Truyện ngắn Lê Nguyệt Minh: Trăng

1075

14.8.2017-20:45

Nhà văn trẻ Lê Nguyệt Minh

 

>> Má

 

Trăng

 

TRUYỆN NGẮN CỦA LÊ NGUYỆT MINH

 

“Đường lên dốc đá, ánh trăng sương mờ nhắc câu chuyện xưa…”

 

– Phong Lan có thích thơ của Hàn Mặc Tử không?

– Thưa cô, em rất thích.

 

Phong Lan mở to đôi mắt đen láy, long lanh của một cô gái mười tám tuổi.

 

Cô My mỉm cười, khẽ đặt bàn tay thắt búp lên vai Phong Lan:

 

– Cô đang đi sưu tầm một tài liệu về tác giả – tác phẩm Hàn Mặc Tử. Em về đọc kỹ thơ Hàn Mặc Tử nhé. Ngày mai lớp ta sẽ ngoại khóa về chuyên đề này.

 

– Dạ. Vâng!

 

Phong Lan trả lời cô giáo ngoan ngoãn. Trong lòng cô rộn lên niềm vui tươi của một học trò được tin cậy. Phong Lan là một học sinh có năng khiếu văn, cô biết mình sẽ phải làm gì cho ngày mai…

 

***

 

Nhà của Phong Lan nghèo, chỉ có hai mẹ con sống với nhau. Mẹ của cô công tác ở một tòa báo. Hai mẹ con thương yêu nhau và có nhiều điểm tương đồng, nhất là những điều liên quan đến văn học. Bố Phong Lan đã sớm qua đời khi cô còn là một cô bé con. Lan hiểu cuộc đời của mẹ có nhiều sóng gió khi đi trên con đường nghệ thuật, nhưng cô luôn khao khát được trở thành một nhà thơ, đó là một ước muốn vừa giản dị vừa cao xa với cô gái mười tám tuổi.

 

Đã năm giờ chiều mà mẹ chưa về, chắc ở cơ quan lại có chuyện. Lan tha thẩn một mình trên con đường nhỏ gần nhà. Đây là con đường có nhiều kỷ niệm sâu sắc với tuổi ấu thơ của cô. Chiều nay, gió thổi nhè nhẹ, nắng hanh vàng rắc trên những chiếc lá nằm bên nhau dưới mấy gốc cây cổ thụ. Con đường đẹp và lãng mạn như một con đường thơ. Phong Lan tưởng tượng tới ánh trăng vàng đêm nay, chắc là đẹp lắm.

 

Trước mắt Phong Lan, bỗng xuất hiện một người thanh niên đang ngồi trên ghế đá ven đường. Cô nhớ không nhầm thì ở đây không có chiếc ghế đá nào; điều này thật lạ, chắc là cái ghế kia mới đưa từ công viên đến. Và người thanh niên kia không bao giờ thấy có mặt ở khu xóm này, có lẽ người mới tới. Một thoáng băn khoăn, Phong Lan bước nhẹ qua người lạ mặt nhưng vẫn không quên liếc mắt nhìn quyển sách trên tay anh ta. Đó là quyển thơ về Hàn Mặc Tử, Lan chợt nhớ tới lời cô giáo sáng nay, giá như cô có được quyển thơ kia thì hay biết mấy.

 

Người thanh niên lạ ngẩng mặt lên nhìn, vô tình ánh mắt hai người gặp nhau. Phong Lan hơi ngại, còn người thanh niên thì cười với cô, nụ cười buồn nhưng thanh nhã. Cô nhận ra trên khuôn mặt này ẩn chứa nhiều trăn trở, suy tư.

 

– Chào ông.

– Vâng, chào em. Em là người ở đây à?

 

Tiếng nói nhỏ, ấm áp và rành rọt, đó là thứ tiếng miền trong không giống với tiếng nói của Phong Lan. Vẻ cởi mở của người thanh niên khiến cho cô thêm tự tin và bớt ngại ngùng.

 

– Thưa ông, tôi là người ở đây.

 

– Đừng xưng hô kiểu cách thế, em có thể gọi tôi bằng anh – Người đàn ông bỏ quyển thơ xuống ghế đá, đứng lên chủ động đưa tay ra làm quen với Lan. Nhưng cô vẫn giữ khoảng cách với người lạ mới gặp.

