Sự dấn thân của các nhà văn nữ

520

Không ngại khó ngại khổ, các nữ nhà văn vẫn tiếp tục dấn thân vào những đề tài gai góc, mang tính thời sự của đời sống.


Nhà thơ nữ Hoa Mai vượt đường sá khó khăn lên tặng quà vùng cao biên giới Quảng Trị

Đau đáu phận người

Đọc nhiều tác phẩm… “dữ dội” và xem các phim tài liệu, trong đó có Huyền thoại mẹ Việt Nam Anh hùng (dài 100 tập, do TFS sản xuất) của “cây bút hồi ký” Trầm Hương, hẳn nhiều người vô cùng bất ngờ trước sức viết bền bỉ của một nữ văn sĩ luôn trăn trở trước thời cuộc cũng như đam mê làm công tác xã hội.

Nhà văn Trầm Hương khoe hai hồi ký mới toanh Người mẹ đảm đangTình yêu của mẹ (do NXB Hội Nhà văn ấn hành). Người mẹ đảm đang phác họa chân dung người phụ nữ kiên trung Trang Thị Láng (Ba Bi), nữ anh hùng lực lượng vũ trang ở Tiểu Cần (Trà Vinh), chồng hy sinh khi bà còn trẻ, với 6 đứa con thơ vẫn bám trụ hoạt động cách mạng… Tình yêu của mẹ là những câu chuyện về mẹ Hà Thị Nhạn (Minh Kiều), tay không tấc sắt, trước lưỡi lê họng súng quân thù vẫn không nao núng.

“Sự dấn thân của những người phụ nữ trong chiến tranh và hòa bình khiến tôi khâm phục và đồng cảm. Có lẽ vì vậy, tôi thích viết nhiều về phụ nữ. Thực tế cho tôi bài học, nếu như khởi đầu trang viết bằng tấm lòng trong sáng, nồng nhiệt, nhà văn biết dấn thân thì sẽ được cuộc đời đền bù xứng đáng và độc giả không bao giờ quay lưng trước những tác phẩm đau đáu số phận con người”, nhà văn Trầm Hương tâm sự.


Nhà văn Trầm Hương (phải) và Mẹ VNAH Đào Thị Thẩn – một nhân vật trong tác phẩm “Khoảng lặng nước mắt” sắp xuất bản

Năm 2019, nhà văn Trầm Hương dành toàn bộ số tiền bán tập thơ Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà giúp bà Phan Thị Niết (79 tuổi) – con gái Mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Chạy – một nữ tù Côn Đảo nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bị té gãy xương chậu được phẫu thuật và vận động xây tặng bà căn nhà tình nghĩa với tổng số tiền 150 triệu đồng. Bên cạnh đó, Trầm Hương còn đứng ra vận động 100 căn nhà tình nghĩa khác (trị giá 5 tỉ đồng) cũng như tạo cơ hội giúp hàng trăm gia đình thương binh, liệt sĩ, thanh niên xung phong, những số phận bất hạnh, cơ nhỡ trong chiến tranh có được chỗ ở tươm tất, đưa được số phận nhiều người hy sinh cho đất nước ra ánh sáng. “Đó là các giải thưởng lớn nhất của cuộc đời khi tác phẩm của tôi chạm đến trái tim độc giả”, nhà văn tự hào nói.

Đến bây giờ, hai nữ thi sĩ Huệ Triệu và Trần Mai Hường vẫn nhớ như in những ngày được vinh dự ra Trường Sa, đến với các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió mà cho đến giờ vẫn ngồn ngộn chất liệu để viết. Rồi những lần cùng nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, nhà văn Thu Trân và nhóm Văn nữ Sài Gòn vận động quyên góp 160 triệu đồng trực tiếp vượt đèo dốc, giữa một bên là núi cao, bên kia là vực sâu lên trao tận tay người dân nơi vùng cao biên giới Quảng Trị. Sắp tới, các chị trong Ban Văn nữ Hội Nhà văn TP.HCM còn tạo dựng quỹ để hỗ trợ các tác giả in ấn tác phẩm mới, tặng quà cho những đồng nghiệp đang gặp khó khăn, bệnh tật.

