Tội nghiệp thằng mõ – Truyện ngắn của Lại Văn Long

1177

Mồng ba Tết Quý Dậu (1933), làng tổ chức cúng đình. Năm qua mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân đóng góp nạo vét được con mương thủy lợi, tu bổ một đoạn đê và sửa chữa nhỏ đình làng nên hội làng truyền thống năm nay càng vui tươi hớn hở với hai con bò, đôi lợn và ba chục gà vịt, một tạ cá mè làm thịt mừng xuân…

Đình làng cờ phướn phất phới, giấy xanh giấy đỏ, đèn lồng giăng dài từ cổng vào mái đình; trống đánh dồn dập. Đội lân với ông địa bụng bự phe phẩy quạt khai hội gây huyên náo. Tiếp đến là thi đấu cờ người, sới vật, kéo co, ném còn… toàn những tiết mục hấp dẫn nên sân đình rộng trăm bước chân cũng chật cứng người trong làng và những làng bên kéo đến xem, cười nói, chỉ trỏ, vỗ tay. Bên trong đình, lễ cúng thần Hoàng được các chức sắc, bô lão trịnh trọng tổ chức rất cầu kỳ. Trên bàn thờ sơn son thép vàng đầy ụ sản vật tươi ngon của địa phương và mâm cơm thịnh soạn còn nghi ngút khói, ê hề thịt, cá…

Trong lúc thánh thần, bề trên khuất mặt đang hưởng lễ lộc, hương hoa, nhang đèn và dân làng chìm ngập trong những trò vui bất tận thì Hội tề của làng họp ở khu vực hậu đình. Năm đôi chiếu hoa được trải vuông vức trên nền gạch tàu, mấy bộ ấm trà, ba bình thuốc lào, ba dĩa đèn dầu để châm thuốc và chục dĩa quýt, kẹo kéo cắt khúc, mứt sen… được bày thành vòng tròn. Hơn hai chục vị hương chức của làng áo dài khăn đóng trịnh trọng, ngồi xếp hàng quanh vòng tròn đồ ăn thức uống trên chiếu hoa. Hương Cả là bô lão râu dài, tóc bạc mặc áo gấm tía nhìn khắp các khuôn mặt dự họp, rồi long trọng tuyên bố:

– Nay ngày lành tháng tốt, tiết xuân xanh tươi, lòng người hớn hở, làng ta mở hội khao dân, dâng lễ tạ thần hoàng; cúng ba mươi hai ngọn đèn, ba mươi hai chén nước, một cành cây có ba mươi hai lá, ba mươi hai bông dâng lên trời đất, liệt tổ, liệt tông cầu quốc thái, dân an, mưa gió thuận hòa, mùa màng vun bồi… Các Hương hào, Hương quản, Hương lễ, Hương ẩm, Hương văn, Hương nhạc, Hương giáo… đã chung tay góp sức tổ chức lễ hội trang nghiêm, hoành tráng, trật tự rất đáng khen. Vậy truyền cho thầy mõ ghi nhận hết tình hình rồi đi đến các xóm, đến từng nóc gia phổ biến lại không khí xuân vui tươi, an lành cho toàn dân được biết… Mõ đâu!

– Dạ… bẩm Hương Cả có con!

Thằng mỏ trẻ lắm, chỉ mười chín đôi mươi, đầu để ba chỏm trái đào, áo nâu rách vai vá chằng đụp nãy giờ lấp ló ngoài cửa đình, nghe gọi ba chân bốn cẳng chạy vào đứng xớ rớ, khúm núm ngoài rìa vòng tròn Hương chức, chờ lệnh…

Hương chủ mặc áo gấm xanh, tuổi trung niên, nhai trầu nhóp nhép ngoắc thằng mỏ lại gần, xỉ tay vào mặt:

– Mày là mõ, nhiệm vụ là tuyên truyền cho dân biết tình hình, biết chủ trương của Hội tề mà sao giờ này mới tới, làm sao nghe được bao nhiêu lời hay ý đẹp cụ Hương Cả vừa nói để mà truyền đạt lại cho dân?