 

– Xin lỗi ông…

– Tôi có thể giúp gì được cho em? Em có yêu thơ không?

 

Phong Lan vẫn e dè trong cách nói năng:

 

– Thưa ông, tôi rất thích thơ. Ngày mai lớp tôi có giờ ngoại khóa về thơ của Hàn Mặc Tử, tôi đang cần tài liệu về nhà thơ đó.

 

Đôi mắt người thanh niên lạ bỗng trở nên mơ hồ, khuôn mặt mang một sắc thái ngỡ ngàng, chiếc kính trắng hơi trễ xuống. Anh ngồi xuống, tựa lưng vào thành ghế, đôi môi hơi mấp máy:

 

– Hàn… Mặc… Tử…

 

Đã sáu giờ chiều, Phong Lan tế nhị từ chối:

 

– Thôi, chào ông. Tôi phải về đây.

– Này em, tôi cho em mượn quyển thơ này, chúc em thành công.

 

Lan chưa kịp cám ơn thì người lạ đã đặt tập thơ vào tay cô và đủng đỉnh bước đi, cô kịp nhận ra anh có một vầng trán cao dưới mái tóc gợn sóng chải lệch ngôi. Anh vừa cười với Phong Lan, nụ cười rất buồn nhưng cởi mở. Cô vừa sung sướng vừa ngạc nhiên nhận ra: Trên bìa quyển thơ đề những chữ: Lệ Thanh – 1936.

 

Đợi cho người thanh niên đi xa, Phong Lan mở quyển thơ ra đọc ngay, Phong Lan trở về và đọc chăm chú tập thơ của người thanh niên vừa trao cho cô. Nét chữ xiêu xiêu như dáng hình hoa cỏ, nét chữ mảnh dẻ, tài hoa diễn tả bao vần thơ u buồn, sầu mộng. Người ấy lại đề là Lệ Thanh, chẳng lẽ đàn ông lại có cái tên nữ tính đó sao. Quyển sổ cũ này có lẽ đã có từ lâu. Đến bây giờ cô cũng chưa thể giải thích được đây có phải là thơ Hàn Mặc Tử? Chẳng lẽ người kia lừa mình? Lan đọc đến bài thơ cuối thì ngủ quên trên bàn học. Quyển sổ cũ vẫn nằm trong tay cô, Phong Lan cảm thấy ngón tay mình tê tê, một luồng cảm giác hứng khởi, rạo rực truyền vào tim, trong đầu cô ẩn hiện khuôn mặt, giọng nói, tiếng cười của người thanh niên lúc chiều.

 

Toàn thân Phong Lan trở nên mơ hồ, dường như cô đang bồng bềnh trên khoảng không gian nhiều bến bờ sương khói, mê mị. Lúc này, thể xác với cô thật là vô nghĩa, cứng đơ, thừa thãi. Mồ hôi từ trán chảy xuống khóe mắt, đầm đìa trên mặt, một nỗi mơ hồ nhưng đau đớn tột cùng xuyên thẳng vào tim Phong Lan, người cô quặn lên sau hàng tiếng đồng hồ bất động về thể xác. Cô thét lên, tiếng thét trong và sâu thẳm, nó lạc vào khoảng vắng mênh mông – khoảng vắng của tâm tưởng mà giữa đời thường hằng bao điều lo ngại, ồn ào không bao giờ có tiếng kêu vừa trong, vừa lấp lánh như pha lê, vừa đau đớn như viên ngọc thô khi được mài dũa như vậy.

 

Phong Lan nằm bất động trên giường. Cô thấy mình mỏng tang và nhẹ bổng như một chiếc lá mùa thu. Linh hồn…! Cái linh hồn thánh thiện, trong sáng vừa thoát ra khỏi thân xác của chính nó. Phong Lan hiểu rồi, có hơi bất ngờ; nhưng cô biết cô đã bị ám ảnh bởi những vần thơ của Hàn thi sĩ. Trời đêm nay nhiều trăng quá, nhiều trăng đến mức não lòng. Trăng ở khắp mọi nơi, trên những tàu lá và làm sáng cả nơi tăm tối nhất. Gió lạnh buốt cả hồn Phong Lan. Trời đêm như chỉ có gió và trăng. Gió tái tê và trăng đau đớn. Thoáng chút lưu luyến với thể xác, Phong Lan kéo những mảng cỏ khô bên vệ đường thơm nức mùi hương kì lạ, cô đắp lên thể xác mình rồi hôn nhẹ lên đôi môi tái nhợt. Phong Lan bay đi. Chỗ nào cũng chỉ có trăng, trăng sáng tới mức làm mờ tất cả.

