Tội lỗi của lý thuyết và dấu hỏi văn chương trong nhà trường

174

Ngô Tự Lập

Các nhà lý luận văn học Việt Nam rất hay trích dẫn một câu thơ của Goethe, đó là: “Mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi”. Trớ trêu thay, câu thơ ấy rất thích hợp để nói về vấn đề giảng dạy môn văn trong nhà trường ở Việt Nam.

Nhà văn Ngô Tự Lập

Theo tôi, chính lý luận văn học, hay nói đúng hơn là sự sùng bái lý luận văn học, đã làm hại môn văn trong nhà trường. Cái gọi là vấn đề “văn mẫu” mà gần đây Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn kêu gọi xóa bỏ, cũng chỉ là một trong những hệ quả của sự sùng bái lý luận văn học mà thôi.

Chẳng cần phải là chuyên gia chúng ta cũng có thể nhận thấy rằng tình trạng người học chán ghét môn văn trong nhà trường không hề đồng nghĩa với sự chán ghét văn chương. Chúng tôi muốn nói một điều khác: sự khủng hoảng của môn văn trong nhà trường thật ra là một hiện tượng tương đối mới. Những người học thuộc thế hệ chúng tôi, dù có thể có thiên hướng khác nhau, nhưng hầu như không một ai có ác cảm với môn văn. Trái lại, nhiều người, trong đó có bản thân tôi, tuy học các ngành kỹ thuật, vẫn yêu thích văn chương. Xa hơn, trong quá khứ, “học” gần như là đồng nghĩa với “học văn”, hiểu theo nghĩa văn sử triết bất phân, điều này đúng với cả phương Đông và phương Tây – cho đến trước thế kỷ XIX.

Thời chúng tôi đi học, mọi thứ đều thiếu thốn, nhưng thiếu thốn nhất là sách. Thầy cô giáo của chúng tôi thời đó cũng có trình độ học vấn rất thấp. Khi tôi học vỡ lòng thì cô giáo tôi cũng mới học hết lớp 3. Khi tôi học cấp hai thì cô Vân chủ nhiệm lớp mới học 7 + 2, tức là mới học hết lớp 7 và được bổ túc 2 năm về phương pháp sư phạm. Khi tôi học lớp 9 thì cô giáo chủ nhiệm của tôi cũng mới tốt nghiệp 10 + 3. Thế mà tình yêu văn chương các thầy cô gieo trong tâm hồn chúng tôi sau bao nhiêu năm vẫn còn sâu đậm.

Ngày nay, điều kiện rất tốt, sách vở nhiều, thầy cô có học vấn cao, nhưng rất nhiều bạn trẻ coi môn văn trong nhà trường như là một thứ khô khan, thậm chí vô bổ. Kết quả là sau những năm học ở nhà trường, nhiều người, trong đó có cả những người có học vị thạc sĩ, tiến sĩ, hoàn toàn đánh mất tình cảm văn chương.

Sự khủng hoảng bắt đầu như thế nào?

Trước khi đi xa hơn, chúng ta cần phải phân biệt Lý thuyết văn học và Phê bình văn học. Mặc dù có những phần giao thoa, và mặc dù hai khái niệm thường bị nhầm lẫn, phê bình văn học về căn bản là những nhận xét, chú giải, khen chê mang tính chủ quan của nhà phê bình, còn lý thuyết văn học được quan niệm như là khoa học, hàm ý rằng hệ thống những kiến thức khách quan về bản chất văn chương và các tác phẩm văn chương. Phê bình văn học ra đời gần như cùng với văn chương, còn lý thuyết văn học là một sản phẩm đặc thù của thời hiện đại. Người ta có thể nói rõ năm sinh của Lý thuyết văn học: đó là năm Shklovsky xuất bản tiểu luận Nghệ thuật như là thủ pháp.

m Shklovsky xuất bản tiểu luận Nghệ thuật như là thủ pháp.

Ảnh: S.t

Việc giới thiệu các lý thuyết văn học ở Việt Nam đã ít nhiều có từ đầu thế kỷ nhưng chỉ thực sự bùng nổ kể từ thời Đổi mới. Trước 1986, về cơ bản chúng ta chỉ có phê bình văn học chứ chưa có/ không có lý thuyết văn học, và do vậy cũng chưa có sự sùng bái lý thuyết văn học. Trước 1986, về cơ bản thì người thầy dạy văn là người người phê bình, và điều này rất quan trọng. Khi đọc một tác phẩm văn chương, chúng ta có thể tự khám phá ra những cái hay cái dở cùng ý nghĩa và thông điệp của nó? Bằng kinh nghiệm cá nhân và những điều học được từ gia đình, bạn bè, sách vở, người thầy chú giải, ngợi ca, so sánh các tác phẩm, qua đó làm cho nó giàu có hơn, thú vị hơn, sống động hơn – ngay cả khi những bình chú của người thầy chưa thật chính xác. Văn chương đã được tiếp nhận, được giảng dạy như thế bao nhiêu lâu rồi.

