Trương Anh Quốc sinh năm 1976 tại Quế Sơn, Quảng Nam. Tốt nghiệp Đại học Hàng hải TP.Hồ Chí Minh, anh làm công việc của một kĩ sư điện trên tàu viễn dương. Từng đoạt Giải Nhất cuộc thi “Văn học tuổi hai mươi” do Nhà xuất bản Trẻ phát động. Anh cũng từng đoạt Giải Tư cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Nhà văn Trương Anh Quốc.
Hơn mười năm làm kĩ sư bám biển, rong ruổi theo những hải trình len lách khắp ¾ trái đất là biển cả, Trương Anh Quốc gần như có một vùng đất độc đáo cho ngòi bút của mình. Anh đã chọn lối đi vừa sức nhưng vẫn có bản sắc riêng, có một thái độ ứng xử phù hợp với chữ nghĩa. “Sóng” là tiểu thuyết du kí mới nhất của anh do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Tiếp tục kiên trì với mảng đề tài quen thuộc nhưng để viết cho lạ là một thách thức, Trương Anh Quốc đã nhìn nhận về tác phẩm của mình thế nào? Anh đã có những chia sẻ với VNQĐ.
– Anh đã bắt đầu việc sáng tác như thế nào? Điều gì đã khiến anh viết văn?
Ở vùng quê trung du thời nhỏ tôi không được đọc sách báo gì ngoài sách giáo khoa trên trường lớp. Lúc sinh viên sống ở thành phố lớn, khi được đọc mấy truyện ngắn trên báo tôi thấy cũng có thể viết được như vậy rồi tập tành viết gởi báo. Rồi truyện cũng được đăng, cảm giác vui sướng lạ, sướng nhất là có tiền nhuận bút mua cơm và nộp học phí. Sau khi ra trường đi làm tôi vẫn giữ thói quen viết túc tắc đó, nhiều khi viết để đó chứ không gởi báo nữa. Ban đầu tôi viết rất bản năng, dần dần ý thức viết văn không chỉ cho riêng mình, thỏa cái tôi của mình mà còn có bạn đọc, những thứ mình viết ra có ích gì cho bạn đọc hay không. Tôi điều chỉnh cân đối hai yếu tố ấy cho dần hợp lí. Khi ý thức điều đó, càng lúc tôi thấy viết văn là loại hình lao động cực nhọc. Văn không có đáp số hay mẫu số chung. Người viết văn không giống như một người thợ lành nghề làm được sản phẩm A thì sẽ làm được sản phẩm B tương tự. Khi viết một truyện mới sẽ đối diện với trang giấy/ màn hình word trắng, mọi thứ hầu như bắt đầu từ con số không, rất khó khăn. Ngay như tên một truyện ngắn nhiều khi cũng xuất hiện khi viết gần hết truyện hoặc kết thúc truyện rồi mới đi tìm chúng. Dần dần tôi thấy viết văn ngày càng khó, để viết được một tác phẩm hay càng rất khó, cứ như rơi xuống biển càng bơi càng không thấy bờ đâu.
– Vậy viết văn với anh là một việc không thể cưỡng hay một lựa chọn?
Nhiều khi thấy tôi sao viết văn chi cho dại. Nếu bỏ thời gian và công sức đọc sách văn học ấy sang học tiếng Anh hay một chuyên ngành nào đó chắc chắn sẽ giỏi. Có lẽ viết văn là một thú vui, lâu ngày trở thành đam mê khó bỏ, đã bập vào rồi khó dứt ra được. Khi gặp một ý hay tự nẩy ra được vấn đề tâm đắc, một câu chuyện thú vị thấy tinh thần phấn chấn lên cao. Nhiều lúc đang ngủ mơ, bắt gặp một ý hay câu chuyện chợt đến trong vô thức tôi bèn bật dậy lật đật lấy bút nguệch ngoạc vài ba kí tự ra giấy, lên bàn tay, bức tường hay bất cứ đâu. Nếu không ghi vội như thế có khi ngủ tiếp sẽ quên, thức dậy có cố mấy cũng không thể nhớ lại được. Còn khi viết được một truyện ngắn hay một chi tiết ưng ý, tôi sướng ran đến vài ngày. Nói chung viết văn mang lại cho tôi niềm vui, có cơ hội được gặp gỡ giao lưu với những nhà văn và tác giả mà mình yêu mến.
