(Vanchuongphuongnam.vn) – Vùng đất thuộc hạ lưu của con sông Ba Lai, cắt ngang là con rạch Vũng Luông nối dài. Mặt ngoài giáp biển, người dân xứ này sống tình nghĩa chan hòa mấy đời nay.
Tác giả Lê Hoàng Kha
Ghe mới cập vào bến, thằng Út Tâm nhảy lên bờ cầm sợi dây neo ghe, quấn độ chừng hai vòng rồi buộc vào cây đước, giữ cho ghe không bị trôi ra ngoài.
Ông Ba đứng trên bờ, nói vọng xuống:
– Khá không mày?
Thằng Tâm lắc đầu tỏ vẻ ngao ngán:
– Chắc đủ tiền dầu.
Ông Ba nhìn Út Tâm lại thở dài:
– Coi bộ năm nay khó mần ăn nghen.
Ngày xưa ở xứ bãi bồi này nhiều cá to, tôm bự, cua kình các loại… Nhiều vô số kể. Người vùng miệt này, toàn bắt con to để ăn hay mua bán. Chứ đâu như bây giờ, đánh bắt lại thưa thớt dần đi.
Nhưng ngẫm lại thì thấy như sau: dân xưa độ chừng chưa đến hai ngàn, cũng là người tứ xứ đến đây để lập nghiệp, thuở ấy rừng rậm còn hoang vu, biển dã thì sơ khai. Người ta dẫn vợ chồng con cái đến đây để khai hoang lập ấp. Người xưa đặt tên làng là Thới Thuận, với ý nghĩa mong muốn sẽ được “Thuận buồm xuôi gió”.
Đất ở bãi bồi thuộc loại cát pha, nên họ mần giồng trồng xoài, dưa, bắp, sắn, khoai, đậu phộng… Để đổi lấy gạo ở vùng miệt trên. Phía bìa rừng là sình lầy, các loại cây tự mọc như: mắm, bần, đước, dừa nước, chà là… Rất rậm rạp, có câu ca dao:
“Mắm trước, đước sau, tràm theo sát.
Sau hàng dừa nước mái nhà ai”
Ngày xưa người ta bắt cá tôm để làm thứ ăn cơm qua ngày, chứ có bán chác được chi. Mà có bán được thì phải mần khô, được một thúng lớn chỉ vài đồng bạc mang qua miệt khác. Đường sá thì toàn xẻo rạch, đi lại cũng phải chèo xuồng. Có khi mất cả buổi để lên huyện, chứ nói chi qua miệt khác cũng đôi ba ngày. Người xưa ở xứ này hay hò như sau:
“Chèo ghe sợ sấu ăn chưng
Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng sợ ma
Chiều chiều én liệng trên trời
Rùa bò dưới đất, khỉ ngồi trên cây”
Ông Ba kể:
– Lúc vợ mang bầu sắp sinh, hai vợ chồng lúc thì đi nhờ xuồng, lúc thì đi bộ chưa kịp đến huyện thì bà sinh giữa đường, thành ra chuyện dở khóc dở cười. Ông quyết định đặt tên con là Đường, cụ thể là Nguyễn Văn Hai Đường.
Như Bảy Thột phiên dịch là đường bộ và đường sông, nói đến đó cả bàn rượu cười cái rần.
Thời nay thì hiện đại lắm, đường sá trải nhựa, cầu bê tông được xây dựng kiên cố, xe gắn máy lẫn xe hơi về đến tận đầu ngõ. Dân xứ này ai nấy cũng vui trong bụng, dân số cũng tăng lên từng năm, chắc nay cũng chừng mười ngàn. Người ta đóng những chiếc ghe lưới to, có gắn máy lớn để đánh bắt, có nhà thì mần hẳn ghe cào. Đánh bắt quanh năm, cân lại cho bạn hàng để bán khắp nơi trong tỉnh, mà kể xa hơn nữa là tỉnh ngoài. Rồi cá tôm chưa kịp sinh sôi nảy nở để lớn, thì bị bắt ráo trọi. Chứ ai mà nghe được tiếng biển khóc, chắc cũng cầm lòng chẳng đặng. Ông bà xưa thường nói: “Rừng vàng biển bạc” mà nếu không biết giữ, không biết đánh bắt hợp lý thì sau này ắt hẳn sẽ bạc trắng, bạc bẽo luôn cho nghề mần biển xứ này.
