Tuyên ngôn thơ chống giặc

1006

Hoài Việt

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trần Quang Long bắt đầu làm thơ từ lúc 17 tuổi khi anh học Đệ Nhất (nay là lớp 12) trường Quốc học Huế. Những bài thơ tình học trò đầu đời đã chứng tỏ anh khả năng làm thơ tinh tế của anh: “Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón…/ Bước nhẹ nghe em kẻo động vỡ tơ chiều… (Nghiêng nón). Những năm ở tuổi hai mươi, Trần Quang Long đã có những vần thơ nói lên nỗi lòng đau đáu trước thời cuộc…

“Con sẽ vót nhọn thơ thành chông

Xuyên vào gan lũ giặc”

Sau khi Nguyễn Văn Trỗi đặt mìn nơi cầu Công Lý (1964), định giết McNamara (Mắc Na-ma-ra), bộ trưởng quốc phòng Mỹ sau đó hai năm (tháng 6/1966) đã cho xây dựng hàng rào điện tử tại khu phi quân sự ở vĩ tuyến 17 và dọc đường mòn Hồ Chí Minh cộng với vụ ngụy tạo sự kiện vịnh Bắc bộ, đế quốc Mỹ bắt đầu cho đỗ quân ồ ạt vào miền Nam. Đồng thời, lầu Năm góc cũng phà hơi cho chế độ cộng hòa bắt lính đôn quân nhằm đối phó với tình thế nguy ngập. Nhiều sinh viên học sinh tiến bộ không cam chịu nỗi cảnh ra tay đàn áp dã man đồng bào và tín đồ Phật tử yêu nước, từ những ngày tàn lụn của chính quyền Ngô Đình Diệm, đã hăng hái tham gia xuống đường chống đối chế độ đương thời. Tiêu biểu xứng đáng cho tuổi trẻ và văn nghệ sĩ trong phong trào yêu nước ở các đô thị miền Nam giai đoạn này là nhà thơ Trần Quang Long, sinh viên trường Sư phạm Quốc học Huế.

Nhà thơ Trần Quang Long

Trần Quang Long (1941-1968), nguyên quán ở Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. Cha mẹ anh, ông bà Trần Quang Minh có 18 người con, khi vào định cư ở Huế sinh ra Long là con trai thứ 5. Thân phụ Long đặt tên các con gái đều là Liên nhưng đến cô gái thứ 12, anh xin cha đặt tên em gái là Kiên Trinh vì trong tâm thức anh đã hé mở ra trước con đường dấn thân đấu tranh cho Tổ quốc. Long bắt đầu làm thơ từ lúc 17 tuổi khi anh học Đệ Nhất (nay là lớp 12) trường Quốc học Huế. Những bài thơ tình học trò đầu đời đã chứng tỏ anh khả năng làm thơ tinh tế của anh: “Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón…/ Bước nhẹ nghe em kẻo động vỡ tơ chiều…/ (Nghiêng nón). Những năm ở tuổi hai mươi, Trần Quang Long đã có những vần thơ nói lên nỗi lòng đau đáu trước thời cuộc: Ừ thôi em ở lại/ Còn gì nữa mà mong/ Quê hương mình điêu đứng/ Nhạt phai những má hồng/ Thơ Long làm từ những năm còn học Đại học (1961-1962), đã có dấu hiệu của ý thức phản kháng.

Nhưng khoảng thời gian 5 năm (1963-1968) ngắn ngủi cuối, Trần Quang Long mới thực sự dấn thân vào thơ và cuộc đời tranh đấu cho quê hương. Gia đình vốn theo đạo Tin Lành nhưng Trần Quang Long không thuộc loại con chiên ngoan đạo. Năm 1963, một đêm trăng thanh gió mát ngày lễ Phật Đản, Long cùng một người bạn gái đến bên bờ sông Hương xem thả đèn. Tới gần đầu cầu Trường Tiền, anh đã đau lòng chứng kiến tận mắt cảnh lính Ngô Đình Diệm dùng xe tăng, lựu đạn đàn áp dã man tín đồ Phật giáo.