– Những sáng tác của anh thường gắn liền với những chuyến đi và trải nghiệm của một kĩ sư làm việc trên tàu biển cùng những chuyến dừng chân ở những vùng miền khác nhau trên thế giới. Có thể nói rằng, vì đi biển mà anh viết văn hay việc viết văn khiến anh không bỏ lỡ những tư liệu quý giá trên mỗi hành trình ấy?
Tôi làm việc trên biển, thường đi lại gặp gỡ tiếp xúc với những con người trên biển, có cơ hội được đặt chân đến nhiều bến cảng vùng đất trên thế giới, có những nơi người đi bằng đường du lịch thuần túy rất khó có thể đến được. Khi đến một nơi nào đó, nhiều thứ rất mới mẻ và khác lạ cứ khơi gợi, neo lại trong trí óc tôi, dễ dàng cho tôi viết một tác phẩm với không gian khác lạ so với nơi mình thường sống. Đi trên biển, trừ những lúc sóng gió, kể ra cũng thú vị. Thú vị khi đến một cảng mới, vùng đất mới gặp con người mới phong tục tập quán mới, cách nói cách nghĩ và hành động của họ cũng khác mình, đáng được kể lại lắm chứ. Đến một vùng đất mới bằng đường biển không giống như đến bằng đường hàng không, sân bay ồn ào tấp nập cứ na ná như nhau. Du khách đến và đi bằng đường hàng không luôn vội vội vàng vàng, không có nhiều thời gian như đi bằng đường biển. Đến và rời cảng bằng đường biển, thời gian như đọng lại vậy. Đến cảng bằng đường biển cảm nhận cuộc sống người dân bản xứ thích hơn, và họ cũng nhìn mình với một con mắt khác hơn. Đó cũng là một trong những lí do du lịch bằng tàu biển du lịch luôn đắt hơn nhiều lần so với đường hàng không. Thủy thủ không phải là khách du lịch thông thường, họ là một phần trong cuộc sống vùng cảng của người dân bản xứ.
Nếu không đi biển, nhất định tôi cũng sẽ viết văn nhưng nhất định sẽ không viết được đề tài về biển. Có lẽ sẽ rất khó khăn khi viết đề tài “trên bờ” bởi đã có hàng trăm nhà văn đang hì hục xới cày còn viết về biển chẳng mấy ai, tôi có nhiều đất biểu diễn hơn, không phải giẫm chân ai. Đó cũng là một may mắn cho tôi.
– Anh nghĩ gì về tiểu thuyết du kí? Điều quan trọng nhất với một tiểu thuyết du kí theo anh là gì?
Theo tôi, tiểu thuyết du kí nhất định phải mang cả hai yếu tố tiểu thuyết và du kí. Nếu viết du kí thôi đã có khá nhiều người đi nhiều viết nhiều theo kiểu đi đâu ăn gì thấy gì kể nấy được bạn đọc trẻ đón nhận. Chúng như dẫn dụ độc giả theo mỗi bước chân của tác giả. Du kí cần mang tính thời sự, thông tin thì qua ngày sau đã cũ nên du kí kiểu nhậtkí hành trình, theo thời gian sẽ dễ bị lạc hậu.
Tiểu thuyết du kí cũng dựa trên cái nền du kí nhưng phải có câu chuyện xuyên suốt, một cốt truyện hay đường dây liên kết thành thể thống nhất mới lôi cuốn được bạn đọc. Du kí là cái nền, những viên gạch để xây một tòa nhà. Cũng là những viên gạch và sắt thép ấy, tùy thuộc vào người thợ sẽ cho ra những ngôi nhà đẹp xấu khác nhau. Đằng sau những nơi chốn ta đến của du kí ấy nhất định phải là một câu chuyện, câu chuyện về văn hóa. Mọi thứ đều thay đổi chóng mặt từng ngày, chỉ có kết tinh văn hóa mới trường tồn và có sức hấp dẫn khó cưỡng. Cũng giống như du khách chỉ lướt qua thành phố Phnom Penh phồn hoa tráng lệ nhưng lại thích rong ruổi hàng tuần hàng tháng ở Siem Reap ngắm nghía tìm hiểu văn hóa từ những tòa tháp cổ kính hoang vu trong rừng già âm u.