 

Một túp lều nhỏ xinh mờ mờ ở phía trước, nó nằm nép bên hai khóm chuối lá xanh mướt, màu xanh phai nhạt, mềm mại dưới trăng. Lan cố nhìn nhưng rất khó xác định, cô nhìn cái gì cũng chỉ là hư ảo. “Có lẽ đây chỉ là ảo giác”, cô nghĩ thế và bay lướt qua căn lều nhỏ.

 

Có tiếng ho khan, khục khặc trong cổ và tiếng thở khò khè, mệt nhọc. Hình như là có người, lòng cô bừng dậy niềm vui. Thế là cô đã không lẻ loi ở cái thế giới nhiều trăng gió này. Nhìn vào trong, Lan thấy người đàn ông đang cầm chì ghi nắn nót lên trang giấy dầu những câu chữ mà cô không đoán được nó mang nội dung gì. Cô lại gần, thật ngạc nhiên là anh ấy, người mà lúc chiều đã tặng cô tập thơ: Lệ Thanh – 1936.

 

– Ô kìa! Ông, sao ông lại ở đây? – Lan vẫn gọi người ấy là ông.

 

– Chào em, đây là xứ sở của tôi rồi. Rất mừng là em đã đến, mời em vào nhà chơi.

 

Người thanh niên nghèo kéo chiếc chõng tre bên mép cửa sổ, nhường chỗ cho Lan ngồi. Anh khẽ nhìn xuống đôi tay mình, những ngón tay sần sùi, run run không đủ sức nhấc chiếc chõng.

 

– Em ngồi xuống đây, tôi đọc thơ cho em nghe nhé.

 

– Vâng, cảnh đêm nay đẹp, lại thêm trăng sáng nữa, rất thích hợp cho ông. Tôi đang muốn nghe tiếp thơ của ông. Tập kia tôi đã đọc xong hết rồi.

 

– Thế sao? Cảm ơn em đã có sự đồng cảm với thơ tôi. Tôi đọc nhé.

 

Phong Lan đắm chìm vào tiếng thơ vừa cổ kính, trang nhã vừa mới lạ mà lại đau đáu phần hồn, đau đáu sự phân chia giữa thực và ảo. Chất giọng trầm ấm, mang hơi hướng cổ làm cho hồn Phong Lan trở nên thơ thới xen lẫn ngỡ ngàng. Nhưng sao giọng nói kia nhiều nước mắt đến thế, Phong Lan đọc được nỗi đau trong từng câu chữ của người. Cô bật khóc, vẫn là tiếng khóc trong như pha lê.

 

– Ơ kìa, sao em lại khóc?

 

– Tôi thương ông quá, tôi hiểu được nỗi lòng của ông. Ông bất hạnh lắm phải không?

 

Lan ôm choàng lấy người thanh niên lạ, vầng trán anh suy tư đến mức khó hiểu. Nhưng chỉ một lát thôi, người thanh niên hốt hoảng đẩy cô ra như vừa xảy ra một điều gì đó rất nghiêm trọng:

 

– Xin lỗi em! Em đừng động vào tôi, nếu không em sẽ lại giống tôi thôi.

 

Phong Lan ngạc nhiên:

 

– Ông bị làm sao thế?

 

Người thanh niên chưa kịp trả lời thì đã lên cơn ho dữ dội, cả thân hình anh quằn quại, vật vã, đớn đau. Những ngón tay, ngón chân co quắp lại run rẩy. Máu từ trong miệng chảy ra ướt đẫm tay áo màu nâu. Chỉ một lát như thế thôi mà người thanh niên đã tiều tụy và xanh xao hẳn đi. Càng đứng anh càng ho nhiều hơn, máu chảy ướt hết hai cánh tay áo. Phong Lan cuống lên nhưng không làm gì được. Cô chỉ biết ôm lấy anh và khóc. Anh một mực đẩy Phong Lan ra:

 

– Đừng em! Em đừng động vào người tôi mà.

 

Lan mặc kệ, cô lấy chiếc khăn mùi xoa lau lên khóe miệng người thanh niên. Anh quặn người lại trong từng cơn ho, máu tứa ra càng lúc càng nhiều. Nhưng lại thêm lần nữa, anh gạt mạnh tay Phong Lan:

 

– Tránh ra. Tại sao cô cứ lại gần tôi thế hả?

