Sương trắng Thới Đông – Truyện ngắn của Quỳnh Giao

1004

(Vanchuongphuongnam.vn) – Buổi sáng xuân, hạt nắng long lanh tỏa rộng bầu trời xanh ngọc bích, lung linh mặt sông Hậu bát ngát mênh mông. Như mọi ngày, bến đò Ô Môn nằm bên bờ sông sáng chiều tấp nập xuồng ghe, hành khách và người đi chợ không khác gì cảnh chợ nổi miệt vườn.

Nhà văn Quỳnh Giao

     – Bà con, ai đi Thới Lai, Cờ Đỏ xuống tàu. Giờ khởi hành đến rồi!

Giọng nói khàn khàn, dõng dạc của chị Hai Khỏe – chủ tàu Thới Đông mập mạp, tuổi sồn sồn, ngồi sau lái tàu cạnh chiếc máy đuôi tôm, thông báo cùng hành khách đứng trên bờ. Tiếng chị oang oang mạnh mẽ lấn át tiếng lạch cạch ghe xuồng cọ nhau và giọng tranh cải chí chóe của mấy bà bạn hàng trên mé chợ gần đó tạo thành một âm thanh hỗn độn chói tai.

Hành khách từ mọi nơi lũ lượt kéo tới bến đò, lố nhố đi hàng một, lỉnh kỉnh với túi bị, giỏ xách chen nhau xuống tắc ráng. Thong dong với ý định nhường cho bà con, Đan là người xuống tàu sau cùng. Trời quang đãng, thỉnh thoảng hiu hiu cơn gió nhẹ, nước sông buổi sáng dâng đầy khiến hai be chiếc tàu nhỏ chở khẳm gần lé đé mặt nước sông. Khi những chiếc tàu khác từ các nơi vừa lần lượt về cập bến, tắc ráng Thới Đông của chị Hai Khoẻ cũng sắp sửa rời điểm khởi hành. Bé Lanh, con gái chị chừng mười tuổi, dáng vẻ hiền lành, tháo xích sắt tại mũi tàu, giúp mẹ tỏ ra vẻ thạo việc. Đôi tay nhanh nhẹn của Bé cầm lấy chiếc dằm con đẩy mũi tàu dần dần xa bến. Bỗng chốc từ trên bờ, giọng một cô gái trẻ the thé vang lên:

– Em đi Cờ Đỏ, chị Hai ơi, chờ em đi với…

Cô gái đến muộn sợ trễ đò, tay nách bao nhựa đồ đạc tay xách giỏ mủ, hớt hơ hớt hải, vẫy nhanh tay gọi chủ tàu để được đi kịp chuyến đò sớm. Mũi tàu đã quay về phía giữa sông trong khi đuôi tàu vừa cách bờ chừng mươi mét nhưng chủ tàu chưa giựt dây khởi động chiếc máy đuôi tôm sơn màu đỏ rực.

– Lẹ lên!

– Cho em bước nhờ!

Sau khi xin phép các chủ đò, cô gái với đôi chân thoăn thoắt bước vội trên những chiếc tàu còn đậu tại bến để tới tàu Thới Đông. Đến gần tàu chị Hai Khỏe, định giở chân bước sang, cô gái loay hoay, chân vấp be tàu té ùm xuống nước.

– Ối chao! Làm sao cứu cô ấy! Bao đồ đạc, giỏ xách văng ra, trôi lềnh bềnh trên mặt sông.