Mõ cúi mình, khúm núm:

– Dạ thưa ông Hương chủ, con tới từ sớm, đứng ngoài sân đình chờ… con đâu có dám tự tiện vào chỗ họp hành của Hội tề!

Hương Thân mặc áo the đen, quần trắng quay sang Hương chánh mặc áo gấm nâu, hỏi:

– Trong Hương ước của làng, thằng mõ có được ngồi nghe các Hương chức họp không? Nhiệm vụ của tôi là truyền đạt công văn, ý chỉ của quan huyện về cho Hội tề nên không rành vụ này! Ông biết thì nói đi!

Hương chánh lắc đầu:

– Phận sự của tôi là lo hòa giải các tranh chấp trong làng, việc đó hỏi Hương trưởng thử xem?

Hương trưởng để ria mép vểnh đến tai, mặc áo dài lụa màu mỡ gà, mặt rỗ lốm đốm, nghênh mặt vuốt ria:

– Tôi giữ tiền bạc quỹ làng chớ có giữ Hương ước đâu mà biết. Ông chánh lục bộ chắc chắn phải biết…

Chánh lục bộ mập ú hoảng hốt xua tay:

– Tôi giữ sổ sách về hộ tịch, làm sao biết thằng mõ có được ngồi nghe Hội tề họp không? Hỏi sai người rồi, cái này phải hỏi ông Hương sư là người chuyên giải thích luật lệ, là cố vấn Hội tề mới đúng!

Hương sư gầy gò hốc hác, mặc áo dài đen rít một hơi thuốc lào, phà khói mù mịt rồi chíp một ngụm trà, sau đó mới đủng đỉnh trả lời:

– Hương ước từ thời các cụ để lại ghi rõ chức mõ… hèn kém lắm. Cho nó vào họp chung với các Hương chức, hóa ra chúng ta cũng… hèn kém như nó à? Vớ vẩn!

Mọi người lao nhao bàn tán rồi gật gù “Ừ nhỉ! Ừ nhỉ”…Thằng mõ nghe Hương sư nói vậy sợ quá khom mình đi thụt lùi ra xa, hai tay bịt tai ra vẻ không dám nghe đại sự. Hương chủ quay sang Hương Cả:

– Cụ Cả to nhất ở đây, cụ bảo thằng mõ thế nào ạ?

Hương Cả nheo mắt, phẩy tay lầm bầm:

– Các ông càng lý lẽ càng rối. Cái làng này mà không có thằng mõ thì làm sao dân thấy, dân hiểu được công đức của Hội tề ta đóng góp cho bá tánh? Làm sao ý đồ hay ho của các Hương chức ta được truyền bá sâu rộng đến từng nóc gia? Làm sao mộ lính, phu? Làm sao thu tô, thuế? Làm sao khuyến học, khuyến nông, chống lũ, chống hạn, dịch bệnh? Trộm cướp đầu làng, tệ đoan cuối xóm lấy ai ngăn ngừa? Kẻ xấu phao tin nhảm, hội kín chiêu dụ người làm phản tặc; buôn rượu lậu; bán cá ươn, thịt thối hại người… Dân biết đâu mà tránh nếu không có thằng mõ tuyên truyền lại ý của Hội tề với dân? Cứ để cho thằng mõ ngồi nghe các Hương chức bàn luận, để nó nghe, nó nhớ rồi đi khắp nơi phổ biến lại cho bà con làng chạ…

Các Hương chức nhìn nhau gật gù “ừ nhỉ… ừ nhỉ…”. Hương chủ là phó của Hương Cả nương theo ý cấp trên, cao giọng gọi:

– Mõ à… nãy giờ ngồi nghe bao nhiêu lời hay ý đẹp của các cụ Hương chức rồi, giờ mày mau chạy về các xóm, các nhà loa đi…

Mõ nhìn Hương chủ sợ sệt:

– Bẩm ông loa thế nào ạ?

