Thảo Phương dường như ai đi ngang cửa…

1433

20.10.2017-19:45

Nhà thơ Thảo Phương

 

>> Thảo Phương đi vào Nỗi nhớ mùa đông

 

Nhà thơ Thảo Phương:

Dường như ai đi ngang cửa…

 

LÊ THIẾU NHƠN

 

NVTPHCM- Khi nhà thơ Thảo Phương còn trên cõi nhân gian, hơn một lần tôi dự định viết về thơ chị, nhưng cứ lưỡng lự vì thấy trong thơ chị có những cơn cồn cào vẫn chưa dứt. Những đam mê và những vụng dại của người phụ nữ tên thật Nguyễn Mai Hương, làm thơ với bút danh Thảo Phương cứ cuồn cuộn như thác lũ qua từng câu từng dòng, nên rất khó “trông mặt bắt hình dong” một thân phận chấp chới giữa thi ca.

 

Bây giờ Thảo Phương đã xa khuất gần chục năm, trong di cảo của chị day dứt hàng trăm bài thơ âm thầm bao tiếng ru định mệnh. Vì vậy, ở đây tôi phác thảo chân dung Thảo Phương bằng bốn tập thơ chị đã công bố lúc sinh thời, những bài thơ day dứt do chính chị chọn, những bài thơ lúc nào cũng đôi co với nghiệt ngã: “người đàn bà do đàn ông sinh ra/ mãi chơ vơ giữa chợ đời chộn rộn/ người đàn bà do đàn ông sinh ra/ suốt đời chống chếnh“.

 

Nhà thơ Thảo Phương quan niệm về sáng tác: “Mỗi bài thơ là một khoảnh khắc vụt đến, là điểm ngưng kết của những gì xa xưa và sâu thẳm, có thể vốn ngẫu nhiên và rời rạc. Và thơ được quy định bởi một mặt bằng tri thức và văn hoá mà ta đã góp nhặt với nhu cầu tự thân cho tới phút đó. Cộng với một chút gì nữa thật huyền diệu và ngoài ta. Nó cho ta câu đầu và dắt ta tới câu cuối, không cho ta cưỡng lại”.

 

Ngoài đời, nhà thơ Thảo Phương mang tất cả sự chân thành ra mà sống. Trong thơ, chị càng không giấu giếm điều gì. Những người thân quen với nhà thơ Thảo Phương đọc thơ chị có thể nhận ra góc phố buồn chị viết được nằm ở chỗ nào, người đàn ông hững hờ chị viết khi kết thúc cuộc yêu nào, con sóng lạc loài chị viết đã bắt nguồn từ nỗi đắng đót nào.

 

Đọc thơ Thảo Phương, dù gặp câu thô ráp hay gặp ý bi lụy, thì độc giả cũng không gợn lên bất cứ băn khoăn gì, vì ở đó luôn hiện diện những giọt nước mắt chưa kịp lau khô. Cảm hứng thường trực của thơ chị, là tấm lưng người tình quay đi. Nhà thơ Thảo Phương mải miết tìm kiếm “Gương mặt người tình” trong sự phản chiếu đổ vỡ riêng mình:

 

Giấu khuôn mặt đàn bà nơi bàn tay run ta chạy trốn những mảng màu hội hè những mảng màu biệt ly và xám chết những khuôn hình đang diễu ngược cuốn phim mà ta là ý tưởng và hình bóng.

 

Không rõ may mắn hay đọa đày, người làm thơ thường bị rơi vào nỗi xao xác không nguôi. Trường hợp nhà thơ Thảo Phương, nỗi xao xác ngưng tụ bởi ba trạng thái: dấn thân, bịn rịn và hụt hẫng. Hay nói cách khác, thơ chị trở thành tín vật đánh cược với bất an. Nhà thơ Thảo Phương lúc nào cũng ở tư thế “Người đàn bà và tấm khăn choàng” bước vào đa đoan: “Đường đời chông chênh/ Người đàn bà/ Choàng khăn/ Che dung nhan – đức hạnh/ Che tì vết – lỗi lầm/ Giấu đi làn hương dịu ngọt/ Tấm khăn bập bùng cháy lửa“. Thế nhưng tạo hóa trớ trêu, kẻ say mê vẫn hay trắc trở bởi trái tim “Quá tải” không cách nào chống đỡ:

 

Ngụ nơi lồng ngực em – trái tim Đàn ông

Bất cần – ham hố

Trái tim nâng bầu rượu và gây sét giữa trời quang

Ngụ nơi lồng ngực em – trái tim Đàn bà

Hiến dâng – chiếm đoạt

Trái tim biết đỏ mặt

 

Anh nhìn em bằng cái nhìn hủy diệt

Em vỡ tan cùng hai trái tim

Quá tải.

 

Hầu như tất cả chúng ta khi vấp phải lỡ làng thì thu hẹp cõi lòng lại, để tự vệ theo thói quen cân đong thiệt hơn trần tục. Còn nhà thơ Thảo Phương thì không. Chị thừa hiểu yếu đuối bản thân “tôi đứng tựa nơi giấc mơ cuối cùng của đêm”, nhưng vẫn chấp nhận tiếp tục khốn khổ để được chạm tay thứ hạnh phúc “Đàn bà” đớn đau: “Sợi tóc mong manh không ngăn được nữa/ Nửa ngày qua tràn vào nửa hôm nay”.

 

Chị dám sống tận cùng khao khát, dẫu vàng vọt, dẫu xanh xao. Đó là nạn kiếp của một người chung thân dại dột, chung thân cuồng si chăng? Không, tôi có đọc bài thơ của Thảo Phương có tựa khá dài “Cho một thời – Cho một người – Tôi bỏ lại trên đường” mà chị ghi chú “Budapest – Sài Gòn 1967-1987″, hoàn toàn mường tượng cũng có những khoảnh khắc chị đã ngồi lại với âu lo và lặng lẽ thở dài. Khoảng thời gian hai mươi năm đủ phong rêu một kỷ niệm, đủ chôn vùi một bội bạc, riêng Thảo Phương mãi chới với giữa những câu hỏi giày vò mà chị biết chắc không thể trả lời:

 

Giá mà

Ngày xưa mình dám là mình và dám chối bỏ

Anh đã chẳng tổn thương

Vì không thể yêu em hơn và làm em khổ hơn nữa

Em đã không giận mình vì chẳng đủ sức làm sống lại một ảo ảnh qua rồi

Mình đã chẳng hèn nhát

Mà làm khổ nhau.

 

Hành trang nhà thơ Thảo Phương luôn trĩu nặng, vì chị phải khiêng vác trái tim run rẩy những nhịp đập vô cớ và lận đận. Đôi lần chị muốn hét lên rằng, người đàn bà hệ lụy ấy “Không phải tôi”, nhưng rồi giọng chị cứ bị dạt trôi miền địa đàng mờ mịt: “Nơi khu rừng Hoan Lạc/ Phía cành cây cong cong như một cánh cung/ Đang bay về một cánh chim không tuổi“.

 

Éo le thay, cánh chim mấy phen chết hụt vẫn lủi thủi bay về hướng cành cong, như một sự ràng buột không lối thoát. Sau những bấp bênh duyên số, người đàn bà đắm đuối giữa “Giao thừa” lẻ loi cũng thảng thốt: “Ta tiễn người xưa bằng rượu nồng năm ngoái/ Bài hát xưa đau lại trái tim xưa”. Vậy mà trái tim ứa máu của chị, ngay trong trống vắng tột cùng, có trách móc gì đâu, có oán hận gì đâu, vì “nắng lịm trên mắt đá vô tình/ Chỉ còn lại hoàng hôn/ Và trái tim đau – không biết mình đau nữa“.

 

Nhắc đến nhà thơ Thảo Phương, đồng nghiệp và công chúng lập tức nhớ “Không đề gửi mùa đông”. Bài thơ này được nhạc sĩ Phú Quang phổ thành ca khúc “Nỗi nhớ mùa đông” nên có sức lan tỏa rộng khắp:

 

Dường như ai đi ngang cửa

Hay là ngọn gió mải chơi?