Bữa tối nhậu nhà ông Ba có Hai Đường, Sáu Điển, Bảy Thột, Năm Huấn, Tư Rừng và Út Tâm. Đang lúc ngà ngà say, Sáu Điển hỏi Út Tâm:
– Khi nào lấy vợ, cho Má mày được nhờ?
Út Tâm cười:
– Ai chịu mà lấy chú Tư, ở xứ này con gái đi mần Sài Gòn ráo trọi, ai thèm lấy đứa quê mùa như con.
Năm Huấn xen ngang:
– Để tao mần mai đứa cháu bên vợ ở Tân Châu, cho mày nghen Út Tâm?
Bảy Thột lấy hơi ngân câu:
“Trai nào thanh bằng trai sông Của
Gái nào thảo bằng gái Tân Châu
Tháng ngày dệt lụa trồng dâu
Thờ cha, nuôi mẹ quản đâu nhọc nhằn”
Út Tâm cười khoái chí:
– Hôm nào con ăn-ta-ni đóng thùng, qua Tân Châu mần rể mới được.
Cả bàn nhậu ngẩn người nhìn, vì bữa nay mới nghe Út Tâm quyết chí lấy vợ Tân Châu.
Nói đến cưới hỏi miền Tây sông nước, thì ngày xưa có đến sáu lễ: lễ giáp lời, lễ thông gia, lễ cầu thân, lễ hỏi, lễ cưới và lễ phản bái. Đó là sự cầu kì, nhưng có phần trang trọng của lễ cưới xin truyền thống xưa. Mà muốn cưới vợ, thì phải đáp ứng đủ. Đó là chuyện, tôi nghe những người xưa kể lại.
Thời nay thì dễ dàng hơn, người ta cũng chế bớt đi một số lễ, còn lại ba lễ: lễ giáp lời, lễ hỏi và lễ cưới. Cứ thế là rước được cô dâu về nhà chồng, chàng rể cũng bớt đổ mồ hôi khi phải làm các lễ như trên. Còn lễ vật cưới xin thì phải đủ các mâm lễ như sau: mâm trầu cau, mâm trà rượu và đèn cầy, mâm xôi, mâm trái cây, cuối cùng là khay trà rượu và phong bì lễ. Xưa là thế, còn nay dù có biến tấu thế nào thì cũng phải đủ các mâm lễ như trên. Sách vở chép lại hay miệng truyền miệng, thì lễ cưới là cơ bản như thế.
Bữa thằng Khoa con trai của Hai Đường, tức là cháu nội đích tôn của ông Ba. Có đưa bạn gái ở Sài thành về quê ra mắt họ hàng, con nhỏ tên Ánh Linh. Đúng là người gốc Sài thành, nhìn dáng người đẹp, tướng đi lại sang. Giọng nói thì đúng rặc người thành thị, nhìn không thấy tí phèn nào bám chân. Thằng Khoa học cao nên quen con nhỏ này coi bộ cũng hợp tính, lại thấy cũng đẹp đôi lắm. Thằng Khoa dẫn con nhỏ ra thăm ông Tư Rừng, để cho mấy gói trà với cây bánh. Tư Rừng thì chuẩn bị xong mớ ba khía soi được đêm qua, để đãi khách Sài thành. Con Linh hỏi nhỏ thằng Khoa:
– Con gì đây anh? Em chưa thấy bao giờ?
Thằng Khoa cười như hiểu ý:
– Con ba khía, con này ăn được. Thịt nó chắc mà ngọt, em ăn thử đi?
