Mai Văn Phấn & Đặng Xuân Dũng dịch từ tiếng Nga
(Vanchuongphuongnam.vn) – Burago Dmitry sinh năm 1968 tại Kiev – thủ đô Cộng hòa U-crai-na. Ông là nhà thơ, tiến sỹ ngữ văn, hiện là giảng viên Đại học Sư phạm Kiev ngành Văn học Nga và Văn học thế giới. Ông là Hội viên Hội Nhà văn quốc gia U-crai-na, là tác giả của 9 tập thơ. Burago Dmitry là biên tập viên của 3 tạp chí văn học, thơ ca, ngữ văn: “Tổ ong”, “Dòng tên”, “Ngôn ngữ và Văn hóa”, lãnh đạo nhà xuất bản Kiev. Ông hiện thường trú tại Kiev, U-crai-na.
Nhà thơ Burago Dmitry
Quan niệm về thơ ca và cuộc sống
– Theo ông, điều gì đóng góp quan trọng nhất cho nền văn học thế giới?
– Vậy văn học thế giới bắt đầu từ điều gì? Các hình vẽ và chữ khắc trên đá, graffito và các lời thơ xúc động, xuất hiện trong các văn bản của người Sumer, Kinh Thánh và Kinh Vệ Đà.
– Nhân loại sẽ ra sao nếu không có khoa học nhân văn?
– Các giáo hội đã xuất hiện trước khi lan truyền khoa học nhân văn.
– Ông có thể nói gì về vai trò của thơ ca đối với đời sống con người?
– Khi sinh ra, thơ ca đến với trẻ thơ từ những lời hát ru, và khi vĩnh viễn ra đi, những bản kinh thánh ẩn dụ súc tích tiễn đưa con người. Vì vậy, cuộc sống gắn liền với thơ ca nhiều hơn chúng ta nhận ra điều đó. Thơ ca càng ít trong tâm trí con người thì càng ít tính nhân văn trong lòng nhân loại.
– Làm thế nào thơ có thể cạnh tranh với mạng xã hội?
– Thơ ca không thể cạnh tranh với các phương tiện truyền thông và các tụ điểm giải trí. Thơ ca bao trùm cả thế giới, bởi trong đó tương lai được sinh ra khi hồi tưởng ký ức. Thơ ca như một nhà thông thái, không vội vàng và luôn nhẫn nại. Đôi khi con người rời bỏ anh ta. Sau đó, họ lại đến với anh ta và bày tỏ lòng kính trọng. Điều đó đã xảy ra với Dante và Shakespeare, và sau này cũng thế. Còn mạng xã hội là một trò chơi, một trò chơi bị mất giá trị với trải nghiệm nghiêm túc lần đầu. Khi đó, con người sẽ đến nhanh với Shakespeare hơn Facebook.
Tôi – là tai,
màng,
nhuyễn thể ở dưới sâu,
Tôi – nhịp đập của đại dương
Tôi – con cưng của thính giác
Tôi – trái mìn, sức nặng của giọng nói đông cứng,
Tôi – miệng của vực sâu bí ẩn.
2006
… Và cô ấy vẫn ở phía sau đám sương mù,
phía sau con chim bay lên từ bãi cạn…
Như đôi mắt trong đôi mắt – hai cửa sổ.
Như giọt lệ từ bên dưới – trên gò má.
Chết cười sao.
Tại sao nỗi đau lại hân hoan.
Như chiếc giường lạnh lẽo vào buổi sáng.
Như dòng sông trong veo ánh sáng.