Vẻ lo lắng vụt hiện rõ trên khuôn mặt hoảng sợ của mọi người. Sông Ô Môn rộng lớn, nơi bến tàu nước thường sâu, chẳng biết cô gái có biết lội hay không! Nhưng chưa ai kịp hành động. Đan lên tàu sau cùng ngồi ở xa đằng mũi, vụt hành động phản xạ như một cái máy. Chẳng để ý gì đến đồ đạc của mình, anh vội đứng nhanh dậy, nhảy tỏm xuống nước bơi gấp rút về phía cô gái đang loi ngoi dưới nước. Đan bình tỉnh, áp dụng kỹ thuật cứu người bị nạn trên sông mà anh đã thành thạo từ một khóa thực tập ở trường học. Một tay anh dìu cho mặt cô gái ngoi lên khỏi mặt nước, một tay bơi đến nắm chặt be tàu, với trợ lực của chủ tàu, đưa cô gái lên đò. Ghe xuồng khác được bà con bơi nhanh tới tiếp cứu trong lúc trên bờ sông lố nhố người đứng nhìn tỏ ra lo lắng. Mớ hành lý, đồ đạc được vớt lên, và toàn thân cô gái ướt như con chuột mắc nước. Chị Hai Khỏe cùng vài nữ hành khách trên tàu giúp cô gái tạm thay sang quần áo khô của họ rồi mới mở máy khởi hành.

*

Ngày ấy, sau gần thập niên bỏ trường trốn quân dịch, Đan đi dạy tại các tư thục và trung tâm dạy thêm của một vài bạn học cũ. Một hôm, Đan chợt nghĩ phải đánh bạo xin đi dạy giờ lại với một thầy học cũ dạy Sử đang làm ở nha Trung học. Đan tính ngoan hiền, học chăm, nhất là với các môn xã hội được các thầy thương mến. Thầy còn nhớ Đan và thông cảm hoàn cảnh, hết lòng giúp đỡ anh. Đan háo hức nhận quyết định mới về dạy tại trường Trung học Cờ Đỏ (còn gọi là Thuận Trung), tại một quận lẻ heo hút tận vùng sâu cách xa nhà anh hơn 60 cây số đường bộ. Như một thông lệ, tờ mờ sáng tinh sương ngày chủ nhật mỗi tuần, nồng nã thức dậy sớm, trong lúc mấy đứa em còn ngủ say, Đan gọi xe lôi đạp ra bến xe tại đường Cây Bã Đậu, đón ô tô lên Ô Môn vì dạo ấy chưa có đường bộ dành cho ô tô hay xe buýt chạy suốt từ Cần Thơ lên Cờ Đỏ. Hương lộ từ nhà đến cơ quan xa xôi gập ghềnh không khác nào đường vào đất Thục. Lắm hôm, Đan khởi hành sớm từ Tây Đô bằng xe đò đến Ô Môn rồi phải xuống ngồi tắc ráng đến gần 1 giờ trưa mới tới trường học. Đan hằng nghĩ nghề gõ đầu trẻ thanh đạm đã chọn như một lý tưởng trong đời. Theo kỳ vọng của cha, anh kiên định với lòng mình quyết tâm bám trường lớp với đám học trò ngây thơ hiếu học. Nơi đâu trên đất nước quê hương mình cũng cũng là nhà, không bao giờ Đan ta thán nản lòng: Sông nào chẳng quyện phù sa/ Nơi đâu chẳng nước non nhà Việt Nam. sau mỗi lần bất chợt anh được phân công đi dạy xa hoặc chuyển trường.

Trời bắt đầu cơn gió nhẹ, một luồng không khí lạnh vụt tạt vào bên trong chiếc tàu chạy bon bon trên con sông rộng, dài thăm thẳm. Lo ngại cô gái bị cảm, Đan lách mình ngồi hướng trên gió che cho cô gái đỡ bị lạnh. Anh mạnh dạn cởi chiếc áo gió đang mặc nhường cho cô.  Đợi cô gái thật tỉnh táo, Đan mới bắt đầu hỏi chuyện:

– Em về đâu vậy? Đan chậm rãi chân tình

– Em tên là Sơn Sơ-rey, đi bán cốm dẹp và đường thốt lốt tại các tỉnh miền Tây vừa xong trên đường về nhà. Giọng Sơ-rey nhỏ nhẹ.

