Nỗi nhớ cơm quê

1168

Cỏ Ba Lá

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tháng ba ơi! Từng sợi mưa còn sót lại nghiêng nghiêng theo làn gió như dùng dằng nửa đi nửa ở. Mưa rây hạt trên thảm rêu xanh. Mưa tháng ba nhắc nhở ai xa từng nỗi nhớ không tên. Chiều tháng ba! Bầu trời khóc nắng! Phây phẩy ngọn gió bâng khuâng trên tóc ai. Bên bậu cửa, mẹ già còm cõi ngóng con xa. Chầm chậm bước chân cha mòn cả góc sân theo màu năm tháng. Ai đi muôn nẻo đường đời, có quên được bữa cơm mẹ nấu. Khói lam chiều trên mái nhà ai, đau đáu giục lòng con ở đất khách quay bước tìm về với bữa cơm quê!

Tháng ba ơi! Bông bưởi nở bung trắng xoá rụng xuống sân nhà. Những bông hoa gạo màu máu con tim thắp sáng cả bầu trời. Dưới dòng Hương có con đò nhỏ đang cắm sào đứng đợi. Bên nhịp Trường Tiền, những cành xoan tím uốn cong như thủ thỉ cùng những đôi quang gánh oằn lưng của các bà, các mẹ, các chị. Còm cõi vòng xe, các bác xe xích lô, xe thồ chất chứa bao nỗi lo toan hằn sâu lên vòm mắt, vội vã đi về muôn ngã theo nhịp bước mưu sinh để kịp về với bữa cơm chiều.

Tháng ba ơi! Khi đất trời còn lấp lửng giữa những ngọn gió cuối heo may và cái nắng đầu hạ. Những vệt nắng nhàn nhạt cũng bỏ đi đâu đôi chút để những hạt mưa dõi mắt kiếm tìm. Những hạt mưa rơi thẳng vào hồn. Nhớ thương tháng ba về, da diết xoáy vào tim những đứa con xa khi hết Tết phải lên đường vì đời còn nặng gánh. Ra đi là để trở về. Và trong cõi nhớ mỗi người thì chắc hẳn ai cũng có một cảm xúc riêng cho mình về bữa cơm dung dị, mộc mạc như chính là mẹ, như là quê hương! Ôi…! Cơm quê! Không là cao lương mĩ vị mà ai đi xa cũng phải nhớ thương đến thế…! Thương cơm như là thương mẹ! Mỗi hạt cơm tôi ăn thấm đẫm những giọt mồ hôi mặn chát của mẹ, hòa cùng nỗi nhọc nhằn của ba.

Tháng ba ơi! Tôi nhớ tiếng ếch ồm ộp đêm đêm. Nhớ tiếng rì rào lao xao của những thửa rau muống sau vườn. Nhớ tiếng chon khóc, giòn rụm của những trái cà trắng phau mẹ muối. Nhớ hương vị thanh chua nhè nhẹ của hương khế, vị ngọt mềm của mớ tép, mớ lòng tong trong bát canh trưa của mẹ… Tất cả những điều đó dệt nên một bức tranh quê hương có mẹ, có bữa cơm mang nét đẹp hồn quê. Là sợi nhớ sợi thương níu giữ bước chân của những đứa con ở tha phương. Là câu ca dao nhung nhớ, da diết:

“Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”

Tháng ba ơi! Huế – mảnh đất miền Trung nơi tôi sinh ra đã trải qua biết bao nhiêu mùa mưa nắng, lụt bão hàng năm như trở thành một điều mặc định. Nên sự ra đi càng trở về của những đứa con xa nhà cũng nằm trong vòng tròn ấy. “Có một mùa phố tiễn những cánh chim di vỗ cánh bay đi tìm miền nắng ấm, và cũng có một mùa phố lại đón chúng trở về khi cái giá rét đã qua”.

Ngày đi, cái ôm của mẹ vẫn còn vương mùi khói bếp, mùi của dưa cà, muối mắm, vị của đọt bầu đọt bí, rau muống,  mùi của bùn trong con rô, con diếc và cả vị của hạt cơm trắng ngần thơm hương.

