Trốn lính ngày xưa – Bút ký của Chàng Văn

1491

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tiếng sấm Đồng Khởi – Bến Tre (1960) âm vang dai dẳng nhiều năm khiến chế độ cộng hòa kinh hoàng lo sợ trước sự lớn mạnh không ngừng của khí thế cách mạng. Dù được đế quốc Mỹ hà hơi tiếp sức bằng vũ khí tối tân hiện đại, chính quyền Sài Gòn vẫn tiếp tục ra lệnh bắt lính khắp nơi để tăng quân, không chừa ai kể cả sinh viên học sinh ở các trường học.

Dường như tiêu chí bắt lính xếp loại của chế độ cộng hòa trước đây cơ bản dựa theo trình độ học vấn. Mù chữ hay chỉ biết đọc, vào binh nhì. Có bằng cấp Trung học, đi Trung sĩ tức là Hạ sĩ quan. Tôi còn nhớ thật tiếu ngạo với câu thơ song thất lục bát truyền miệng lúc bấy giờ do giáo sư Lý Chánh Trung (1) dạy Triết có dịp dí dỏm và mỉa mai nhắc lại trong buổi nói chuyện với sinh viên tại Đại học Cần Thơ năm 1972: Rớt Tú Tài, anh đi Trung sĩ/ Vợ ở nhà lấy Mỹ nuôi con/ Thanh bình trở lại nước non/ Về nhà đã có Mỹ con anh bồng! Còn được biết thanh niên đậu từ Tú Tài I trở lên có thể bị gọi đi sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Chỉ loại nhắm mắt dám chơi liều mới tình nguyện đi sĩ quan Chiến tranh Chính trị Đà Lạt hay sĩ quan Không quân – nếu đủ điều kiện về tầm vóc thể lực.

Bọn tôi dạo ấy gồm ba đứa cùng tỉnh Nguyễn Trung Tấn (Nhà ở đường Phan Đình Phùng), Biện Văn Minh (đường Phan Thanh Giản) và tôi học Đệ Tam (lớp 10 hiện nay) bậc Đệ Nhị cấp trường Trung học Phan Thanh Giản – Cần Thơ. Thuộc lứa học sinh lớn tuổi so với bạn bè cùng lớp vì nửa chừng chúng tôi buộc phải nghỉ học mấy năm trong hoàn cảnh trường học ở nông thôn bị giặc dội bom phá hủy. Do vậy, dù còn đang đi học trường công lập, tới tuổi cũng phải trình diện đi quân dịch. Hai lần trước, khi còn học Đệ nhất cấp (THCS hiện nay), ba đứa được tạm hoãn với lý do hoặc con một hoặc thiếu sức khỏe. Kỳ này, trong tình hình đôn quân, chúng tôi phải đi trình diện lần thứ ba, tức là lần cuối cùng e không thoát khỏi. Nhứt quá tam, nếu may mắn, ba đứa sẽ được xếp vào loại “Bất lực vĩnh viễn” coi như hoàn toàn thiếu sức khỏe, suốt đời khỏi phải đi lính.

Căn nhà lá nhỏ bé ọp ẹp tại một hẻm nhỏ đường Duy Tân (nay là đường Hoàng Văn Thụ) gần cầu Đôi Cái Khế được cha mua cho anh em tôi ở học gần trường. Sáng một hôm gặp phải giờ trống của lớp, tôi tranh thủ về nhà thì có một người đàn ông trung niên, mặc sắc phục trắng, đầu trần – sau đó nghe bà con nói ông ấy là cảnh sát chìm – xuất hiện bất ngờ:

– Cậu em có giấy gọi trình diện. Người đàn ông lạ vẻ mặt nghiêm nghị, thản nhiên trao tôi tờ giấy nhỏ chừng 1/4 tờ A4 bây giờ với nội dung rùng rợn… ấy rồi lạnh lùng lên xe Honda Dame 50 rồ máy chạy đi. Bạn tôi, Tấn và Minh cũng đã nhận lệnh gọi.