– Đi tàu Thới Đông, như vậy chắc nhà em ở Cờ Đỏ?

– Dạ, nhà em tại Ba Vàm. Ba em vốn người Nam Vang, kéo vó (4) bắt cá lặt vặt mỗi ngày. Má em quê quán tại Trung Quốc, hiện làm ruộng sau nhà.

– Kẻ ở đầu sông, kẻ cuối sông, sao ba má em lại được gặp nhau?

Chắc là do cơ duyên, ba má em sum họp nhau tại Việt Nam sau thảm họa cho người Việt tại đất nước chùa Tháp do bọn Pôn Pốt gây ra vào những năm đầu thập niên 1970. Gia đình không khá giả, em phải lặn lội đi buôn bán, chắt mót thêm chút ít tiền giúp ba má nuôi các em đi học.

Ngồi ròng rã suốt 7 tiếng đồng hồ, trên ô tô và con tàu nhỏ bềnh bồng trên sông nước Đan, có cơ hội trầm tư trước cảnh vật xinh tươi và ruộng đồng bát ngát nơi miền quê hồn hậu mà ở thị thành không hề có được. Sông Ô Môn rộng mênh mông, từ thị trấn luồn qua chiếc cầu đá chênh vênh vững vàng, nhìn từ xa như một cổng trời. Dưới nắng mai, giòng sông tráng lệ nên thơ như giải lụa hồng, mang phù sa màu mở vun bồi thêm đôi bờ san sát nhà cửa vườn tược. Tâm hồn lãng mạn giàu tính nghệ sĩ của Đan lâng lâng với cảm xúc dạt dào mỗi khi anh say đắm nhìn những hàng dừa xanh rũ tóc, những tán xoài um tùm nghiêng nghiêng đổ bóng xuống mặt sông phẳng lặng như tờ. Từng chùm hoa bằng lăng sum sê tím thẩm trong bóng hoàng hôn bảng lảng bao lần khiến anh cảm thấy dào dạt hồn thơ. Chiếc tắc ráng lướt nhanh trên mặt sông rộng như con rắn nước khổng lồ, thỉnh thoảng lại lừ đừ cập bờ đón khách sau khi lách tránh những đống chà rải rác ở triền sông hay những bè lục bình, rau mát trôi lênh đênh trên mặt sông. Đan lầm thầm khẳng định trong tâm trí: Ô Môn quả đẹp tuyệt! Chả nào nhạc sĩ Triều Dâng đã chẳng cảm xúc sáng tác nên một ca khúc bất hủ để đời (1).

*

Tiếng máy nổ lạch tạch xen lẫn tiếng nói chuyện xì xào của vài hành khách tạo thành một âm thanh đặc biệt làm nhiều người ngủ gà ngủ gật trên tàu.

– Cho tôi đi vô Thới Lai, chị Hai ơi!  Giọng khao khao quen thuộc của anh Bảy Đực, gọi đò vọng lại từ trên bờ sông.

– Có người gọi đò bên phải đó con! Chị hai Khỏe vừa nhắc con gái vừa cầm cần máy tạt sang trái, điều khiến cho tàu tránh bè lục bình rậm rạp, lách qua khỏi đống chà rồi quẹo phải. Trên bờ cao, một người đàn ông quá tuổi trung niên, y phục màu sẫm, thân mình vạm vỡ, đầu quấn gọn búi tóc trong chiếc khăn rằn, tay phải cầm dây kéo theo sau con heo nọc giống vượt cỡ lông dài xám xịt, đôi nanh heo cong nhú ra hai bên mép như hai ngó sen.

– Chị Hai cho tàu cập sát chiếc cầu ván để đứa con tôi đi xuống. Ông khách nhắc lại chủ đò.

– Hôm nay dẫn quý tử đi làm ăn hướng nào vậy anh Bảy? Chị Hai Khỏe chào thân mật người đàn ông vốn là hành khách quen thuộc đang đứng trên bờ.