Và sau màn sương…
Con chim bay lên từ bãi cạn…
Rossinate*
Phải viết tiếp, tự tin hơn và dữ dội hơn,
với ngọn giáo xé rách không gian, xiên qua hơi thở,
xuyên qua mặt số các cối xay gió theo các rãnh nứt và các con số
hãy nhảy lên, Rossinante, cười ngất, hãy thở khò khè trước sự phản bội và hối thúc,
hãy dập tắt những âm thoa của nỗi đau bằng những câu hát xa xăm,
từ những chiếc thìa bằng thiếc đến mọi tội lỗi những cuộc chiến tranh
hãy gõ trên mặt đất bằng những móng guốc thạch lựu,
theo những bàn phím ố mờ trong bộ chữ cái,
hãy nén những than phiền chảy trong huyết quản,
được nung nấu bởi kị sĩ khi xuyên qua không gian tình yêu.
2008
—
* Tên con ngựa của Đông Ki-sốt – ND.
Chim
Từ tiếng chuông tử đinh hương
những con chim bay ra.
Chúng lẩn trốn
trong tâm hồn chúng ta
và ở đó cho đến rạng đông.
Vào buổi sáng,
khi cây cối vẫn còn ngái ngủ
những chiếc lá đã duỗi thẳng đóng băng,
tô điểm bầu trời,
và nũng nịu trước nụ hôn của gió,
chúng tôi,
cô đơn tựa những cây đèn giao thông,
những chiếc áo choàng dính mực
phủ trên nền nhà.
Và sau đó có phút im lặng,
chim tử đinh hương
bay về phía bình minh,
khi xua tan những chuyến xe hoàng hôn.
Chúng tôi đã mệt mỏi và biến mất.
Buổi sáng.
Thời gian
Phép đo
thời gian không thể giải thích bằng giờ.
Cuốn lịch – sự bao biện tinh nghịch.
Thời gian – như cơn sóng thần
phát sinh trong ý thức.
Thời gian – gạch nối, một lông mi
Dải Ngân Hà, khâu trên lòng tay,
con chim,
bóng của ai kéo tận chân trời,
giống như một lưỡi dao giải đáp.
Vùng nước đen của Pontus*
chơi trốn tìm với mặt trời.
Thời gian, khi hồi tưởng lời nói bằng cách chạm vào
bạn run run phát âm – và bạn đang bỏ qua lần nữa.
—
* Khu vực đông bắc của Tiểu-Á, theo tên tiếng Hy Lạp cổ đại – ND.
Ai Cập
Với bạn gió là ai?
nanh san hô Sinai*?
Chuỗi tràng hạt của nhà thờ Hồi giáo
khi lần trong lòng tay,
khi hồi tưởng lại
cát bay qua nhiều thế kỷ,
trong vang vọng bình minh
khi làm nhàu những chiếc lều sặc sỡ.
Với bạn gió là ai?
những cơ bắp trên lưng bướng bỉnh?
—
* Bán đảo hình tam giác ở Ai Cập – ND.
Đại Trung Hải
Những con người với thành phố màu xanh.
Ở đó có gió cùng sóng màu xanh ngọc.
Những cánh buồm căng tràn sức sống,
Cắt xé không gian quyền lực, tị hiềm.
Ở đó, buông thõng đôi chân trên vách đá,
Những trái ô liu ngạo nghễ nếm mặt trời.
Những trái nho thơm ngọt cài quanh nịt bụng
Những điệu múa vui tươi mệt lử quay tròn.
Những hòn đảo tựa nốt ruồi cơ thể,
Giai điệu vang rền của những chú ve.
Những phụ nữ Hy Lạp váy trắng
gọi mời ta ở lại mãi với Hellas*,
lãng quên trong thành phố bên bờ vịnh đầy bọt,
để ký ức kiên trì chầm chậm nhạt phai.
Thành phố không chấp nhận anh ta,
và sự khoan dung của những con phố –
tất cả chỉ là những ngón tay tinh tế,
mà anh ấy đã cầm.
Liệu thành phố có hạ cố
trước sự hấp dẫn điên đảo của cô,
và anh ấy giống như một người khách từ quốc gia xa lạ,
không cầu xin để được khoan dung.
—
* Người Hy Lạp gọi Hellas là quê hương – ND.
B.D