Hương chủ cau mày bực bội:

– Thì… cụ Cả nói sao mày cứ lặp lại, có thế cũng không hiểu. Đúng là ngu như mõ!
Mõ gãi đầu:

– Bẩm… lúc cụ Hương Cả nói, con mãi tận ngoài cửa sau đình, chả nghe được. Xin cụ nhắc lại được không ạ?

Hương Cả quay sang Hương Văn đang nhai kẹo kéo rau ráu:

– Bài phát biểu ông soạn cho tôi còn bản nào cho nó cầm về các xóm đọc trên loa!

Hương Văn mặt bụ bẫm, trạc tuổi hai lăm, hai sáu lúng túng xoa tay trợn mắt:

– Thưa cụ Cả, con viết có một bản gửi cụ. Xin cụ đưa bản đó cho mõ!

Hương Cả bực tức đập tay xuống chiếu:

– Cái anh Hương Văn này nói nghe hay nhỉ. Cái bản anh soạn tôi học thuộc lòng xong để ở nhà rồi. Ra đây chủ trì họp không lẽ cầm giấy đọc? Thôi thế này… Mõ!

– Dạ có con…

– Sáng giờ mày đi khắp hội làng chưa?

– Bẩm đi hết rồi ạ!

– Thế thì cứ cầm mõ, cầm loa xuống các xóm mà kể lại. Kể cho hay, cho đúng, cho làng trên xóm dưới thấy được năm nay Hội làng lớn hơn, đông vui hơn, trật tự an ninh hơn năm ngoái; đó là nhờ Hội tề một lòng một dạ dốc tâm, dốc sức lo cho việc chung…

Mõ cúi mình lễ phép:

– Bẩm con rõ rồi ạ… Nhưng hồi sáng con thấy người ta chen lấn, đấm đá, chửi bới nhau để giành lộc ở đền thờ thần Hoàng đến đổ máu, ngất xỉu… con kể chuyện này trên loa được không ạ?

Hương Chủ liếc mắt qua thấy Hương Cả xụ mặt nên nhanh trí bảo:

– À…à… mõ ra ngoài kia đợi chút, để các Hương chức bàn lại chuyện này đã…

Mõ bụm tay, cúi đầu đi thụt lùi ra cửa sau của đình. Hương Chủ quay sang Hương quản hạch hỏi:

– Ông mang chức phận trị an sao để chuyện lộn xộn như thế xảy ra?
Hương quản đang bóc quýt ăn, mặt lầm lì đáp cộc lốc:

– Có mấy thằng tuần đinh làm sao can được mấy trăm thằng cướp lộc?

Hương Chủ:

– Thế sao không tuyển thêm năm bảy chục thằng to khỏe, xốc vác?

Hương quản nhún vai, trề môi, giọng mỉa mai:

– Cái làng bé xíu chỉ có hơn hai trăm nóc gia mà có tới hơn hai chục Hương chức, bốn mươi tuần đinh, mười hai xóm trưởng, hai mươi bốn xóm phó… rồi ông lang, ông giáo, cai đình, quản lộ, thằng mõ… Các Hương chức hết nhiệm kỳ vẫn nhận hưu chế. Các Hương chức ngồi đây đang đòi tuyển thêm phụ tá, phục dịch, xe kéo, nhạc công… giờ ông còn đòi thêm năm, bảy chục tuần đinh hóa ra cái làng không đủ chỗ chó chạy này phải nuôi trăm tư, trăm rưỡi ông chức sắc lớn nhỏ à? Tính ra cứ ba thằng dân đen từ đứa mới sinh đến ông già lọm khọm sắp chết phải è cổ nuôi một ông chức việc. Đông nhung nhúc thế tiền nào dân đóng cho xuể?

Hương Chủ quay sang Hưng Thị, giọng rất hách:

– Ông quản lý chợ búa, thu thuế kiểu gì mà không đủ nuôi các bộ phận chức việc của làng?

Hương Thị mặc áo gấm xanh đọt chuối, thêu đồng tiền vàng to giữa ngực; nghe vậy giãy nảy, cự lại:

– Tiền thuế thu được bao nhiêu tôi đều trình báo với Hương Cả. Ông chỉ là Hương Chủ, tức là cấp phó của Hương Cả mà đòi nắm chuyện tiền bạc ư… đừng có mơ! Muốn có nhiều tiền thì xin cụ Cả thu thêm thuế gà, thuế chó, thuế rơm, thuế cỏ, thuế cá, thuế heo… đi!