– Vâng! Ngày nay, đi và trải nghiệm, viết như một thú vui thời thượng của con người, thế giới dần bị xóa nhòa ranh giới, không còn những vùng lõm hay những khám phá độc quyền của ai đó nữa. Bởi thế, một tiểu thuyết du kí rất dễ bị biến thành một cuốn sách hướng dẫn du lịch. Anh có nghĩ đến điều này khi viết các tác phẩm hay không?
Hiện nay cả thế giới mở cửa khuyến khích du lịch nên việc đi du lịch khắp nơi trên thế giới rất dễ dàng. Thời mình đến Kim Tự Tháp Ai Cập bằng đường tàu biển vẫn chưa có đường bộ hay hàng không để khách Việt Nam du lịch Ai Cập. ngay cả những hòn đảo nhỏ nhoi trên Thái Bình Dương gần nước mình thôi, du khách cũng không thể nào đến được, trừ thủy thủ.
Thời đại internet phát triển, thế giới phẳng, ta ngồi nhà cũng có thể “chu du” khám phá khắp thế giới bằng công cụ tìm kiếm hay một cái nhấp chuột. Viết “Sóng” mình đã có độ lùi gần mười lăm năm, những gì gọi là thông tin khám phá thu thập trước đây của mình nay đã quá lạc hậu, từ phương tiện giá cả đến xu hướng trào lưu… Khi viết mình rất sợ cuốn sách chỉ là cuốn hướng dẫn du lịch lỗi thời nên chỉ chọn lọc những thứ vẫn còn sức sống và mình cố gắng tránh đưa vào sách những thông tin có thể tra cứu được trên internet. Viết về cái cũ nhưng cứ như chúng mới xảy ra từ hôm qua hôm kia. Tôi không lạm dụng hay tham lam kể theo cách viết du kí, những nơi mình đến chỉ là cái cớ để mình nói lên một câu chuyện về văn hóa với cách nhìn và cảm nhận của mình thông qua nhân vật. Món ăn hay miêu tả cảnh vật có chăng chỉ là chút gia vị cho cuộc hành trình khám phá của nhân vật mà thôi.
– Anh có nghĩ mình đã làm được như vậy ở “Sóng”?
Hơn chục năm đi biển, tôi có cả ngàn chuyến đi, cập cả mấy trăm bến cảng xinh đẹp khắp năm châu nhưng “Sóng” chỉ gói gọn câu chuyện của một nhân vật chính trên một con tàu trong chừng gần một năm trời. Một năm vừa đủ cho những nơi nhân vật đến khám phá rồi rời đi, đủ thời gian để thảnh thơi kể chuyện. Hai nhân vật chính trong sách kể chuyện cho nhau qua điện thoại hay thư đã gián tiếp vẽ nên hai hành trình du kí song song trên bờ và dưới biển vậy.
Ban đầu tôi chọn ngôi thứ nhất để viết nhưng khi đọc đâu đó, nhà văn Ma Văn Kháng từng nói rằng ngôi thứ ba mới có sức nặng hơn. Mình đã chuyển nhân vật qua ngôi thứ ba. Mang tính khách quan hơn nhưng ngôi ba lại có hạn chế không biểu lộ được cảm xúc hay nhận định của mình một cách trực diện. Tôi tuân thủ quy tắc tác giả không nhảy vào tác phẩm và không can thiệp bóp miệng nhân vật.
– Còn điều gì khiến anh tiếc nuối trong những chọn lựa như vậy? Có thể nói “Sóng” đã bộc lộ hết Trương Anh Quốc đến thời điểm này không?
Tôi có hơi nuối tiếc về cuốn “Sóng” một chút. Ban đầu tôi viết mạnh mẽ và gai góc hơn. Đến những nơi thấy cái hay cái lạ của người ta rồi so sánh với đất nước mình, những nhận định chủ quan của mình gởi gắm vào nhân vật. Nhưng khi gởi vài nhà xuất bản không được in, tôi đã tự biên tập chính mình, cắt bỏ gần phân nửa dung lượng cho ngắn gọn và trơn tru, mong sách in xong cho rồi chứ với tôi, khi một truyện ngắn hay tác phẩm chưa được in thì cứ lôi ra sửa chữa mãi rất tốn thời gian và mệt mỏi.
