Nỗi đau tóc trắng

628

Truyện ngắn của Bạch Nhật Phương

Nhà văn Bạch Nhật Phương

Vài tuần trước, hai mẹ con bà hàng xóm dọn đến ở căn hộ đối diện. Bà mẹ có khuôn mặt phúc hậu, mái tóc tựa làn mây trắng. Cậu con trai trạc chừng 25 tuổi, vóc người to cao, lầm lỳ, chẳng thèm chào hỏi ai.

Nguyệt khóa cửa, vừa định bước đi thì phòng đối diện bật mở, bà mẹ tiến

nhanh lại gần, cười đon đả:

– Chào cô! Hình như cô sắp đi ra phố?

– Vâng, chào bác ạ!

–  Xin lỗi vì đã làm phiền, cô có thể giúp tôi một việc được không?

Nguyệt ngần ngại, sợ trễ giờ hẹn với cô bạn, bà mẹ tinh ý nói vội:

– Dạ thôi cô cứ đi, lát nữa cô về tôi xin được sang nhà thưa chuyện.

Leo lên xe nổ máy rồi mà Nguyệt vẫn còn băn khoăn, không biết bà ấy cần giúp việc gì? Một bà già với phong cách cổ kính, có phần rụt rè và thận trọng, nay

mới tiếp xúc lần đầu mà đã muốn nhờ vả thì kể cũng hơi khó hiểu.

Buổi trưa, khi Nguyệt về, bà hàng xóm đã đứng chờ ở tiền sảnh, vẻ nôn nóng hiện rõ trên nét mặt. Nhìn thấy Nguyệt bà gần như reo lên:

– May quá, cô đã về!

– Có việc gì gấp mà bác phải đứng chờ cháu thế này ạ?

– Chuyện là thế này, nhà hết ga mà con trai lớn của tôi đi công tác chưa về, cô làm ơn giúp tôi, cho tôi mượn năm trăm ngàn, tối mai con tôi về tôi sẽ mang trả

ngay! Được… không cô?

Nguyệt tỏ ra ngạc nhiên, số tiền không lớn, nhưng xưa nay người ta rất thành

kiến với những người chưa kịp quen biết đã vay tiền. Bà hàng xóm nhìn Nguyệt, khẩn khoản:

– Nhất định tôi sẽ trả, xin cô giúp cho. Tôi biết ơn lắm lắm!

Nguyệt miễn cưỡng gật đầu, không mời bà vào nhà, bằng một giọng khô khan, nói:

– Bác chờ chút, cháu vào nhà lấy tiền.

Thật ra trong túi Nguyệt đang có nguyên một tháng lương, sáng nay cô vừa rút

từ thẻ ATM, nhưng cô thấy cần phải suy nghĩ thêm. Cô đã nhiều lần bị lừa tiền vì những “pha” tương tự.

Tối hôm sau, khi đang dùng bữa thì có tiếng gõ cửa, bà hàng xóm xuất hiện. Nguyệt thấy vui trong lòng vì bà đúng hẹn. Nhưng kìa, sao bà ta có vẻ lúng túng? Bà im lặng, cúi đầu… nửa như xấu hổ, nửa như nhẫn nhục. Nguyệt đành lên tiếng trước:

– Sao rồi bác?

– Thật ngại quá, mới vay lần đầu đã thất hẹn, nhưng thằng con lớn của tôi vẫn

chưa về cô ạ, mai nó về tôi đem sang trả cô liền, cô thông cảm nhé!

– Vâng! – Nguyệt đáp gọn lỏn.

Một tuần, hai tuần, rồi một tháng… tiền thì chưa thấy trả nhưng thỉnh thoảng bà hàng xóm vẫn sang khất nợ. Nguyệt đã chán, cô xem như một lần nữa mình bị lừa. Con gái cô nhận xét: “Mẹ là người dễ bị lừa nhất thế gian, dường như năm nào mẹ cũng mất tiền ít nhất một lần.”