“Sự dấn thân của những người phụ nữ trong chiến tranh và hòa bình khiến tôi khâm phục và đồng cảm. Có lẽ vì vậy, tôi thích viết nhiều về phụ nữ”, nhà văn Trầm Hương nói.

“Với tôi, quy chuẩn của nhà văn nữ không chỉ có các sáng tác tận hiến hết mình với con chữ mà song song đó, còn phải biết dấn thân vào đời sống, tiếp tục dùng ngòi bút và bằng việc làm cụ thể lan tỏa nhiều việc tốt đến xã hội, bởi nhà văn có sống đẹp thì mới viết hay và thuyết phục người đọc”, nhà thơ Huệ Triệu chia sẻ.

Lợi thế thiên phú của nhà văn nữ?

Nhà văn Phương Huyền nhận xét: “Trong văn chương có lẽ phụ nữ chúng tôi có những lợi thế mà nhà văn nam không có được. Đó là sự uyển chuyển, mềm mại, là sự thấu cảm từ chính những trải nghiệm bản thân. Mọi người dễ dàng trải lòng với phụ nữ hơn. Khi càng gần con người, gần nỗi đau thân phận thì ngòi bút càng sâu sắc và chân thật hơn.

Nhưng, dù có lợi thế gì đi chăng nữa, cũng tùy thuộc vào mỗi người. Nếu là một người lăn xả, sống, đi, va chạm, viết… mới có thể chạm tới tất cả những điều mà người khác không thể có được”. Bích Ngân, tác giả Thế giới xô lệch, bổ sung: “Vốn không ít nhà văn nữ chỉ muốn mình được yếu mềm, được che chở, lại thành người phải cứng cáp để che chở và đứng mũi chịu sào trước sóng gió cuộc đời. Theo tôi, nhà văn nữ, dù mạnh mẽ hay yếu đuối, dù may mắn hay gặp nhiều bất trắc, thui thủi một mình hay có đôi có bạn, cũng không kém cạnh mày râu trong quá trình sáng tạo cũng như thành quả lao động của mình”.

Gần đây nhiều giải thưởng quan trọng cũng thuộc về các nữ nhà văn: Tại cuộc thi tiểu thuyết 2016 – 2019 của Hội Nhà văn Việt Nam, một số tên tuổi nữ tiếp tục tỏa sáng: nhà văn Trần Thùy Mai với Từ Dụ thái hậu, nhà văn Trương Thị Thanh Hiền (Mệnh đế vương)… Ở giải thưởng thường niên, nhà văn Nguyễn Hải Yến với tập truyện ngắn Quán thủy thần, nhà thơ Trần Kim Hoa (Bên trời), tập hồi ký Gánh gánh gồng gồng nhà văn Xuân Phượng 92 tuổi nhận cùng lúc 2 giải thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Nhà văn Việt Nam…


Hội Nhà văn TP.HCM trao hoa và khen tặng Ban Nhà văn nữ vì những thành tích xuất sắc tại đại hội Nhà văn

“Nhiều nhà văn nữ của TP.HCM hiện nay không chỉ bền bỉ sáng tác với nhiều thể tài, đề tài phong phú, đa dạng bằng những thành quả cụ thể với rất nhiều tác phẩm đã được đăng, nhiều đầu sách ra mắt được bạn đọc đón nhận, Ban nhà văn nữ còn tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, chia sẻ với cộng đồng, cùng nhau lan tỏa những giá trị tốt đẹp về tình yêu thương và lòng nhân ái, thật sự cảm động”, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Bích Ngân tỏ bày.


Nhà văn Trầm Hương trong một chuyến đi thực tế sáng tác.

Theo Lê Công Sơn/Thanh Niên