Nhà thơ Võ Văn Trường
Đà Lạt sương mù
Tôi yêu cái tên “Đà Lạt bên dưới sương mù”…(1)
Nhẩn nha nhớ nhớ bây chừ gần hết tháng ba
Mi mô da cuối mùa tỏa hương từ trăm cánh nhỏ
Xưa xa còn đó, những biệt thự màu hoàng lan
Bước chân tôi tiễn tôi về theo tiếng chuông nhà thờ Nicolas (2)
Ngày tôi đến
Sững sờ dưới chân núi LangBiang
Nghe kể chuyện góa phụ O’Neil, lập vườn cà phê Arabica
… và những con xén tóc (3)
Mùi hương hoa ướp trọn nỗi buồn
Khuya khoắt những giọt mưa trong thành phố
Những giọt mưa bên ngoài ô cửa sổ
Hình như đâu đây hiện hữu những cuộc chia ly
Mái tóc thật đen, đôi mắt thật buồn
Chẳng có nụ hôn, không bàn tay tiễn biệt
Bóng người đổ về đêm, tiếng hồ than thở
Không còn người viết tiếp chuyện đồi thông
Ôi những bông hoa bất tử
Hãy đợi những người yêu nhau như đợi ngày xa mặt đất
Đợi có một người sẽ chết vào đêm mai
…và ngàn đêm sau nữa
Những trái thông nhỏ như đóm lân tinh
Thả rơi những tinh cầu
Thả rơi từng mảng hồn rờn rợn
Tạm biệt nhé những loài hoa và cả những chuyện tình…
Oải Hương từ miền Địa Trung Hải
Tím đến thế, thủy chung cho triệu triệu người chiêm ngưỡng
Nhưng tình yêu chỉ có một ngươi…
Dã Quỳ và chuyện tình ba người không hồi kết
Họ chết đi để trên đời còn có một loài hoa…
Lại nghĩ về những cuộc chia ly
Đêm nay và nhiều đêm sau nữa
Những người yêu nhau chết đi thành Đà Lạt sương mù.
—
(1) Tên một tập sách
(2) Nhà thờ Thánh Nicolas cuối thập niên 1920, tiền thân nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt.
(3) Khi Pháp đô hộ gần thác Cam Ly, một góa phụ người Pháp có tên O’Neil lập vườn trồng cà phê Arabica. Đặc biệt nàng có biết tài canh giữ không để những con xén tóc phá hoại… và cung cấp một loại cà phê thượng hạng. Nông trại của góa phụ sau này đã bị chính thác nước do nàng tạo ra cuốn phăng… và không bao giờ được xây dựng lại.
Tháng Tư
Những ngày đi cuống cuồng
Nhiều lúc ngạt thở bởi một chuyện tầm phào
Chẳng đâu vào đâu cả
Mà lòng buồn như vó chỏng không
Thèm về quê ngủ một đêm bờ bụi
Tháng Tư lũ đom đóm bay về
Nhát ma trơi thằng tôi ngày nhỏ dại
Bòn vét tuổi thơ còn sót chú thia cờ…
Chân ngấp nghé bờ cao bờ thấp
Vấp tiếng mèo kêu phía chạn bếp nhà người
Cây gai nhút sao gọi hoa trinh nữ
Điệu balero ai hát trĩu lòng…
Thôi đừng gió cho vàng giàn hoa mướp
Chiều rồi rời rạc bóng câu
Ngửa mặt cánh đồng, những bông lúa hóp
Xui dại người nhớ ngày Tết gạo đong
Bờ ao mát nhẹ rơi chùm hoa khế
Trăng chiều hong hóng xa xôi
Nghe tiếng dế của nương nà ngày cũ
Rung rúc điêu ngoa như trách kẻ bỏ làng
Tháng Tư
Thèm về quê ngủ một đêm bờ bụi.
14.4.2021
Ngỡ
Nhiều lúc ngỡ lòng mình… Đại Nội
Xót xa đêm ai gảy khúc tỳ bà (*)
Những giọt nến, mùi hương, xiêm áo
Mấy kiếp cung tần, mấy kiếp hoa.
Nhớ cơn điên, tôi thương Huế thật nhiều
Thương em như hài nhi người bỏ nơi cửa Phật
Đau xót tàn phai, da thịt, núi đồi
Một ngày đã ân tình, bội bạc…
Xin cho Huế một tiếng chuông thật khẽ
Một điệu buồn tôn nữ sông Hương
Một tiếng thương giữa mờ sương, khói biếc
Thạch Xương Bồ trong truyền thuyết cỏ cây
Nhớ mùa hạ của sông Hương thuở ấy
Quay quắt con đường chật chội tiếng ve
Màu nắng nhạt trong ưu phiền chiếc lá
Rồi lãng quên bên mái tóc em buồn
Chiều già xuống, nắng ùa về đập Đá
Như biết mai đời… ta không gặp được nhau
Nên mùa hạ khóc đôi môi cánh phượng
Mấy nhịp Tràng Tiền, con hẻm nhỏ sầu vương.
22.4.2021
V.V.T
—
(*) Theo sử liệu, Nguyễn Ánh tức vị Hoàng Đế năm 1802 lấy niên hiệu là Gia Long, đặt quốc hiệu là Việt Nam, chủ trương chấn chỉnh nhạc cung đình. Tỳ Bà có mặt trong dàn nhạc cung đình còn đàn Tranh lại được trọng dụng trong dân gian và trở thành một nhạc khí quan trọng của nhạc thính phòng. Đàn Tranh, đàn Nguyệt, đàn Nhị, đàn Tam và đàn Tỳ Bà trở thành ban Ngũ Tuyệt của ca nhạc thính phòng Huế (tiền thân của Ca Huế).