– Giữ lời hứa, sáng nay tôi đi bỏ nọc cho chị Ba Chà nhà gần thị trấn, cạnh nhà thờ. Con heo nái của chị Ba đến mùa động đực sung dữ mấy hôm rồi.

– Anh đi trên chị Ba Chà chừng nào về nhà, tôi ghé rước anh. Nhân tiện, anh cho nhảy giùm tôi con heo nái. Chị Hai nói tự nhiên.

– Vùng này, nhiều bà mê giống heo Mỹ Yorshire lớn con, khỏe mạnh lại năng suất cao của tôi lắm. Vì vậy, sau khi nhảy nọc cho heo chị Ba, tôi còn phải hành quân vài nơi khác nữa dù má bầy trẻ luôn bận rộn việc rẫy bái, rất cần sự có mặt của tôi tại nhà. Bảy Đực trả lời rõ ràng, mặt mày tỉnh bơ.

Kiểu nói úp mở têu tếu của chị Hai Khỏe và ông khách bỏ nọc heo giống mới xuống đò khiến nhiều người phải bấm bụng cười thầm.

Đò Thới Đông đầy khách và hàng hóa thêm nặng nề. Tới ngả ba sông tại chợ Thới Lai, chị Hai rẽ phải chạy một mạch vào kinh Đứng – con kinh đào thẳng băng cắt một vạch dài như miếng thủy tinh, long lanh dưới nắng trưa giữa đôi bờ cao, xanh um những hàng xoài và so đũa của xã Ngôn Thiện. Ngồi yên trên con đò chạy băng băng trên dòng kinh đục ngầu nước phù sa, chốc chốc Đan gặp lại những chiếc thuyền chài, xuồng câu cá rải rác suốt chặng đường dài, và tai Đan được nghe văng vẳng tiếng hót líu lo của chim chìa vôi, giọng rả rích của mấy chú trao trảo vọng lại từ những lùm cây xa sau mái nhà tranh lúp xúp đôi bờ. Mùa nước nổi sau vụ gặt, cánh đồng mênh mông nơi đây hoa điên điển nở rực như rừng mai vàng.

Thị trấn Thới Đông nằm cheo leo tại doi đất hội tụ giữa sông Cờ Đỏ và kinh Đứng bốn mùa ngầu đục nước phù sa. Thời gian chuyển mùa, sau vụ gặt đông xuân, những cánh đồng lúa mênh mông yên ả vắng hẵn bóng người nông dân. Đứng trên chiếc cầu gỗ cũ chênh vênh nối kết giữa đôi bờ sông, khách nhàn du dễ trông thấy rõ từng con cá lội trong dòng nước trong veo không bợn chút bụi rêu. Từ nhà lồng chợ hướng về Thới Xuyên, trường trung học nằm bên phải, đối diện với khu nhà hành chính quận lỵ bên kia bờ sông. Những chiều cuối tuần không về nhà, Đan thường thơ thẩn một mình ra đứng trên cầu, tựa thân vào lan can, vọng hướng nhìn về dãy Thất Sơn huyền bí mờ ảo hiện ra sau màn sương mỏng.

Đêm thứ bảy cuối tuần – ngày lễ hội Ok-Om-Bok hằng năm của người dân tộc Khmer. Buổi trình diễn văn nghệ tưng bừng được tổ chức tại sân rộng thành Miên gần lẩm lúa ngày trước nay còn đậm dấu ấn với ống khói cao nghệu đứng tần ngần cạnh bờ sông. Đan không về nhà để dự đêm liên hoan văn nghệ do cha Srey mời. Dấu ấn sơ sài của một thành cổ xa xưa chỉ còn lớ mờ phảng phất qua bãi đất rộng rải rác những tảng đá ong lớn sứt mẻ, chất chồng xiêu vẹo giữa hàng cây bạch đàn đứng thẳng không ai biết được trồng tự bao giờ. Cuộc đua ghe ngo hoành tráng, hào hứng mà cha Srey là thành viên, diễn ra sôi nổi từ ban sáng ngoài sông Ô Môn. Tối nay đến phần văn nghệ cây nhà lá vườn do một số gia đình tổ chức có mặt Sơ-rey đóng góp tiết mục. Cha Sơ-rey đại diện đoàn mời Đan tham dự.