Về thể loại, trước khi viết tôi đã tìm trên mạng thử có thể loại tiểu thuyết du kí chưa, mình muốn thử sức với nó nên viết trong giới hạn an toàn nhất.
– Đọc “Biển” trước đây là bây giờ là “Sóng” tôi cảm nhận đó là những câu chuyện “vụn”, nhưng nếu bảo nó không đáng để đọc, nó không phải là vấn đề của tiểu thuyết thì cũng không hẳn, bởi điều quan trọng mà một cuốn sách cần làm được đó là dẫn dắt người đọc đi hết mấy trăm trang sách, và anh đã làm được điều đó. Anh chủ trương viết theo kiểu như vậy hay những câu chuyện đã dẫn ngòi bút theo cách của chúng?
Bất kì người viết văn nào cũng mơ ước viết tác phẩm đồ sộ như. Kém tài, sức có hạn và không ảo tưởng, biết mình đang ở đâu nên trước khi viết mình chọn một cách viết khác vừa sức và xác lập một lối viết không trùng lặp với các cây bút khác. Văn cũng như giọng nói, dù khó nhưng mình cũng ý thức cố sức tạo ra giọng điệu riêng. Tôi cố tình đặt những cái tên nhỏ cho từng chương, thay vì con số hay chương 1,2,3 khô khan, cái tên ấy vừa có thể là tên một truyện ngắn hay câu chủ đề trong một thể thống nhất ấy. Khi tách rời nó là một truyện ngắn hoàn chỉnh, khi chúng đứng chung lại sẽ là một tiểu thuyết. Điều này cũng dễ dàng cho bạn đọc, khi không có nhiều thời gian đọc một lèo thì đọc từng phần một. Nếu ở “Biển”, các mâu thuẫn xung đột cứ tăng dần lên theo thời gian nên các phần trong tiểu thuyết không thể thay đổi vị trí dẫn đến sự xáo trộn diễn biến không hợp lí thì ở “Sóng” cũng có sự liên kết tuy lỏng mà chặt, giống như một vòng tròn khép kín như hành trình vòng quanh trái đất của nhân vật vậy. Khi độc giả đọc phần cuối cùng mới thấy rằng cần phải đọc phần đầu tiên mới trọn. Mình không chọn không gian và thời gian tuyến tính bắt đầu tác phẩm bằng điểm đầu xuất phát của cuộc hành trình, mình chọn một điểm ở giữa của vòng tròn ấy, khi đọc đến phần cuối mới lộ ra điểm đầu xuất phát.
Khi viết “Sóng” tôi vẫn chọn lối viết theo câu chủ đề, tôi cảm nhận rằng nó phù hợp khi viết về những chuyến đi, một hải trình ngắn từ cảng này đến cảng khác. Sau kết thúc ở cảng này là sự bắt đầu cho chuyến mới đến cảng kế tiếp, có thể không biết trước lịch trình. Kết thúc một hành trình ngắn là một câu chuyện, một bến cảng hay một nơi đáng nhớ nào đó nhân vật đặt chân đến, báo hiệu và chuẩn bị cho hành trình mới như đi thám hiểm khám phá vậy.
– Viết bằng những trải nghiệm cá nhân với người có điều kiện đi nhiều như anh sẽ mang lại những trang viết hấp dẫn và nó cũng như nguồn năng lượng sáng tạo dồi dào. Nhưng chuyến đi nào rồi cũng khép lại, hành trình nào rồi cũng sẽ đến lúc lùi lại phía sau… Anh có nghĩ đến một vùng sáng tạo mới ở tương lai?
Tuổi càng cao, sức khỏe và cơ hội đi lại sẽ càng ít là điều đương nhiên, vốn sống thực tế về các vùng đất mới vì thế cũng giảm dần theo trí nhớ và thời gian. Biết viết chỉ bằng vốn sống thôi sẽ dần cạn vốn nên mình không dám phung phí, chỉ viết dè chừng, cứ sợ một chi tiết viết ra rồi sẽ không còn dùng lại được nữa, như vậy uổng quá. Tôi chỉ tiếc vậy thôi chứ nếu có nhiều thời gian ngồi lại bàn, cứ quyết tâm thì thiếu gì thứ để viết.