– Tôi không làm thế thì ông sẽ ra nhiều máu mất thôi. Rồi ông sẽ chết cho coi.

 

Người thanh niên quát lên:

 

– Không được, cô có biết là tôi bị hủi không?

– Trời ơi, thật thế sao…!

 

***

 

Lan bừng tỉnh sau giấc ngủ dài triền miên, cô cảm thấy người mệt mỏi khó chịu, toàn thân ê ẩm, đầu óc rối bời, mê muội. Cô không biết là mình vừa trải qua một giấc mơ, cô không nhớ gì, chỉ có câu nói duy nhất của người thanh niên văng vẳng trong trí óc cô: “Cô có biết là tôi bị hủi không?” Ôi… cô nhớ ra rồi… đúng rồi… cô đã tự phiêu du hồn mình vào cái thế giới ảo nhiều trăng, nhiều gió và để gặp người thanh niên xa lạ làm thơ tài hoa. Thật đau lòng là anh ấy lại bị bệnh phong. Cô biết rõ ràng anh ấy đang phải chịu đựng cơn đau ở thế giới của riêng anh, cô biết chắc thế, cô đã quá vội vàng khi tìm về với thể xác của mình. Lúc đấy có một lực đẩy rất mạnh đã cuốn cô về với thực tại. Thực tại ngay trong căn nhà nhỏ này, trên tay cô vẫn là quyển sổ đề thơ của anh; cạnh cô là mẹ đang nhìn cô lo lắng:

 

– May quá, cuối cùng thì con đã tỉnh dậy. Con có biết là con đã mê man suốt hai ngày nay không?

 

Phong Lan chợt nhớ tới lời cô giáo, cô giật mình:

 

– Mẹ ơi, cô giáo con…

– Cô đến đây tìm con và có hỏi chuyện gì đó… hình như tìm thơ Hàn Mặc Tử thì phải.

 

Phong Lan sờ xuống gối, cô nhẹ cả người.

 

– Trời, sao con có quyển thơ này, đây là di cảo của nhà thơ Hàn Mặc Tử, có nhiều bài mà người ta chưa tìm ra. Thật kì lạ.

 

Mẹ cầm lấy quyển sổ từ tay cô, quyển sổ mà cô đã cất kỹ dưới gối hai ngày nay. Chị thảng thốt như chưa bao giờ nhìn thấy. Từ quyển sổ thoang thoảng mùi hương lạ, mùi hương mà Phong Lan đã ngửi thấy trong mơ. Mẹ mở sổ đọc chăm chú, khuôn mặt mẹ càng lúc càng trở nên kinh ngạc lẫn sung sướng. Nhưng đến trang giữa thì không đọc được gì nữa, một thứ chất lỏng đo đỏ, âm ấm rỏ xuống tay mẹ. Cô vội giật lấy quyển sổ:

 

– Kìa mẹ, máu đấy! Mẹ rửa tay đi.

– Sao, con bị ho ra máu hả Phong Lan? – Mẹ cô lo âu.

 

Phong Lan lắc đầu.

 

– Không, anh ấy bị hủi đấy! Mẹ đi rửa tay mau đi.

– Ai cơ, ai bị hủi? Con nói gì mẹ không hiểu.

 

Phong Lan ôm mặt khổ sở, đôi mắt thâm quầng, mơ hồ, cô cố gắng giải thích:

 

– Con vừa trải qua một giấc mơ, con đã gặp người đàn ông ấy. Anh đã đọc thơ cho con nghe. Anh ta bị phong mẹ ạ, nhưng thơ thì hay lắm. Đây, mẹ nhìn này – Phong Lan đưa quyển sổ ra trước mặt mẹ cô – Đây chính là tập thơ anh ấy đã tặng con – Trời ơi… con không thể bỏ rơi người ta được, người ta đang trong cơn đau, lại ho ra máu nữa.

 

Phong Lan tung chiếc chăn mỏng đắp trên người, vùng chạy, nhưng mẹ đã kéo cô lại. Khuôn mặt bà trở nên căng thẳng, lo lắng:

 

– Bình tĩnh lại đi con, đó chỉ là một giấc mơ thôi mà. Chẳng lẽ con đã gặp Hàn Mặc Tử ư?

