Tiểu thuyết Gương mặt loài Homo Sapiens của Trần Như Luận (chương 4 – 5)

434

Chương 4

Blaise Sanchez buồn ảo não thời gian dài kể từ khi người con gái anh yêu đột ngột ra đi, chẳng hẹn ngày về. Nhưng đến khoảng đầu tháng Hai 1949, anh bắt đầu nảy ra những ý định mới: Anh nhanh chóng kết thân với gia đình Kazadi thông qua cô con gái của ông là Imani.

Nhà văn Trần Như Luận

Anh dặn trợ lý kín đáo tăng lương ba tháng một lần cho cô. Anh có mặt ở nhà ông Kazadi tại trung tâm Léopoldville thường xuyên hơn. Ngoài ra, anh nhiều lần cùng ông bay sang thành phố Fort-Lamy, đến tận gia đình ông Abaza để tìm gặp Marie.

Càng tiếp xúc, anh càng khám phá ra rằng Marie quả là thiên tài. Cô có thể đọc và viết các thứ tiếng trong hệ ngôn ngữ Niger-Congo chỉ trong vài tuần với điều kiện có ai đó viết ra và phát âm thật chuẩn thứ tiếng ấy cho cô nghe. Đặc biệt, từ lâu cô đã quá thành thạo các thứ tiếng thuộc hệ ngôn ngữ Nilo-Sahara. Vốn từ tiếng Pháp của cô còn phong phú hơn cả Disanka và Imani.

Khi hoàn toàn chinh phục được niềm tin của mọi người, Blaise bắt đầu cuộc thử nghiệm của anh. Đầu tiên, dù không hiểu nghĩa, nhưng anh cố học thuộc cả một đoạn văn dài gồm những từ ngữ quái lạ mà anh từng biết. Anh cố phát âm thật rõ từng âm tiết, không sai lạc mảy may nào.

Thấm thoát, cái ngày để anh tiến hành công việc quan trọng ấy đã kề. Anh bay sang thành phố Fort-Lamy một mình. Khi biết rõ bố mẹ nuôi của cô vắng nhà cả buổi, anh đến gặp Marie. Anh nói rõ để cô hiểu, anh sẽ đọc một đoạn văn, cô cần nỗ lực dịch ra tiếng Pháp hộ anh.

Cô bé tật nguyền gật đầu. Mắt cô liên hồi giần giật. Mặt lờ đờ như đang nhìn vào một khoảng không nào đó. Blaise cố đọc rõ từng âm tiết:

A kaki jaja umi homo sapiens sukhonanu e hautu rho. Histo annu homo sapiens ist annkhukaritu. Ann vavanu unukhakhachi beeklanu, chacharunana at homenhu. Sasaxho umimu kararara ani uni nahmama kai lilikha.

Cô bé hơi nheo mày. Nhưng không để Blaise chờ đợi lâu, Marie cắt nghĩa đoạn ấy thành mấy câu tiếng Pháp như sau:

Sòng phẳng mà nói, loài homo sapiens thường hay nói chẳng thật lòng và rất háu ăn. Lịch sử loài homo sapiens thực chất là lịch sử của sự lừa dối và tranh ăn. Chúng không ngại đi khắp các châu lục, tha hồ tranh mồi cả những nơi thật xa so với nơi chúng ở. Nơi nào có chút béo bở thì chúng lừa phỉnh nhau, bắn bỏ nhau, tranh nhau không dứt.

Ồ! Thật tuyệt! Điều kỳ diệu đã diễn ra ngay trước mắt anh! Anh gần như không tin vào chính tai mình! Blaise trố mắt lên. Chúa ơi! Tại sao con người bằng xương bằng thịt có vẻ mặt khờ khạo trước mắt anh lại tài tình siêu việt đến thế! Xin Chúa hãy giải thích thật sự bên trong bộ óc con người chứa đựng những gì!

