Nguyễn Thanh
(Vanchuongphuongnam.vn) – Trải qua quá trình hơn bốn nghìn dựng nước bắt đầu từ đời vua Hùng, Việt Nam đã chịu không ít nỗi bất hạnh của dân tộc phải liên miên gian khổ đấu tranh chống thiên tai và địch họa để được sinh tồn. Hơn trăm thế kỷ bị Bắc thuộc, gần trăm năm nô lệ giặc Pháp và một phần tư thế kỷ nhân dân ba miền phải cam chịu thống khổ vì đạn bom đế quốc Mỹ. Nhưng cũng từ trong bóng đêm chiến tranh đau thương nghiệt ngã đó, dân tộc ta khả dĩ tự hào được là một dân tộc anh hùng. Trong mọi tầng lớp nhân dân đều là chiến sĩ đó có sự hiện diện của tuổi trẻ Việt Nam, thể hiện tinh thần dũng cảm hy sinh luôn chiến đấu và chiến thắng vẻ vang quân thù xâm lược.
Sáng sớm một ngày trời mây u ám vào trung tuần tháng giêng năm 1950, nhà trường bất ngờ thông báo cho toàn thể học sinh Trung học Phan Thanh Giản chuẩn bị làm lễ truy điệu Trần Văn Ơn. Anh Trần Văn Ơn là học sinh Việt Nam đã dũng cảm hy sinh trong một cuộc biểu tình của học sinh sinh viên Việt Nam chống chính quyền Sài Sòn lúc bấy giờ còn nằm trong thể chế Liên hiệp Pháp.
Anh hùng Trần Văn Ơn.
Năm ấy, tôi từ trường Nam Tiểu học Cần Thơ vừa trúng tuyển vào học lớp Đệ Thất (nay là lớp 6) Trung học. Theo lệnh của GS. Nguyễn Băng Tuyết, hiệu trưởng trường trung học Phan Thanh Giản (tiền thân là Trung học Cần Thơ – Collège de Can Tho), tôi cùng các bạn học cùng tập trung ra sân trường dưới sự hướng dẫn của các thầy giám thị. Trong khoảng thời gian này, trung học Cần Thơ (hiện nay là trường PTTH Châu Văn Liêm tọa lạc rang nghiêm giữa bốn con đường Xô Viết Nghệ tĩnh – Ngô Quyền và Võ Thị Sáu – Trương Định) vừa bị quân Pháp xung công và gọi là thành Tây từ khi xảy ra chiến tranh Đông Dương (1941). Mãi cho tới năm 1956, thực dân Pháp mới trả lại cho thầy trò trường Phan Thanh Giản vào đúng vị trí trước kia. Do vậy, trung học Phan Thanh Giản lúc ấy còn nằm tại vị trí trường PTCS Đoàn Thị Điểm bây giờ. Vào thời điểm đó, cơ quan An ninh Pháp (Sureté nationale) lại trớ trêu tọa lạc cùng đường, cổng chính hai cơ quan đối diện nhau chỉ cách một con đường không quá mười mét. Cách đó chỉ mấy hôm, chính mắt tôi đã trông thấy một cảnh tượng hải hùng xảy ra ngoài đường cách cổng trường không xa. Khi bị dẫn đi làm cỏ trước cổng cơ quan của chúng, một tù nhân toan chạy trốn đã bị tên lính Tây bắn bị thương ở chân không chạy được nữa. Anh tù chính trị gượng ngồi thẳng người lên, đôi mắt long lanh nhìn ngay tên lính giặc, đưa hai tay đưa thẳng lên khỏi đầu, miệng dõng dạc hô lớn: “Hồ Chí Minh muôn năm!”.
Trước khi bị ăn tiếp một phát súng lục vào mang tai và ngã gục luôn tại chỗ. Mọi hoạt động diễn ra thường ngày của một bên, bên kia có thể trông thấy. Buổi lễ truy điệu trò Trần Văn Ơn hôm ấy không hiểu sao diễn tiến ra trật tự an toàn trong sân trường mà không bị tác động bởi một thế lực từ phía giặc trong lúc ô tô của cơ quan an ninh Pháp và bọn lính tay sai bên kia đường vẫn chạy ra vào cổng như mọi ngày.
