại những tội lỗi mà kẻ thù gây ra, vì với họ đó là “thương đau lần nữa”.

2. Nhân vật nữ và tuổi xuân chiến thắng

Lê Trâm không chỉ phản ánh những nỗi đau của những người trở về từ chiến trường xưa, mà truyện ông còn cho thấy một góc nhìn mới về những người phụ nữ với cuộc sống đời thường sau chiến tranh, đó không phải là những người mẹ, hay những người vợ có chồng hy sinh ngoài trận tuyến, mà đó là những người nữ du kích, trở về với những hy vọng ở cuộc sống mới, sau bom đạn và nhiều hy vọng nhưng họ lại cô đơn, lẻ loi một mình đối diện với một cuộc sống nhiều lo toan bề bộn, bỏ lại tuổi xuân chiến thắng.

 Không giống như những người phụ nữ vẫn thường được miêu tả các truyện ngắn khác với những phẩm chất anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Những người phụ nữ có chồng, con ra trận là niềm tự hào, điều tất yếu. Các cô gái tiễn chồng hoặc người yêu ra trận, tham gia thanh niên xung phong với niềm lạc quan phơi phới, coi nhẹ gian khổ, hy sinh. Những khó khăn, mất mát nếu có cũng trở thành cội nguồn nghị lực sống của họ. Thì những nhân vật như bà Duyên, người du kích trẻ đẹp, hồn nhiên và đầy sức sống trong mắt ông Bừng ở truyện Mùa chim bay đi, sau chiến tranh bà trở về cô đơn lặng lẽ sống phần đời còn lại, không chồng, không con, vui vẻ gắn bó ruộng vườn, dù chỉ thoáng qua dưới ngòi bút của Lê Trâm qua lời kể của ông Bừng mà ta cảm thấy thương cho bà, một người nữ du kích đầy khát khao yêu thương hạnh phúc, bước qua chiến tranh, trở về phải đối diện với những ám ảnh của chiến tranh mà không thiết cuộc sống êm vui hằng ao ước của mình. Hòa bình cũng chứa đựng biết bao sóng ngầm, người phụ nữ ở đây chênh vênh trên bến tình người, nên bà Duyên chỉ lủi thủi một mình và ôm hoài những kí ức xưa cũ. Hay Lê Trâm muốn làm sáng những góc khuất của những người nhiều tâm sự như bà Duyên, sau chiến tranh bà Duyện trở về với sự dang dở tình duyên, không tròn lời hẹn ước năm xưa, nên bà chỉ một mình, bà mang theo bao lời hẹn thề như trang giấy trắng chưa kịp viết lời yêu đã hóa sỏi đá mất rồi. Lê Trâm đã mở ra một cái nhìn mới về những người nữ, không phải là vết thương như những người mẹ mất con, hay những người vợ mất chồng, mà ở một vết thương lòng khó nhìn thấy, vẫn ngày ngày không nguôi. Sau khi cơn bão chiến tranh tràn qua, nhiều cuộc đời trở thành dang dở nhưng có lẽ khắc khoải nhất vẫn là những người phụ nữ. Họ chơi vơi, vô định trên con đường đi tìm hạnh phúc. Tuổi trẻ, nhan sắc, sức sống đã hao mòn bởi thời gian, bởi chiến tranh cùng với nếp sống tình cảm, sự chi phối của dư luận khiến họ gặp nhiều trắc trở tình duyên, nhiều người như bà Duyên, đã sống đơn độc phần đời còn lại.