Thế rồi đến năm 1986, các lý thuyết văn học phương Tây tràn vào, khá ồ ạt và cũng khá hệ thống. Và lý thuyết văn học nhanh chóng trở thành thời thượng. Một số tác giả coi việc giới thiệu một cách hệ thống các lý thuyết văn chương của phương Tây vào Việt Nam là một thành tựu và tôi nghĩ điều đó cũng không hoàn toàn sai. Việc tìm hiểu đời sống tri thức của các nền văn hóa khác, ngay cả khi có một sự chậm trễ đáng kể, cũng luôn luôn có ích. Nhưng theo chúng tôi, một thành tựu đó không chỉ có những tác động tích cực.

Là sản phẩm đặc thù của thời hiện đại, các lý thuyết văn học được coi như là những công cụ khoa học để người đọc khám phá giá trị thẩm mỹ khách quan, tức là tính văn chương, của tác phẩm. Người ta tin rằng tác phẩm nghệ thuật ấy là sản phẩm của tác giả tạo ra một lần là xong, rằng cái hay hay cái dở của tác phẩm nằm trong văn bản: cấu trúc, hình thức, câu, từ, hình ảnh, những thủ pháp… Người ta cũng tin rằng văn bản tự đủ trong chính nó, và nếu tác phẩm hay hay dở thì nó phải là hay hay dở cho tất cả mọi người.

Chính từ sự sùng bái lý thuyết như vậy dẫn đến sự thay đổi trong cách dạy văn. Bây giờ người ta không bình tán nữa, không dạy cách cảm thụ giá trị thẩm mỹ của một tác phẩm văn học nữa, mà thay vào đó người ta dạy các nguyên lý làm nên giá trị thẩm mỹ. Từ chuyện dạy văn chương, người ta chuyển thành dạy nguyên lý của văn chương. Từ dạy tác phẩm văn chương người ta chuyển thành dạy cách ứng dụng các khung lý thuyết để phân tích chúng.

Kết quả không cần phải đợi lâu: tác phẩm bị quy về thành một văn bản vô hồn: không còn lịch sử nữa, không còn xã hội nữa, không còn tác giả nữa, và cả người đọc cũng không còn. Môn Văn bị buộc phải trở nên là nhạt nhẽo.

Để bạn đọc dễ hình dung, và cũng để kết thúc, tôi đưa ra một hình ảnh. Chúng ta có thể so sánh khu vườn văn chương như một vườn cây ăn quả. Người đọc thưởng thức các tác phẩm văn chương giống như một vị khách du lịch thưởng thức các loại hoa quả – họ có thể ăn ổi, lê, táo hay các loại hoa quả khác. Khi thưởng thức, trong đầu họ luôn luôn xuất hiện những sự phán xét nhất định: quả táo này ngon, quả ổi kia ngọt, còn quả bưởi nọ thì chua đến chảy cả nước mắt…

Rồi một người làm vườn xuất hiện. Đúng hơn, đó là một nghệ nhân không chỉ giỏi làm vườn, mà còn am hiểu về các loại hoa quả và biết nhiều giai thoại về chúng. Cũng giống như ông thầy kiêm nhà phê bình văn chương, nghệ nhân làm vườn sẽ nói về táo, về lê, về những giống quả ngon, những vùng trồng nổi tiếng và những bí quyết để có những trái cây vừa ngon vừa rẻ. Tất cả những điều này ông ta nói ra bằng trải nghiệm và thị hiếu cá nhân, bằng những kiến thức từ nhiều nguồn mà ông tin là đúng. Những điều ông ta nói ra không phải bao giờ cũng hệ thống, và cũng không phải bao giờ cũng đúng, nhưng luôn luôn thú vị và trên hết là luôn luôn trĩu nặng tình yêu của ông đối với các loại hoa trái. Đối với vị khách, việc thưởng thức hoa trái trong vườn sẽ có thêm nhiều giá trị.

Thế rồi xuất hiện một nhà khoa học và ông ta bắt đầu thuyết giảng. Nhưng ông ta không nói về hoa quả, về người trồng ra chúng hay về những điều thú vị liên quan đến các loại hoa quả khác nhau. Thay vào đó, ông ta nói về các thành phần hóa học của các loại hoa quả, rồi ông so sánh thành phần sinh hóa của chúng và minh họa bằng các số liệu khoa học.

Bây giờ, thay vì được thưởng thức hoa quả và nghe những câu chuyện thú vị về các loài hoa trái, các vị khách được yêu cầu phải phân tích thành phần sinh – hóa của các loại hoa quả: bao nhiêu phần trăm là đạm, nước, đường bột, bao nhiêu loại vitamine v.v.

Tóm lại, thay vì thưởng thức một trái táo và nghe những câu chuyện thú vị về trái táo, người học bị biến thành nhà khoa học nghiên cứu về thành phần hóa chất của trái táo.

Lý luận văn học đã làm hại môn văn trong nhà trường như vậy đấy.

Theo N.T.L/ CAND