Chút nắng vàng thu se nhẹ

Chiều nay cũng bỏ ta rồi.

Làm sao về được mùa đông?

Chiều thu – cây cầu đã gãy.

Lá vàng chìm bến thời gian

Đàn cá – im lìm – không quẫy

Ừ, thôi… Mình ra khép cửa

Vờ như mùa đông đang về!

 

Bên cạnh giai điệu và phần lời viết thêm của Phú Quang, dấu ấn nhà thơ Thảo Phương vẫn hiện diện ở câu “vờ như mùa đông đã về”. Chỉ một chữ “vờ” xót thương thôi, cũng đủ hình dung khuôn mặt nhà thơ Thảo Phương buồn bã và nhân hậu. Chị muốn “vờ” và chị từng “vờ” để mong lướt qua “Biển chiều hôm” hiu hắt: “Biển chiều hôm… còn thét gào chi nữa/ Con thuyền ta gác bãi ngủ lâu rồi/ Cánh buồm rách quay lưng cùng gió mặn/ Ước quên lời ru quyến rũ của biển khơi“.

 

Thế nhưng, lúc chị ở “Phao số không”, hay lúc chị thắc mắc “Sao không ngủ biển ơi”, thì giông tố vẫn không buông tha kẻ “Lãng du” hư thực: “Tôi lạc mình trong ngàn mắt ngàn tay/ Trong tiếng mõ cầm canh đêm rỗng”.

 

Nhà thơ Thảo Phương nổi danh ở Sài Gòn đô hội nhờ nỗi bơ vơ “trái tim tôi rời khỏi thành phố”. Chị một mình với đám đông, một mình với một mình, và một mình với cả giấc mơ. Mỗi ngày chị đều lắng nghe sự “Hóa thạch” đầy mẫn cảm: “Như một hiện vật của Bảo tàng Thiên nhiên lãng mạn/ Ta thức giấc trong chiếc kén hổ phách/ Thảng thốt gõ vào lớp vỏ cô đơn“.

 

Sự chân thành luôn thúc giục chị khơi mở những sự chân thành khác, để có được cái hân hoan quỵ xuống trước “Nhân tình” ngậm ngùi: “Ta chóng mặt ngả vào lòng giếng hẹp/ Nơi trời xanh chết lặng tim người”. Và dẫu vậy, chị vẫn tha thứ cho sự chân thành của chính mình: “Thôi mình tan vào tranh Gauguin/ Làm thổ dân của màu xanh vĩnh cửu”.

 

Thảng hoặc, thơ Thảo Phương cũng có những câu lấp lánh vẻ đẹp dương gian như “Những thiếu nữ mơn mởn ngó sen/ Tung lên trời chuỗi cười như ngọc“, còn lại đều là niềm hoang mang tri ngộ người dưng. Cuộc đời sáu mươi năm của nhà thơ Thảo Phương (1949-2008) rất nhiều vất vả và gieo neo, nhưng chị vẫn thấy: “Thơ đến với tôi thật bất ngờ. Đó là lúc tôi tưởng hết một kiếp sống. Cũng là lúc tôi đã biết yêu môn khoa học của sự sống: Sinh học… Và luôn khao khát truyền đạt được tình yêu đó bằng những ngôn từ chính xác nhất”. Thơ Thảo Phương chắc chắn sẽ còn được đọc lại và được đánh giá theo những góc độ khác nữa, nhưng tôi tin rằng “người đàn bà do đàn ông sinh ra” này đã mang đến cho người yêu thơ một “khúc ca thời gian”, vì chị “Hơn một lần” phấp phổng và bao dung với cuộc sống mà mình đã ghé qua, đã ruổi rong và đã chia biệt: “Tôi khóc vết thương cây/ Uống giọt nước mắt lá/ Trên môi mình/ Xanh”.

 

 

>> XEM CHÂN DUNG & PHỎNG VẤN NHÂN VẬT KHÁC…