 Tổ dân phố mời họp, Nguyệt đến  dự và ngẫu nhiên nghe được lời phàn nàn của mấy bà cùng khu chung cư, hóa ra bà hàng xóm đã vay tiền hầu hết mọi người trong khu chung cư. Tiếp đó, ông khu phố trưởng thông báo: “Bà con lưu ý, trong khu phố ta có một thanh niên nghiện sì ke, hiện ngụ tại căn hộ…, số… Cậu này đã vào trại cai nghiện nhưng lại bỏ trốn, lẽ ra phải bắt cậu ta quay trở lại trại nhưng bà mẹ cứ dung túng, nuôi giấu trong nhà. Gần đây, tình trạng nghiêm trọng hơn, cậu ta ép bà mẹ phải cho tiền mua thuốc và dọa sẽ tự tử nếu không được đáp ứng. Người con trai cả của bà ấy đang sống ở quận khác. Cậu ấy đã liên lạc với địa phương và đề nghị thông báo với mọi người tuyệt đối không cho bà mẹ vay tiền. Cậu ấy cũng hứa là chủ nhật tới sẽ đến đây gặp bà con để thanh toán mọi khoản nợ mà mẹ anh đã mượn trước đây.”

Nguyệt thấy bực bội trong lòng, đích thị là bà hàng xóm đã nói dối, còn cô thì vô tình tiếp tay cho một kẻ sa ngã. Tan họp, cô về nhà. Bà hàng xóm đang đứng đợi cô ở cửa và lại nài nỉ vay tiền. Lần này, không chút đắn đo, cô sẵng giọng:

– Anh con trai lớn của bác đã nói với mọi người là tuyệt đối không cho bác mượn tiền đấy, mà sao bác không để thằng bé đi cai nghiện thế?

Bà già tái mặt, lắp bắp:

– Thằng hai, nó… nó… đã nói thế hả cô? Nhưng nó… nó đang…

Rồi bà bật khóc, vừa mếu máo vừa chạy vào nhà. Nguyệt thấy động lòng, chạy theo bà sang phòng đối diện và chứng kiến một cảnh tượng khủng khiếp: một đứa nghiện hút nằm lăn trên sàn nhà, hai chân co quắp, sùi bọt mép liên hồi, một tay nắm chặt con dao găm. Lúc này, nó không còn đủ sức để hung hãn nữa. Nguyệt hỏi:

 – Cậu ấy mới lên cơn sao bác?

 – Ban nảy nó tới cử nghiện thuốc, nó cầm dao chĩa vào ngực tôi bảo nếu không đưa tiền cho nó, nó sẽ giết tôi. Tôi đành chạy sang gặp cô. Cứ vài ba ngày không có thuốc là nó lại lên cơn, khi có thuốc thì nó trở lại bình thường, hiền lành lắm cô ạ!

 – Trước đây cậu ấy đã dọa giết mẹ bao giờ chưa?

 – Chưa, trước đây nó chỉ dọa sẽ tự tử thôi, nhưng lần nào tôi cũng nài nỉ nó cố chờ tôi mang tiền về. Lần này, không ai cho tôi vay tiền, tôi sợ nó chết mất thôi cô ơi.

Nguyệt kéo bà hàng xóm ra ngoài, nhắc bà khóa cửa nhốt thanh niên nghiện hút bên trong rồi đưa máy di động, bảo bà gọi điện ngay cho người con lớn. Bà hàng xóm trong trạng thái mất hồn, làm theo lời cô như một robot.

Anh trai thằng bé đến, Nguyệt quay về với những bận rộn của mình, không biết bằng cách nào mà anh ta đã xử lý êm mọi việc!

Nghe tiếng ồn ào Nguyệt đẩy cửa bước ra tiền sảnh, dưới tầng trệt nhiều người xúm quanh một chiếc xe cảnh sát. Cô đi xuống, nhập vào đám

đông. Trên xe, cậu bé hàng xóm đang ngồi kẹp giữa 2 anh công an, người anh trai của cậu cũng có mặt. Xe chuyển bánh, cậu bé ấy được đưa lên trại cai nghiện ở một tỉnh Tây Nguyên. Nguyệt nhìn quanh tìm bà mẹ nhưng không thấy. Cô quay sang hỏi ông khu phố trưởng và được biết rằng chính người anh trai đã phối hợp với công an phường, sắp xếp cho bà mẹ đi thăm người bà con bị ốm để dễ dàng đưa cậu bé đi.

     Chiều muộn hôm ấy, bà mẹ về không thấy thằng bé liền sang gõ cửa nhà Nguyệt, giọng hốt hoảng hỏi:

– Cô ơi, cô có thấy…

Chưa kịp dứt lời thì Nguyệt đã đưa máy di động cho bà, ngầm bảo: “Bác hãy gọi cho con trai bác mà hỏi!”

 Trò chuyện với con trai lớn xong, bà cụ ngồi im lặng. Nhìn vẻ mặt thẫn thờ, đau đớn của bà, Nguyệt thấy cần phải nói với bà điều gì đó mà nghĩ không ra.