Blaise mừng phát run. Bất ngờ, theo phản xạ tự nhiên, anh ôm chầm lấy Marie, toan đặt lên người cô nụ hôn thân thiết.

– Đồ sàm sỡ! – cô tức thì đẩy anh ra, giận dữ hét to bằng tiếng Pháp.

Tay đặt lên ngực, Blaise tỏ cử chỉ xin lỗi cô. Rồi anh nói một thôi một hồi để trình bày tâm trạng vui sướng của anh một cách thành thực. Nhưng vô ích. Marie đứng bật dậy, quay lưng bước nhanh vào phòng riêng.

Cho đến khi quay về Léopoldville, tâm trí anh vẫn không ngớt bàng hoàng. Trời đất! Chẳng lẽ bao công lao khó nhọc của anh trong suốt mấy tháng qua giờ đành trút hết ra dòng sông Công Gô cả hay sao?

Anh liền nghĩ ngay tới Imani. Anh nhận ra rằng cô ấy là một người hiền lương và đầy nhiệt tâm. Cô nói tiếng Pháp không thua kém gì Disanka. Gương mặt cô rất xán lạn. Trong công việc, cô luôn tỏ ra là một nhân viên đầy tinh thần trách nhiệm.

Khoảng vài tháng sau, tình cảm nảy nở khá tự nhiên giữa anh và Imani. Vào một buổi tối, anh cùng cô thong thả đi dạo dọc bờ sông Công Gô. Hơi gió dịu dàng thổi lên từ mặt sông mát rượi. Lúc Blaise đánh bạo quàng tay ôm vòng eo thon gọn của cô, cô bất ngờ thú thật cô đã thầm yêu trộm nhớ anh từ khi mới gặp lần đầu.

Một tuần sau, cũng nơi bờ sông thơ mộng ấy, cô nói thêm rằng thuở xa xưa, do người ta biết quá ít về người châu Âu nên quan hệ hôn nhân giữa họ với dân bản địa còn vấp phải đôi chút khó khăn. Còn hiện giờ, tại các thành phố lớn, nhất là tại thủ đô này, gần như chả mấy ai thắc mắc về chuyện ấy. Thậm chí, đối với người giao thiệp rộng và biết sử dụng tiếng Pháp hằng ngày, có khi lấy được trí thức châu Âu là điều đáng hãnh diện cho cả gia đình.

Anh chàng người Pháp cởi mở tấc lòng. Anh đặt nụ hôn nồng nàn lên trán cô. Chưa đủ, anh say đắm hôn môi cô. Anh đê mê ngây ngất với cảm giác ngọt ngào nhận được từ thể xác và tâm hồn chơn chất của người con gái ấy. Khoảng hai tuần sau, anh hôn lên bờ ngực căng tràn nhựa sống của cô và đòi cưới cô làm vợ.

Thoạt đầu, Imani hơi e ngại vì chưa đầy một năm trước, anh Blaise đã quá thân thiết với Disanka, suýt cưới bạn ấy làm vợ. Nhưng thực lòng, Imani tự cảm thấy không thể kiềm chế nổi tình cảm mãnh liệt chực sôi trào trong huyết quản mỗi khi cô có dịp ở cạnh anh.

Khoảng nửa năm sau, khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu phả xuống các khu vực phía nam Xích Đạo, Imani lẳng lặng bước vào phòng riêng của anh, khép cửa lại. Cô thì thầm, Em đã có thai.

Ánh mắt anh sáng bừng lên. Anh ôm chầm lấy Imani; giọng run run vì xúc động:

– Ôi! Chúa ơi! Thật tuyệt vời! Anh rất vui với tin này. Anh rất vui!