Hương Bộ hốt hoảng:

– Tôi giữ sổ thuế đây, làm gì có chuyện thu thuế cả chó, mèo, gà, vịt, rơm rác… Nói thế quan huyện khiển trách đấy!

Hương trưởng tán đồng:

– Tôi quản lý công quỹ của làng, tất nhiên muốn quỹ thật nhiều tiền. Nhưng thu thuế kiểu vơ vét đó ác lắm, dân oán hận đấy!

Hương Cả xua tay, quắc mắt:

– Các ông cãi vả ồn ào quá… toàn chuyện vớ vẩn! Thằng mõ xin chỉ thị tuyên truyền về đánh nhau cướp lộc chứ có thắc mắc về chuyện nhân sự, tiền bạc, thuế má… đâu mà mấy ông cứ vạch áo cho người xem lưng! Theo tôi… cứ cho nó đi loa vụ đó vì chuyện diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, giữa chốn đông người giấu thế nào được!

Hương Hào búi tóc thành bó to sau ót, mặc áo gấm đen lắc đầu buồn bã, lo lắng:

– Làng ta sắp được triều đình sắc phong “An – Thịnh – Thái – Hòa”, giờ thằng mõ lại đi rêu rao chuyện chửi bới nhau tục tĩu, tranh giành lộc đánh nhau đến u đầu, bể trán thì e rằng tiếng xấu đồn xa, quan huyện nghe được mách lên tỉnh, quan tỉnh mách lên triều đình; thượng thư phụ trách khen thưởng tâu với vua, vua không ký sắc phong mà con trách phạt Hội tề ta đó. Các ông nghĩ cho kỹ đi!

Các Hương chức lại nhìn nhau gật gù… “ừ nhỉ, ừ nhỉ…”. Hương Cả thở dài, bực bội:

-Lẽ ra cái việc cỏn con như tuyên truyền về lễ hội làng, Hương giáo, phải lo vì thuộc vấn đề… giáo huấn!
Hương giáo lật đật phun hạt quýt trong miệng vào tay thả xuống chiếu, xẳng giọng cãi:

– Tại tôi thế nào?… tại cái thằng mõ đầu óc tối tăm quá nên chuyện nhỏ chuyện to cứ phải chờ hỏi Hội tề. Ông nào tuyển dụng nó thì trách ông đó!

Có tiếng xì xầm hỏi nhau “Mõ con cháu của cụ nào nhỉ?” Rồi một Hương lên giọng chắc như đinh đóng cột: “Con cháu các cụ ai lại cho đi làm mõ hèn kém lại chẳng có bổng lộc, chẳng đường thăng tiến như thế…” Hương Chủ nghiêng đầu, dỏng tai nghe bàn tán rồi quay ra cửa gọi trịch thượng:

– Mõ… vào bảo!

Mõ lại lật đật chạy vào riu ríu đứng chờ lệnh. Hương Chủ hỏi:

– Ai giao chức mõ cho mày?

– Thưa… làng ạ!

– Làng là ai?

– Dạ… ở xóm thấy con trẻ khỏe, nhanh nhẹn nên trình lên làng, làng duyệt cho làm mõ ạ!

– Ra thế… thế trong xóm ai tiến cử mày!

Mõ sợ sệt đưa mắt nhìn Hương Cả. Cụ Cả vuốt râu, đủng đỉnh hỏi sang chuyện khác:

– Từ ngày làm mõ mày được cái gì?

– Dạ… sợ!

Hương Chủ cau mày:

– Sợ là sao?

– Dạ… lúc trước con chỉ có một cha một mẹ. Từ ngày làm mõ cả Hội tề hơn hai chục cụ, cụ nào cũng như cha mẹ luôn quát mắng hay lấy gậy gõ đầu, vụt mông con ạ! Người ta chỉ có một cha một mẹ, còn mõ có mấy chục cha mẹ, ai cũng có quyền đánh, chửi mõ không sợ sao được thưa các cụ?