Đầu óc đang tập trung vào việc đèn sách nửa chừng bỗng bị gọi trình diện, khám sức khỏe đi quân dịch, tôi tái mặt, muốn đứng tim, cảm giác như  bất ngờ đất bằng dậy sóng ! Mặc cho tôi là con sâu gạo được cấp học bổng nguyên liên tục trong nhiều năm từ cấp sơ đẳng tiểu học đến Đệ nhị cấp, mỗi tháng đều có tên trên bảng danh dự treo nơi một đỉnh cao trang trọng của nhà trường. Thế là lo lắng, ăn ngủ không yên, việc học hành coi như quên hết từ thời điểm ấy. Căn nhà vắng vẻ bắt đầu bao trùm một bầu không khí ngột ngạt nặng nề. Cha mẹ tôi ở làng quê nghe được tin bất thường hết sức lo lắng hoang mang, không còn tâm trí làm ăn… Điều làm tôi bắt đầu ray rức không yên là vào quân đội lúc ấy thì chiến đấu vì ai, đấu tranh cho lý tưởng gì? trong khi ngày đêm đất nước quê hương mình không lúc nào lắng im tiếng đạn bom của ngoại bang. Cho đến hôm nay, tôi còn mãi đau lòng không bao giờ quên được sự hy sinh không còn nguyên vẹn thân xác của hai vợ chồng anh hai – chị hai tôi cách nay mấy mươi năm bởi bom đạn Mỹ ở Nha Mân cuối dòng kênh Mười Thới – Vĩnh Long quê tôi trong một trận chống càn.

Một buổi sáng vài hôm sau khi nhận đủ lệnh gọi trình diện, cả ba đứa hẹn gặp nhau ở quán cà phê văn nghệ Thằng Cuội tại số 11 đường Pasteur (nay là đường Võ Thị Sáu – Cần Thơ) thuộc trung tâm thành phố. Đây là địa điểm hội tụ quen thuộc của làng văn nghệ, sinh viên học sinh Tây Đô. Không khí u huyền bao phủ ngày đêm, triền miên với tiếng hát của các ca sĩ thời danh mang giai điệu buồn tênh với những ca từ não ruột. Giọng rên rỉ của Khánh Ly, Thanh Thúy, Chế Linh,… trong ca khúc của Trịnh Công Sơn, Trúc Phương, Thanh Sơn,… làm tôi bất chợt nhớ đến câu thơ của một thi sĩ đời Đường: Thương nữ bất tri vong quốc hận/Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa (2) khiến tôi cảm thấy bâng khuâng khôn xiết. Khói thuốc lá đục ngầu, tản mạn bay vòng vèo như rắn lượn lên trần nhà. Với vẻ mặt trầm tư, khách ngồi quán ai cũng cảm thấy hồn vía mang mang nỗi ưu tư, không khác gì mình là những triết nhân!

Mặt mày đứa nào cũng nhợt nhạt, bơ phờ.

– Bây giờ phải làm thế nào đây các bạn? Minh hay nói, hỏi Tấn và tôi bên cạnh ly cà phê đắng nó mới gọi và qua khói thuốc Bastos xanh ngùn ngụt nó mới phun ra từ cái miệng dày môi của nó.

– Tao đã cân nhắc kỹ trong nhiều đêm qua, chắc là bọn mình phải chọn cách hiệu quả nhất trong Tam thập lục kế! (3) Tấn trầm ngâm nhìn Minh và tôi ra vẻ cần được tham khảo ý kiến.

– Dĩ đào vi thượng! (4) Tôi tính kiệm lời, nhưng đến lúc cũng phải phát biểu suy nghĩ của mình nhất là trong tình huống gay go này.

– Thế mày bảo là bọn mình phải trốn lính à? Minh gật gù nhìn tôi dò ý.

– Tao nghĩ trốn lính ở đây có nghĩa là tìm cách không đi lính hợp pháp để mình được tiếp tục học hành. Tấn làm ra vẻ trầm tĩnh.