Giữa sân trường học, một chiếc quan tài màu đen dường như bằng giấy carton được đặt trang trọng với chiếc lư hương ở đầu, hai bên là những bó hoa tươi. Học sinh trong trường đứng thành hàng ngay ngắn, nghiêm trang lắng nghe hiệu trưởng đọc diễn văn mở đầu, nêu lý do buổi lễ truy điệu. Tiếp theo sau là phần phát biểu cảm tưởng của những đại điện học sinh.
***
Trần Văn Ơn (1931-1950) nguyên quán xã Phước Thanh, huyện Châu Thành, tỉnh bến Tre. Sinh ra trong một gia đình trung lưu, cha anh là ông Trần Văn Nghĩa, một công chức ngạch thấp và mẹ anh là bà Huỳnh Thị Tửu, một gia đình mà hầu hết anh chị của anh đếu tham gia cách mạng. Trong đó chị anh là Trần Thị Lễ là liệt sĩ đã hy sinh năm 1948. Thời thơ ấu tại quê nhà, Trần Văn Ơn học trường tiểu học thị xã Mỹ Tho. Sau đó, anh cùng gia đình chuyển lên Sài Gòn, sống tại số nhà 322/10 đường Verolun, Sài Gòn. Tháng 8 năm 1945, Trần Văn Ơn thi đậu vào trường Trung học Pétrus Ký…. Là một học sinh năng nổ lại xuất sắc trong học tập và hoạt động xã hội, đến năm học thứ ba (1948-1949) thay vì phải học đến bốn năm, anh Trần Văn Ơn nhảy đỗ bằng Thành chung, bậc Đệ nhất cấp Pháp (Brevet du 1er Cycle). Năm học kế tiếp, khỏi học năm thứ tư bậc cao tiểu, anh Ơn được đặc cách lên học lớp ban Tú Tài (lớp Seconde, tương đương với lớp 10 hiện nay) của trường. Trong gia đình là một đứa con hiền lành hiếu thảo với cha mẹ, anh Trần Văn Ơn được coi là chăm ngoan học giỏi, lễ phép với thầy cô, yêu thương hay giúp đỡ bạn bè đồng thời cũng nổi bật ở tinh thần hoạt động xã hội.
Mới lên năm thứ hai (1947) bậc Đệ nhất cấp, anh Trần văn Ơn đã tham gia vào phong trào yêu nước của trường và là thành viên của Hội Học sinh Sinh viên Việt Nam – Nam bộ. Anh Ơn là hội viên mật của Đoàn Học sinh Kháng chiến Nội thành, nhận nhiệm vụ tuyên truyền, vận động học sinh trong trường tham gia vào các hoạt động chống thực dân Pháp và chính quyền thân Pháp. Trần Văn Ơn được coi là một cột trụ phong trào học sinh yêu nước của trường Pétrus Ký. Tinh thần dân tộc ở tuồi trẻ miền Nam ngày một dâng cao ở các trường học. Trước ngày kỷ niệm 9 năm cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940) mật thám Pháp đã bắt cóc một số học sinh của trường Pétrus Ký. Sau sự kiện này, ngày 23/11/1949, học sinh của hơn 10 trường tại Sài Gòn đã rầm rộ bãi khóa. Dù đang bận chẩn bị thi Tú Tài trong thời gian này, Trần Văn Ơn, vẫn hăng hái cầm đầu nhóm học sinh của trường Pétrus Ký xuống đường tham gia đi biểu tình.
