Phù sa văn hoá từ đất thiêng Vĩnh Long

704

07.7.2017-21:45

NVTPHCM- Tôi cũng như nhiều bạn văn trẻ Sài Gòn hy vọng một ngày không xa sẽ có dịp trở về và “tắm” lại lần nữa trong dòng phù sa văn hoá đất thiêng Vĩnh Long với những tâm tình thấm đượm tinh thần nhân văn của Trường Đại học Cửu Long…

Ban tổ chức cùng đoàn nhà văn trẻ dâng hương, tham quan Văn Thánh Miếu, khu lưu niệm nhà cách mạng Phạm Hùng và nhà bác học Trần Đại Nghĩa ở Vĩnh Long trong chương trình Hội nghị Những người viết văn trẻ TPHCM lần IV

 

Trong tâm thế của một người trẻ, tôi yêu quê hương qua những chuyến đi nghĩa tình mang tính học hỏi và nối kết. Những chuyến rong ruổi khắp các chân trời Tổ quốc nhắn nhủ tôi về một bản lĩnh Việt, qua những hồn hậu hào sảng riêng có của mỗi vùng đất mình từng đặt chân tới…

 

Tôi may mắn được tham gia cả hai chuyến đi của Hội Nhà văn TP.HCM đến với Trường Đại học Cửu Long tỉnh Vĩnh Long chỉ trong vòng vài tháng. Lần thứ nhất là chuyến giao lưu tiền trạm với khoảng 15 người trong đoàn, ngay sau Ngày Thơ Việt Nam xuân Đinh Dậu 2017 kết thúc. Lần thứ hai nằm trong chương trình Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần thứ IV mở rộng các tỉnh thành Nam Bộ, gồm một lực lượng hùng hậu hơn 60 người.

 

Với một người trẻ đang chập chững bước trên con đường văn chương còn nhiều rụt rè và thiếu trải nghiệm cần thiết, những chuyến đi xa mang tinh thần tập thể thật sự là “cơn mưa” giải hạn cho những bức bối của sự thèm đi, khát đi của bản thân. Tôi học được rất nhiều điều từ hai chuyến đi đến cùng một địa điểm đặc biệt này, qua những câu chuyện và giao lưu văn nghệ ở Trường Đại học Cửu Long, một địa chỉ giáo dục, văn hoá có uy tín của vùng sông nước Nam Bộ.

Lễ ký kết hợp tác chính thức giữa Hội Nhà văn TP.HCM với Trường Đại học Cửu Long do nhà văn Trần Văn Tuấn – Chủ tịch Hội và PGS.TS Lương Minh Cừ – Hiệu trưởng ký

Hiệu phó Nguyễn Cao Đạt phát biểu chào mừng chương trình giao lưu, ký kết

 

Mỗi cuộc hành trình, chuyến xe gần bốn tiếng đồng hồ từ trung tâm TP.HCM xuống huyện Long Hồ, Vĩnh Long như đã lấy đi của chúng tôi rất nhiều sức lực lẫn sự hào hứng lúc ban đầu. Tuy nhiên, đến khi xe dừng trong một ngôi trường đẹp và bề thế, nhập cuộc giao lưu với các thầy cô giáo và các bạn sinh viên ở vùng đất nắng gió này, bao nhiêu hứng khởi lại trào dâng mạnh mẽ.

 

Không gian vốn sinh động của Đại học Cửu Long như mang một sinh khí mới. Tâm thức Việt bật lên giữa ao sen bình dị ngay góc sân trường, hay ngay bên bản mô phỏng cột cờ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Những tán cây xanh mướt trong khuôn viên trường rộng rãi và thoáng đãng, mang lại một bầu không khí trong lành khó có thể bắt gặp tại Sài Gòn. Và cả nụ cười duyên dáng của cô bạn sinh viên cũng đủ để gieo vào lòng một chút gì lưu luyến của đất trời miền Tây nồng hậu.

 

Hai đêm giao lưu giữa Hội Nhà văn TP.HCM với Trường Đại học Cửu Long đều thật ấn tượng và hoành tráng. Những điệu múa thướt tha đậm đà bản sắc các dân tộc Việt, Khmer, Lào; những bài hát sâu lắng chất văn hoá Nam Bộ, những câu thơ vang vọng tâm tình của các cây bút nhiều thế hệ như hòa quyện vào nhau mà lung linh tỏa sáng. Đặc biệt, tôi cảm thấy thật thú vị khi được thưởng thức tới hai lần điệu múa dân tộc đặc trưng của các bạn sinh viên Lào biểu diễn. Một điệu múa càng xem càng thấy quyến rũ. Đó là cái duyên mà tôi may mắn mới có được.