– A, Sơ-rey. Chào em! Đêm nay, Sơ-rey có tham gia văn nghệ chứ ?

– Dạ, thưa… có.  Nàng nhìn sâu vào mắt Đan, nhoẻn miệng cười tươi thắm.

– Anh Đan cố dự hết chương trình để cổ vũ, ủng hộ cho em nhé!

– Ô Kê! Anh sẽ luôn ở bên Sơ-rey để hỗ trợ tinh thần em cho đến hết chương trình.

Chưa đến giờ chính thức bắt đầu trình diễn nhưng bà con trẻ già nam nữ và học sinh từ các vùng quê đã lục tục đỗ về xem văn nghệ. Trong bóng chiều dịu nắng ngã dần sang đêm, họ ngồi xếp thành vòng tròn lớn có chừa một cửa ra vào bên trong, chờ xem các nghệ nhân biểu diễn.

Sân khấu dã chiến miền quê là bãi đất trống sạch sẽ, bằng phẳng, lún phún cỏ chỉ xanh mượt rất thuận lợi cho diễn viên. Ánh trăng mười sáu hỗ trợ đắc lực cho ánh sáng lờ mờ của bóng đèn điện tròn treo trên cây bạch đàn cùng đống lửa đốt bằng nhánh cây khô cháy bập bùng gần bên, làm rực sáng thêm bầu không khí văn nghệ dân dã miệt vườn. Chương trình văn nghệ biểu diễn tự do. Người tham gia hoàn toàn theo ngẫu hứng, không cần phải theo tiết mục đăng ký trước, có thể bất chợt tùy hứng vào bất cứ lúc nào miễn sao không gây trở ngại cho người điều khiển chương trình chung của đêm văn nghệ. Người đến xem càng về khuya càng đông, không khí thêm vui nhộn và mỗi lúc một thân thiện như một buổi dạ hội gia đình có ca nhạc. Sau phần trình diễn có tính chuyên môn của nghệ sĩ cốt cán người dân tộc, âm thanh dìu dặt dìu đặt theo tiếng hát lâm thol du dương trữ tình hòa quyện với điệu múa dù kê nhịp nhàng uyển chuyển trong không gian giai điệu ngũ âm huyền hoặc, chơi vơi khiến mọi người cảm thấy tâm hồn mình như được bềnh bồng trong một thế giới thần tiên thoát tục của nghìn muôn năm cũ.

Sơn Srey, cô gái đầu gà đít vịt lộng lẫy trẻ trung như một hoa hậu, nổi bật giữa những vũ nữ giai nhân khác khiến bao người ngây ngất đắm nhìn. Đôi mắt mi kép trữ tình nổi bật trên khuôn mặt trái xoan làn da trắng mịn, cân bằng bởi chiếc mũi dọc dừa năm trên đôi môi trái tim đỏ thắm tự nhiên là đặc sản nhan sắc hiếm có ở cô gái lai này. Tô điểm cho vẻ mặt dễ thương là rừng tóc đen tuyền buông thỏng, vây phủ xuống đôi bờ vai của pho tượng sống vệ nữ trời cho.

– Đẹp như một hoa hậu!