 

– Không, đó là sự thật. Con biết rõ là anh ta đang bị lạc trong xứ sở kì dị đó. Con phải cứu anh ấy, không… không phải Hàn Mặc Tử đâu, anh ấy tên là Trí cơ mà.

 

Mẹ Phong Lan hiểu rồi, con bé đã trải qua một câu chuyện thật kì quặc, từ trước tới nay nó yêu thơ Hàn Mặc Tử đến si mê. Có lẽ nó đã bị ám ảnh bởi những vần thơ nhiều trăng, nhiều gió, nhiều bến bờ mộng ảo của ông. Nhưng đó chỉ là một giấc mơ, điều khó giải thích là tại sao nó lại có bút tích của Hàn Mặc Tử – cái mà từ lâu rồi không chỉ riêng chị mà rất nhiều người khác tìm kiếm.

 

***

 

Phòng làm việc của nhà thơ Thi Thi hôm nay thật đông người. Từ sáng tới giờ chị đã phải tiếp khá nhiều khách. Đó là những cộng tác viên đến nộp bài và nói chuyện thơ phú. Chị đã mệt nhoài, nhưng vẫn cố gắng tiếp chuyện mọi người. Vị khách cuối cùng là một thanh niên trẻ trung, lịch lãm, chỉ độ ngoài hai mươi tuổi. Vẻ mặt anh u buồn, nhợt nhạt. Đây là lần đầu tiên nhà thơ Thi Thi gặp người thanh niên này.

 

– Chào anh.

– Vâng, chào chị. Tôi đến để gửi một số tác phẩm của mình. Chị vui lòng đọc giùm.

 

Nhà thơ Thi Thi nhún vai:

 

– Tất nhiên rồi! Chúng tôi rất vui vì có thêm cộng tác viên. Anh có thể đọc tôi nghe thơ của mình.

Anh ta đọc, vẫn là giọng đọc trang nhã, cổ kính mà Phong Lan đã từng được nghe. Nhà thơ Thi Thi hết sức ngạc nhiên, những bài thơ này thật giống với phong cách thơ Hàn Mặc Tử, còn khuôn mặt người thanh niên này sao mà giống ông đến thế. Chị nằm mơ chăng?

 

– Xin lỗi… nếu không nhầm thì anh đang đọc thơ của Lệ Thanh? – Chị đưa tay đón nhận bản thảo từ người thanh niên. Chị nhíu mày khó hiểu trước cái tên của tác giả: Phong Trần – Chúng tôi sẽ đọc và có thể sử dụng. Cám ơn anh.

 

Người thanh niên lui bước, để lại trong lòng nhà thơ Thi Thi một nỗi mơ hồ, ám ảnh. Người thanh niên đi ra ngoài bãi sông, tắt sang con đường nhỏ lối rẽ vào nhà Phong Lan. Những bước đi mệt mỏi, trầm tĩnh, suy tư, anh ngồi xuống chiếc ghế đá quen thuộc. Anh có vẻ mệt sau quãng đường đi bộ. Anh đang chờ Phong Lan, anh đoán trước được cô bé sẽ ra đây.

 

– Chào ông, sao ông lại ở đây? Có phải ông chờ tôi không?

– Ừ, tôi đã chờ em rất lâu rồi. Giờ ngoại khóa thế nào?

 

Phong Lan phụng phịu:

 

– Ông còn hỏi tôi câu đó sao. Ông không nhớ là tôi đã đi lạc vào thế giới của ông ư? Có phải ông chính là nhà thơ tài danh đó không?

 

Người thanh niên nhìn xoáy vào mắt Phong Lan, nửa như muốn trả lời, nửa như muốn lảng tránh:

 

– Em nhầm rồi. Em đừng mê muội nữa. Tôi chỉ là người làm thơ bình thường thôi mà.

– Không, ông nói dối.

 

Anh khẽ nâng cằm Phong Lan:

 

– Cô bé, tối nay chúng ta đi chơi nữa chứ, trời sẽ nhiều trăng lắm.

– Vâng! Tôi sẽ đi – Phong Lan trả lời như một phản xạ mà cô chưa kịp suy nghĩ.

