NSND Thế Anh – Hoàng tử điện ảnh

1157

(Vanchuongphuongnam.vn) – NSND Thế Anh là nghệ sĩ lớn của điện ảnh Việt Nam từ thập niên 1960. Thế Anh nổi tiếng ở các vai: Trung úy Phương trong phim “Nổi gió” (1966) và Ba Duy trong “Mối tình đầu” (1977), … Thủ diễn thành công các vai chính diện và cả phản diện trong 60 phim ở hai miền, nghệ sĩ Thế Anh đã đạt được những thành tựu: diễn viên xuất sắc trong phim được trao Giải thưởng “Bông sen Bạc” tại Liên hoan phim Việt Nam lần V, 1980.

NSND Thế Anh.

Năm 1984, Thế Anh nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Giải Đặc biệt với phim “Người trong cuộc” do ông làm diễn viên chính kiêm đạo diễn tại Liên hoan phim Việt Nam lần IX, 1990. Năm 2001, Thế Anh được trao tặng danh hiệu NSND và năm 2014, nghệ sĩ vinh dự được trao tặng danh hiệu “Thành tựu trọn đời”.

Trong lịch sử sân khấu, điện ảnh Việt Nam, hình như tình trạng âm thịnh dương suy thường xảy ra trong đội ngũ diễn viên. Thời chiến, khoảng từ thập niên đầu của nửa sau thế kỷ 20, trong lúc miền Nam xuất hiện những nam diễn viên: Lê Quỳnh, Hoàng Vĩnh Lộc, La Thoại Tân, Anh Tứ, Thanh Tú,… thì ở miền Bắc có: Trần Lực, Thế Anh, Lâm Tới… Với Thế Anh, nam diễn viên này được coi là thành công ở cả hai lĩnh vực màn ảnh và kịch nói trong cả hai giai đoạn trước và sau thời điểm đất nước được thống nhất.

Thế Anh tên thật là Nguyễn Thế Anh (1938-2019) là người huyện Từ Liêm, Hà Nội. Nghệ sĩ sinh ra trong một gia đình trí thức khá giả, có hai anh em, mẹ là tiểu thương và cha là người học hành rất giỏi giang. Năm Thế Anh lên ba tuổi, thì người cha đỗ học bổng sang Pháp học bác sĩ, sau đó không còn liên lạc với gia đình ở quê nhà. Người mẹ Thế Anh một mình ở nhà tảo tần buôn bán, nuôi dạy hai con trai. Khi người anh mất sớm, Thế Anh lớn lên theo học tại trường Trung học nổi tiếng: Lycée Albert Sarraut (nay là trường cấp 3) rồi một vài tư thục khác.

Thông minh, học giỏi lại cao trên 1,70m, chàng thanh niên đẹp trai Hà thành Thế Anh tốt nghiệp Trung học, và trúng tuyển phi công, ước mơ của bao người trai thời đại. Nhưng trớ trêu bị xét lý ‘lịch không rõ ràng’ vì cha đi Pháp bặt tin tức, nên mộng bay cao của một phi công ở Thế Anh đành tắc lịm. Thế Anh xin làm việc tại trường Trung Cao cấp Quân sự được 2 năm, sau đó trúng tuyển vào học khoa Toán trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Học chưa tới nửa năm, tính mê nghệ thuật, Thế Anh ghi danh thi và trúng tuyển vào trường Nghệ thuật Sân khấu, học cùng khóa với Trần Tiến, Đoàn Dũng, Ngọc Hiền,…

Là 1 trong số 30 khóa sinh tốt nghiệp Ưu Hạng khóa Diễn viên Sân khấu đầu tiên năm 1964 với vai viên sĩ quan Mỹ bị vây trong lô cốt ở vở kịch Đêm đen của Ngô Y Linh, Thế Anh về công tác tại Đoàn Kịch nói Trung ương. Ngay trong năm, khi đạo diễn Huy Thành tìm diễn viên mới đóng vai Trung úy Phương trong bộ phim nhựa Nổi gió, dựng theo kịch bản cùng tên của Đào Hồng Cẩm, Thế Anh là người thứ 13 thử vai và được chọn.

Chỉ ngay trong vai diễn Trung úy Phương lần đầu tiên trong phim này, nghệ sĩ Thế Anh đã khắc họa xuất sắc được chân dung của một sĩ quan trẻ tuổi trong quân lực Việt Nam Cộng hòa. Phim lấy bối cảnh Sài Gòn trước 1975, nhưng được quay hoàn toàn ở miền Bắc khi quân đội Mỹ rầm rộ đổ bộ vào miền Nam và cuộc chiến tranh bắt đầu leo thang (1966). Cùng nghệ sĩ Thụy Vân vào vai người chị, Thế Anh đã thể hiện tài tình hình ảnh chân thực và đậm chất Nam bộ của một trung úy trẻ, ban đầu tuy khác biệt về lý tưởng với người chị đang hoạt động trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.

