Trút vào câu chữ, giữ lấy niềm yên

639

Trúc Thiên

Giới thiệu Tập truyện ngắn Hạnh phúc dịu dàng của Nhà văn Trương Thị Chung

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi đọc “Hạnh phúc dịu dàng” của Trương Thị Chung vào một chiều Sài Gòn mưa nhẹ nhàng tươi mát thành phố. Sau tập truyện “Pơ Lang sẽ phủ cành”, Trương Thị Chung quay lại với độc giả bằng một tập truyện ngắn đậm đà yêu thương và đau đáu những nỗi niềm rất đàn bà, nhưng lại sáng màu hạnh phúc.

Tập truyện ngắn Hạnh phúc dịu dàng của Nhà văn Trương Thị Chung

Cô nàng nhà văn trẻ này có lối viết dung dị và chân phương. Khó tìm thấy trong văn của Chung sự gồng gánh ngôn ngữ, hay một kĩ thuật đan cài lắt léo. Văn Chung điềm nhiên, tĩnh lặng nhưng cứ thấm sâu một cách từ từ. Đọc một truyện ngắn của Chung như bị dẫn dụ vào một ngôi nhà bình yên, không cao sang, không cầu kì, mở cánh cửa gỗ, đảo mắt quanh nhà là những thứ rất thân quen, rất ấm áp, cảm giác thân gần như chính nhà mình. Vậy nên, cứ tìm thấy đâu đó trong từng nhân vật của Chung là mình, là bạn bè mình, là những ảnh hình rất đỗi quen thuộc. Một tập truyện ngắn rất đời thường, chan chứa những niềm thương bình yên.

Tuy vậy, không có nghĩa là văn của Chung một màu, hay thiếu tính cao trào. Những điểm nhấn, những lát cắt về số phận, về tình yêu, về gia đình luôn khiến độc giả ngừng lại đôi chút, lắng lòng mà nghĩ suy. Kiểu như lục lọi lại trong tâm khảm mình một kí ức đâu đó còn hiện hữu. Chung viết thiên về cảm xúc, lại chọn những câu chuyện của cuộc đời, kể lại bằng một giọng văn mềm mại, mượt mà, bấy nhiêu thôi đã đủ chạm đến cạn cùng con tim độc giả. Sẽ buồn cùng Chung, sẽ khấp khởi vui cùng Chung, sẽ cười thầm với hạnh phúc của nhân vật, và sẽ thao thiết buồn cùng những nỗi phân ly của nhân vật. Chung quyến dụ người đọc tinh tế mà nhẹ nhàng, đi qua hết các trang viết của “Hạnh phúc dịa dàng”, lúc nào chẳng hay. Để rồi khi gấp sách lại vẫn nhớ từng câu chuyện, nhớ từng nhân vật.

Như trong “Gió vẫn hát”, chỉ là câu chuyện cô gái làng chài lấy chồng ngay ngày cha mình mất, mối tình tay ba thời niên thiếu của những người bạn thân cuốn theo từng con sóng biển. Là nắm trong lỡ làng, là buông trong luyến nhớ. Là yêu, là thương là vương những the thắt tâm can. Là chẳng bao giờ người ta có thể trả lời được câu hỏi: Sóng đau gì mà tung trào đến bạc đầu?

Hay trong “Ánh mắt ngày đông”, nhân vật Ngọc rời bỏ làng quê đi tìm hạnh phúc, nhưng hạnh phúc là gì? Hạnh phúc ở đâu ra? Quả thật con người ta luôn tìm kiếm điều này suốt dặm dài đời mình. Chúng ta cứ thế mà mải miết với một điều chẳng thể định nghĩa rõ ràng. Hạnh phúc là cảm xúc, nào có một tiêu chí để định ra, âu cũng chỉ là sự cảm thấu tận tâm can của mình. Đâu phải cười là vui, đâu phải khóc là đau, càng không phải cứ an ổn là hạnh phúc. Mọi cơn giông bão đều đến sau những thời khắc tưởng chừng bình yên. Hạnh phúc âu cũng chỉ là một khoảnh khắc nào đấy mà chúng ta biết chấp nhận sự bằng an hiện hữu ngay lúc đó, trong tim mình. “Hạnh phúc là do mình nghĩ và tạo ra”, lời nhân vật Hiên nhắn nhủ cùng Ngọc trong truyện ngắn này, đó chính là thông điệp chủ đạo xuyên suốt Tập truyện “Hạnh phúc dịu dàng” của Trương Thị Chung.

Trương Thị Chung không còn là cái tên lạ của văn đàn, đã có nhiều tác phẩm được đăng trên các báo từ Trung ương đến địa phương. Tập truyện này, thêm một lần nữa khẳng định nữ tác giả bền bỉ trên con đường văn chương như đó chính là niềm vui để sống. Giữa núi rừng Gia Lai, cuộc sống vốn còn nhiều trăn trở, vừa đảm bảo cuộc mưu sinh, lại chăm sóc cho con trai nhỏ, có thể nói thời gian của cô nàng luôn xoay vần mãi tận tối muộn. Thế nhưng, Trương Thị Chung luôn chắt chiu chút ít thời gian rỗi rãi để tạo nên những tác phẩm hay. Văn chương với cô nàng này như là điểm tựa của Chung sau những tảo tần lệ thường, chỉ có đắm mình vào văn chương, trút vào đó tấc lòng của mình, lại nhận về sự thanh thản mà tự tại sống.

T.T