Lúc lâu sau, cô cất tiếng, cốt cho đỡ căng thẳng:

– Anh con lớn của bác đang ở quận nào?

– Hai vợ chồng nó có căn nhà cấp 4 ở mãi Hóc Môn, nó giận tôi nên mới tách ra ở riêng đấy!

– Giận bác? Vì chuyện thằng em à?

– Vâng, đúng thế! Chúng nó làm ăn cũng khá, có ngôi nhà xây 3 tầng ở Phú Nhuận, phải bán đi để trả nợ cho thằng em. Vợ chồng nó lại mua một căn nhỏ hơn ở gần đấy. Nó bàn với tôi về việc đưa em nó đi trại cai nghiện, nhưng tôi không chịu, cứ nấn ná. Tôi vẫn luôn hy vọng thằng bé vì thương mẹ mà sẽ bỏ chích. Trước  đây nó hiếu thảo lắm cô ạ, ai ngờ nó thay tâm đổi tính thế chứ!

Rồi đến khi phải bán căn nhà thứ hai thì vợ chồng thằng anh thuê cho hai mẹ con tôi căn hộ chung cư này và mua một miếng đất nhỏ ở Hóc Môn, tự xây nhà. Chúng không đưa tiền mặt cho tôi nữa mà chỉ cấp gạo, dầu, ga, thực phẩm…

Cũng từ đó, không có tiền mua thuốc cho thằng út, thế mới sinh ra cớ sự này.

– Vì sao thằng bé đi vào con đường này hả bác?

Bà cụ chép miệng, lắc lắc cái đầu, giọng chì chiết:

– Chỉ tại cái con bé đó, con bạn gái của nó ấy mà.

– Sự thể thế nào bác?

Như chạm đúng nguồn cơn, bà hàng xóm tỉ tê tâm sự:

– Hai đứa cùng học với nhau suốt mấy năm cấp 3, chúng thân nhau lắm, cả hai đều học hành chăm chỉ, bên nhà con bé cũng nề nếp, bố mẹ nó đều là nhà giáo. Vì thế, tôi yên tâm để chúng kết bạn. Khi chúng nó vào đại học thì mỗi đứa một trường. Nhưng, chúng vẫn giữ tình cảm thân thiết. Con bé thỉnh thoảng vẫn tới nhà tôi chơi. Vào dịp nghỉ hè cách đây 3 năm, thằng út nhà tôi nói rằng chúng đã yêu nhau và hứa hẹn sau khi ra truờng sẽ kết hôn. Chúng cũng đã xin phép gia đình bên kia để được qua lại. Từ đấy, vào các ngày lễ tết tôi thường gọi con bé đến ăn cơm cùng gia đình. Nhìn chúng ríu rít với nhau, tôi cũng mừng thầm trong bụng. Bẵng đi một thời gian, không thấy con bé đến nhà chơi nữa, tôi hỏi thì thằng bé trả lời ậm ờ cho qua chuyện. Cứ ngỡ bọn trẻ giận hờn vu vơ rồi thôi, ai ngờ chuyện thành ra nghiêm trọng. Hai đứa chia tay, thằng con tôi thất tình, đâm ra chán đời, đang năm cuối đại học mà nó bỏ học rồi dần sa ngã…

Nói đoạn, bà cụ nghẹn giọng, lấy tay quệt dòng nước mắt. Nguyệt cầm hộp khăn giấy đưa cho bà rồi nhẹ nhàng an ủi:

– Biết đâu sau lần đi cai nghiện này, em nó sẽ bình tâm và lại là đứa con ngoan

của bác như ngày nào.

– Không đâu cô ơi, nó là đứa giàu tình cảm lại yêu say đắm nên càng tuyệt vọng khi bị phụ tình.

– Phụ tình? Vậy là con bé kia đã yêu người khác rồi hở bác?

– Nó đột nhiên lấy chồng đại gia, hơn nó cả chục tuổi.

– Lấy chồng đại gia? Con bé đâu phải con nhà nghèo, từ quê lên thành phố trọ học, bơ vơ không nơi nương tựa đến nỗi phải bấu víu vào một đại gia. Phải

không bác?