Tôi nghĩ, đi mãi một con đường cũng chán, khách ăn mãi một món cũng ngán. Sau này mình sẽ thử sức viết về đề tài thiếu nhi hay tiểu thuyết hoàn toàn bằng tưởng tượng. Theo mình, viết bằng trí tưởng tượng mới khó, chuyện tưởng tượng như chuyện thật mới là thách thức cho mọi người cầm bút.
– Việc viết có ý nghĩa như thế nào với đời sống cá nhân anh?
Như ở trên tôi đã nói, mình viết vì niềm vui chứ không mong gì nhiều. Để viết được một tác phẩm cũng vất vả và tốn khá nhiều thời gian. Tốn thời gian cho việc đọc sách, tích lũy năng lượng chữ. Đọc để thấy cái hay cái đẹp, cách người ta viết như thế nào, đọc để tránh lặp lại cái người ta đã viết rồi. Dù công việc chữ nghĩa chẳng bổ ích gì cho công việc chuyên ngành kĩ thuật thuần túy của mình nhưng xét cho cùng, viết cũng là phương pháp luyện tập trí não, cân bằng tâm lí và cuộc sống. Viết văn giúp tôi siêng đi và thói quen tìm hiểu nhiều hơn. Viết còn giúp trí nhớ tốt hơn. Nhờ viết tôi có thể nhớ rõ những chuyện từ thời còn rất nhỏ. Và một điều chắc chắn rằng, viết văn giúp tôi có nhiều bạn bè, bạn bè văn mới có thể ngồi trò chuyện hàng giờ vẫn hấp dẫn. Theo tôi, viết văn cũng là một công việc bình thường chứ không có gì quá cao siêu. Không ít người viết thích tuyên bố này nọ, kiểu không sống được nếu không viết, còn tôi luôn quan niệm rằng không viết được nếu không… sống.
– Tôi cũng tò mò về việc các bản thảo đã được hoàn thành như thế nào nữa, nó được viết ngay trong mỗi hành trình dài trên biển hay khi anh đã trở về và yên vị ở đất liền?
Thời gian tôi viết chủ yếu ở trên biển, sau giờ làm việc. Khi làm việc có giờ giấc ổn định dễ dàng cho việc viết hơn. Người đi biển nếu có thời gian rỗi thường chơi bài, hát karaoke hay nhậu nhẹt. Đến cảng tôi hay lang thang khám phá vùng đất mới bằng hết thời gian có thể. Có khi chỉ lên bờ cho có chút hơi đất, chỉ để cà phê ngắm người đi lại, nghe tiếng người nói. Trên biển, tôi thường trốn nhậu về phòng riêng đóng cửa gác điện thoại để viết. Viết trên biển cũng chẳng dễ dàng gì, sóng biển làm đầu óc không mấy tỉnh táo sao nghĩ được nhiều, ngồi máy tính một lúc mắt nhức không đọc được nói chi viết. Đi biển tôi thích nhất lúc tàu neo và cập cảng, lúc ấy có nhiều thời gian và bớt bị sóng, tôi viết được nhiều hơn.
Khi lên bờ, thời gian bị phân tán cho các việc lặt vặt, tâm trí không tập trung nhưng lại thuận lợi cho việc sửa chữa chăm chút lại bản thảo hoàn chỉnh do không còn bị sóng biển hành hạ nữa.
– Anh có thấy thiếu thời gian để viết không?
Tôi nghĩ đối với bất cứ người viết nào cũng cảm thấy luôn thiếu thời gian để viết, mình cũng không ngoại lệ. Có lúc đang viết ngon trớn, cảm hứng dâng trào thì sóng gió nổi lên hay tới giờ đi làm, đành phải viết lại vài dòng ghi chú của ý tưởng chưa kịp thể hiện hết. Khi quay lại bàn viết phải bắt đầu lại từ đầu, phải gọi dần cảm xúc về, thường là cảm xúc khó đạt bằng như trước. Tôi dễ ngủ và có tật ngủ nhiều nên luôn không đủ thời gian viết. Sau này về già chắc ngủ ít, nếu không vướng bận lo toan đời sống áo cơm, dành hết sức lực cho mỗi việc viết thì sướng biết mấy. Lúc ấy chắc mới thấy đủ thời gian. Chắc tất cả nhà văn trên thế giới này đều mơ vậy.
Theo Dương Tử Thành/VNQĐ