 

***

 

Trời đã về đêm nhưng chẳng biết đã là canh mấy, Phong Lan và người thanh niên đi bộ mải miết. Trăng sáng lạnh lẽo. Sương rơi nhiều. Chỗ nào cũng mờ ảo khói tím bay là là. Lan hỏi vài câu nhưng người thanh niên im lặng không trả lời. Hai người cứ đi, đi mãi mà không sao đi hết vùng sương khói, càng đi càng lạc, Phong Lan cảm nhận thế; còn anh thì rất bình tĩnh.

 

– Ông à, bao giờ thì mới tới nhà của ông?

 

Người thanh niên lắc đầu… Vẫn lại là im lặng… Đôi mắt xa xăm, diệu vợi… Và Lan thấy trống trải và sợ hãi quá. Bàn tay người thanh niên cứ lạnh dần trong tay cô. Những ngón tay mềm ra, run rẩy, đôi mắt dại đi. Trời chuyển lạnh đến tái tê, vầng trăng trở nên sáng quắc, sáng đến mức xé nát được mọi thứ, cỏ cây hoa lá dường như cũng rùng mình vì lạnh.

 

Thể trạng Phong Lan không được tốt, cô yếu đuối nhưng chàng trai này còn yếu hơn, anh ta chắc sắp quỵ ngã. Cô lập cập dìu anh vào một ngôi lều hoang ven đường nép sau bụi cây dại um tùm. Cô lay vai anh.

 

– Ông đừng làm tôi sợ, xin hãy tỉnh lại đi.

 

Anh thì thào:

 

– Tôi xin lỗi em… tôi mệt quá… trời ơi… thuốc… cho tôi thuốc, thuốc ở trong túi áo.

 

Khi chàng trai uống xong thuốc thì cũng là lúc trời đổ mưa rào. Cơn mưa dữ dội như trút nước. Căn lều dột nát không đủ che cho hai người. Những giọt nước mưa xối xả rỏ xuống qua kẽ lá xuống nền đất. Phong Lan giật bắn mình và thét lên kinh hoàng; còn anh thì vội vã kéo cô vào lòng trấn an:

 

– Không sao đâu cô bé, đó chỉ là một ngôi mả hủi mà thôi. Tôi biết căn lều này từ lâu lắm. Ngôi mả hoang này chẳng có ai hương khói cả. Nhiều lần về khuya tôi vẫn vào đấy để trú qua đêm.

 

Nghe những lời kể của chàng trai, Lan càng thêm sợ hãi, hóa ra cô đã đi cùng với một kẻ mê mị đến mức quái dị, chỉ vì cô quá yêu thơ của anh ta, những vần thơ điên, điên vì yêu, điên vì đau đớn và yêu nhiều đến mức bệnh tật vẫn si mê. Cô vừa thương, vừa sợ, liệu đây có phải là tác giả nổi tiếng bao năm rồi cô ấp ủ trong tim không, hay chỉ là một chút tình thoảng qua?

 

Sợ hãi vụt biến, thay vào đó là nỗi lo lắng cho tính mạng của chàng trai. Anh lại lên cơn co giật, anh nghiến răng lại nhưng máu từ miệng vẫn trào ra. Anh quằn quại, không nói được gì, chỉ riêng đôi mắt là mở to nhìn Phong Lan đầy đau đớn. Đôi mắt ấy biết nói và Phong Lan hiểu được tất cả. Con người ấy không còn đủ sức nữa, lại dụi xuống vũng máu của mình, máu loang ra. Mặt Phong Lan biến sắc, cô đứng sững người nhìn anh, chỉ một lát sau cô đã ôm choàng lấy anh, máu thấm cả vào áo Lan, cô mặc kệ, không cần quan tâm rằng đó là máu độc. Anh cười, vì không thể khóc được nữa, một sự vật vã đến điên dại cả người. Lan vẫn ôm lấy anh, cô biết anh là ai rồi, đúng là anh, là Hàn mà cô hằng yêu thương. Hàn đẩy cô ra, máu chảy đầy trên khóe miệng. Lòng Phong Lan như lửa đốt, nước mắt của cô hòa vào máu của Hàn chảy thành từng giọt xuống đôi tay xanh xao của anh. Hàn cho Lan biết là anh đã uống thuốc chữa bệnh bằng nọc rắn, anh uống quá liều nên mới lên cơn co giật. Anh đã mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo. Trời tạnh mưa, anh không còn nhiều máu sau cơn thổ huyết vừa rồi, chỉ còn hơi thở mệt nhọc và ánh mắt nồng nàn dành cho Phong Lan.

