Tết là có tất cả – Tản văn của Trọng Bình

490

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tuổi thơ của chúng tôi gắn liền với nghèo khổ, thứ gì cũng quý bởi thiếu thốn trăm bề, làm lụng quanh năm cũng chỉ cho ngày Tết. Nếp ngon cũng dành đến Tết, củi khô cũng để Tết nấu bánh, con heo con gà cũng dành đến Tết, bộ quần áo mới cũng để Tết sắm. Nhiều gia đình cưới vợ gả chồng cho con cũng để đón Tết.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Xóm tôi đa phần những nhà đông con, lại nghèo; dải đất đồng năn phèn trũng một năm cấy một vụ lúa, mùa màng thất bát nên thiếu ăn cứ kéo dài đằng đẵng. Lũ trẻ chúng tôi cũng lam lũ bần hàn, khô khan như mảnh đất này, mò cua bắt cá trên đồng, đầm mình dưới dòng nước dớn đen ngòm, đầu tóc vàng quạch, da dẻ nhăn nheo bện một lớp ghét xì lì.

Khó khăn bao trùm khiến trẻ con chúng tôi nhút nhát, quê mùa. Không điện, không ti-vi, không nước sạch, không sách báo… nghĩ ra trò gì thì chơi trò đấy. Vào năm học mới muốn một cái áo, đôi dép, cái mũ… mẹ bảo “Để đến mùa gặt bán lúa mua ăn Tết một thể”. Chỉ mong Tết đến ngay hôm sau.

Bữa cơm mỗi ngày cũng chỉ cá với rau ngoài vườn. Thèm đĩa xôi, thịt gà, thịt lợn… bố bảo “Chờ đến Tết các anh chị về đông đủ rồi ăn cả nhà”. Tôi khát khao ngày mai là Tết, đương nhiên là mong cả tiền mừng tuổi nữa.

Mỗi lần mẹ đi chợ mừng lắm, nhốn nháo ra đầu ngõ từ trưa… đếm từng chuyến đò đón mẹ, cốt là xem có được đồng quà, tấm bánh bỏ vào mồm hay không? Mẹ bảo “Mẹ mua theo toa hết tiền rồi, để đến Tết tát đìa bán cá mua bù cho các con”. Mặt đứa nào cũng bí xị, mong nhớ Tết da diết.

*

Không khí lạnh tràn về, đó cũng là điềm báo khát khao của chúng tôi sắp thành hiện thực, chắc sẽ có một đôi dép, bộ quần áo và cái mũ mới để khoe bạn bè, chẳng có niềm vui sướng hạnh phúc nào bằng, thèm khát cả năm nay rồi. Tết đến được nghỉ học còn được ăn thịt gà, thịt lợn… bánh mứt, kẹo… Ôi! Tết đúng là vô giá.

“Hôm nay đã 23, ông táo về giời rồi mà chưa đứa nào bén ngõ” mẹ tôi lúi húi trong bếp nói vọng ra. “Thì chậm nhất 25 Tết là chị em chúng nó về cả, bà lo gì”. Thằng Út hỏi “Ông táo về giời là gì mẹ?”; “là cá chép cõng ông Táo lên giời báo cáo các cụ”. Bố và mẹ cùng cười.

Các anh chị tôi đi học xa, mẹ mong tập trung về để anh em trai tát cái đìa lấy cá ăn Tết, có dư ra chút đỉnh thì bán. Các chị thì làm mứt dừa, mứt chuối, rọc lá, cắt lác, chuẩn bị củi rả… để ngày 28 gói bánh.

Chiều 27, tôi theo mấy anh đắp đất be bờ làm lối nước thoát, ba giờ khuya khua nhau dậy tát ao, tát bằng gầu dây. Cực lắm, nhưng rất vui vì tát đìa bán cá để mua quần áo mới. Trời lạnh tê tái, cố lên Tết đã đứng bên hiên nhà rồi. Chiều đìa cạn vui như hội, cả làng đến xem bắt cá, nhầng nhầng như tôi thì bắt cá hôi, cứ vùi người dưới sình non mò cá cho ấm, chân tay trầy nát vì bị gai góc xể.

*

Tôi chui vào gầm giường tìm mấy trái dừa khô, dừa này mẹ đã để dành lâu nay, giờ mấy chị về lột vỏ làm mứt Tết. Anh em tôi túm lại xin nước uống, còn ước mò trong gáo có cái mộng mà ăn thì tuyệt. Chảo mứt chưa khô mà chúng tôi cứ đi ra đi vào, nhìn những miếng mứt xanh đỏ mà chảy dãi, ngồi rình rập chờ chị quay đi để bốc trộm.

Cả nhà trải chiếu ngồi vây bên mẹ, chị thì lau cắt lá, anh làm khung sống dừa, cột dây… hì hục từ tinh mơ cho đến lúc đủ một nồi là bố gầy bếp lên luộc. Đêm ấy chúng tôi lại có niềm vui ấm áp, quây quần chờ vớt bánh chưng, bánh tét. Mệt đấy… nhưng mùi thơm của lá, mùi nhân đậu xanh thịt mỡ dưa hành, khói bếp, ngọn lửa phập phồng nồi bánh sôi sùng sục… khiến mọi thứ tan biến hết.

Bữa cơm chiều ba mươi có cá đồng nấu dưa chua, thịt heo, thịt gà… ngày cuối năm nên nhà mới đầy đủ như vậy, rộn ràng tiếng cười nói. Tôi và các em chỉ ăn thịt, ăn nghiến ngấu đến tội nghiệp, miệng ăn mà mắt cứ nhìn mâm… sợ hết. Bố dặn “Ăn xong ngủ sớm nhé, giao thừa bố gọi dậy, mặc quần áo đẹp đón năm mới”.

Đúng 12 giờ, tiếng pháo đì đoàng, hết nhà này đến nhà khác, rộn ràng xóm làng, anh Sáu đem bánh pháo ra đốt, chúng tôi chạy theo nhặt pháo xịt. Bố đứng trước bàn thờ cúng tổ tiên, mùi nhang thơm quyện vời mùi bánh mứt không có gì ấm áp bằng. Mẹ bước vào nói với cả nhà “Giao thừa trời tù mù quá, chắc năm nay lại mất mùa”. Sau lời mẹ là ngổn ngang những lo toan bởi khó khăn mới lại sắp đến.

Tết bây giờ còn chăng những giá trị như xưa? trẻ em cần gì lên mạng có ngay, không phải đau đáu trông chờ đến Tết, thi vị Tết cổ truyền ngày một nhạt nhòa. Nếu có một điều kỳ diệu, tôi sẽ dẫn các con tôi trở về ngày ấy, để chúng hòa mình vào với nỗi mong mỏi Tết quê.

T.B