Ngày 9/1/1950, tại Sài Gòn đã sấm sét nổ ra cuộc biểu tình lớn của hơn 6.000 học sinh -sinh viên và giáo viên các trường. Đoàn biểu tình rầm rộ xuống đường, kéo đến dinh thủ hiến Trần Văn Hữu, quyết liệt yêu cầu chính quyền thân Pháp thả ngay những học sinh sinh viên bị bắt. 1 giờ chiều ngày hôm đó, chính quyền thân Pháp đương thời đã huy động một lực lượng lớn cảnh sát để đàn áp đoàn biểu tình. Bọn đồ tể tay sai đem xe vòi rồng phun nước và dùng dùi cui đánh đập tàn nhẫn người biểu tình. Hậu quả là trong đoàn biểu tình có 150 người bị bắt áp tải đi lên xe và 30 người bị đánh đập trọng thương tại chỗ. Quả cảm không hề sợ chết trước kẻ thù, Trần Văn Ơn cùng một số bạn bè hiên ngang tiến về phía trước, lên tiếng tố cáo tội ác của chúng đồng thời che chở cho các em học sinh nhỏ ở phía sau. Trong lúc khiêng nữ sinh Tạ Thị Thâu của trường Gia Long bị cảnh sát đánh ngất xỉu, Trần Văn Ơn bị trúng đạn vào bụng. Anh Ơn cùng với các người bị thương khác được đưa và bệnh viện Chợ Rẫy cứu chữa. Nhưng do vết thương quá nặng, anh Trần Văn Ơn đã qua đời vào lúc 15.30 phút chiều cùng ngày khi anh chưa đầy 19 tuổi. Tưởng cũng nên nhắc lại, trong lần biểu tình lịch sử này tại hòn ngọc Viễn Đông, Nguyễn Thị Phương Dung, một nữ sinh duyên dáng trẻ đẹp như một hoa khôi rất năng động khác của trường Áo Tím (tên gọi trường Gia Long, Sài Gòn) về sau là vợ của BS. Lê Văn Khoa, một trí thức tài hoa yêu nước khả kính của đất Tây Đô, nhà ở số 9 đường Võ Thị Sáu, Cần Thơ. Nguyễn Thị Phương Dung cũng bị cảnh sát Pháp đánh ma trắc vào đầu khiến không mấy năm sau, chị phải chịu hệ luỵ suốt cả đời bởi bệnh tâm thần (mental disease).
Tin anh Trần Văn Ơn mất đã gây xúc động trong giới học sinh sinh viên và làm dậy sóng dư luận báo chí và quần chúng Sài Gòn. Những học sinh tích cực được cử tới nhà thương để bảo ác Trần Văn Ơn. Sau khi đấu tranh với nhà cầm quyền để được đưa xác anh Trần Văn Ơn về quàn 3 ngày tại Vĩnh biệt đường Thuận Kiều, Anh em thầy cô lập bàn thờ, đặt linh vị và quyết định tổ chức tang lễ cho anh Trần Văn Ơn ngay trong khuôn viên nhà trường. Toàn thể học sinh Pétrus Lý đã mang băng tang đen để bày tỏ lòng nhớ thương anh. Từ ngày 10 đến 12/1/1950, hàng trăm đoàn thể đủ các giới: công nhân, trí thức, doanh nhân, trí thức, nghệ sĩ, nhà báo. Học sinh, sinh viên…cùng đến viếng, thắp hương và đặt vòng hoa tưởng nhớ anh. Đã có hơn 300 vòng hoa tưởng niệm đặc biệt trong đó có cả vòng hoa của những người Pháp mang dòng chữ “Soldats démocratiques” (Chiến sĩ dân chủ).
Chính giáo sư Lưu Văn Lang với tư cách trưởng ban tổ chức, đứng ra làm lễ tang trọng thể cho anh Trần Văn Ơn vào ngày 12/1/1950. Hơn chục ngàn người thương xót cảm phục anh Ơn đã lũ lượt kéo đến tập trung tại trường Trương Vĩnh Ký. Cũng trong thời điểm ấy, đã có hơn 300. 000 người dân Sài Gòn xuống đường ủng hộ. Báo Thần Chung, trong số ngày 14.1.1950 cũng hưởng ứng đám tang Trần Văn Ơn. Cùng lúc đó, các hiệu buôn người Việt, người Hoa, người Ấn và các cửa hàng doanh nghiệp tư nhân khác đều đóng cửa suốt ngày hôm đó. Hỗ trợ tinh thần Trần Văn Ơn, các loại xe cộ đưa rước người đi đự đám tang đều đồng loạt không lấy tiền. Cảm động nhất là hàng mấy trăm phu xích lô đã tình nguyện chở không thu tiền hơn 300 vòng hoa của những người mang đến phúng điếu. Hai đại biểu học sinh ở Trung và Bắc cũng đi phi cơ kịp lúc vào dự tang lễ của anh Trần Văn Ơn.
