NSND Trần Hữu Trang – Soạn giả cải lương bậc thầy

1362

Tương Như

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nghệ thuật cải lương phát triển không chỉ theo sự tác động khởi sắc của những sao nghệ sĩ diễn giỏi ca hay mà mà còn phải có sự cộng hưởng của tuồng tích ý nghĩa được  biên soạn do những soạn giả có chân tài, trình diễn trong một không  sân  khấu  sáng đẹp. Trong thời kỳ bình minh sân khấu dân tộc Nam bộ, từ thập niên  1930, đã có nhiều ngòi bút viết tuồng đàn anh nổi tiếng như: Nguyễn Thành  Trần Hữu Trang, Huỳnh Thủ Trung (Tư Chơi), Lê Hoài Nở,… Với Trần Hữu Trang (), ông được coi là soạn giả đỉnh cao, tiêu biểu với những vở tuồng kinh điển: “Tô Ánh Nguyệt”, “Đời cô Lựu”, “Lan và Điệp”, từng được mang đi trình diễn hải ngoại với đội ngũ diễn viên gạo cội của sân khấu nước nhà. Ông được truy tặng một Huân chương Thành đồng, một Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn  học Nghệ thuật (đợt 1, 1996). Tên của soạn giả Trần Hữu Trang được đặt cho: một Giải thưởng lớn trong lĩnh vực cải lương, một Nhà hát, một con đường, và một trường học tại thành phố Hồ Chí Minh.

NSND Trần Hữu Trang

Nơi miền đất mới Nam bộ, Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) được coi là quê hương của sân khấu cải lương. Những dấu ấn từ xưa còn lưu lại tại đây về gánh hát: thầy Năm Tú, Huỳnh Kỳ của Bạch công tử (Phước George) kèm theo cuộc đời của những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng lẫy lừng của Phùng Há, Năm Châu, Năm Phỉ, Tư Chơi… và nhiều soạn giả sân khấu yêu nước trong hai thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong đó có soạn giả cách mạng tài hoa hàng đầu Trần Hữu Trang của nền cải lương dân tộc.

Trần Hữu Trang (còn gọi là Tư Trang) sinh ra tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho trong một họ tộc nông dân thanh bần, giàu cảm tình với kháng chiến. Học hết Tiểu học rồi học chữ Nho, đọc sách và tự học thêm, sau đó Trần Hữu Trang tham gia phong trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu (), ủng hộ kháng chiến, liên lạc với những người hoạt động cách mạng (1930-1936). Say mê đàn hát ngay tử thuở nhỏ nhưng đến đời cha mẹ, nhà cửa sa sút phải đi làm thuê.

Vừa lớn lên, Tư Trang phải cật lực tự đi kiếm sống bằng nghề làm thuê chèo ghe thuyền và hớt tóc. Môi trường lao động khiêm tốn này là nơi dễ gặp gỡ quần chúng nhiều thành phần trong xã hội, cơ hội để anh Tư học hỏi thêm ở các bậc nghệ sĩ đàn anh có tinh thần tiến bộ tại địa phương. Sống tủi nhục trong một đất nước bị mất tự do, cảm thông sâu sắc với nỗi khổ của người dân nghèo bị chèn ép, dập vùi bởi thế lực cường hào ác bá trong chế độ thực dân phong kiến, Tư Trang đã sớm bộc lộ tinh thần yêu nước. Có lần, một chiến sĩ cách mạng bị mật thám săn đuổi, phải chạy vào tiệm hớt tóc của Trần Hữu Trang. Anh Tư đã tận tình che giấu nhẹm kẻ bị truy đuổi và còn tặng cho anh thanh niên yêu nước 20 đồng để làm lộ phí.

Say mê đàn ca tài tử cải lương từ thuở còn thơ ấu, trước tiên anh Tư Trang quyết tâm xin theo các gánh hát. Ban đầu, anh chỉ được làm công việc cầm bút ghi chép sách vở. Sau khi được ông Đặng Công Danh (Mười Giảng) hướng dẫn, Trần Hữu Trang bắt đầu mạnh dạn viết kịch bản sân khấu. Trong thời gian theo gánh hát Phụng Hảo của nghệ sĩ Phùng Há, cán bộ cách mạng Nguyễn Chí Diễu đã từng có lần đến gặp anh Tư để trao đổi về khuynh hướng sáng tác “tả thực xã hội”, một đường lối được xem là kim chỉ nam sáng tác cho văn nghệ sĩ, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng căm thù thế lực thống trị. Những sáng tác đầu tiên: Lửa đỏ lòng son (1928), rồi Tâm hồn nghệ sĩ tuy chưa thật khởi sắc, nhưng vẫn thấy có sự cách tân về nội dung, hình thức, lóe rạng lên ánh sáng rạng rỡ của đường lối sáng tác tiến bộ.

