Thơ Nguyễn Hồng: thành thực, tự do, táo bạo

1095

03.9.2017-07:20

 Nhà thơ trẻ Nguyễn Hồng

 

>> Cỏ nát rồi cỏ lại sinh sôi

>> Con kiến bị giết

>> Sen – truyện ngắn

 

Thơ Nguyễn Hồng: thành thực, tự do, táo bạo

 

TS. PHẠM QUỐC CA

 

NVTPHCM- Trên quá trình phát triển của mình, thơ không chỉ bỏ qua sự non yếu, cũ kĩ, lạc hậu mà còn bỏ qua cả cái đẹp, cái hay đã quen thuộc. Khi đọc một tác giả mới, câu hỏi xuất hiện trong ta là: Xem anh/chị có gì mới không nào?”

 

Tôi được đọc và bị cuốn hút bởi thơ Nguyễn Hồng một cách tình cờ, không phải trên báo, tạp chí văn nghệ mà trên facebook. Thành thực, tự do, táo bạo đó là những gì đã nhanh chóng hấp dẫn tôi. Bút danh Nguyễn Hồng cho thấy sâu xa trong tâm thức tác giả không muốn bị ràng buộc bởi chữ thị. Tên tập thơ Ví dụ anh cũng đã không giống ai. Thơ Nguyễn Hồng thực sự là thơ của một phụ nữ hiện đại.

Trong bài Người đàn bà làm thơ Nguyễn Hồng đã viết những câu có ý vị tuyên ngôn:

 

Là núi khi con cần

Là mây khi anh muốn

Là ai em có thể

Là mình khi với thơ.

 

Thành thực hết mình, Nguyễn Hồng như một cầu thủ bóng đá chơi hết sân lãnh địa thơ.

 

Là một luật gia, cán bộ thanh tra Sở Khoa học & Công nghệ, có một gia đình hạnh phúc, trong đời thường không phải là người sống vượt khung, nhưng trong thơ (và đặc biệt là trong truyện ngắn) Nguyễn Hồng viết rất hay về đề tài nhạy cảm quen gọi giản đơn là ngoại tình. Ở ta còn phổ biến thói quen đồng nhất cái tôi trữ tình trong thơ, người kể chuyện trong văn xuôi với con người thật tác giả ngoài đời. Văn chương là thế giới tưởng tượng. Cái tôi trữ tình là sản phẩm của sáng tạo. Cần phải nói rõ điều này một lần và mãi mãi để không còn ngộ nhận. Đi sâu vào đề tài này với sự nhập vai tuyệt vời trong các truyện ngắn: Một cuộc rượu ở Vinh, Căn hộ 1603…, và các bài thơ trong tập này, Nguyễn Hồng đã chiếu những tia nhận thức, mổ xẻ các hoàn cảnh, trạng huống tâm lý, cảm xúc với một bút lực đáng nể, góp phần soi sáng sự phức tạp của con người trong cõi hiện sinh. Karl Marx từng nói: Mọi cuộc hôn nhân không có tình yêu đều vô nhân đạo. Nguyễn Hồng đã nhận chân các hoàn cảnh sống Đặc quánh màu tan vỡ/ Bánh hạnh phúc chuyển mùi để rồi biết thương/ Gió khát/ Sóng đói (Mơ). Tiếng nói nữ quyền trong văn chương luôn cần thiết với mọi thời.

 

Làm thơ cũng có nghĩa là Đa mang ngàn lẻ một phận người, là đặt mình vào vô vàn những hoàn cảnh hiện sinh, phong phú hóa cuộc đời riêng đầy những ràng buộc, hạn chế. Nguyễn Hồng tự nhận mình là Người đàn bà sống chưa kịp đời mình lại đèo bòng cuộc đời người khác. Tôi cứ nghĩ sở dĩ trong hàng ngàn lí do người ta đến với văn chương có khát vọng được sống nhiều hơn số phận mình. Trong thơ Nguyễn Hồng người đàn bà làm thơ có người yêu ở Hà Nội, người yêu ở Sài Gòn, ở v. v… và cùng nhau tận hưởng hạnh phúc của hai kẻ đói khát. Trong những giấc ngủ thì chập chờn cơn mơ về anh/ Nồng nàn…

Tập thơ Ví dụ anh của Nguyễn Hồng

 

Tôi còn ngờ rằng Nguyễn Hồng đến với đề tài này còn như một sự giải thoát khỏi những phức tạp ngoài đời và đó là khả năng thanh lọc kì diệu của văn chương. Nhưng tôi không phải là nhà tâm phân học nên chỉ dừng lại ở nghi ngờ. Nếu nhờ văn chương mà người ta vượt qua được những éo le, bi kịch trong đời sống thì thật đáng mừng!

 

Tôi thích những câu thơ Nguyễn Hồng nói về ý nghĩa của thơ đối với cuộc đời mình:

 

Tôi đi tìm tôi trong mớ hỗn độn chữ

Những con chữ xô tôi sấp ngửa

Muốn ngã để biết mình yếu mềm mà không ngã được

Lại níu vào chữ để ghìm đau

Và đứng lên.

 

                            (Lạc)

 

Nguyễn Hồng cảm nhận cuộc sống một cách sắc sảo và có chiều sâu. Nhưng chất liệu nào đòi hỏi thể loại nấy tương ứng. Đã có một Nguyễn Hồng văn xuôi cho những chuyện nhân tình, thế thái. Trong thơ, Nguyễn Hồng giành cho thế giới yêu thương của người phụ nữ hiện đại. Kính thương cha mẹ, yêu chồng, thương con thì có gì mới? Có đấy. Mới ở cách thể hiện:

 

Câu thơ viết được nửa dòng thì con khóc

Chẳng cần nâng lên đặt xuống

Chẳng cần ấn nút save như quán tính

Tôi dỗ dành tôi bằng nụ cười con

 

Vợ chồng dĩ nhiên là hai thế giới khác nhau. Người ta nói tuy hai mà một, nhưng vĩnh viễn còn cái vạn lý Trường Thành ngăn cách hai vũ trụ chứa đầy bí mật. Sự khác biệt lớn lao này được Nguyễn Hồng thể hiện bằng sự khác biệt gu cà phê:

 

Cà phê sáng

Một nâu

Một đen

Anh khuấy đều

Em

Tách cà phê nhiều sữa

Uống cạn

Em đánh tan

Anh

Tách cà phê đen không đường

Nhâm nhi từng giọt đắng

Buốt vào tận chân tim

 

               (Cà phê)

 

Nguyễn Hồng đã chọn cho thơ một lối đi khôn ngoan. Rất tự do trong cách thể hiện, tất cả đều là thơ tự do không vần nhưng không bao giờ xa rời cảm xúc. Bài thơ bao giờ cũng có một nội dung trữ tình có thể cảm nhận, dù không phải bao giờ cũng dễ hiểu. Có thể nói như nhà phê bình Hoài Thanh: hy sinh một ít rõ ràng nhưng được rất nhiều chất thơ. Và đó là một lối thơ hiện đại.

 

Đà Lạt, tháng 9.2015

 

 

>> XEM TIẾP THẾ GIỚI SÁCH…