– Thì thế, nhà nó ở ngay thành phố này, cha mẹ nó lo cho nó ăn học tử tế mà. Có ai ngờ đâu kia chứ…

     Nguyệt bật ti vi lên xem mà không tài nào thoát khỏi dư âm của câu chuyện nhà hàng xóm. Cô xuống đường đi bộ vài vòng cho nhẹ đầu. Đường phố đã lên đèn, nhành ngọc lan góc phố tỏa hương  nhè nhẹ. Đã hết mùa mưa, tiết trời mát mẻ, bầu trời nhiều sao, trăng non đầu tháng mảnh mai dịu dàng, song hành cùng cô trên con đường nhỏ ven chung cư. Trong khu công viên nội bộ, nhiều trẻ em tụ tập, vài ba đứa chơi trượt patin, vài ba đứa khác ngồi chơi trên những chiếc xích lô nhỏ xíu, có đèn xanh, đỏ nhấp nháy. Chúng đều đang trong độ tuổi thiên thần. Nguyệt thấy chúng thật đáng yêu. Lại nghĩ, dăm bẩy năm sau liệu trong số chúng có đứa nào lạc lối thành kẻ hư hỏng, nghiện ngập như cái thằng con bà hàng xóm kia không? Nuôi cho chúng lớn lên khỏe mạnh đã khó, gìn giữ, dạy bảo cho chúng nên người còn khó gấp bội. Cô thầm ước giá như con người ta cũng trải qua một vòng đời an nhiên, nhẹ nhàng như cái cô Hằng Nga trên cao kia thì hay biết mấy: đầu đời thì yếu ớt, khiếm khuyết; đến tuổi thanh xuân thì tròn vẹn, rực rỡ, huyền diệu… làm thổn thức bao tâm hồn, khởi sinh bao áng thi ca; về già thì ẩn dật, lu mờ dần rồi lịm tắt. Mỗi tháng, mỗi năm, vòng đời cứ thế tuần hoàn nhưng bao giờ cũng êm ả và tỏa sáng!

Hôm nay 20/11, Trường Đại học (nơi Nguyệt công tác) tổ chức một buổi họp mặt long trọng, có mời cả các đồng nghiệp đã nghỉ hưu và nhiều đại biểu khác. Là thành viên ban tổ chức, Nguyệt đến trước 30 phút. Nguyệt không vào văn phòng Khoa mà đi thẳng đến hội trường. Khung cảnh hiện hữu khiến lòng cô náo nức. Ở giữa trung tâm sân khấu là một tấm pano lớn nền màu xanh nhạt với hàng chữ đỏ “Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 -11” được cắt dán rất mỹ thuật, dưới chân tường là hàng chục lẵng hoa đủ màu được xếp theo hình vòng cung với đủ các lời chúc trân trọng. Ở khoảng sân rộng phía sau hội trường là các lều trại của các lớp sinh viên, mỗi cổng trại được thiết kế theo một phong cách riêng, rất bắt mắt. Chiều nay sẽ có hội diễn văn nghệ, tối nay đốt lửa trại và công bố giải thưởng cuộc thi sáng tác thơ & ca khúc của sinh viên toàn trường, đêm nay các em ngủ lại trại, sáng mai mới kết thúc.

Nhớ đến nhiệm vụ của mình là phụ trách tiểu ban lễ tân, Nguyệt gọi điện cho nhóm sinh viên trong đội đón tiếp, nhắn các em đến hội trường ngay. Lần lượt các em xuất hiện, 10 nữ sinh trong chiếc áo dài màu hoàng yến cùng 10 nam sinh trong chiếc sơ mi màu trứng sáo. Các em vây quanh cô nói lời chúc mừng rồi nhanh chóng đứng thành 2 hàng dọc ở ngay cửa chính của hội trường để đón khách. Theo thói quen, cô lướt nhìn từng gương mặt quen thuộc, đây là đội tuyển được lựa chọn từ các khóa, chuyên đón khách trong các dịp lễ lớn của nhà

trường, cứ mỗi khi các em năm cuối ra trường thì lại sẽ có các tân sinh viên năm thứ nhất thay thế. Tiêu chuẩn lựa chọn là : học lực khá, giỏi, nữ có chiều cao từ một mét sáu, nam có chiều cao từ một mét sáu mươi lăm trở lên, dáng người

thon gọn. Chợt Nguyệt nhận thấy cô sinh viên tên Diệp Chi không có đây, thay vào đó là một gương mặt mới. Diệp Chi đang học năm thứ tư, chưa tốt nghiệp sao đã phải thay? Cô đến bên nhóm trưởng hỏi nhỏ và được biết cô bé ấy đã xin nghỉ học để xuất ngoại. Diệp Chi là cô sinh viên có nhiều năng khiếu nổi trội.