Tư Rừng mang chai rượu đi từ nhà sau lên, nghe thấy thế Tư Rừng cũng nói thêm:
– Ba khía sống ở xứ này nhiều không kể siết, con này thấy nhỏ nhưng là đặc sản xứ.
Đang nói Bảy Thột cũng ra tới nơi, cất giọng:
“Tháng Bảy nước chảy Cà Mau
Tháng Mười ba khía hội, kéo nhau đi làm
U Minh, Rạch Gốc, rừng tràm
Muỗi kêu kệ muỗi
Tao ham ba khía rồi”.
Thằng Khoa với con nhỏ cười ngất, thấy khoái lắm. Đó là câu ca dao không chỉ nói riêng xứ Cà Mau có nhiều ba khía, mà những nơi thuộc rừng ngập mặn bãi bồi ven biển miền Tây, đều có ba khía cũng không phần thua kém.
Tư Rừng kể thêm:
– Ba khía thuộc họ nhà cua do trên mai nó có ba cái gạch, nên được gọi là con ba khía. Ba khía có hai loại, là ba khía càng đỏ và ba khía càng tím. Riêng càng đỏ thì ngon hơn thịt chắc, làm mắm ba khía thì khỏi phải chê. Ngâm bằng muối hột khoảng một tuần, là có thể ăn được. Đem mắm ba khía trộn với gia vị, kèm thêm vài lát khế hoặc khóm băm nhỏ, ăn với cơm nóng thì không phải bàn nữa.
Kể đến đó mà thằng Khoa với con nhỏ chịu không nổi, cứ nuốt nước miếng liên hồi. Chắc kiểu này là thèm lắm rồi.
Chiều Năm Huấn đi dưới xã về, gặp ngay thằng Tám Xị đang rượt con vợ chạy ra đầu ngõ. Xém tí nữa là đụng vào xe của Năm Huấn, Năm Huấn dựng chân chống chiếc xe đạp, đứng chống nạnh chửi:
– Tổ cha mày Tám Xị, mày lại nhậu nữa phải hông?
Tám Xị trố mắt nhìn, rồi không nói không rằng, lẳng lặng bỏ đi. Năm Huấn nhìn theo cái điệu bộ say rượu, hai bước tới một bước lui, tay vẫn kẹp nách chai rượu, Năm Huấn lắc đầu thở dài. Kể ra mới biết, Tám Xị là cháu ruột ổng, nó cũng lo mần lắm chứ nhưng tật cái nghiện rượu, chiều đi mần về là một mình uống vài xị rượu. Rồi lên cơn xỉn lại rượt vợ chạy khắp xóm, sáng tỉnh rượu người ta kể lại nó gãi đầu cười hề hề. Con vợ cũng hay rắn mắt là đổ nước lã pha vào chai rượu, nó tức nên rượt theo để đánh. Mà có khi nào đánh được đâu, cứ sáng dậy là hai vợ chồng lại tòn ten chở nhau đi chợ. Thế là hết chuyện hôm qua, ở xóm này người ta thấy riết rồi cũng quen như cơm bữa.
Mấy hôm Út Tâm không đi lưới, thì ra cái chòi đập của Tư Rừng với Sáu Điển hùn mần. Tối buồn buồn là ba người mần lai rai vài xị, cho ấm bụng ngủ mới ngon. Sáu Điển uống ly rượu vào vỗ đùi cái bẹp, rồi Nói:
– Người xưa ủ gạo nấu rượu, còn ngày nay pha cồn mần rượu, uống riết đứt ruột quá anh Tư?