 

Chương 5

 

Trong chiếc kaftan thổ cẩm, Disanka nắm tay bạn vội vàng bước vào hội trường. Vào lúc này, vị diễn giả trẻ đã trình bày gần xong bài diễn thuyết về tài nguyên đất nước và trách nhiệm công dân. Trước khi dứt lời, anh vui vẻ kể:

– Các bạn biết không, cách đây ít tháng, tôi đang cùng một nhóm thanh niên trú mưa trước sở bưu chính, nơi tôi làm việc. Chợt có đoàn xe của ông Trygve Lie đi qua, bắn nước tung tóe. Một cậu to mồm chửi rủa bọn quan Bỉ. Một cậu thanh niên khác nói, xe ấy gắn cờ xanh, giữa có hình quả Địa Cầu, dứt khoát không phải xe nước mình”. Cậu thứ ba đoán mò đó là cờ Đức Quốc Xã. Đám đông thanh niên ấy cãi vã kịch liệt. Thấy họ sắp đánh lộn, tôi buộc phải can ngăn. Tôi giải thích, đó là xe của phái đoàn Liên Hợp Quốc. Tôi nói rõ sau thế chiến thứ hai, Đức Quốc Xã tan rã hết rồi. Nghe vậy, họ thôi cãi cọ, xấu hổ tản đi mỗi người một nơi.

Khẽ ngừng một lát, vị diễn giả nhấn mạnh:

– Thưa quý vị! Điều tôi muốn nói là trình độ dân trí và nhận thức của chúng ta. Ai cũng biết tài nguyên thiên nhiên của chúng ta vô cùng phong phú. Nào kim cương, vàng, uranium. Nào cobalt, đồng và cả những mỏ đa kim nữa. Thế nhưng, dân ta đa phần mù chữ. Ngay cả mấy cậu thanh niên tôi vừa kể cũng chẳng quan tâm tới chuyện học hành. Các trường học hoạt động lấy lệ, chất lượng chẳng ra gì. Chí tiến thủ của thanh niên rất kém. Có những vùng dân cư, trẻ mới lên năm đã phải ra đồn điền cao su kiếm sống. Cả nước hiện nay có tới bốn triệu trẻ em lao động khổ sai và thất học như thế. Các anh chị nghĩ coi, với trình độ dân trí và mức nhận thức như vậy, liệu tới khi nào chúng ta mới giành được độc lập, tự do và thực sự làm chủ tài nguyên của chúng ta?

Hội trường yên ắng. Mọi người chú mục lên bục diễn giả. Họ quan sát cử chỉ của anh và chăm chú lắng nghe. Ngừng một lúc, anh tiếp lời:

– Thưa các bạn! Người Bỉ ở tận châu Âu tới. Vậy mà họ đã giành quyền thống trị và khai thác lợi nhuận từ mảnh đất này quá lâu. Kể từ khi cái gọi là Hội nghị Berlin 1885 có hiệu lực, người ta xem Công Gô này chỉ là vật sở hữu của ông vua Bỉ Léopold II. Từ năm 1908 cho tới tận ngày nay, Công Gô chỉ là một phần đất của Bỉ. Họ đã công khai cướp trắng đất và mọi tài nguyên khác của chúng ta đồng thời thống trị dân ta ngót 65 năm đằng đẵng! Đã đến lúc chúng ta phải giành lại quyền độc lập và quyền tự định đoạt số phận của đất nước này! Ở một số nước phía bắc, phong trào đòi trao trả độc lập đang rộ lên. Đây là thời cơ thuận lợi cho chúng ta. Chúng ta đang có chính nghĩa và cơ hội thắng lợi trong tay. Tôi kêu gọi mọi người hãy ra sức cùng tôi thề sống chết với chính nghĩa ấy!

Tiếng nói hùng hồn và sôi nổi của anh Patrice Lumumba chưa dứt hẳn, thì tiếng vỗ tay của đông đảo thính giả đã vang lên. Disanka có cảm tưởng như mình vừa được tiếp thêm sức mạnh phi thường. Bầu máu nóng trong người cô dâng trào mãnh liệt.

Khi diễn giả, trong bộ áo quần ka-ki giản đơn khẽ cúi đầu chào, anh chị em ở tất cả các hàng ghế, không ai bảo ai, đã tự động đứng lên.