Cũng có những người phụ nữ không phải là du kích, cũng không phải thanh niên xung phong, họ chỉ là những cô gái hậu phương, âm thầm sống giữa mưa bom bão đạn của chiến tranh và là những nạn nhân của cuộc chiến nhiều đau thương đó. Đi qua và chứng kiến bao kiện tích của chiến tranh đạn lửa, họ trở về cuộc sống với những vết thương không lành. Lê Trâm đã đi khai thác những nhân vật như thế trong những trang viết của mình, đây là một cái nhìn toàn diện về cuộc chiến tranh đầy gian khổ của dân tộc ta. Thùy Dung trong truyện Chìm dưới bụi thời gian là một nhân vật đã đi qua chiến tranh và bắt đầu cuộc sống như bao người, nhưng trong cô lại mang nhiều mảng kí ức đầy chua chát. Thùy Dung sống dưới đạn bom thời chiến, gặp gỡ và chứng kiến bao nhiêu con người đã gian khổ hy sinh trong những trận càn quét của địch. Lúc trẻ Thùy Dung bán nước ven đường, mong sống qua những ngày chiến sự cam go.

Trong kí ức cô cả một vùng đất đầy cát trắng đầy gió và khói bụi mịt mù bao ngày tan thương luôn là hình ảnh mà mỗi ngày vẫn như hiện hữu, sống qua thời bom đạn ác liệt như vậy có lẽ là chiến tranh đã ân sủng chừa cô ra  “Chị bỗng nhớ tới cái vùng cát đầy nắng gió và khói lửa mịt mùng. Hai chục năm trước, ngày nào chẳng có người chết. Mấy ngày đầu cuộc chiến, người ta còn vật vã than khóc. Mãi rồi chẳng ai còn nước mắt. Người ta vội vã chôn cất người chết rồi lầm lũi chui về những chòi lá lụp xụp, thản nhiên chờ tới phiên mình. Nhiều năm, người ta cứ thế, sống và hơn thế, chiến đấu với cái chết”[10, tr.211]. Đúng vậy chiến tranh đã chừa cô ra, nhưng những gì xảy ra trong những ngày tháng đầy bom đạn đó vẫn như mới ngày hôm qua, tuổi trẻ của bà không có niềm hạnh phúc yêu đương như bao người, cũng không tương lai, chỉ mong sống sót qua những ngày khói lửa tro tàn “Thùy Dung chỉ có một nơi để sinh ra, lớn lên, sống, yêu và chết.Trời ơi, chị chưa kịp sống, chưa kịp yêu. Làm gì có đàn ông để mà yêu. Tất cả ra trận hết rồi…”[10, tr. 214].  Chưa kịp yêu và chưa kịp hạnh phúc, tất cả đã trở nên tan tác với Thùy Dung, bởi những ngày sống lầm lũi, bên quán nước nhỏ ven đường như cây cỏ không người lui tới, Thùy Dung gặp hắn – một tên lính Mỹ, trong những trận càn lại về quán nước của Thùy Dung bày tỏ bao nỗi nhọc nhằn của hắn trên chiến trận ở Việt Nam.

Hắn đã vĩnh viễn cướp đi cuộc đời Thùy Dung, và chẳng bao lâu thì biệt tích, những ngày sau đó là những ngày tồi tệ cô phải đối mặt. chỉ có Thùy Dung với những niềm cay đắng về những gì hắn để lại, đó là cái bụng càng ngày càng lớn của cô, và những dèm pha, khinh miệt của người đời, về con đàn bà hư hỏng, về đứa con lai chị đang mang “Những gì hắn để lại ngày một lớn lên trong chị rất rõ ràng. Chị sinh con đúng đêm cái đồn Mỹ bị phá tanh bành. Về lại nơi chôn nhau cắt rốn chị trở thành người đàn bà hư hỏng trước đôi mắt dè bỉu của nhiều người, Đến độ không thể nào chịu đựng nổi. Không hơn một năm sau chị ôm con phiêu bạt xứ người. Đói khổ quá mức chị đành bán cả con, lại quay về, khép một vòng đầy oan khiên”[10, tr.216]. Đến cuối cùng cô trở về và sống cô đơn, lẻ bóng. Trở thành người không nhà, không chồng, không thêm con cái, không gia đình, không điều hy vọng, đến lúc gặp lại đứa con cô đã bán năm nào, mọi thứ mới vỡ “còn sống ư?”.Những con người như Thùy Dung, trở về sau chiến tranh trong truyện ngắn Lê Trâm không chỉ đối diện với những thương tật về thể chất, mang theo khuyết thiếu đớn đau tinh thần, đó là những vết thương tâm hồn, tình cảm. Cụ thể là những người phụ nữ trẻ đang tuổi thanh xuân, phải chịu nhiều nỗi đau đớn, mà để sống tiếp họ phải “điếc” đi cái phần hồn của người mới có thể chịu đựng nổi. Quan tâm đến vấn đề đó, Lê Trâm đã cho thấy những mặt khác của chiến tranh với tinh thần nhân văn, nhân bản của văn học nói chung, truyện ngắn chiến tranh nói riêng.