Bắt đầu từ năm 1930, soạn giả Trần Hữu Trang đã đạt những thành tựu vượt bậc trong chuyên môn. Các vở tuồng: Tô Ánh Nguyệt (1934), Lan và Điệp (1936), Đời cô Lựu (1937) đã thực sự làm cho tên tuổi anh ngày càng được trân trọng. Trang bị sẵn một lập trường tư tưởng xây dựng và một phương pháp sáng tác tiến bộ, lành mạnh, những năm sau đó, nghệ sĩ Tư Trang cộng tác với các gánh hát: Trần Đắc, Phụng Hảo, Năm Châu bằng những tác phẩm mang chủ đề về gia đình, xã hội, liên tiếp gây được tiếng vang tốt như: Tìm hạnh phúc, Mộng hoa vương, Chị chồng tôi, Tình lụy, Khi người điên biết yêu (cùng viết với Năm Châu, Lê Hoài Nở) – những vở hát được công chúng nồng nhiệt hoan nghênh, được xem là những sáng tác xuất sắc của sân khấu cải lương trước năm 1945.

Trần Hữu Trang tập trung ngòi bút vào hiện thực xã hội, phơi bày thân phận của những người dân bất hạnh, những bi kịch trong tình yêu và hôn nhân trong xã hội đương thời. Ở tác phẩm nào, khán giả cũng thấy được tác giả muốn vạch trần những tệ nạn và thối nát của lề thói xã hội thực dân phong kiến, từ đó tố cáo mạnh mẽ thế lực hắc ám, thể hiện khát vọng giải phóng con người, làm mới lại môi trường xã hội.

Với tình yêu nghệ thuật dân tộc và niềm cảm thông với đồng bào bất hạnh trong một đất nước nô lệ nhiều bất công còn ngập bóng quân thù, Trần Hữu Trang đã ý thức sâu sắc đến bổn phận thiêng liêng của kẻ làm trai thời loạn. Khi thực dân Pháp trở mặt quay lại mưu toan tái chiếm Nam bộ (1946), ông sẵn sàng tham gia vào sự nghiệp chiến đấu đuổi giặc cứu nước. Tạm rời sân khấu để hòa mình vào cuộc chiến đấu sống thác của toàn dân, Trần Hữu Trang lĩnh cương vị Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến xã Phú Kiết quê hương.

Một năm sau, Trần Hữu Trang hăm hở vào hoạt động hợp pháp tại Sài Gòn trong vỏ bọc của một nghệ sĩ Đoàn cải lương “Con tằm” để vận động văn nghệ sĩ và trí thức hướng về cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc, hợp tác với ban Việt kịch Năm Châu. Tinh thần hướng thiện vẫn không mệt mỏi, Tư Trang cùng Nguyễn Thành Châu đứng ra thành lập Hội Nghệ sĩ Ái hữu và có chân trong Ban Chấp hành. Dù bận rộn công tác trong hoàn cảnh nhạy cảm, ông vẫn tranh thủ sáng tác được vở “Hậu chiến trường” (1946) trước khi ngừng bút một thời gian. Hiệp định Genève ký kết, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nghệ sĩ Tư Trang tiếp tục hoạt động trong phong trào Hòa bình Sài Gòn-Chợ Lớn, đòi thống nhất nước nhà.

Khi phong trào Đồng Khởi nổ ra tại xứ dừa, Trần Hữu Trang vào khu giữ chức Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam. Do tình hình chiến tranh ngày một gia tăng, mãi tới hai mươi năm sau, Trần Hữu Trang mới bắt tay lại viết kịch bản mới về anh hùng Nguyễn Văn Trỗi – người chiến sĩ cách mạng đặt mìn (1964) tại cầu Công Lý, Sài Gòn để giết bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mac Namara, người toan đặt hàng rào điện tử tại vĩ tuyến 17 để ngăn cản viện quân Bắc Việt vào miền Nam. Nhưng ý định chưa hoàn thành thì năm 1966, Trần Hữu Trang đã hy sinh khi chỉ mới 60 tuổi, tại biên giới Việt – Kampuchia Sa Mát bởi một trận bom dữ dội từ phi cơ B 52, lần đầu tiên oanh kích xuống Trung ương Cục miền Nam, Tây Ninh sau khi để lại gần 30 vở cải lương trong đó có nhiều tác phẩm mang giá trị vượt không gian và thời gian.

Thông qua tác phẩm của soạn giả Trần Hữu Trang, ta thấy rõ tác giả ngay từ lúc mới cầm bút sáng tác đã trung thành với phương pháp tả thực xã hội, một khuynh hướng nghệ thuật tiến bộ bước đầu dọn đường cho phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa (socialist realism) sau này. Từ đó, ta tìm được những nét đặc trưng tích cực hiện hữu trong những kịch bản cải lương lành mạnh của nghệ sĩ Trần Hữu Trang, mang ý nghĩa cổ vũ và giáo dục mà các nhà văn tiến bộ đã coi là ngọn hải đăng soi đường cho nghiệp sáng tác của mình. Bằng hệ thống tư tưởng xây dựng nhất quán được thể hiện qua bút pháp tài hoa tinh tế, nghệ sĩ Trần Hữu Trang đã làm nổi bật những nội dung tích cực:

Trước hết, Trần Hữu Trang muốn cổ xúy cho tự do yêu đương (Lan và Điệp), phê phán chế độ hôn nhân cưỡng bách và đề cao những người phụ nữ nghèo khổ mà giàu phẩm chất chung thủy, hy sinh như  Tô Ánh Nguyệt, cô Lựu… Tác giả còn lên án chế độ phong kiến và cường quyền (Đời cô Lựu).