Cả ba đứa Tấn, Minh và tôi im lặng một phút như để cùng nhau tìm diệu kế cho phương án trốn đi quân dịch an toàn nhất.

Sau nhiều đêm thức trắng với cà phê đen và thuốc lá quạu, một buổi sáng Minh đến gặp tôi và Tấn tại một quán nước bình dân ngoại ô với vẻ lạc quan:

– Tao tìm được cách hay rồi…!

Tôi yên lặng chờ đợi trong khi Tấn thì cố làm ra vẻ bình tỉnh. Tấn móc ra điếu thuốc lá gắn vào môi mấp máp rồi bật lửa đốt với chiếc hộp quẹt Zippo.

– Mỗi đứa có thể tự lựa chọn cho mình một trong các cách hành xử sau đây: – nhịn đói ép xác để sụt cân – nhỏ a-xít tạo vẩy cá ở mắt phải hoặc chặt bỏ ngón trỏ bàn tay phải…!

Mắt nhìn rảo một một vòng từ Minh đến tôi với cặp môi bưởi dày cộm vễnh xuống vễnh lên tỏ vẻ mình như Khổng Minh, Tấn tự hào.

Riêng tôi bẩm sinh tính thỏ đế, thích lắng nghe hành động hơn là thuyết lý. Trong khi Minh tỏ ra quán triệt cao kiến của Tấn, nó không bỏ cơ hội, vừa ăn theo vừa lên lớp Tấn:

Nghều ngào như mày tao đề nghị hãy đoạn ngón trỏ bàn tay phải bằng không thì mày cũng đủ điều kiện thi vào trường sĩ quan không quân để có cơ hội theo chân giặc lái dội bom xuống nhà cửa, làng mạc đồng bào, mồ mả tổ tiên mình!

Ba đứa lo lắng, ăn ngủ không yên. Vì là chuyện nhạy cảm, không ai bảo ai, mỗi đứa trong bọn tôi âm thầm tự tìm cách thực hiện theo kế hoạch đã đề ra.

Vốn to xác, Tấn cồ chọn thực hiện phương sách đoạn chỉ. Dù nhiều lần, Tấn vẫn nhớ mồn một lời dạy về lòng hiếu thảo đối với cha mẹ của người xưa: Thân thể phác phu/ thọ chi phụ mẫu/Bất cảm hủy thương…(Tạm dịch: Da tóc thân thể này cha mẹ tạo ra/ Ta không được làm tổn thương…). Vậy mà!

Là đứa con một rất hiếu thảo với cha mẹ, Tấn đã trăn trở, suy đi tính lại trước khi phải quyết định một việc chẳng đặng đừng. Chuyện tế nhị, nó âm thầm tìm một tấm thớt me, một con dao phay thật bén rồi nhờ hai bạn thân A và B có kiến thức về y tế hỗ trợ. Lúc đầu hai bạn Tấn do dự, mãi đau đáu vì làm sao lại nở cầm dao sát thương thằng bạn thân thiết của mình. Tấn giải thích sau cùng chúng nó mới dám nhận.

Vào buổi trưa nơi một gò mả thanh vắng dưới bóng bụi tre gần Hồ Xáng Thổi, cơn gió mát nhẹ thoảng đưa giúp Tấn tìm được sự bình tỉnh để giải quyết một việc vô cùng ghe gớm trong đời nó. Nấm tay phải đặt cạnh thớt với ngón trỏ chìa ra, Tấn cố trầm tỉnh nhắc lại hai thằng bạn đao phủ của nó:

– Hai đứa mày gắng giúp tao một lần. A cầm đứng chắc cán, đặt lưỡi dao sát cận gốc ngón tay trỏ. B cầm búa tập trung, nện mạnh xuống ngay giữa sống dao cho ngọt như chém treo ngành! Tao đếm một, hai, ba ! thì bọn mày… Phụp! A, B lúc đần còn do dự nhưng sau đó cũng giúp Tấn toại nguyện. Tấn đã yên tâm, không còn sợ phải vào lính bóp cò súng sát hại đồng bào.