Các Hương chức nhìn nhau, gật gù “Ừ nhỉ… ừ nhỉ”…

Hương Chủ co chân, trừng mắt nhìn mõ gườm gườm:

– Ự.. ự… ự… mày nói cứ như trách móc các ông… láo!

Hương Cả xua tay:

– Mõ có ích cho chúng ta, nó có nói sai thì nhắc nhở khẽ thôi, đao to búa lớn với nó làm gì để bên ngoài đàm tiếu Hội tề ta ức hiếp, bịt miệng thằng mõ!
Hương Chủ quay sang bỏ nhỏ Hương Sư:

– Lão ấy cứ làm như mõ là của riêng mình lão. Nó ăn lộc của làng chứ có phải ăn cơm nhà lão đâu!

Hương Sư thì thầm lại:

– Mẹ kiếp… lão ra vẻ cao đạo, rộng lượng để thằng mõ nói tốt cho lão đó mà… cũng có khi muốn dùng mõ để chửi thằng khác nên lão mới bênh vực nó!

Câu chuyện giữa họ bị cắt ngang bởi giọng của Mõ:

– Thưa các cụ, giờ mõ con phải đi rao thế nào ạ?

Các Hương chức nhìn nhau rồi đồng thanh hô to:

– Mày được chia ruộng là đã ăn lộc của làng, mày phải nói sao có lợi cho làng!

Mõ khổ sở, năn nỉ:

– Xin các cụ chỉ giáo, lỡ con sơ suất nói sai bị trách phạt thì sao?

– Mặc xác mày… không thích thì nghỉ, cả trăm thằng đang chờ được làm mõ kìa, mày đừng có chảnh chọe!

Mõ quỳ xuống ôm đầu khóc tu tu, than vãn:

– Làm mõ ở làng này sao khổ quá vậy trời!

*
*    *

Mồng ba tết Ất Dậu (2005). Tác giả truyện này may mắn gặp được anh Mõ ngày xưa lúc này đã 92 tuổi, nhưng còn lanh lợi, minh mẫn. Biết tôi làm báo, viết văn, cụ móm mém hài hước:

– Chào hậu duệ, làm báo bây giờ chắc là sang, sướng hơn làm thằng mõ khổ nhục thời thực dân phong kiến nhỉ?

Tôi nắm tay cụ cười:

– Bảy mươi hai năm sau lại có người viết về con như bây giờ con viết  về cụ ngày xưa vậy. Nhân loại phải tiến bộ cụ ạ!

“Cựu mõ” bỗng đổi giọng, tự hào khoe:

– Hương Cả, Hương Chủ, Hương chánh, Hương trưởng, Hương sư, Hương quản, Hương thị, Hương lễ, Hương văn, Hương giáo, Hương Thân, Hương Hào, Hương Bộ… đều chết nhăng răng cả. Cái chế độ tập ấm phong kiến sâu mọt bầy đàn, cường hào lúc nhúc, bóc lột nhân dân, phá hoại đất nước cũng đã bị cách mạng tháng 8 đánh đổ rồi. Chỉ còn mõ đây cứ sống tà tà, rủ rỉ kể chuyện đời xưa cho đời nay biết thôi. Mõ tuy phận hèn, nhưng trời thương phật độ nên thọ hơn mấy ông Hương chức cứ muốn làm cha làm mẹ quát mắng, dọa nạt mõ… khà… khà… khà!

Cười nói xong “cựu mõ” hỉ hả mời tôi uống ly rượu xuân… Giáp tết Đinh Dậu (tháng giêng 2017), “cựu mõ” qua đời ở tuổi ngoài “bách niên”. Nhớ bậc tiền bối, kẻ được cụ phong là “hậu duệ thằng mõ” viết lại những gì cụ kể…

(Trích từ Tập truyện Kẻ Sát Nhân Lương Thiện – NXB Hội Nhà Văn)

Lại Văn Long