Tư Rừng cười trừ, Sáu Điển xé khúc đuôi cá thòi lòi nướng muối ớt bỏ miệng nhai. Cá thòi lòi cũng là một trong những đặc sản của rừng ngập mặn xứ này, nhưng tôi mạn phép gọi nó là món “Thượng đẳng mỹ vị”. Vì giờ đây, cá thòi lòi đã chui hẳn vào nhà hàng, quán ăn ở khắp mọi nơi trong lãnh thổ nước ta. Cá thòi lòi hẳn đã vươn tầm ra khỏi vùng sình lầy ven biển bãi bồi, không còn là kẻ nhà quê đen đúa như trước đây.
Có lần cháu ngoại Tư Rừng xem trên in-tờ-nét, kể cho ổng nghe về loài cá thòi lòi như sau:
– Cá thòi lòi được tổ chức sinh vật thế giới, xếp vào một trong sáu con vật kỳ lạ nhất hành tinh.
Ai cũng ngơ ngác, nhưng họ lại nghĩ bụng: “Không biết như thế nào, chứ từ khi người ta đến đây sinh sống, thấy loài cá này đã có mặt trước họ. Chắc là có từ ngày xửa ngày xưa, không ai biết lai lịch chính xác về loài này”. Còn tôi thì thấy, cá thòi lòi rất lạ. Nó có thể sống cả nước lợ và nước mặn, nhưng ở nước lợ thì vị cá sau khi nướng hơi tanh, còn ở nước mặn thì thịt cá săn chắc và ngọt thơm. Hai con mắt của nó tròn to cứ thò ra ngoài, trông thấy thật dị hợm. Nên có thể từ hình dạng ấy, mà người ta đặt cho cái tên nghe cũng rất ngộ là cá thòi lòi.
Út Tâm đang loay hoay chui vào mùng để ngủ, Bảy Thột kêu:
– Tối nay tao với mày đi soi nghen Tâm?
Út Tâm trả lời ậm ờ, rồi lăn ra ngủ. Tư Rừng quấn điếu thuốc dòng chưa kịp hút, thì Út Tâm đã ngáy khò khò.
Có lần người bạn thuở cơ hàn của Năm Huấn, gọi điện thoại từ nước ngoài về hỏi thăm. Nghe đâu nhớ quê lắm, nhớ lúc còn nhỏ rủ nhau vào rừng đước bắt ốc len; đào chem chép; thụt cá thòi lòi hay lặn hụp bắt cá nâu, ra biển mò nghêu với sò. Tất cả những kí ức về một vùng rừng ngập mặn bãi bồi, đã làm người ta phải nghẹn ngào khi nhắc về nó. Người ta quên không được cái hương vị dân dã, của những món ăn quê hay cái tình chất phác mà hào sảng của người dân. Cái hình ảnh bình dị đó, luôn len lỏi vào tâm trí của những người con xa quê. Nhiêu đó thôi, cũng đủ để con người ta cứ kể đi kể lại với tâm thế đầy tự hào về nơi mình đã sinh ra.
Hồi mấy năm trước, Bảy Thột lên Sài Gòn thăm con. Bảy Thột mặc bộ bà ba đen, chân mang guốc, đầu đội nón cối, một tay xách bịch đệm, một tay xách theo cặp vịt, đang đứng gần một cửa hàng đợi con ra rước. Những người ra vào thì thầm nhau, kêu ổng là quê mùa này nọ. Ổng cứ cười trừ cho qua, rồi nghĩ bụng: “Thì mình ở dưới quê lên, nên người ta kêu dân quê cũng phải thôi”.
Ở đất Sài thành, phần lớn là người dân từ những vùng nông thôn lúc còn trai trẻ, đua nhau lên thành để lập nghiệp đổi đời. Nhưng gốc rễ thì vẫn còn bám ở dưới quê. Dù có khoác lên mình bộ áo vest, hay chiếc đầm thời thượng ra dáng người Sài thành. Thì gốc gác quê cha đất tổ của mình, phải cố mà nhớ cho bằng được. Chứ không nên chê bai một ai đó với các câu đại loại như thứ nhà quê hay đồ quê mùa. Vì đôi khi, chính mình hay người thân cũng xuất xứ từ ấy mà ra. Tôi cho rằng, đó mới là cái phải ở đời mà người ta cần phải học. Đoạn này, tôi xin viết ngắn gọn như thế.