Thế là, Long bắt đầu sát cánh cùng lực lượng sinh viên Phật tử đấu tranh từ đó. Anh là người sáng lập ra Phong trào Sinh viên Học sinh chống chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm. Trần Quang Long phụ trách luôn ban Báo chí của Tổng hội Sinh viên Huế, chủ trương tạp chí Đất mới, sáng lập nhóm Thanh niên chống xa hoa phóng đảng đồng thời mở Quán Bạn, nơi lui tới của sinh viên học sinh Huế. Thực chất đây là tổ chức chính trị của sinh viên chống âm mưu ru ngủ thanh niên của đế quốc Mỹ và chế độ bù nhìn đương thời ở miền Nam. Tháng 8 năm 1963, Trần Quang Long bị tay chân Ngô Đình Diệm bắt bỏ tù. Mùa hè năm này, tôi cũng phải bỏ dạy ở trường trung học Long Mỹ, lánh về Cần Thơ dạy tư vì bị gọi đi học sĩ quan Thủ Đức. Sự chống đối chế độ đương thời làm tôi nhớ lại: trước đây năm (1958), khi tôi đang học lớp Đệ Nhị đã có cô nữ sinh trẻ đẹp lớp Đệ Ngũ: Phạm Thị Hồng Hạnh có nhà ở bên kia bờ Sông Cái Khế, nhìn sang hồ Xáng Thổi, đang học trường trung học Phan Thanh Giản, bị đuổi học vì đã làm bài thơ “Cây tre” đả kích chế độ Ngô Đình (1).

Khi Long bị giam ở Huế, có một mục sư được chính quyền đương thời cử đến nhà giam, đề nghị nhà thơ ký tên vào tờ cam kết để được bảo lãnh, trở về đoàn tụ với gia đình. Trong văn bản soạn sẵn trước có câu: “Chúng tôi trẻ người non dạ, bị Việt Cộng lợi dụng…” Giữ thái độ phớt tỉnh như không có gì, Trần Quang Long từ chối ký tên, mỉm cười với lời diễu cợt: “ Bạn bè ở tù hết, về trước một mình chơi với ai?”. Khi Diệm bị giết, Long mới được trả tự do. Ra tù, anh tiếp tục ra báo và in các tập thơ: Sinh viên Huế, Đất mới, Dân (1964). Anh Nguyễn Hữu Ngô, em rể Long, chồng chị Kiên Trinh, nhắc lại: có lần ra Quảng Trị, Trần Quang Long đã đến đầu cầu Hiền Lương đăm đăm nhìn lá cờ Tổ quốc hoành tráng, phất phơ trên đỉnh cao cột cờ bờ Bắc. Long vội bảo anh Ngô và Hoàng Phủ Ngọc Tường chụp cho tấm ảnh mình đứng dưới lá đỏ sao vàng “Rực rỡ sao vàng, hoa vĩ đại” (Vũ Hoàng Chương) đang đường bệ tung bay bên kia bờ giới tuyến.

Năm 1964, khi sắp tốt nghiệp Đại học, Trần Quang Long lại bị bắt bỏ tù vì bài thơ “Hồi kết cuộc” đăng trên tờ báo Dân số 3, phản đối trò triển lãm xác Việt Cộng của tướng cộng hòa Nguyễn Chánh Thi. Cha mẹ phải bán ngôi nhà ở đường Hàng Bè lo lót cho Long ra tù để thi tốt nghiệp. Năm 1965, Trần Quang Long gia nhập Hội Liên hiệp Thanh niên – Học sinh Sinh viên Trung Trung bộ. Sau đó, anh được đưa vào vùng giải phóng Điện Bàn – Quảng Nam tập huấn một thời gian. Cuối năm, sau khi tốt nghiệp Đại học, Trần Quang Long được bổ đi dạy tại trường Trung học Cường Để, Quy Nhơn. Nơi đây, Long vừa đi dạy học, vừa hoạt động không mệt mỏi trong phong trào đấu tranh của Sinh viên – Học sinh Quy Nhơn: thảo truyền đơn, vẽ biểu ngữ chống chiến tranh, kêu gọi hòa bình. Cùng với đó anh tham gia phong trào Lực lượng Bảo vệ Văn hóa Dân tộc tỉnh Bình Định trong những bài thơ: Buổi sáng ở đống rác, Bài học cuối năm. Trần Quang Long đã vẽ lên hình ảnh bà cụ già tóc bạc phơ, em bé ốm nhom và những học sinh bỏ học đi moi rác, lang thang bụi đời hay làm sở Mỹ để kiếm sống. Nội dung những bài thơ Long làm đã hun nóng ý thức dân tộc của tuổi trẻ. Đối phó phong trào đấu tranh, địch dùng xe vòi rồng, lựu đạn cay, ma trắc đàn áp không nương tay thầy trò trường Bồ Đề, Cường Để, Quy Nhơn.