Sau buổi gặp gỡ ấy, Disanka và Kangelu – bạn cô – tìm tới sở bưu chính làm quen và kết thân với anh. Rồi ba người tự thành lập một nhóm riêng. Từ đó, cứ vài tuần, cả nhóm gặp nhau một buổi. Ban đầu chỉ vài người, nhưng về sau, nhóm của cô đã lên tới mười lăm người.

Họ chọn ngôi nhà rộng thoáng và nhiều bóng cây của Kangelu Congo, nơi Disanka đang trú ngụ, làm nơi tụ hội. Đó cũng là nơi ươm mầm tình bạn thắm thiết giữa anh Patrice Lumumba và cô nàng Pauline, thành viên dễ thương, trẻ trung nhất của nhóm. Mặc dù Patrice có một giai đoạn phải sang tận Stanleyville phụ trách kinh doanh cho một hãng bia, song gần như bao thời gian và tâm huyết anh dành cả cho các hoạt động của nhóm.

Một hôm, trời đã tối, buổi họp mặt đã mãn từ lâu, Kangelu tình cờ nghe những tiếng động khẽ tại khu vườn đằng trước, nơi trồng đủ loài cây rậm rịt, sum suê ở nhà cô. Đó là vườn cây khá đẹp và rộng mênh mông, có ao cá, có đủ các loài hoa tỏa hương thơm ngát, có cả bóng cổ thụ và mấy tảng đá phẳng phiu.

Nép mình sau một thân cây lớn, cô nghe một giọng nữ thầm thì:

– Chán lắm anh! Em không chịu nổi bọn đốc công Bỉ tàn ác! Em ước ao trong nay mai, chúng ta sẽ ra sức đánh đuổi hết bọn khốn ấy ra khỏi đất nước mình.

– Anh cũng vậy. Là đàn ông con trai, anh thề anh sẽ làm được điều gì đó cho quê hương đau khổ của chúng ta. Anh muốn bảo vệ tình yêu của chúng mình, Pauline ạ.

– Anh có định cưới em không?

– Anh không lấy em thì lấy ai! Anh yêu em vô cùng, Pauline.

Sau khi nghe xong câu nói đó, Kangelu trố mắt kinh ngạc. Cô nhận ra, dưới ánh trăng loang lổ chiếu qua những nhành cây lá đan xen, anh Patrice và nàng Pauline ôm chầm lấy nhau. Nụ hôn dài ngất ngây, nồng nhiệt và đắm say của họ khiến Kangelu cảm động tận đáy lòng.

Đầu tháng Ba 1951, mọi người trong nhóm nhận được tin vui: Đôi uyên ương ấy thành hôn.

Đám cưới diễn ra thật vui nhộn. Có thể nói đó là bản hợp xướng hết sức lạ lùng: Ngoài gia đình và bạn bè đôi bên, còn có sự hiện diện của những người bạn Bỉ, chủ yếu là những người làm công việc chuyên môn, đồng thời có mặt mười mấy người trong nhóm của anh và mười người trong ban điều hành Câu lạc bộ Dân Trí nữa.

Vài tuần sau đó, sau nhiều đêm trăn trở, Patrice Lumumba một mình đến Tòa thị chính. Anh đệ trình một bản kiến nghị. Liệt kê mười lý do, anh yêu cầu nhà chức trách Bỉ mở mang giáo dục cho dân bản địa. Theo đề xuất của anh, cứ 3 khu phố hoặc 3 bản làng liền kề, ít ra phải có 1 trường tiểu học. Theo anh, đó là việc cấp bách cần lên kế hoạch để triển khai từng bước trong vòng 10 năm. Anh đưa ra lộ trình hẳn hoi, với mức chi phí hợp lý. Anh khẳng định đó là đòi hỏi chính đáng, có lợi cho cả người Bỉ và dân bản địa. Anh mong muốn người Bỉ thể hiện nhiệt tâm trong việc biến đề án đó thành hiện thực.