Trong ba đứa tôi, Minh lanh lợi, nói năng hoạt bát nên sớm có người yêu tên Liên. Khi chọn con đường làm mù mắt bằng loại hóa chất, Minh nghĩ ra cách nhờ bạn gái giúp nó hoàn thành ý nguyện vì nó nghĩ không thể nào tự một mình giải quyết một việc quá phức tạp. Minh âm thầm đi mua ống mũ nhỏ mắt và a-xít sun-fu ric về cất kỹ một nơi kín đáo rồi gọi bạn gái đến hỗ trợ.

Lúc đầu, Liên băn khoăn, đắn đo, tự nghĩ làm sao nàng đành ra tay gây thương tật cho người yêu của mình. Cầm trên tay dụng cụ chuẩn bị làm một công việc nhạy cảm, nàng cảm thấy tim mình đập mạnh. Nhận rõ sắc mặt Liên có vẻ lo lắng, tay nàng run run, Minh trấn tỉnh nhắc nhở, động viên nàng:

– Em hãy hết sức tập trung, chỉ nhỏ một giọt nhỏ vào mắt phải của anh! Minh lại thôi thúc bạn:

– Thương anh, vì tương lai hai đứa mình, hãy hành động đi em! …

Phần tôi, do thân hình ốm yếu, phương án giải quyết đã hình thành từ lâu cơ bản làm giống như các lần trước. Có người mách nên thức đêm uống cà phê đen, hút thuốc lá nặng đô thật nhiều hoặc uống mực xanh tạo vết nám cho phổi nhưng tôi không biết kết quả thực hư ra sao. Thức đêm, hút thuốc, cố gắng được rồi nhưng uống mực xanh thì ghê quá … thực sự tôi không dám làm. Tôi bắt đầu làm theo cách đã chọn. Những ngày đầu giảm lần từ từ khẩu phần ăn có dinh dưỡng sau đó ăn cháo loảng, rồi uống nước cầm hơi. Tức là tôi phải ép xác để được càng sụt ký càng tốt. Mắt thâm quầng, thụt sâu, má hóp lại thành hai lổ trủng, tức là tôi tự hành xác chờ đến ngày ra hội đồng giám định y khoa lần cuối cùng ở Sài Gòn để nhận luôn sổ tùy thân liệt vào loại Bất lực vĩnh viễn suốt đời không đi lính.

Sau những ngày gian nan chuẩn bị cuộc hành trình ngoài ý muốn, cả ba đứa tôi hẹn gặp lại nhau lúc 9 giờ tối tại bến xe Nhơn Hòa – Tham Tướng, đường Mạc Tử Sanh (nay là đường 30/4) để cùng đi xe đêm lên Sài Gòn kịp ra hội đồng giám định y khoa trong buổi sáng sớm hôm sau. Thân hình bệ rạc, ba đứa nặng nề lên xuống xe, mắt hoa lên vì mất sức, đi đứng loạng choạng như những cái xác không hồn giữa một thành phố ồn ào xa hoa, yêu cuồng sống vội, tràn ngập bóng dáng bọn lính viễn chinh đa sắc màu.

Nhưng chung cuộc, với quyết tâm bất biến, kế hoạch trốn đi quân dịch của Minh, Tấn và tôi đã thành công mỹ mãn. Ba đứa tôi trở lại trường Phan Thanh Giản tiếp nối việc học với ước mong trong tương lai được làm nghề gõ đầu trẻ sau khi đã gay go gian khổ tìm cách thoát khỏi con đường vào lính phục vụ vô nghĩa cho một chế độ ăn theo.

Chàng Văn

(1) GS. Lý Chánh Trung dạy Triết tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, Cần Thơ… trước 1975. Là tác giả những tập nhận định tình hình thời sự có nội dung tiến bộ : Tìm về dân tộc, Ba năm xáo trộn

(2) Ca nữ không hay sầu mất nước/Bên sông hát khúc Hậu Đình hoa – Đỗ Mục (803-853), thi sĩ đời nhà Đường.

(3), (4) Trong 36 chước, trốn chạy là hay nhất.