119 thầy giáo và học sinh bị bắt trong số đó có nhà giáo trẻ Trần Quang Long. Trước khi Long vào tù, một học sinh đã cởi chiếc áo trắng lốm đốm máu me đang mặc trên người, đưa cho thầy Long, đề vào bài thơ tứ tuyệt, ca ngợi tinh thần đấu tranh của học sinh. Chiếc áo có bài thơ đẫm máu được chuyền nhau lấy chữ ký tên của học sinh và giáo viên, hiện nay còn được giữ tại nhà ông Lương Quang Phúc tại Quy Nhơn. Đây là lần thứ tư, Long bị địch bắt, gia đình lại một lần nữa bỏ tiền lo chạy cho anh ra tù. Cuối năm 1966, anh được điều đi dạy lại tại trung học Phan Thanh Giản (Cần Thơ) tận miền cuối Việt để cách ly anh với phong trào đấu tranh của tuổi trẻ ở Huế và Quy Nhơn. Tại đất Tây Đô lạ cảnh lạ người, lúc đầu Long dè dặt nhưng lập tức sau đó không lâu, anh tìm cách nối đường dây hoạt động với phong trào. Là sáng lập viên hội Sinh viên sáng tác thuộc Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Trần Quang Long tuyển chọn và xuất bản tập thơ “Tiếng hát những người đi tới” để cổ vũ phong trào đấu tranh. Tình hình sôi động của đất nước lúc bấy giờ là thời tiết thuận lợi cho sự ra đời rầm rộ những sáng tác mang tính thời sự đậm đặc và tính chiến đấu nóng bỏng của nhà giáo – nhà thơ yêu nước.

Để tránh sự theo dõi của địch, Trần Quang Long ký với nhiều bút danh khác nhau khi sáng tác: Trần Quang Long, Cao Trần Vũ, Chánh Sử, Thảo Nguyên, Trần Hoàng Phong và một bí danh vô cùng quyết liệt là B40.  Những tác phẩm của Long không thuộc loại được phổ biến công khai lúc ấy, nên những dịp lên Sài Gòn, tôi chỉ có thể tìm mua thơ, truyện của anh tại các vỉa hè bán sách nơi chợ cũ. Trừ tập thơ nổi tiếng “Thưa mẹ, trái tim” được in ty-po thành sách không thấy ghi nhà xuất bản, còn lại hầu hết các tác phẩm của Trần Quang Long như: Bông cúc vàng (tập truyện), Vực thẳm và hy vọng (thơ), Tiếng gọi Lam Sơn (kịch thơ, dài 1000 câu)… đều chỉ in với hình thức ro-néo.

Thời gian dạy học tại Cần Thơ, anh lên xuống hoạt động ở Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn và thăm gia đình sau khi kết hôn với Tôn Nữ Quỳnh Như, nữ sinh trường Gia Long, con gái của giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, Tổng thư ký Mặt trận Liên minh các lực lượng Dân tộc – Dân chủ và Hòa bình. Có lúc chị Quỳnh Như cũng bị bắt giam… Anh Long và chị Quỳnh Như (tên ở nhà là Ngọc) có với nhau được một con trai đặt tên là Trần Xuân Thắng. Sau một ngày được báo tin vợ sinh con, Trần Quang Long hy sinh chung cùng ngày 11/10/1968 với nhà văn Trần Triệu Luật trong một địa đạo ở Tây Ninh vì một quả bom đìa 500 kg thả xuống từ phi cơ Mỹ. Chị Quỳnh Như vẫn ở góa nuôi con cho đến khi mất vào năm 1978 vì bệnh gan tại TP. Hồ Chí Minh.