Khi tập trung đông đủ, đúng 7 giờ 30 phút buổi sáng hôm ấy, đoàn người đưa tang bắt đầu khởi hành, đi qua các con đường của Sài Gòn, tới nhà Vĩnh biệt đường Thuận Kiều đón linh cửu anh. Dọc đường, hàng hàng lớp lớp học sinh sinh viên mang theo di ảnh Trần Văn Ơn cùng với biểu ngữ vừa bày tỏ lòng kính phục người quá cố vừa tố cáo thực dân đã tàn nhẫn ra tay giết học trò. Dẫn đầu đoàn biểu tình là những nhân sĩ, trí thức yêu nước như giáo sư Lưu Văn Lang, luật sư Nguyễn Hữu Thọ – nguyên Chủ tịch MTDTGPMN , luật sư Trịnh Đình Thảo – nguyên Chủ tịch Liên minh Dân tộc- Dân chủ và Hòa bình,…cùng một số người Pháp và đôg đảo quần chúng. Có khoảng 25.000 người trong đoàn đã đi qua những con đường hai bên lề đông nghẹt quần chúng hưởng ứng đang ngậm ngùi đứng chờ tiễn biệt anh Trần Văn Ơn về an nghỉ nơi cõi bất tử vĩnh hằng. Tại nghĩa trang Chợ Lớn, nhiều điếu văn cảm động ca ngợi sự dũng cảm hy sinh của người đã khuất được đọc, lên khiến nhiều người không khỏi sụt sùi thương tiếc.Trong điếu văn của đại biểu sinh viên học sinh nội dung mang ý nghĩa một lời đinh ninh tuyên thệ, đã có những đoạn biểu dương lòng yêu nước và khí phách anh hùng của anh Trần Văn Ơn: “Chúng ta sẽ không bao giờ quên ngày 9 tháng 1, ngày mà anh Trần Văn Ơn và các bạn học sinh, sinh viên đã không sợ chết, quyết đem xương máu, sinh mạng của mình để đổi lấy tự do… Tinh thần bạn Trần Văn Ơn bất diệt !”.
Đám tang anh Trần Văn Ơn năm ấy đã trở thành một “cuộc biểu dương lực lượng to lớn của đồng bào yêu nước Sài Gòn – Chợ Lớn, chống lại chính quyền thực dân Pháp. Để ghi nhớ lòng quả cảm, tinh thần bất khuất dũng cảm tranh đấu chống xâm lăng của học sinh Trần Văn Ơn, Đại hội Toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tại chiến khu Việt Bắc vào tháng 2 năm 1950 đã quyết định lấy ngày 9 tháng 1 hàng năm làm Ngày Truyền thống của Học sinh – Sinh viên Việt Nam. Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã ký Quyết định công nhận liệt sĩ cho Trần Văn Ơn. Tháng 3 năm 2000, anh Trần Văn Ơn tiếp tục được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Và tên anh Trần Văn Ơn cũng được đặt cho những con đường và trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Thanh Hóa, Đồng Hới… Tên anh cũng được đặt cho Giải thưởng Trần Văn Ơn, dành cho học sinh khối Chuyên nghiệp và Dạy nghề do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức.
Hôm nay, đất nước đã sạch bóng quân thù xâm lược, nhân dân ba miền trong đó có học sinh- sinh viên thực sự được sống trong độc lập tự do nhờ những người đã dũng nằm xuống như anh hùng Trần Văn Ơn, hoặc Nguyễn Văn Trổi, Lê Văn Tám… của Sài Gòn năm xưa… Hưởng hạnh phúc trong cảnh thanh bình thịnh vượng, ta phải làm gì bằng hành động ích lợi thiết thực cho dân tộc trên mặt trận xây dựng đất nước và bảo vệ tổ quốc. Ta đinh ninh phải làm thế nào để minh chứng là không quên công ơn to lớn kể cả sinh mệnh quý báu của những người đi trước và xứng đáng là hậu duệ của vua Hùng đã dày công dựng nước và Bác Hồ vĩ đại kính yêu.
N.T