– Thật là một trang tuyệt thế giai nhân! Một thanh niên ăn mặc đàng hoàng tỏ ra văn vẻ. Nam nữ khán giả thanh niên ngồi cạnh Đan tha hồ buột miệng. Đan như bị thôi miên theo động tác tinh tế của Srey: từng cái vẫy nhẹ dịu dàng uyển chuyển của đôi bàn tay ngó sen ngà ngọc, và từng bước nhún duyên dáng nhẹ nhàng của đôi chân thon dài xinh xắn theo giai điệu dập dồn của tiếng nhạc ngũ âm huyền hoặc. Những tràng pháo tay giòn giã nối tiếp thể hiện sự ngưỡng mộ của khán giả kẻ đứng người ngồi, vây quanh sân khấu ngoài trời khi mỗi tiết mục chấm dứt.

Vầng trăng tròn vành vạnh đã ngự trên đỉnh đầu mọi người, báo hiệu đêm đã về khuya. Hát dù kê – tiết mục trung tâm của chương trình bắt đầu cho mối hòa đồng thân thiết giữa nghệ sĩ và khán giả. Trong giai điệu ngũ sắp sửa bắt đầu, Đan được mời tham gia với vai trò con trống bên cạnh con mái Sơ-rey trong điệu múa đậm sắc màu dân tộc và tính nhân văn này. Hơn nửa đời làm nghề gõ đầu trẻ, gót chân lãng tử của Đan từng bôn ba tận tỉnh xa và vùng sâu hẻo lánh Trà Vinh, Sóc Trăng, Vị Thanh hay Cờ Đỏ…, nơi đâu Đan cũng chịu làm quen với nhiều từng lớp nhân dân, chuyện trò tâm sự nhau bằng nhiều ngôn ngữ. Đan căm cụi vừa dạy vừa học. Anh không ngại cần cù học cả lời ăn tiếng nói, học múa học ca với bà con các sắc tộc mà anh có dịp tiếp xúc qua thực tiễn cuộc sống ở học đường và xã hội. Dù vậy, khi tham gia vào chương trình văn nghệ đêm nay, bên cạnh Srey, Đan vẫn ngờ nghệch phải nhờ nàng quan tâm hỗ trợ anh trong từng bước đi điệu nhảy theo lời hát của người dân tộc mà anh cảm thấy mình còn lắm bỡ ngỡ.

Từ lúc con trống và con mái bắt đầu vờn nhau, những bàn tay nóng bỏng siết chặt nhau qua ánh mắt luyến láy giao tình, Đan đã cùng Sơ-rey đóng kịch một cách nhập vai và xuất thần.

– Anh Đan nắm chặc tay em chắc chắn hơn trong những vòng luân vũ để thể hiện sự gắn kết thủy chung trọn đời!

– Đan hãy coi em như là người vợ hiền của anh, như lúc anh ôm cứu em khỏi bị chết đắm từ dòng nước sâu hôm nào vậy bòn ơi! (2) Sơ-rey thều thào trong hơi thở.

– On slanh bon ná! (3) Srey lại nói liên miên không dứt như người say rượu, khiến Đan cảm giác bên anh nàng đã múa quay cuồng, môi mấp máy những lời tình tứ kết tinh từ trái tim cháy bỏng của nàng.

– O kôul! (4) Đan khe khẽ, trìu mến nhìn Sơ-rey ửng hồng thêm đôi má dưới ánh trăng khuya huyền ảo mơ màng.

