(Vanchuongphuongnam.vn) – Chỉ có ông mới dám mở lớp học miễn phí, cùng một lúc ba ngàn sinh viên học ngoại ngữ trong một ngôi chùa nhỏ giữa Sài Gòn hoa lệ. Và ở Việt Nam, chắc mới chỉ có mình ông đi từ Nam ra Bắc để thay đổi những câu đối chữ Hán ở nhiều ngôi chùa bằng chữ Quốc Ngữ, nhằm giữ bản sắc văn hóa tâm linh của người Việt.
Thời đó, vùng đất làm chùa còn hoang vu, hẻo lánh. Rất nhiều người dân lao động nghèo tìm tới đây cất nhà ở. Hoàn cảnh khó khăn của họ khiến con cái không có điều kiện đi học và bị mù chữ. Động tâm trắc ẩn, Thượng tọa Thích Nhuận Tâm liền mở một lớp học xóa nạn mù chữ miễn phí và vận động mọi người cho con em tới học. Cảm động trước tấm lòng của Thượng tọa Thích Nhuận Tâm, họ liền đem con mình tới nhờ ông dạy. Lớp học ngày một đông, chùa thì chật chội nên không đủ chỗ. Về sau, nhờ một số người hảo tâm đã mua cúng Thượng tọa Thích Nhuận Tâm mảnh đất nhỏ trước chùa, xây nhà cấp 4, để ông làm lớp học. Đó cũng là bước đệm để sau này, Thượng tọa quyết định mở trung tâm dạy ngoại ngữ miễn phí cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn (khai trương ngày 17/12/2010).
Chẳng ai như ông, kiếm được bao nhiêu tiền đều dành cho lớp học ngoại ngữ. Trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, thì việc duy trì một lớp học có quy mô lớn, tổ chức bài bản là điều vô cùng khó khăn. Mặc dù vậy, Thượng tọa Thích Nhuận Tâm vẫn quyết định không lấy học phí các học viên khi đến với Trung tâm ngoại ngữ Thiện Nhơn.
10 năm trôi qua với không ít khó khăn và thăng trầm, nhưng cho đến nay, Trung tâm ngoại ngữ Thiện Nhơn vẫn được duy trì, là nơi giúp ước mơ của nhiều người được bay cao, bay xa. Được biết, các giáo viên tại đây một phần tình nguyện dạy miễn phí còn lại được thầy Thích Nhuận Tâm trả lương hàng tháng. Một số giảng viên nước ngoài còn được tạo điều kiện lo chỗ ăn ở tại chùa. Thầy Thích Nhuận Tâm cũng thường xuyên trao học bổng cho các học viên có thành tích học tập tốt.
Trong thời gian đại dịch COVID-19 vừa qua, ông đã nhịn ăn 21 ngày để cầu nguyện tật bệnh mùa dịch mọi người được an lành. Bên cạnh đó, ông còn quyên góp và trao tặng gạo cùng vật phẩm tận tay những người thực sự cần, lên tới hơn 700 triệu đồng.
Thượng tọa Thích Nhuận Tâm trong chuyến từ thiện về miền Trung vừa qua
Với tâm nguyện đi tu không phải là vì bi quan, chán đời, yếm thế mà đi tu là để “có điều kiện chân rảnh, tay rỗi, không ràng buộc để lo những việc phụng sự cho đời, cho người”, Thượng tọa Thích Nhuận Tâm đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa – văn nghệ, những chuyến cứu trợ hầu khắp đất nước.
Trụ trì Chùa Lá còn là người đam mê với đá, biết cảm và biết yêu hồn của đá. Hiện nay, ông giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội Đá Cảnh – Đá Phong Thuỷ Việt Nam. Chủ tịch Hội Đá Cảnh – Đá Phong Thuỷ TP Hồ Chí Minh. Đến nay, Thượng tọa Thích Nhuận Tâm đã có hàng trăm tác phẩm đá cảnh. Một số tác phẩm ông đã bán làm từ thiện và lo cho trung tâm dạy 6 ngoại ngữ miễn phí: Anh – Hoa – Nhật – Đức – Pháp – Hàn, mỗi khoá 3 tháng trên 3.000 học viên theo học.
Cũng trong nhiều năm qua, thầy Thích Nhuận Tâm đã đi từ Nam chí Bắc để thay đổi câu đối chữ Hán sang chữ Quốc Ngữ bằng lối chữ thư pháp, với mong muốn giữ lại bản sắc văn hóa tâm linh của người Việt. Ông từng đau đáu tâm sự: “Có lần tôi dẫn các giảng viên nước ngoài dạy ngoại ngữ đi du lịch. Với những danh lam thắng cảnh thì họ khen không tiếc lời, nhưng cứ mỗi lần dẫn họ đến thăm một ngôi chùa nào đó thì khi đi ra họ lại lắc đầu. Hỏi lý do thì họ nói, qua thăm chùa Việt Nam, mà thấy toàn chữ Trung Quốc”.
Một lần được diện kiến với TT Thích Thọ Lạc trưởng ban văn hóa phật giáo trung ương hướng dẫn trợ duyên, vì trước đó TT Thích Thọ Lạc đã có 4 đề án: ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc và di sản.