Tháng ba ơi! Dẫu có đi khắp muôn phương thì quê hương mãi là miền yêu thương, là bức tranh đẹp nhất, là nơi bình yên nhất, là nơi cho tôi được trở về neo đậu khi mỏi gối chùng chân. Là con đường trở về mà chẳng bao giờ tôi đi lạc dẫu ngoài kia lầm đường lỡ bước. Cuộc đời có bao nhiêu chuyến xe xuôi ngược, có muôn ngàn lí do để ra đi nhưng chỉ có một lí do để trở về. Về với quê hương! Nơi đó có mẹ với bữa cơm ấm áp gia đình. Bữa cơm là nơi ba mẹ chỉ dạy tôi về đạo lí làm người, nhắc nhở khơi dậy cho tôi về tình yêu quê hương nguồn cội qua những những món ăn đồng quê bình dị. Tìm về cơm quê là tìm về với chính lòng mình, là tìm về với mẹ và là sợi dây gắn kết yêu thương giữa các thành viên trong gia đình!

Tháng ba ơi! Mưa có còn rây rắc hạt, nắng có bị bẻ cong từng sợi trên cánh đồng quê. Bàn tay mẹ có còn chai sần, gầy guộc khi ngắt những đọt rau muống, rau lang để chuẩn bị cơm chiều? Bàn chân cha có còn run run bên sân phơi lúa ngày cũ. Ai nhớ ai quên những bờ tre làng rợp bóng đường quê ngày nào đi học. Ai có về chốn quê bên luống rau xanh ngát, nơi có mẹ già đứng ngóng con xa. Nhịp đời hối hả, cuộc sống đủ đầy ai đã bỏ quên mọi hoài niệm, ai còn nhớ về những bữa cơm đạm bạc cơ cực thuở xưa!

Tháng ba ơi! Tôi nhớ quê! Tôi nhớ nhà! Tôi ước được sà vào lòng mẹ! Nơi ấy có bữa cơm mà khi ở quê người tôi thèm và ao ước được về nhà để cùng bên mâm cơm có mẹ có ba, có các em thơ thuở nào. Cơm quê là thứ mà tôi đã ăn đến hao mòn thịt da trên đôi vai gầy của mẹ; ăn đến cháy khét màu năm tháng trên làn da rám nắng của ba. Kí ức của tuổi thơ có muôn vàn sắc thái lung linh cần lưu giữ nhưng bữa cơm quê nghi ngút khói ấp iu nồng đượm bên bếp lửa rơm luôn là hình ảnh thường trực trong tâm trí. Nhớ lắm vị cà pháo mằn mặn của những khó nhọc mang tình thương yêu thiêng liêng của mẹ, vị mồ hôi của những kham khổ của ba.

Tháng ba ơi! Nào đâu ai muốn rủ bỏ nơi mình sinh ra. Nào đâu phải ai phụ lòng mẹ ba. Chỉ vì mưu sinh mới phải bước đi bỏ lại sau lưng bóng dáng mẹ già lui cui bên bếp lửa với bữa cơm chiều rưng rưng nơi khoé mắt. Quê hương đó, bay trong gió cánh diều chở bao mơ ước tuổi thơ. Là sớm tinh sương bình minh lên trên hàng cau rủ xuống từng vạt nắng vàng óng ánh như màu lúa chín. Là khi chiều về đàn trâu chầm chậm bước ngân nga mục đồng. Ai từng lớn lên mà chẳng đi qua hết bao nhiêu tấm áo sờn vai của ba, đã mục nát bao nhiêu quang gánh nặng oằn lưng của mẹ mà lại không phải nhớ thương:

“Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người”

                                                (Đỗ Trung Quân)

Tháng ba ơi! Những lúc ở nơi đất xa người lạ! Cứ chiều chiều khi nhìn về phương tây ánh tà dương vụt tắt. Lá chao nghiêng trong chiều tím. Nỗi nhớ quê nhà, nỗi kiếp mưu sinh. Ngõ quê xa mòn theo năm tháng. Quê hương như máu cuộn trào có khi nào thôi thổn thức đâu! Quay cuồng giữa cuộc sống xô bồ, nghẹt thở giữa nhịp đời hối hả. Những lúc thế gian lạnh và lòng người không đủ ấm. Tôi thèm về với mẹ, với nếp nhà nương quê. Thèm được trở về với bữa cơm xanh ngần rau muống, nước canh ngọt lành! Những bữa cơm vội nơi xứ người dẫu có đủ đầy nhưng đã có khi tôi thèm được ăn chén canh khế mẹ nấu với tép mương đến chực khóc.