 

– Cảm ơn em nhiều lắm, cô bé – Anh chỉ kịp nói thế rồi gục xuống bên tay Phong Lan thiếp đi mê mệt.

 

***

 

Một tuần không ngủ. Cô sợ lặp lại những giấc mơ cũ. Vừa nhớ, vừa thương, vừa yêu nhưng lại đầy lo lắng, ám ảnh. Phong Lan như một người mộng du. Cô gầy và xanh xao hẳn đi. Phờ phạc đến lo ngại. Có một điều kì lạ là đôi mắt cô tinh anh hẳn lên, sáng long lanh mà thẳm sâu những ý nghĩ thầm kín. Cô thuộc tất cả mọi bài thơ mà Hàn đọc cho cô nghe trong mơ, những bài thơ điên loạn, nghe xa xót đến quặn lòng. Cô đứng bần thần trước cửa, ái ngại cho số phận người thanh niên kia, nhưng rồi những ý nghĩ, những mâu thuẫn trong đầu cứ dày vò Phong Lan. Cô không sao chống chọi được nỗi buồn và sự ám ảnh bủa vậy. Phong Lan quyết định tới nhà một người bạn của mình.

 

Trong khi đó tại phòng làm việc của nhà thơ Thi Thi, người thanh niên lạ mặt đang ngồi trước bàn làm việc nói chuyện với chị. Anh tới để nộp bài vở, vẫn là những bài thơ sầu mộng, trăn trở. Nhà thơ Thi Thi không nói gì, nhưng chị rất ngạc nhiên về một phong cách mới lạ này, chị thực sự bị lôi cuốn.

 

– Xin lỗi, năm nay bạn bao nhiêu tuổi rồi? – Chị không gọi bằng anh mà gọi bằng bạn cho thân mật.

Nhưng anh ta thì lại nói xa xăm:

 

– Nhiều lắm, chắc là tôi nhiều tuổi hơn chị. Nhà tôi ở dưới dốc núi, khi nào rảnh rang mời chị ghé thăm.

 

Chị nhún vai, có lẽ anh ta đùa, nhưng nghe giọng nói đầy trìu mến, nghiêm túc. Toàn là sự bí ẩn cả. Chị tò mò muốn biết về con người này. Anh ta nói là hơn chị rất nhiều tuổi mà khuôn mặt thì non nớt, lại còn nói nhà ở dốc núi. Ở thành phố đầy xe cộ, bụi bặm này thì làm sao tìm ra núi non.

 

Người thanh niên đứng lên chào chị. Hai người bắt tay nhau. Bàn tay anh ta lạnh toát, gân guốc và xanh xao. Thi Thi nắm chặt tay anh rất lâu, chị muốn truyền sang hơi ấm cho con người tội nghiệp ấy.

 

Chị mỉm cười:

 

– Chúng tôi rất thích thơ của bạn. Một ngày không xa tôi sẽ tới thăm bạn.

– Cám ơn, đây là địa chỉ. Tôi tin là chị sẽ tới.

 

Khuôn mặt anh rạng ngời một niềm hy vọng. Anh đi ra. Nhà thơ Thi Thi sững người khi chiếc các trên tay chị là tên của một địa danh cũ kỹ mà từ lâu nó đã bị xóa bỏ.

 

Mưa. Và tiếng sét khổng lồ xé toang bầu trời. Chị giật bắn mình, cảm giác lạnh lẽo dội về. Chị cảm thấy không bình yên.

 

***

 

Đến với cô bạn gái vui nhộn, Phong Lan quên vợi đi nỗi nhớ người thanh niên hàng đêm cô thường gặp trong giấc mơ. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì cô lại gặp lại chính con người ấy. Anh ta có quan hệ gì với cô bạn gái của Phong Lan mà lại tới đây.

 

– Chào ông, sao ông lại có mặt ở đây?

 

Lan hết sức kinh ngạc, còn anh thì vẫn điềm nhiên như không có chuyện gì.

 

Cô bạn gái của Lan hỏi:

 

– Mày quen anh ấy à?

– …

 

– Con bác tao đấy, thi đại học mấy năm rồi mà không đỗ chỉ vì mê thơ quá, cứ như kẻ mộng du ấy. Mày đừng nên quen anh ta.

 

– Nhà anh ta ở đâu?

