Tuyền Nguyễn & Miền quê ngoại – Kỳ 1

1428

02.01.2017-11:00

Nhà văn trẻ Tuyền Nguyễn

 

>> Chú vịt Mồ Côi – Kỳ 2

>> Chú vịt Mồ Côi – Kỳ 1

>> Bao giờ cho đến ngày xưa – Kỳ 2

>> Bao giờ cho đến ngày xưa – Kỳ 1

 

NVTPHCM- Lời ngỏ của Tuyền Nguyễn:

 

Tôi là đứa trẻ có khá nhiều ký ức, một tuổi thơ đầy biến động theo cuộc đời thăng trầm của má ba. Nhưng cũng nhờ đó, tâm hồn tôi được nuôi dưỡng, được lớn lên giữa ăm ắp kỷ niệm yêu thương. Ngày thơ bé nghĩ rằng mình không có tuổi thơ đủ đầy như người ta, mãi đến khi trưởng thành mới nhận ra đó là một món quà vô giá mà số phận đã ưu ái dành cho cuộc đời mình.

 

Để rồi nhiều năm sau, khi tôi đặt bút viết những dòng hồi ức về tháng ngày sống bên ông bà ngoại, lòng không khỏi ngậm ngùi. Đôi khi con chữ nối đuôi nhau lướt trên bàn phím cũng là lúc mi mắt tôi khép lại cho dòng nước mắt thản nhiên ùa ra, có rất nhiều tiếc nuối kèm theo trong ấy. Nhưng tôi có quyền làm tròn những nuối tiếc ấy trong tác phẩm của mình.

 

Tôi viết lại tuổi thơ ở một quãng đời khác, trưởng thành hơn những bé dại năm nào.

 

Sài Gòn, ngày 1 tháng 12 năm 2015

Bìa tập truyện dài Miền quê ngoại của Tuyền Nguyễn

 

Miền quê ngoại

 

TRUYỆN DÀI CỦA TUYỀN NGUYỄN

 

Chương 1: Má về

 

Ánh trăng bàng bạc phủ lên con đường quê gồ ghề sỏi đá, làn gió trĩu hơi sương thổi vào người làm tôi rùng mình ôm má thật chặt. Bốn bề vắng lặng, chỉ có hai má con đi giữa con đường quê hun hút. Bánh xe xóc nẩy mỗi khi va vào hòn đá to, làm khuôn mặt tôi chực rơi ra khỏi khoảng lưng êm đềm của má.

 

“Má không buồn ngủ hả?” Tôi mơ màng hỏi khẽ.

“Không!” 

 

Tôi ngáp một cái thật dài rồi lại hỏi:

 

“Sao má về khuya thế?”

“Đừng làm ồn, người ta biết má về bây giờ.”

 

“Dạ!” Tôi lí nhí đáp rồi siết chặt vòng tay, hít thật sâu mùi mồ hôi quen thuộc. Thứ mùi mằn mặn, âm ấm của má chẳng thể lẫn vào đâu được. Đã bao đêm tôi nằm mơ thấy mình được má chở đi chơi, được ôm má từ phía sau rồi dụi đầu vào lưng má như một chú mèo con rúc đầu tìm hơi ấm. Giờ đây, niềm khao khát cháy bỏng ấy đã thành sự thật, lòng tôi hạnh phúc lắm.

 

Tối ấy, sau khi xem xong tập phim Tây du ký có phân cảnh Đường Tăng được giải thoát khỏi động yêu nhền nhện, cô Ba giục tôi đi ngủ. Cái giường trên lầu rộng quá, tôi phải nép sát vào vách, dùng thật nhiều gối trấn bên ngoài cho bớt sợ hãi vì tâm trí cứ lởn vởn hình ảnh của lũ yêu tinh. Mi mắt của tôi chỉ chịu sụp xuống khi đã quá mệt mỏi. Vừa mới mơ màng đi vào giấc ngủ, chợt tôi nghe tiếng gọi:

“Bành ơi, dậy đi con.”

 

“Trời ơi! Người ta đang ngủ mà!” Từ lúc xuống đây, tôi hay bị phá giấc ngủ bởi hai đứa con của cô Ba. Ngay giây phút đó, tôi cứ đinh ninh rằng tụi nó lại chọc phá tôi.

 

Tôi vẫn tiếp tục bị day lắc dù đã cố lấy mền phủ kín đầu. Nhưng lần này giọng gọi tôi nghe rất quen thuộc, tựa như giọng nói hay thủ thỉ vỗ giấc cho tôi mỗi đêm giật mình nói mớ. “Phải má không?” Tôi nghĩ trong đầu nhưng không dám bật thành tiếng. Có lần tôi mơ gặp má rồi khóc váng trong đêm, cô Ba phải chạy lên ngủ với tôi. Sáng ra tôi bị hai đứa con cô chọc quê vụ vừa ngủ vừa khóc nhè. Tôi tức lắm, thề với cái gối là sẽ không bao giờ cho tụi nó biết tôi khóc vì nhớ má nữa. Tôi giả vờ ngủ như không biết gì, cho đến khi giọng nói ấy càng lúc càng rõ bên tai.