*

Sang thu. Cánh đồng lúa Cờ Đỏ bao la biến thành biển nước mênh mông mùa nước nổi. Sương mù sớm chiều giăng giăng mịt mùng như cơn mưa sữa từ thị trấn đến tận rặng bằng lăng, trâm bầu lù mù xa tít. Phòng trọ Đan xin được ở tầng cao trường học, khiến anh cảm thấy thú vị mỗi ngày buổi tin sương được sưởi ấm với ánh bình minh và khi chiều tà ngắm bóng hoàng hôn bảng lảng nhuộm vàng ngọn núi Cấm huyền bí ở phương đoài diệu vợi. Buổi sáng ngày đầu năm học, trở lại trường, Đan lúi húi thu dọn lại phòng trọ mượn của nhà trường. Đan trìu mến nâng niu từng kỷ vật: chiếc khăn lông dày mịn màng màu hoàng yến do Hoài Mộng tặng để anh quấn cổ mỗi khi trời trở lạnh. Anh lại vuốt ve sợi dây lụa màu thổ cẩm do em gái của một người bạn sinh viên tặng làm quai mắc vai vào cây đàn ghi – ta lúc Đan chơi nhạc. Và chiếc cà vạt màu lam với hai chữ ĐS xinh xắn chói lọi, khắng khít như đôi chim âu yếm rỉa lông cho nhau mà Đan luôn mắc vào chiếc áo trắng cũng do Sơ-rey tặng, mỗi khi anh đi lễ hội…

Bàng hoàng khôn xiết, không ngờ chỉ mới mấy tháng mà bao biến cố dập dồn như trận giông bão tơi bời đã đi qua cuộc đời thực và cuộc sống tình cảm của Đan. Được trả lại tự do sau mấy tháng bị giam giữ vì tham gia vào phong trào sinh viên yêu nước, Đan trở lại trường lớp với đám học sinh trung học thân yêu và các bạn sinh viên đại học. Nỗi đau cũ còn âm ỉ, Đan lại tiếp tục chịu đau đớn nhận thêm một vết thương lòng.

– Làm thế nào, bằng mọi giá, em cũng phải hy sinh để cứu mẹ em. Sức ba em có hạn trước bệnh dữ suy thận của mẹ. Một mình ba em không sao xoay trở nỗi tình hình. Srey vừa chân thành tâm sự vừa mạnh dạn khẳng định với Đan.

– Em vẫn nhớ Đan và mãi mãi yêu anh dù chúng mình không được đoàn tụ bên nhau như chồng vợ trong đời, Srey lầm thầm trong tâm trí. Ta yêu nhau mãi mãi, đôi tâm hồn ta gắn kết bền chặc nhau với mối tình cao thượng!

– Bon slanh on đời đời! (Anh cũng mãi mãi yêu em!)

– Em cũng không bao giờ quên anh!

– Som le (5)

Bốn mắt đỏ hoe, đẫm lệ nhìn nhau không chớp. Rời bãi đậu, chuyến xe Nhơn Hòa cuối ngày từ từ lăn bánh về hướng bắc Cần Thơ. Thẩn thờ, còn lại một mình, Đan bâng khuâng hồi tưởng: Nhạc ngũ âm, buồn như tiếng khóc/ Gợi bao kỷ niệm buổi dù kê. Anh làm con trống, em con mái/ Múa hát quay cuồng quá nửa khuya. (Kiên Giang).

Chiều buông vội. Vườn cây hai bên đường, loáng thoáng từng chiếc lá xoài, lá mận lác đác rụng theo cơn gió se lạnh thỉnh thoảng từ sông Hậu xào xạc thổi về. Ngồi lặng yên cạnh người chồng ngoại luống tuổi phương xa trên chuyến xe chiều muộn, Srey cảm thấy tê tái, cõi lòng như đã chết lịm tự bao giờ. Tâm trạng rã rời, Sơ-rey mệt mỏi ngoái nhìn lại lần cuối bóng Đan mờ dần, còn đứng như pho tượng gỗ bất động bên vệ đường vắng dần xe cộ và khách bộ hành. Một mình còn lại, bất giác, Đan thì thầm: Đời ta là một con tàu suốt/ Vạn lý đường xa chẳng một ga.

Q.G

 (1)  Chiều trên sông Ô Môn – nhạc Triều Dâng

(2) Bòn ơi: Anh ơi

(3) On slanh bon ná: Em yêu anh lắm

(4) O kôul: Cám ơn em

(5) Som le: Tạm biệt