Cũng dịp này năm ngoái, em ấy được giải nhất cuộc thi “Thơ tình tuổi 20” do

nhà trường tổ chức. Diệp Chi còn là con gái cưng của cặp vợ chồng đồng

nghiệp đã về hưu, bố là thầy Phúc, nguyên trưởng Khoa Toán, mẹ là cô Thảo,

trước đây cùng dạy ở Khoa Hóa với Nguyệt. Cô thấy mừng cho họ vì đã đủ điều kiện kinh tế cho con gái đi du học. Đó cũng là niềm mơ ước nung nấu của cô.

Hội trường đã đông đúc, khách mời cũng đã lắp gần kín 3 hàng ghế trên cùng, vợ chồng thầy Phúc và cô Thảo cũng có mặt. Buổi lễ diễn ra tưng bừng mà ấm áp, kết thúc bằng bữa tiệc rượu thân tình. Thảo mang ly bia đến bàn tiệc có thầy Phúc và cô Thảo để chúc mừng trong sự hồ hởi:

– Chúc mừng thầy cô đã làm được một việc mà em chưa thể dù rất muốn!

Cả hai người đều tỏ vẻ rất ngạc nhiên, cô Thảo nắm tay Nguyệt lắc nhẹ, hỏi lại:

– Ý Nguyệt muốn nói việc gì?

– Thì việc cho bé Diệp Chi đi du học ấy cô!

– Ôi! Nào có phải cháu đi du học đâu!

Nguyệt lấy làm lạ, hỏi một câu ngớ ngẩn:

– Thế chẳng lẽ thầy cô bắt em ấy đi xuất khẩu lao động để làm giàu?

– Sao lại thế được! Chuyện dài lắm, thôi để hôm nào Nguyệt đến nhà chơi, cô sẽ kể rõ sự tình nhé!

  1. Thành phố rộn ràng đón tết, dòng người và xe cuồn cuộn chảy về các điểm vui chơi. Phía trên cao, những thảm đèn màu nhấp nháy, đi dưới lòng đường tựa như đi dưới vòm trời đầy sao. Nguyệt dành trọn một buổi chiều cùng con gái đi mua sắm, cô định chở mớ hàng hóa lỉnh kỉnh này về nhà rồi mở ti vi xem các chương trình nghệ thuật. Hai mẹ con rẽ vào đường hẻm để tránh ùn tắc. Chợt chuông điện thoại reo, trên màn hình hiện lên tên Diệp Thảo, Nguyệt bấm nút trả lời:

– Em nghe đây cô Thảo ơi!

– Nguyệt đang ở đâu đấy, nếu không bận gì thì mời cả nhà đến nhà cô ăn tối nhé. Hôm nay, cô nấu bún thang, còn có cả món tráng miệng là chè hoa cau và xôi vò nữa đấy. Toàn những món em thích, đúng không?

– Ôi, hấp dẫn quá, toàn những món đặc sản của người Hà Nội,  nhưng em chỉ đăng ký 2 suất thôi cô nhé! Em và cháu Hằng sẽ đến ngay đây ạ!

– OK! Thầy cô chờ hai mẹ con đấy!

  Nguyệt đang đi trên đường số 4, cách nhà cô Thảo không xa lắm nên chỉ khoảng 20 phút sau đã đến nơi. Thầy Phúc đang tỉa lá cho chậu hoa đào Nhật Tân đặt ở tiền sảnh. Còn cô Thảo đang bận rộn bên bếp, Nguyệt giúp cô đơm xôi vào các đĩa, hương thơm của thứ nếp Cái Hoa Vàng vùng Hải Hậu tỏa ra nhè nhẹ. Một cái Tết Hà Nội cổ truyền ở ngay trong lòng thành phố Sài Gòn.

Chợt nhớ đến Diệp Chi, Nguyệt hỏi :

– Cô con gái cưng không về ăn tết với thầy cô ạ?

– Hai ngày nữa vợ chồng nó mới bay về.

– Sao cơ, em ấy đã có chồng? – Nguyệt ngạc nhiên hỏi.

– Ăn tối xong cô sẽ kể em nghe nhé!