Nhưng sau cùng, anh sĩ quan cộng hòa cũng nhận đường, ngộ rõ ra được giá trị thực sự con đường phải đi và chuyển hướng hoạt động theo sự nghiệp lớn của dân tộc, kinh qua những mất mát đau thương của người chị và bao người dân lao động nghèo Nam bộ. Truyện phim hấp dẫn, gay cấn ở nhiều điểm thắt nút, mở nút đầy kịch tính khiến khán giả nhiều phen không tránh khỏi hồi hộp. Đóng vai chính đầu tiên trong phim này, NSND Thế Anh đã diễn thành công bất ngờ, thể hiện xuất thần tính cách đa dạng và tâm trạng phức tạp của nhân vật, đến mức về sau nghệ sĩ bị “chết tên” với vai Trung úy Phương.

NSND Thế Anh trong vai Trung úy Phương.

Sau nhiều phim từ trước và sau năm 1975 trong đó có: Tự thú trước bình minh (1979), Người học trò đất Gia Định xưa (2002), Tiền tuyến gọi, Dốc tình (2003), Đêm hội Long Trì, … NSND Thế Anh tiếp tục gặt hái thành tựu tốt đẹp khi làm nhiệm vụ của một diễn viên trước ống kính. Ở phim “Đêm hội Long Trì” của đạo diễn Hải Ninh, lấy bối cảnh lịch sử thế kỷ 18, khi chế độ chúa Trịnh suy tàn. Nghệ sĩ Thế Anh vào vai Chúa Trịnh Sâm, sủng ái Đặng Thị Huệ và dung túng cho bầy tôi làm nhiều việc sai trái. Nghệ sĩ chia sẻ rất chuyên nghiệp, là vai diễn này có nhiều ứng viên nhưng cuối cùng, Thế Anh được chọn: “ Vào vai này, thần sắc của gương mặt rất quan trọng, ngay cả việc Chúa quắc mắt lên cũng phải khác người thường. Người đóng vai vua chúa phải thể hiện được cái oai phong. Khi vớ được vai này, tôi rất thích vì Trịnh Sâm là một nhân vật đầy tâm trạng, có tài nhưng hiếu sắc”. Thế Anh có lý vì chỉ khuôn mặt thực sắt gọn, đầy vẻ quyết đoán của mình, với những chấm phá rất “nam nhi”: mày rậm dài, đồng tử to, miệng rộng…trên đó, cũng đủ là điều minh chứng.

Sau ngày thống nhất đất nước, anh em Nam Bắc đoàn tụ một nhà, trên tinh thần hòa hợp, nghệ sĩ Thế Anh hành phương Nam và tiếp tục đóng các bộ phim mới trong đó có “Mối tình đầu”. Thế Anh tiếp tục làm sáng lên tên tuổi một nghệ sĩ lớn trong nền điện ảnh nước nhà qua vai diễn Ba Duy ở phim Mối tình đầu  (1977) của đạo diễn Hải Ninh. Trong bộ phim này, Thế Anh đóng chung với các nữ nghệ sĩ: NSND Như Quỳnh và NSND Trà Giang (sinh 1942). Phim kể chuyện chàng sinh viên Ba Duy do Thế Anh đóng – lúc bấy giờ nghệ sĩ đã gần 40 tuổi – thủ diễn. Ba Duy, một sinh viên thành phố Sài Gòn có mối tình đẹp trong thời đại học với Diễm Hương, nhưng sau đó tình yêu họ tan vỡ vì cô buộc phải lấy viên cố vấn Mỹ để cứu cha. Trước bão giông tình cảm, Ba Duy bỏ giảng đường đại học, sống buông thả cuộc đời hiện sinh (existentialist)* chỉ biết hiện tại với rượu chè, ma túy, xì ke … để quên đi vết thương lòng. Sau đó, nhờ người chị giàu lòng thương em, tận tình giúp đỡ Ba Duy thoát khỏi những ngày tăm tối.

NSND Trà Giang.

Để có được thành công vuột trội trong vai diễn con nghiện, Thế Anh đã đi thực tế ở trại cải tạo Bình Triệu để quan sát kỹ các con nghiện: khi lên cơn, lúc phê thuốc. Nghệ sĩ còn chịu khó lang thang ngày đêm trên đường Hàm Nghi (quận 1, TP. Hồ Chí Minh) để tìm hiểu thêm các số phận bụi đời. Để cho thân thể gầy nhẳng thích hợp với hình thù con nghiện, Thế Anh uống liên tục cà phê đặc cho trọng lượng cơ thể từ 70 kg giảm xuống chỉ còn 65 kg cho hợp với ngoại hình nhân vật. Và Thế Anh đạt kết quả mỹ mãn, đã có được một vai con nghiện chuẩn. Khi quay cảnh Ba Duy lên cơn nghiện ở chợ Bến Thành, bà con đi ngang qua không biết cảnh đang quay phim, động lòng buột miệng xót xa “thương cái thằng đó quá, đẹp trai dzậy mà nghiện ngập”.