 

“Bành, má nè, dậy về ngoại với má.”

 

Tôi bật dậy nhanh hơn cái lò xo, hai tay dụi mắt liên tục như không tin vào mắt mình. Má ngồi trên mép giường, nhìn tôi cười hiền hậu, đôi mắt lấp lánh hằn đầy vết chân chim. Má đã về, má sẽ đón tôi trở về ngôi nhà cũ. Tôi sẽ không còn phải ngủ một mình trong căn phòng rộng thênh thang với nỗi sợ hãi tăng theo cấp số nhân mỗi khi đêm xuống nữa. Lúc ấy, tôi chẳng màng tới sự chọc ghẹo của hai đứa con cô Ba nữa, cứ thế nhào vào lòng má, khóc nức nở.

 

“Hu hu, con nhớ má quá! Sao giờ má mới về? Con muốn về nhà mình, con không ở đây nữa đâu. Hu… hu…”

 

Má ôm chầm lấy tôi, vỗ nhè nhẹ lên lưng. Tôi cứ thế ôm chặt má. Vai má thi thoảng khẽ run lên, còn khuôn mặt cứ ngước nhìn bóng đèn trên trần nhà như tìm kiếm một điểm tựa để qua cơn xúc động.

 

Tiếng xe cót két trên đường quê vắng vẻ, tiếng bánh xe nghiền xuống lớp sỏi ràn rạt. Cả người tôi nảy tưng lên mỗi khi bánh xe sụp ổ gà. Từ ngày má đi đến nay chắc cũng được ba tháng. Ba tháng với một đứa con nít lần đầu tiên sống xa má như tôi quả là dài đằng đẵng. Mỗi khi ngồi trước thềm nhìn những đứa trẻ trạc tuổi mình được má chở đi chợ, lòng tôi ngập trong tủi hờn. Tôi nhớ những buổi sáng theo má đi khắp các hàng chợ, vòi vĩnh mua đủ thứ đồ chơi. Hoặc giả má không chở đi thì tôi cũng vui vẻ dặn với theo: “Má nhớ mua cỏ cho Bành!” Chè bông cỏ, nhưng tôi chỉ thích gọi độc một tiếng “cỏ” mà thôi. Tôi cũng chẳng biết sao ngày ấy mình lại thèm món chè bông cỏ đến thế. Những hạt lựu làm từ bột lọc màu hồng, bánh lọt xanh xanh và sương sa, sương sáo trộn chung với nước cốt dừa trắng đục, đặc quánh, béo ngậy. Nhiêu đó thôi mà tôi khóc ròng nếu má quên mua hoặc mua chè khác thay thế. Từ vòng tay ôm phía sau, tôi có thể cảm nhận từng đốt xương của má đang ấn vào mặt mình. Chiếc áo bà ba của má rộng hơn, không còn ôm khít vòng eo như trước. Suy nghĩ mơ hồ đó sượt qua trong tâm trí, rồi tôi lại rơi vào trạng thái mơ ngủ. Cho đến khi má phanh xe lại, giật mình mở mắt tôi mới hay hai má con đã dừng trước cổng nhà ngoại.

 

Cây táo nhơn bên hàng rào đứng im lìm như đang say giấc. Ngay cả trong đêm tôi vẫn nhận ra từng chùm bông tròn nhỏ xinh của nó in bóng sắc nét trên nền trời thăm thẳm. Mùi thơm thoang thoảng của hoa nhài trong sân ùa ra quấn lấy hai má con.

 

“Má ơi, mở cửa cho con! Má ơi…” Má tôi khe khẽ gọi cửa.

 

Ngôi nhà im lìm như một con bò to đang nằm ngủ, con mắt với hàng mi cong mà tôi hay ví với cái cửa sổ trước nhà khép chặt một cách dứt khoát. Vào khoảng khắc tôi tin ngôi nhà sẽ không bao giờ thức thì một âm thanh lộp cộp vang lên. Tiếng guốc, rồi tiếng mở khóa lách cách. Ánh đèn lọt qua khe cửa như một lưỡi dao bén ngót, cắt đôi khoảng sân trước mặt. Ngoại lặng lẽ tránh ra cho má dắt xe đạp vô rồi khẽ khàng đóng cửa lại. Cái lạnh trên con đường quê vẩn vít nơi tà áo giây lát rồi tan đi, nhường chỗ cho cảm giác ấm cúng khi được bảo bọc trong căn nhà nhỏ.

 

Anh Nhí đang ngủ say trên giường cạnh cửa sổ. Má nhẹ nhàng ngồi xuống, nâng đầu kê lại gối cho anh. Má lặng ngồi ngắm anh qua ánh đèn lúc mờ lúc tỏ. Hơi thở của má lúc gấp gáp, lúc chậm rãi, lúc như nghèn nghẹn giữa hai cánh mũi.