Gần 10 năm nay, Thượng tọa Thích Nhuận Tâm thay đổi câu đối chữ Hán bằng câu đối tiếng Việt cho khoảng mười ngôi chùa ở các tỉnh Miền Bắc, trong đó có chùa Đại Tuệ, chùa Hải Sơn, chùa Linh Sơn, Chùa Hà, Chùa Diệc ở Nghệ An, chùa Minh Ngộ, chùa Quan Âm ở Hà Nội, chùa Cao Sơn (còn gọi là chùa Mơ), ở Nho Quan, tỉnh Ninh Bình và 5 nhà thờ họ viết thư pháp bằng tiếng Việt.
Tất cả câu đối đại tự được Thượng Tọa Thích Nhuận Tâm viết toàn bằng chữ thuần Việt
Kiếm tiền để “mua” ngoại ngữ cho học sinh nghèo và ước nguyện thay đổi văn hóa tâm linh là hai gánh nặng mà Thượng tọa Thích Nhuận Tâm tự mang nặng lên vai mình. Có nơi nào cần giúp đỡ là ông lại lên đường, vừa đi vừa làm thơ để “rót” mật ngọt cho đời.
BUÔNG
Thì mặc kệ buồn vui cõi tạm
Nhục hay vinh gác lại bên trời
Rồi cứ thế ly này ta rót nữa
Ném xuống đời trận tuý luý trùng khơi
Chiều phiêu hốt Nha Trang tan họp
Rót sơn hà tình bè bạn đó đây
Rồi bùng vỡ khung lòng mở rộng
Rung muôn trùng cung điệu chiều say
Ta rót xuống biển ngàn dậy sóng
Rót một đời cạn cõi nhân sinh
Và rót hết thả buông thực – mộng
Cõi phù du quyện lại một tâm tình
Chiều xuống dần đệ huynh bừng ngộ
Nắng lung linh soi sáng rực hồn
Đêm Nha Trang cội nguồn cố độ
Ta quay về thẩm thấu cõi vô ngôn.
(Thượng tọa Thích Nhuận Tâm)
DÂNG ĐỜI
Em reo vui trên từng con chữ
Tập đánh vần giọng ngọng ngịu thương
Uốn miệng cà lăm giờ ngoại ngữ
Trưởng thành chắp cánh bốn phương
Cỏ hoa kết nụ thơm hương
Cho vạn vật nẩy mầm nắng sớm
Từ giảng đường hồn em nườm nượm
Muôn cành hồng khoe sắc lung linh
Như phương đông ló dạng bình minh
Bao ngọn đuốc từ em rực sáng
Mỗi bước chân vững vàng ngời rạng
Những buồn vui gom nhặt dâng đời
Em đi về toả khắp muôn nơi
Cho cung điệu hoà âm trời đất
Buông bỏ hết muôn ngàn tất bật
Lặng lẽ về từ cõi không tên.
(Thượng tọa Thích Nhuận Tâm)
ẤM LÒNG NAM ĐỊNH
Đến Nam Định ngút ngàn thương
Thương từ hoa cỏ hành hương về nguồn
Gió reo cùng đá cuội hồn
Trăng nghiêng rót chén trà muôn ánh ngàn
Sân vườn tiết tấu cung đàn
Vô thanh rúng động tâm can nghĩa mầu
Dang tay ôm hết vui sầu
Kết tinh dưỡng chất tặng nhau tiếng lòng
Nắng chiều nhẹ gót phiêu bồng
Khơi vơi cùng khắp mây lồng lộng qua
Trời xanh bao bận bôn ba
Nhục vinh rồi cũng chỉ là chiêm bao
Ta ngồi đây nhìn trăng sao
Phố thành Nam Định nghe bao ươm mầm
Nghe ra tiếng dội vô âm
Và muôn diệu pháp tự tâm không lời.
(Thượng tọa Thích Nhuận Tâm)
XÉ LÒNG
Bẽ đôi ngọn gió đại ngàn
Ngăn cơn bão lũ xé tràn non cao
Xé tan tát mộng trăng sao
Xé đôi mảnh núi, xé vào ruột gan
Xé đồi lá quấn khăn tang
Xé đôi cây sậy làm nhang thắp chồng
Xé đôi mắt nhỏ chờ trông
Xé đôi nỗi nhớ chờ mong cha về
Trà Leng hồn suối tái tê
Hồn hoa cỏ cũng muôn bề bể dâu
Trà My trăm nẻo buồn đau
Chung đôi tay tát mạch sâu nỗi niềm
Ta thương quá đứng lặng im
Lắng nghe tiếng sóng từ tim dập dồn
Lắng nghe từ những mồ chôn
Sâu trong lòng núi mà hồn chưa tan.
(Thượng tọa Thích Nhuận Tâm)
CHIA
Tay cầm hạt nắng bẽ đôi
Nửa quăng xuống biển sóng đời xanh xao
Nhẹ cầm ngọn gió bẻ trao
Giữ nhau một nửa trăng sao phiêu ngàn
Chia em điệu thở quan san
Nửa còn lại để dội vang núi rừng
Trao em sóng nước lưng chừng
Đừng cho con sóng ngăn từng bóng khuya
Ngồi nhìn Côn Đảo sẻ chia
Nửa em biển cả, nửa ta núi đồi
Vẫy tay chào hết cuộc chơi
Giã từ Côn Đảo không lời tiễn đưa.
(Thượng tọa Thích Nhuận Tâm)
Mạc Tường Vi