Tại Cần Thơ, vùng đất trù phú của thi ca miền Tây Nam bộ, từ trước đã có phong trào văn nghệ báo chí với các bút nhóm, văn đoàn và một nhật báo. Năm 1964, tờ báo Miền Tây (Chủ biên: An Khê), đặt tòa soạn ở đường Thủ Khoa Huân, đã đăng bài khảo luận có lửa: “Hồn nước trong thi ca Việt Nam” (4) của Nguyễn Thanh. Nhìn chung, đa phần phong trào văn nghệ báo chí ở Tây Đô lúc này chưa có hướng đi và lập trường rõ ràng. Nhiều người cầm bút chưa thực sự đánh thẳng vào bộ mặt, chân tướng kẻ thù dân tộc chính là đế quốc tàn ác và chính quyền ăn theo đã gây ra chiến tranh tang thương, đau khổ cho đồng bào. Tuy nhiên vẫn hiện diện trong văn học ở đây những cây bút tiến bộ, xuất thân là nhà giáo và sinh viên – học sinh. Họ có lương tâm, mạnh dạn viết được những vần thơ nóng bỏng mà không ngại đến hệ lụy có thể xảy đến cho mình. Cụ thể trong Văn nghệ Miền Tây (5) – số 3 – Xuân Mậu Thân đã có những vẩn thơ có lửa: “Bom đạn vẫn cày sâu mả mẹ/ Thịt xương còn lấp ngất sông đào/ Tức quân tàn bạo, bày mưu cáo/ Hận lũ xâm lăng giở chước Tào” (Xuân nguyện – Ngũ Lang); “Quỷ đen quỷ trắng đùng đùng hiện ra/ Tanh hôi, man rợ tràn nhà/ Hương trinh Trưng Triệu bây giờ còn đâu…” (Trước mặt và trong hồn – Trường Dạ Lữ); “Bàn tay đẹp, tay cùng tay nắm chặt/ Lòng nối lòng nung nấu lửa hăng say/ Bẻ xiềng gông, tiêu diệt lũ ngoại lai/ Đem ánh sáng tự do về đất mẹ” (Bàn tay đẹp – Nguyễn Thanh); “Tôi muốn bắc loa sang trời Nửu Ước/…Người dân Nửu Ước có biết không/ Những con đường Việt Nam bị cày lở/ Những vũng sình ướt máu/ Những đồng ruộng điêu tàn”… (Xin em nhìn về quê hương – Lý Thị Kim Xương)…

Thời gian này, Đại học Cần Thơ mới vừa thành lập chưa có tổng hội Sinh viên. Trong những lần họp mặt bàn chuyện thời sự, số sinh viên có tư tưởng tiến bộ, quan tâm tích cực đến thời cuộc, thường mượn chùa Khánh Quang (đường Nam Kỳ Khởi nghĩa ngày nay) của nhà sư yêu nước Thích Huệ Thành được coi là một vị trí thuận tiện để hội họp. Sư trụ trì chùa – thượng tọa Thích Huệ Thành vốn là tu sĩ yêu nước, vóc người cao lớn phong độ, tỏ ra rất uy tín với tín đồ và khách thập phương. Trong một lần gặp gỡ quá giữa năm 1967, có mặt GS. Nguyễn Bá Thảo (2), GS.Nguyễn Đức Minh (3), SV Hồ Hữu Nhựt (Chủ tịch Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn vừa đắc cử vào ngày 30/04/1967) với nhóm sinh viên năm đầu tiên của Đại học Cần Thơ: Nguyễn Tấn Thành  (Ban Việt Hán), Nguyễn Văn Tư, còn gọi là Tư Lùn (Ban Khoa học), Nguyễn Hữu Hiếu  (Ban Địa lý)… và Trần Quang Long. Long vóc người tầm thước, tóc bùng, giọng Trung nhỏ nhẹ, khuôn mặt phong trần thoáng vẻ khinh bạc nhưng đôi mắt trữ tình mà cương quyết. Trong hoàn cảnh anh như kẻ bị lưu đày, còn tôi là người trốn lính, cả hai đều “Cùng một lứa bên trời lận đận” (thơ Tỳ Bà hành).

Trước khi vào chiến khu Tây Ninh, đồng khí tương cầu, Long đã tâm sự nhiều với anh em văn nghệ tiến bộ tại Tây Đô về tình hình đất nước tại một quán cà phê vỉa hè ở nội ô thành phố. Với Trần Quang Long, những bài thơ nổi tiếng nhất được sáng tác trong giai đoạn anh về dạy học tại Cần Thơ là: Thưa mẹ – trái tim, Lớn lên không ngừng, Nụ cười chiến thắng… Ấn tượng nhất là những câu thơ như lời tuyên thệ, về tình cảm anh với mẹ cha và đất nước: “…Trả thù cho cha, rửa hờn cho nước/… Nếu thơ con bất lực, con xin nguyện trọn đời/ Dùng chính quả tim mình làm trái phá/ Sống chết một lần thôi”.