 Vừa nhấm nháp miếng mứt gừng, Nguyệt vừa chăm chú nghe câu chuyện của cô Thảo:

– Kết thúc năm học thứ nhất, con bé Diệp Chi dẫn người yêu về ra mắt. Thằng bạn nó là sinh viên Đại học Kiến Trúc. Vợ chồng cô biết cậu ta từ khi chúng còn học chung với nhau ở trường phổ thông. Hồi đó, cậu ấy dễ thương lắm, lại học hành nghiêm túc, giỏi các môn tự nhiên. Con bé nhà cô thì giỏi môn văn và môn ngoại ngữ. Bởi vậy, hai đứa hỗ trợ nhau rất hiệu quả trong học tập. Vợ chồng cô thấy hài lòng và vui vẻ tác thành cho chúng. Hai đứa đang thắm thiết, tưởng chỉ còn đợi khi chúng học xong, có nghề nghiệp ổn định là cho cưới, ai ngờ nảy sinh chuyện lớn.

Cô Thảo ngừng lại, thở dài ảo não. Nguyệt sốt ruột thúc giục. Cô Thảo kể tiếp:

– Một dạo cô thấy con bé trở nên lặng lẽ, không nói, không cười, chẳng buồn trò chuyện với cha mẹ, cứ đi học về là chui vào phòng riêng, đóng chặt cửa. Cô gọi xuống ăn cơm thì thấy mắt nó đỏ hoe. Gặng hỏi mãi nó bèn bật khóc tức tưởi và hé lộ rằng cậu bạn trai của nó bị tụi bạn xấu lôi kéo đã nghiện ma túy và bỏ học mấy tháng rồi. Anh Phúc tức giận, bắt con Diệp Chi phải chấm dứt ngay mối quan hệ với cậu ta nhưng con bé cứ nấn ná. Vợ chồng cô đành nhân nhượng, gọi thằng bé đến nhà và tuyên bố: Nếu cháu chịu cai nghiện ngay và trong suốt 2 năm không tái nghiện thì cô chú sẽ cho 2 đứa quay lại với nhau, còn nếu cháu không làm được như thế thì mối quan hệ này phải chấm dứt. Cậu ấy nghe theo và vào trại cai nghiện nhưng chỉ được vài tháng đã trốn trại, tiếp tục hút chích.

Bị vợ chồng Phúc nghiêm cấm gặp nhau, con bé Diệp Chi học hành lơ là và sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. Đúng lúc đó thì có cậu Huy, việt kiều từ Canada về thăm nhà. Huy là anh trai của cháu Nga, bạn thân của con bé Diệp Chi. Huy gặp Diệp Chi trong bữa tiệc sinh nhật Nga rồi bắt đầu theo đuổi. Ban đầu bé Diệp Chi từ chối, nó vẫn rất nhớ cậu bạn cũ, hay ngồi bần thần trước những tấm ảnh hai đứa đã chụp trong nhiều lần đi chơi cùng nhóm bạn thân. Vợ chồng cô cũng không mặn mà gì với Huy, vì cậu ấy lớn hơn bé Chi đến 12 tuổi. Sau đấy, con bé Nga đến gặp vợ chồng cô thuyết phục rằng anh trai nó yêu Diệp Chi lắm, rằng trước đây gia đình đã giới thiệu mấy cô nhưng Huy đều dửng dưng, rằng nếu Diệp Chi đồng ý kết hôn và sang Canada chung sống thì anh trai nó sẽ để Diệp Chi tiếp tục học Đại học… Cậu Huy là kỹ sư điện tử, đang làm việc cho một công ty lớn ở bên đó, lẽ ra chỉ được cử về Việt Nam công tác 3 tháng nhưng đã xin công ty cho nghỉ phép thêm 1 tháng để chờ đợi câu trả lời của Diệp Chi. Hết phép Huy trở lại làm việc nhưng  vẫn giữ liên lạc và thỉnh thoảng lại bay về vài ngày để gặp Diệp Chi. Cô và anh Phúc bàn bạc và nhận thấy đây là cách tốt nhất để tách Diệp Chi ra khỏi cậu bạn trai cũ của nó.

Với bản tính điềm đạm cùng sự thành tâm và kiên trì, Huy đã dần chiếm được thiện cảm của cả gia đình cô lẫn bản thân Diệp Chi. Cuối cùng con bé chấp nhận. Hai gia đình đã tổ chức lễ đính hôn cho chúng. Lần này nhân chúng  nó về  ăn tết, hai gia đình sẽ tổ chức đám cưới chính thức, chắc chắn em và các đồng nghiệp ở trường sẽ là các vị khách không thể thiếu.

Từ nhà cô Thảo về, Nguyệt bất giác ngoái nhìn sang phía căn hộ đối diện. Bên ấy, có một mái đầu đã bạc càng thêm bạc.

TP.HCM, năm 2017.

B.N.P