 

Anh Nhí, dậy, dậy!Tôi kéo chân anh, giật mạnh. Bất ngờ, anh duỗi chân đạp một cái thật mạnh đẩy tôi bật ngửa ra giường, rồi anh trở mình, quay mặt vào vách ngáy ro ro. Thấy vậy, má ra hiệu bảo tôi im lặng rồi bước về phía giường ngoại.

 

Chợt nhớ đến những trưa tan trường hai anh em ngồi bên nhau mong mỏi má về, tôi lại nghĩ: “Nếu không gọi anh dậy, thế nào ngày mai anh cũng la tôi một chập rồi nghỉ chơi luôn cho coi.” Nghĩ vậy nên khi má vừa dợm bước sang giường ngoại, tôi len lén nhìn má rồi ghé sát vào tai anh, hét lớn:

“Anh Nhí, dậy, dậy, má về rồi nè.”

 

Anh Nhí không xấu nết ngủ như tôi, một tiếng động nhỏ cũng giật mình khóc ré.  khiến anh [ Cái này lộn ý á Trang, Ý nói bé Bành xấu nết ngủ, một tiếng động đã khóc ré lên. Còn anh Nhí thì ai quấy rầy khi ngủ vẫn ngủ say ] Bị quấy rầy khi ngủ, anh chỉ ú ớ vài tiếng rồi lăn vào trong vách ngủ tiếp. Sau hai lần gọi không dậy, tôi nhéo vô bắp tay anh một cái rõ đau. Anh mở mắt ngó tôi trân trân, khuôn mặt từ bực tức chuyển sang hoang mang khó hiểu, đơ ra khi thấy tôi đang đứng đó.

 

“Ủa? Sao Bành ở đây?”

 

“Suỵt!” Tôi chu mỏ ra hiệu bảo anh im lặng rồi trỏ về phía có ánh sáng, nói khe khẽ:

 

“Má về!”

 

“Má đâu? Má đâu?” Anh Nhí bật dậy, dường như tỉnh cả ngủ khi nghe tiếng “má”. Anh tụt vội xuống giường, chạy ào ra nhà trước. Vừa thấy má, anh lao tới ôm ngang thắt lưng, mắt rưng rưng giận dỗi.

Sao má không gọi con dậy?

 

Má khẽ cười, ôm anh âu yếm.

 

Hai anh em nằm gối đầu lên chân má trên chiếc giường của ngoại. Không gian như chùng xuống, chỉ còn tiếng thở dài buông ra trong đêm và tiếng muỗi vo ve dưới chân giường. Mắt ngoại đỏ hoe, tay run run quét vôi vào lá trầu, nước mắt đọng dưới bờ mi như chực rơi thành giọt. Tôi vẫn thường thấy ngoại quệt vôi ăn trầu nhưng có bao giờ run tay đâu. Cũng chưa bao giờ ngoại quá tay bỏ nhiều vôi, sao lại chảy nước mắt? Lúc ấy, tôi đâu hiểu được nỗi lòng xót xa của người mẹ dành cho đứa con đang rơi vào cảnh khốn cùng, sống cuộc đời bôn ba nơi đất khách. Nhìn dáng vẻ tiều tụy, xanh xao của má, ngoại cầm lòng không được.

 

Tôi khép hờ mắt, vờ ngủ nhưng vẫn dỏng tai nghe cuộc trò chuyện.

 

“Bây làm gì trong đó?” Giọng của ngoại nhỏ xíu, cảm tưởng như còn nhỏ hơn tiếng lá vừa rơi ngoài song cửa.

 

“Con mướn rẫy trồng bắp với đậu.” Má đáp lại với âm lượng vừa đủ nghe.

 

“Mấy đứa nhỏ ra sao?”

 

“Tụi nó phụ làm với vợ chồng con.”

 

Rồi bây lấy gì mà ăn?” Ngoại vừa nhai trầu vừa hỏi, tiếng nhai chậm rãi, đứt quãng có khi như nghẹn lại.

 

“Con nấu bánh canh sáng gánh lên chợ bán, cũng kiếm đủ tiền ăn gạo. Hôm nào bán ế thì ăn trừ cơm.”

 

Nghe vậy, tôi thầm nghĩ anh Ba, anh Tư được ăn bánh canh cả ngày chắc thích lắm. Má nấu ăn rất ngon, tôi thích nhất món bánh canh chả cá vừa dai vừa ngọt thịt với nước súp đặc sệt thơm mùi hành phi. Nhưng sao giọng má cứ buồn mênh mang như thế nhỉ, buồn như lúc tôi xin đi chơi mà không được rồi ngồi bó gối nhìn ra ngoài sân vậy.

 

(Còn nữa)

 

 

>> XEM TIỂU THUYẾT – HỒI KÝ CỦA TÁC GIẢ KHÁC