Riêng bài thơ “Nụ cười chiến thắng” dài 60 câu, được Trần Quang Long viết trong nỗi xúc động ngập tràn sau khi xem phiên tòa xử chị Võ Thị Thắng, nữ sinh trường Áo tím Sài Gòn tham gia Tự vệ thành, bị bắt trong Tổng Tấn công Mậu Thân – 1968. Khi nghe tòa án quân sự cộng hòa tuyên xử 20 năm khổ sai, chị Võ Thị Thắng nở nụ cười lạc quan, thể hiện tư thế người chiến thắng. Bằng những nét chấm phá linh động đầy màu sắc, nhà thơ Trần Quang Long đã cho ta một hình tượng đẹp của tuổi trẻ Sài Gòn bất khuất ngày nào: “Người nữ sinh Gia Long/ Giữa đất Sài Gòn đói nghèo khốn khổ/ Giã từ nhà trường xếp chồng sách vở/ Khoác bà ba đen, bàn chân nhỏ lên đường”. Trong bối cảnh nhà cửa thành phố nhan nhản những khẩu hiệu “Mỹ cút về đi, viết trắng tường/ Bải khóa, đình công đỗ xuống đường” (Trần Quang Long), bài thơ “Thưa mẹ, trái tim” của anh xứng đáng là viên ngọc quý long lanh trong đại ngàn thi ca yêu nước của dân tộc.

Tóm lại, ta có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp văn chương được tinh kết bằng ý chí quyết thắng của Lý Thường Kiệt: (Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời), chất thép của Hồ Chí Minh (Nay ở trong thơ nên có thép), bom đạn của Sóng Hồng (Mỗi vần thơ, bom đạn phá cường quyền), trên dáng đứng tầm cao thế kỷ của Lê Anh Xuân. Trần Quang Long  thực sự đã tạc nên những vần thơ mãnh liệt về tình yêu tổ quốc không phải bằng mực tím mồng tơi mà bằng những dòng máu nóng của trái tim mình trên chính mảnh đất quê hương. Thơ Trần Quang Long đích thực là bản tuyên ngôn thi ca về lòng yêu tổ quốc và văn hóa dân tộc – một thông điệp văn chương gởi cho kẻ thù cùng bọn bồi bút, không chỉ riêng của một thời chống Mỹ: “Con sẽ vót nhọn thơ thành chông/ Xuyên vào gan lũ giặc/ Con sẽ mài thơ thành kiếm sắc/ Chặt đầu văn nghệ tay sai” để cảnh báo trước cho mọi mô hình xâm lược, kịch bản thâm độc nào dù chỉ một cành cây, một tấc đất của non sông gấm vóc Việt Nam.

H.V

 

(1) Xem “Bài thơ định mệnh” trên các tạp chí  Hồn Việt, số 86 tháng 10/2014, Kiến thức Ngày nay, số 780 ngày 20.07/2012 và bài viết “Hoài Sơn, một hồn thơ chiến sĩ” trên báo Văn nghệ.

(2) Nguyễn Bá Thảo: GS tiếng Pháp nổi tiếng, nguyên Chủ tịch MTDTGP khu Tây Nam bộ.

(3) Nguyễn Đức Minh: GS Âm nhạc, nhạc sĩ. Sau 1975, là Trưởng đồn Công An Phường An Nghiệp, TP.Cần Thơ

(4) Bài này được đăng lại trong Văn nghệ Miền Tây số 1 – 12/1967 do Nguyễn Thanh (Ngũ Lang) chủ trương và sau đó được tác giả thuyết trình tại Đại học Cần Thơ. Và cũng đã đăng trước đó trên báo Miền Tây (1963), của nhà báo An Khê Nguyễn Bính Thinh – tòa soạn đặt tại đường Thủ Khoa Huân Cần Thơ

(5) Văn nghệ Miền Tây 3 – số Tết Mậu Thân – 1968 được GS. Nguyễn Bá Thảo mang vào chiến khu (5/1968).

Tài liệu tham khảo:

Các nhà thơ Thanh Thảo, Hoàng Phủ Ngọc Tường và các tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Phan, Ngô Minh, Nhụy Nguyên, Lê Công Sơn.