Vừa tròn 31 tuổi,  Trần Hữu Trang viết Đời cô Lựu (1937), vở cải lương xã hội được coi là hay nhất trước năm 1945 phản ánh thân phận đau khổ và hoàn cảnh éo le của người nông dân vùng quê Nam bộ dưới thời thực dân phong kiến. Thấy vợ Hai Thành- tá điền của mình, là cô Lựu có nhan sắc, Hội đồng Thăng âm mưu chiếm đoạt. Hội đồng Thăng cho người bỏ truyền đơn cộng sản và súng lụt vào nhà Hai Thành rồi báo cảnh sát đến bắt vì tội tàng trữ vũ khí. Hai Thành mắc án tù hai mươi năm bị đày ra Côn Đảo, nhà cửa tài sản bị tịch thu và cô Lựu trở thành vợ Hội đồng Thăng…

Từ kịch bản mang dấu ấn cuộc đời đau khổ của tác giả, Trần Hữu Trang muốn nói lên mâu thuẫn giữa nông dân và điền chủ trong xã hội thực dân phong kiến. Chủ đề này cũng minh họa trong vỏ cải lương Tô Ánh Nguyệt (1934): Ánh Nguyệt là con gái của ông Hương Cả, thuộc gia đình trung lưu, được lên Châu thành ăn học. Nơi đây, nàng gặp Minh và nẩy nở một tình yêu đẹp xuất phát từ sâu thẳm trái tim của hai người và đã vượt khỏi vòng lễ giáo. Nhưng gia đình hai bên không hấp nhận, khiến cho tình yêu của họ vỡ tan.

Vở tuồng cải lương Lan và Điệp (1936) do Trần Hữu Trang phóng tác theo quyển tiểu thuyết “Tắt lửa lòng” của nhà văn Nguyễn Công Hoan (), được khán giả từ thành thị đến thôn quê đi coi nhiều nhất dù do bất cứ đoàn hát nào trình diễn. Vở tuồng nói lên mối tình lãng mạn giữa Lan và Điệp, một tình yêu đẹp được vun vén chờ những ngày sum họp hạnh phúc trong tương lai. Nhưng do mắc mưu của một ông quan Phủ , Điệp phụ tình vị hôn thê là Lan đi cưới Thúy Liễu, con gái ông Phủ. Lan đau khổ, đành ôm mối tình tuyệt vọng, bỏ nhà đến chùa để cắt tóc đi tu. Về sau, khi biết mình bị gài bẫy, Điệp hối hận tìm đến ngôi chùa mà Lan đang tá túc thì thật đau lòng, đó cũng là lúc Lan trút hơi thở cuối cùng nơi chốn thiền môn. Vở cải lương Lan và Điệp phản ánh sâu sắc bi kịch đầy nước mắt trong một tình yêu dang dở mà tác nhân gây đau khổ cho con người là những ông quan Phủ đại diện cho thế lực cường quyền. Ngòi bút của nghệ sĩ Trần Hữu Trang quả thực đã thấm đẫm chất nhân văn mà chúng ta không thể nào quên.

Điều làm ta đặc biệt quan là trong những kịch bản sân khấu của Trần Hữu Trang, ngoài bút pháp tả thực bộ mặt xã hội và số phận người dân nghèo ở giai cấp hạ tầng, tác giả còn chú ý nâng ngòi bút lên ở cấp độ phản kháng của nhân vật bị dồn vào bước đường cùng. Xen Minh Luân giết Hội đồng Thăng là một ví dụ: “Minh Luân: Ông Hội đồng, ông thật kêu lính tới đây bắt cha tôi phải không?/ Ông Hội đồng: Tao sẽ cho cha con bay ở tù rục xương/ Minh Luân: Thì tôi cho ông một dao về chầu diêm vương” (Đời cô Lựu). Đoạn văn thể hiện nét chính của “phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa” mà về sau các văn nghệ sĩ cách mạng đều coi là kim chỉ nam của đường lối sáng tác tiến bộ.

Nhận định về chân dung và phong cách nghệ thuật của NSND Trần Hữu Trang, hầu hết các nhà phê bình, giáo sư, văn nghệ sĩ đều có ý kiến tích cực. NSND TS Bạch Tuyết bày tỏ: Trần Hữu Trang là một nghệ sĩ tài danh, là niềm tự hào cho nghệ thuật cải lương cách mạng Việt Nam. Soạn giả Hà Huy Hà (Kiên Giang) cũng nhắc lại: “Anh Trần Hữu Trang – là soạn giả nổi tiếng, sử dụng bài bản cải lương đúng tình huống, lớp lang”. GS.TS Trần Văn Khê cũng chân tình: “Tôi rất trân trọng tài năng và nhân cách của anh Tư Trang, vì chính nhờ có anh, cải lương Việt Nam có được niềm tự hào khi đi ra với bạn bè thế giới”.