Những nhân vật như bà Duyên hay Thùy Dung được miêu tả mang theo sự hụt hẫng, dang dở, mất phương hướng trong việc kiếm tìm tình yêu, hạnh phúc sau chiến tranh. Những lý do khách quan khiến họ rơi vào tình cảnh thích nghi với cuộc sống thiếu vắng người đàn ông, hầu như họ không còn hy vọng về tương lai. Bởi cuộc đời của họ thường được đặc tả ở thời điểm hiện tại, khi nỗi đớn đau, cô đơn đã theo họ bước sang tuổi xế chiều. Họ góp thêm tiếng nói phản đối chiến tranh khi chia cắt những tình cảm thiêng liêng của con người. Những nhân vật phụ nữ với chấn thương, bi kịch sau chiến tranh cũng xuất hiện khá nhiều trong truyện ngắn Lê Trâm, thể hiện cái nhìn khách quan, tiếp cận đề tài qua số phận cá nhân của nhà văn sau giải phóng.

Một số truyện ngắn của nhà văn Lê Trâm đã khắc họa hình tượng những người trở về từ sau chiến tranh từ nhiều khía cạnh, trong đó một góc nhìn mới về những bi kịch trong số phận của họ hiện lên rõ rệt qua từng nhân vật. Nhìn lại những con người vẫn còn mắc kẹt lại trong đau thương chiến tranh, họ vẫn đau thương tìm lại phần hồn lạc lõng trong kí ức và cả những người phụ nữ chới với giữa cuộc sống sau đạn bom khiến người đọc không thôi xót xa. Lê Trâm không chỉ đặt vấn đề về sự hy sinh mất mát qua chính bản thân những người đã nằm xuống mà vấn đề còn ở những người còn sống trở về.

H.D

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trần Đình Sử (2005), Tiếp nhận – bình diện mới của lí luận văn học, NXB Giáo dục.
  2. Trần Đình Sử (2014), Trên đường biên văn học, NXB Văn học

3.Trần Đình Sử (2014), Bước ngoặt diễn ngôn và chuyển đổi hệ hình trong nghiên cứu văn học, NXB Văn học.

  1. Bùi Quang Thắng (2008), 30 thuật ngữ nghiên cứu văn hóa, NXB Khoa học xã hội.
  2. Bùi Việt Thắng (2000), Truyện ngắn, những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, NXB Đại học quốc gia Hà Nội.
  3. 6. Lê Trâm (1992 ), Lai lịch một thành hoàng, NXB Hội VHNT Quảng Nam – Đà Nẵng.
  4. 7. Lê Trâm (1999), Tìm lại thời gian, NXB Đà Nẵng.
  5. 8. Lê Trâm (2007), Một giấc hồ điệp, NXB Hà Nội.
  6. 9. Lê Trâm (2016), Phía gió biển không còn ai, NXB Trẻ.
  7. Lê Trâm ( 2018), Đêm nguyệt Bạch, NXB Trẻ.
  8. Trần Lê Hoa Tranh (2016), Hiện tượng đi về của các nhà văn đương đại Việt Nam, Văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế (tập 1), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.