Trong một trường hợp khác ở Thế Anh cũng liên quan đến vai Ba Duy, nhân vật chính trong truyện. Khi người sinh đứa con trai thứ hai (1978) trong khi hai vợ chồng nghệ sĩ rất muốn có con gái, Thế Anh lật đật vào bệnh viện thăm. Vừa thấy nghệ sĩ, cô tá biết ngay và buông ra một câu đầy trắc ẩn: “Thôi anh về đi, khỏi phải xem mặt nó làm chi, lại một ông bụi đời nữa đấy !”. Thế là cái tên Duy được đặt ngay cho cậu con trai thứ hai: Thế Duy. Cũng như lần trước, Thế Anh đã đặt tên cho đứa con trai cả là Thế Phương sau khi đóng vai Trung úy Phương ở bộ phim đầu đời “Nổi gió” để làm kỷ niệm.

Trong thế hệ nam minh tinh điện ảnh giai đoạn này, tiêu biểu như: Lê Quỳnh (phim Chúng tôi muốn sống – một phim chống Cộng), Hoàng Vĩnh Lộc (Bến cũ), Anh Tứ (Hương thề chưa dứt), ), La Thoại Tân (Đò chiều), Thanh Tú (Trống Mái,… và sau năm 1975 là Lê Công Tuấn Anh (Vị đắng tình yêu) ở trong Nam. Và ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa có: Trần Lực (phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông), Lâm Tới (Cánh đồng hoang), Thế Anh (Nổi gió, Mối tình đầu),… Xét kỹ ra, giữa khối lượng nghệ sĩ điện ảnh có phần đồ sộ ở miền Nam mà đa phần sau này không còn ở lại quê hương (trừ Thanh Tú) và đội ngũ nam nghệ sĩ màn ảnh ở miền Bắc, có thể coi NSND Thế Anh là ngôi sao có phần trội hơn về tài sắc, bề dày thành tích, nồng độ chuyên môn và độ dài quá trình tham gia diễn xuất so với các đồng nghiệp của mình. Đó là chưa nói đến tuổi thơ ly kỳ nhiều uẩn khúc của nghệ sĩ trước khi chính thức vào nghề.

Đạt được những thành tựu rực rỡ trong suốt cuộc đời làm diễn viên điện ảnh, nghệ sĩ Thế Anh đã khẳng định đam mê là chưa đủ, mà đó là khát vọng cháy bỏng được phụng sự nghệ thuật. Thứ đến là có được người vợ không ghen dù biết đóng nhiều cảnh tình ái, thông cảm với chồng, một nghệ sĩ tài hoa đẹp trai luôn bị vây bũa bởi nữ đồng nghiệp và công chúng mến mộ. NSND Thế Anh là người tự trọng luôn giữ danh dự cho gia đình vợ và các con. Hai con trai của nghệ sĩ: Thế Phương và Thế Duy đều ngoan hiền, học giỏi, và thành đạt trong xã hội. Cả đến người cha của Thế Anh dù đã có gia đình, trước kia đi học có vợ, có con rồi ở luôn tại Pháp, không liên lạc với gia đình ở Việt Nam trong một thời gian dài, nghệ sĩ Thế Anh cũng có dịp gặp lại và vui vẻ với nhau trong niềm cảm thông độ lượng. Với miền đất mới Nam bộ, NSND Thế Anh cũng xem là quê hương mình từ 1975, sau khi nghệ sĩ hành phương Nam, hoạt động nghệ thuật và định cư luôn cùng gia đình tại TP. Hồ Chí Minh.

Trao đổi với nhiều người về NSND Thế Anh, bà Dương Cẩm Thúy, chủ tịch Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Sự ra đi của ông khiến rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp và nghệ sĩ nhiều thế hệ vô cùng thương tiếc” trong ngày Thế Anh vĩnh biệt bạn bè và công chúng

Nhân ngày NSND Thế Anh vừa mất (29/09/2019), nhìn lại “Trung úy Phương”, ta có thể coi ông như một nghệ sĩ lớn của nền điện ảnh Việt Nam trong suốt cả hai thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hình ảnh của “Ba Duy” – NSND Thế Anh, với 60 phim có vai diễn thành công và hoạt động năng nổ ở cả hai miền đất nước, đã thể hiện sâu sắc một tài năng đích thực với khát vọng phụng sự nền nghệ thuật nước nhà và tinh thần hòa hợp dân tộc cao quý mà khán giả mộ điệu sẽ mãi mãi không quên.

Lan Đình

*Chủ nghĩa Hiện sinh (Existentialism/ L’Existentialisme) do triết gia Đan Mạch Kierkegaard (1915-1855) đầu tiên khởi xướng, được nhà văn giải Nobel Văn học người Pháp Jean Paul Sartre (1905-1980) phát triển qua tiểu thuyết Buồn nôn (La Nausée)… Thuyết này có khuynh hướng đưa con người đến cuộc sống hiện tại, từ đó nổ ra phong trào yêu cuồng sống vội ở một số nam nữ thanh niên thành thị thời chiến tranh trước 1975 ở miền Nam.