Ở làng bãi bồi có một bãi nghêu tự nhiên rất lớn, độ khoảng vài trăm héc ta. Mỗi lần đi bắt nghêu là có cả trăm người, từ già đến trẻ đều hăng hái xông pha. Vì đây là nguồn thu nhập kinh tế lớn, cho người dân xứ bãi bồi này.
Nhớ nhất là hình ảnh trầm mình dưới nước để mò nghêu, tiếng cào nghêu sột soạt. Rồi cái dáng người gầy gầy của má, các dì, các chị, đội nón lá nghiêng nghiêng vừa bị những con sóng nhỏ hất qua. Rồi tiếng réo í ới gọi tên nhau, trong những đêm cào nghêu dưới ánh trăng lờ mờ. Những cái hụp lặn chớp nhoáng, của người đàn ông khỏe mạnh cào nghêu con. Mấy đứa nhỏ được nghỉ hè theo tía má đi cào nghêu, hứng phải những cơn mưa chiều lạnh lẽo. Tụi nhỏ ngồi khúm núm, tựa người vào những chiếc bao chứa đầy nghêu dựng đứng, để che bớt cái lạnh. Người lớn thì ăn vội tán cốm, nắm xôi vò để vác nghêu ra ghe tải, chờ đến lượt đong nghêu rồi dắt díu nhau về. Cái hình ảnh đó, làm tôi thấy thương lắm. Như ông Ba từng nói:
– Mần nghề biển thì cực lắm, không thể diễn tả hết được. Nhưng mấy đời họ vẫn bám biển, chứ bỏ nghề biển, không biết cái chữ thì mần gì để sống? Mà làm biển riết rồi cũng quen, nên sống được.
Rồi ông Ba nhìn ra bãi biển, hướng theo con nước đang lớn dần. Những cơn sóng biển vội vã lúc nào cũng dũng mãnh, đánh qua những gò cát trắng xóa ven bờ. Tôi thấy mắt ông Ba đỏ hoe, cứ rưng rưng như muốn khóc. Rồi ông Ba nhìn tôi cười, trên gương mặt hằn lên những nếp nhăn, của người đàn ông bảy mươi. Cái dáng người khắc khoải của ông già nơi bãi bồi ven biển, làm tôi không khỏi chạnh lòng. Thấy mà thương những con người nơi đây dữ lắm. Ông sợ tôi biết ông khóc, nên ông nói giả lả cho qua chuyện:
– Nay gió thổi lớn hén! Làm cay mắt dữ nghen.
Rồi ông Ba quay lưng rủ tôi vào nhà uống trà, bỏ mặt những cơn sóng hung tợn đang ngấu nghiến từng bãi cát, nước biển cứ lấn dần vào sát chang đước phía bìa rừng. Dưới cái nắng chiều sắp tắt, cơn gió mang hương vị biển khơi thổi dạt qua những hàng dương, nghe vọng lại đâu đó thứ âm thanh vi vu. Như muốn réo gọi ai trong gió, mà lòng tôi cảm thấy lạnh hơn bao giờ hết. Trong nhà, thằng Út Tâm cất giọng “Bài ca đất phương Nam”. Làm cho những người con phương Nam xa quê, thấy lòng mình bùi ngùi da diết không nguôi. Một lòng một dạ, luôn hướng về cội nguồn của quê cha đất tổ.
“Nhắn ai đi về miền đất phương Nam
Trời xanh mây trắng, soi dòng Cửu Long Giang
Mênh mông rừng tràm, bạt ngàn dừa xanh
Từng chang đước đong đưa, nhớ người xưa từng ở nơi này
Cho ta thêm yêu dấu chân ngàn năm đi mở đất
Cho ta thêm yêu bầy chim sáo sổ lồng”.
L.H.K