– Bên dưới dốc núi kia kìa – Người bạn gái chỉ tay ra đằng tây. Lan chỉ thấy màu mây trắng nhạt, xa vời.

 

Cô quay ra nhìn người thanh niên, nỗi nghi ngờ càng dâng lên trong lòng, có lẽ anh ta không phải là người trong giấc mơ của cô, chỉ là do yếu bóng vía nên Phong Lan mới nằm mơ. Cô đâm ra ngờ vực chính mình.

 

Anh nắm lấy tay cô, lạnh lẽo, van nài:

 

– Em nỡ lòng nào bỏ tôi đi sao, tôi không thể chống chịu được với bệnh tật, xin em đừng bỏ tôi.

 

– Không, tôi không quen ông. Hãy buông tha cho tôi, tôi sợ…

 

Lan bỏ chạy. Cô bạn ngơ ngác nhìn theo.

 

***

 

Cả ngày mưa như trút nước. Cây cối tả tơi. Trong phòng làm việc của nhà thơ Thi Thi mọi người đang tranh luận rất gay gắt về thơ của người thanh niên kia. Mỗi người một ý kiến, người bênh vực, người phản đối. Nhưng nhất nhất mọi người đều cho rằng đó là những bài thơ rất tuyệt, có điều họ không tin rằng tác giả lại là anh ta.

 

Cánh cửa phòng bật mở, Phong Lan cầm quyển thơ của người thanh niên bước vào. Cô giải thích tất cả về tác giả của những bài thơ kia. Chỉ có điều mà ngay cả cô và mọi người không hiểu là tại sao anh ta lại có tập thơ mà theo như sự phán đoán của mẹ cô thì đó là thơ của Hàn. Hình như chỉ vì người ta yêu thơ Hàn quá nên mới xảy ra chuyện này, hơn nữa người đó quá giống Hàn, bảo anh ta không phải là Hàn thì cũng thật vô lý.

 

Phong Lan lại đem quyển thơ về đọc, những vần thơ đã được cô thuộc một cách nhanh chóng. Sau đó thì đốt, cô đốt hết tất cả mọi bài thơ của anh ta, trả về với quá khứ. Một thứ khói vàng bốc lên, khét lẹt, ẩm ướt.

 

Cô đứng giữa vùng khói nhạt, mờ ảo, mông lung. Phong Lan thầm nghĩ trong đầu: “Nếu như người ta biết thơ của người nằm trong tay tôi thì người ta sẽ cuống lên vì chuyện sưu tầm, nghiên cứu. Tôi chỉ thương người sống khổ đau, bệnh tật, triền miên trong cơn ảo mộng, giá như người được một ngày bình yên. Dù người là ai đi chăng nữa, là Hàn hay một người yêu thơ Hàn thì tôi cũng sẽ mãi nhớ về người. Cám ơn đã cho tôi những phút giây ảo ảnh. Tôi xin trả lại người tất cả”.

 

Đang mải suy nghĩ thì cô bạn chạy ập vào, lắc mạnh tay Phong Lan:

 

– Lan ơi… anh ta… anh ta chết rồi!

 

– Sao? Mày nói gì thế, anh ta là ai. Tao không hiểu – Lan sốt sắng, cô mơ hồ nghĩ tới người đó.

 

– Cái anh chàng mộng du con bác tao ấy. Anh ta nhận giấy báo đỗ đại học sướng quá, chạy ra đường bị tai nạn chết rồi. Người ta tìm thấy trong tủ của anh ta có rất nhiều thơ.

 

Lan như không nghe thấy gì nữa. Tự nhiên cô thở phào nhẹ nhõm. Cô đã hiểu tất cả rồi. Cô thổn thức gọi: Người xưa ơi!

 

 

TRUYỆN NGẮN:

 

>> Dứa dại – Đỗ Kim Cuông

>> Chị tôi – Nguyễn Thị Thu Huệ

>> Vàng lửa – Nguyễn Huy Thiệp

>> Một cánh bướm nào đó – Nhật Chiêu

>> Phù hư – Ngô Đình Hải

>> Bánh trôi hoa – Lê Hà Ngân

>> Cú sốc – Văn Giá

>> Xóm Cù Lao – Trần Thị Kim Nhiên

>> Sống như những đóa hoa – Vũ Thị Huyền Trang

>> Rau răm ở lại – La Mai Thi Gia

 

 >> XEM TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…