Vũ điệu dân tộc do du học sinh Lào của ĐH Cửu Long thể hiện

Vũ điệu Chăm độc đáo do Kiều Maily biểu diễn

 

Và nói về hai chuyến giao lưu Trường Đại học Cửu Long, tôi cũng không thể quên cái chất giọng trầm trầm trong từng câu chuyện đầy vốn sống của bác tài xế xuất thân từ quân đội, hai lần được nhà trường cử đưa đón đoàn rất nhiệt tình. Sự cởi mở, vui tính của bác tài xế làm cho đoạn đường ngắn lại. Đặc biệt, tôi cũng rất ấn tượng về sự chu đáo của nhà trường trong từng bữa ăn giấc ngủ dành cho đoàn, nhất là chuyến đi thứ hai đông đảo các cây bút trẻ. Hình như sự tươi trẻ vui nhộn của chúng tôi đã làm cho các cô chú phục vụ quên đi mệt nhọc và cũng trẻ trung hơn trong từng cử chỉ, nụ cười…

 

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất duyên hải miền Trung, những chuyến đi của tuổi trẻ in đậm dấu ấn nắng gió của vùng đất mình gắn bó. Tôi mang theo tất cả những vốn liếng tích cóp từ những hành trình ấy vào Sài Gòn học tập. Chất miền Trung cuộn chảy giữa lòng Sài Gòn, và hòa nhập vào sự năng động của đô thị miền Nam.

Nguyễn Trần Khải Duy (thứ 3 từ trái sang) cùng các đại biểu tại Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần thứ IV

 

Điều kiện học tập cho phép tôi thực hiện nhiều chuyến đi về những vùng đất phương Nam Tổ quốc, với những người bạn đồng hành tuyệt vời. Tuy vậy, hai lần xuống Đại học Cửu Long là những lần đầu tiên tôi đặt chân mình xuống vùng đất quê hương của những danh nhân Phạm Hùng, Trần Đại Nghĩa, Võ Văn Kiệt,… để hiểu thêm về cuộc đời vẻ vang của những bậc tiền nhân và vùng đất thiêng Vĩnh Long mà trước nay mình chỉ biết qua sách vở.

 

Những bạn bè đồng trang lứa của tôi trong những chuyến đi ấy, đa phần là người miền Tây, miền Đông Nam Bộ; ít nhiều họ đã gắn bó và hiểu về vùng đất này. Với một chàng trai tỉnh lẻ miền Trung, chuyến đi mang đến cho tôi sự thú vị riêng có. Cái ngọt ngào của nắng của miền Tây khác xa với những mặn mòi của miền Trung, cái nồng hậu của miền Tây không giống hẳn với phóng khoáng miền Trung… Tôi cảm nhận rất rõ dòng sông văn hóa Việt Nam đang chảy từng thớ thịt của cơ thể và bồi đắp phù sa châu thổ để nuôi dưỡng tâm hồn mình.

  

Trở về Sài Gòn, hòa vào cái nhịp sống tất bật, tôi lại thấy nhớ những chuyến đi. Tôi nhớ một Đại học Cửu Long vương vấn những tâm tình, nhớ trảng cỏ xanh mà sinh viên Sài Gòn chúng tôi đã tụ lại đọc thơ trong ánh nắng miền Tây, nhớ cả tô hủ tiếu bình dân ngui ngút khó trong đêm mưa chúng tôi rủ nhau dạo phố. Có lẽ, một dòng phụ lưu nào đó của con sông Tiền đã kịp rót vào tôi những dịu dàng chầm chậm của vùng đất miền Tây.

               

Thay lời kết, tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến các cô chú anh chị của Hội Nhà văn TP.HCM đã tổ chức nên những chuyến đi đầy ý nghĩa, nhất là với những người trẻ chúng tôi. Tôi cũng gửi lời cảm ơn đến Trường Đại học Cửu Long, nhất là Ban Giám hiệu nhà trường với những người thầy đầy tâm hồn nghệ sĩ như Lương Minh Cừ, Nguyễn Cao Đạt, Nguyễn Thanh Dũng,… đã tạo điều kiện cho chúng tôi được gặp gỡ, giao lưu thân mật, hiểu biết thêm về một ngôi trường, vùng đất mới đáng trân trọng.

 

Tôi cũng như nhiều bạn văn trẻ Sài Gòn hy vọng một ngày không xa sẽ có dịp trở về và “tắm” lại lần nữa trong dòng phù sa văn hoá đất thiêng Vĩnh Long với những tâm tình thấm đượm tinh thần nhân văn của Đại học Cửu Long!

 

NGUYỄN TRẦN KHẢI DUY

TIN LIÊN QUAN:

>> Cảm xúc hội ngộ trong lòng bạn văn trẻ – Kỳ 2

>> Cảm xúc hội ngộ trong lòng bạn văn trẻ – Kỳ 1

>> Có một Vĩnh Long trọn vẹn những chân thành

>> Hãy đọc và suy ngẫm văn trẻ rồi hãy phán

>> Sứ mệnh văn chương trẻ

>> Cuộc điểm danh lực lượng lớn nhất nước

 

>> XEM TIẾP HOẠT ĐỘNG HỘI…