Tháng ba ơi! Khi ngang qua đâu đó, bắt gặp ngọn khói lam chiều bay la đà ở những mái nhà quê lòng tôi nhớ thương da diết về bếp lửa nghi ngút khói của mẹ. Tiếng cơm sôi lục sục. Chén nước cơm mẹ chắt ra ngọt lành hương lúa như dòng sữa mẹ bao la. Những bữa cơm tối ăn muộn bên ngọn đèn dầu chỉ với cơm canh dân dã: dĩa rau muống luộc chấm nước ruốc, chén cà pháo mẹ muối thơm hương đồng gió nội. Nay trước ngọn gió chiều nơi phố thị phồn hoa, khi đường đời bao trắc trở, khi trưởng thành rồi tôi mới thấm đẫm và hiểu ra rằng cơm quê như là dòng sữa mẹ mà tôi đã uống nhiều, ăn nhiều hơn cả dòng biển khơi.

Tháng ba xưa với những giấc mơ trưa có sự hiện diện của con diều biếc, với cây cà rem, với vỏ đạn đồng, với những trưa hè rong ruổi bắt con rô, con diết, con tép, con cua đồng về cho mẹ nấu… Nhưng nay lớn rồi, xa rời chốn quê. Những giấc mơ giờ đây là bao nỗi lo toan, những cơn sóng đời dập dềnh nơi cánh cửa. Bon chen xuôi ngược khắp nơi đã có lúc tôi xin thua với những cay đắng cuộc đời. Bờ mi không khóc nhưng lệ lòng cứ rơi giữa hoàng hôn thẫm tím. Khi ấy, tôi thèm chạy ùa về với mẹ để được khóc oà như đứa trẻ rồi được mẹ dỗ dành bởi những món khoái khẩu từ đặc sản đồng quê.

Tháng ba ơi! Cho tôi gửi về theo gió những nỗi lòng rưng rức thương nhớ. Cho tôi gửi về sự thèm khát đến cháy bỏng của ngọn lửa yêu thương từ tình mẹ, tình quê. Ngọn lửa giữa nhân gian mà dẫu suốt cuộc đời này tôi có chạm vào, ôm ấp đến hết chặng đường đời cũng không bao giờ bỏng rát. Cảm ơn những lúc xa nhà như thế này. Để khi giữa nhịp sống cuồng quay, người người tìm đủ cách để có được mọi thứ xa hoa. Riêng tôi xin được trở về tìm lại, quây quần bên bữa cơm quê có tình mẹ tảo tần hôm sớm:

“Con về tìm lại tháng ba
Đỏ tim hoa gạo vào hè những bông
Mái nhà đọng vết rêu phong
Rưng rưng dáng mẹ thong dong bên thềm

Gánh gồng đi giữa mưa đêmVai chai áo bạc êm đềm đời con
Gió gào thét giữa sườn non
Đơn côi trời rộng gánh quang nhọc nhằn

Gánh đời qua những gian nan
Mồ hôi rụng xuống đất cằn sôi khô
Sóng đời mẹ bước nhấp nhô
Chiều quê ngõ vắng bạc phơ mái đầu

Nắng về hay buổi mưa ngâu
Mẹ ơi chở cả một bầu hoàng hôn
Sắn khoai, rau lúa rạ rơm
Chất lên đời mẹ những cơn sóng cuồng

Một đời lam lũ gió sương
Mẹ là ngọn đuốc soi đường con đi
Gió ơi đừng thổi thêm chi
Để cho tóc mẹ thôi ghì nắng mưa

Tôi về uống nước giếng xưa
Rưng rưng tìm lại cơm quê thuở nào…”

                                              (Cỏ Ba Lá)

Tháng ba ơi! Thời gian ơi! Giữa dòng đời nhện cuốn tơ giăng. Đứng chông chênh giữa đời trăm hướng rẽ, tôi thèm trở về với giếng nước gốc đa, về với mảnh trời ấu thơ thuở bé có bữa cơm quê mẹ nấu. Dẫu nhà có bao xa!  Đi rồi sẽ tới. Bởi nhà ở trong tim ta! Khói lam chiều, mùi bếp quê hãy còn đó. Lần theo sợi nhớ sợi thương tôi tìm về với mẹ! Về với quê hương để thanh gạn lòng mình trong bữa cơm quê có mẹ yêu thương, có dáng hình xứ sở và linh hồn của quê hương đất Việt!

C.B.L