Văn học nghệ thuật TPHCM 30 năm đổi mới: Đầu tư chưa tương xứng vị thế

532

30.9.2017-14:00

NVTPHCM- Hơn 30 năm trước, với đường lối đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa nước ta vào giai đoạn phát triển đặc biệt. Từ làn gió đổi mới, TPHCM đã nhanh chóng trở thành đầu tàu phát triển kinh tế, văn hóa của cả nước.

Quang cảnh buổi hội thảo

 

Ngày 28.9, Hội thảo khoa học “Văn học nghệ thuật TPHCM – 30 năm đổi mới” do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM tổ chức, nhằm tổng kết 30 năm đổi mới hoạt động văn học nghệ thuật TPHCM.

 

Đến dự hội thảo có các đồng chí: Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, cùng đông đảo các văn nghệ sĩ TP.

 

Từ cơ chế thị trường đến hội nhập quốc tế

 

30 năm đất nước đổi mới là 30 năm TPHCM không ngừng trăn trở vươn mình. Mỗi bước đổi thay, lớn mạnh của TPHCM đều có công sức, tâm huyết của đông đảo văn nghệ sĩ TP. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng hoạt động văn học nghệ thuật (VHNT) TPHCM có nhiều khởi sắc. Sân khấu cải lương tập hợp được lực lượng nghệ sĩ tài danh, hùng hậu nhất cả nước. Nhiều vở diễn đã trở thành kinh điển, có sức lay động lòng người. Hoạt động VHNT tiếp tục phát triển với dòng mạch chính là yêu nước, nhân văn, khắc họa cuộc sống, chiến đấu của một thời chiến tranh gian khổ, hào hùng và cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân chung tay xây dựng cuộc sống mới.

 

Theo NSƯT Trần Minh Ngọc, Ủy viên Hội đồng lý luận phê bình VHNT TPHCM, giai đoạn 1986-2006 là thời điểm rực rỡ của sân khấu. Có được điều này là do sân khấu đã tìm cách tạo ra khán giả cho riêng mình và mỗi sân khấu đều có điểm riêng để khán giả lựa chọn thưởng thức. “Chúng ta rất quan tâm đến việc định hướng qua các kênh báo chí làm lý luận phê bình, nhưng do người làm lý luận phê bình còn thiếu và yếu, chưa có kinh nghiệm về thị trường nên sân khấu xã hội hóa từ 2006-2016 đã từ từ tách ra khỏi định hướng ban đầu”, NSƯT Trần Minh Ngọc chia sẻ. Điều lo ngại nhất là để sân khấu rơi vào suy thoái, rất khó vực dậy khi trở nên tầm thường bởi sự dễ dãi của người làm sân khấu lẫn người xem. Chất lượng nghệ thuật giảm, lượng giải trí tăng và sân khấu xuống cấp dần.

 

Ông Huỳnh Văn Mười, Nhà giáo nhân dân, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, đánh giá: 30 năm đổi mới, giới mỹ thuật TPHCM vừa tập hợp được lực lượng nghệ sĩ sáng tác hùng hậu, từng bước xây dựng đội ngũ nghệ sĩ trẻ với 12 câu lạc bộ và trên 700 hội viên sinh hoạt, cho thấy tinh thần yêu nghề của các nghệ sĩ luôn hăng say; uy tín và sức hút của hội ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, TP chưa có sự đầu tư đúng mức cho nghệ thuật và mỹ thuật. “Giới mỹ thuật đã có nhiều kiến nghị nhưng những tiếng kêu ấy như chìm vào quên lãng”, ông Huỳnh Văn Mười tâm tư.

 

Theo bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, đi vào kinh tế thị trường và xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, truyền thông đa phương tiện, văn hóa văn nghệ có điều kiện phát triển hơn, nhưng thách thức cũng lớn hơn. Sự xâm nhập của văn hóa nước ngoài khá mạnh, trong khi sự chuẩn bị, ứng phó trên mặt trận này còn chưa đủ sức và tỏ ra lúng túng.

 

Tăng cường đầu tư cho VHNT

 

30 năm đổi mới là thời gian đội ngũ văn nghệ sĩ được tăng cường đáng kể, cả về lượng lẫn chất. Quá trình chuyển giao thế hệ đã và đang diễn ra tích cực, giữ vững dòng chảy liên tục của hoạt động VHNT TP. Công chúng văn nghệ ở TP ngày càng đông đảo, sôi động, nhu cầu thưởng thức ngày càng cao, đa dạng và cũng không kém phần phức tạp, đòi hỏi quản lý sâu sát và đáp ứng kịp thời. “Mãi đến giờ, TPHCM vẫn chưa thực hiện quy hoạch tổng thể tượng đài, hệ thống bảo tàng không có cái nào chuyên nghiệp, cơ sở xuống cấp cũ kỹ, thiếu đầu tư, chỉ tận dụng theo kiểu có chi dùng nấy”, ông Huỳnh Văn Mười bức xúc.

 

“TP cần có những cơ chế, chính sách, đưa vào kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động văn học nghệ thuật theo danh mục cụ thể, không dàn trải, như các dự án xây dựng nhà hát, rạp chiếu phim, phim trường, không gian trưng bày, sinh hoạt văn hóa… Cần có chính sách khuyến khích tổ chức sáng tác, trại sáng tác thực tế, đặt hàng đội ngũ sáng tác, tăng cường đầu tư nhà nước, huy động sự góp sức của xã hội thông qua các quỹ đầu tư phát triển VHNT của TP”, bà Phạm Phương Thảo phát biểu.

 

PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM, cho rằng cần tăng cường đào tạo chuyên ngành lý luận phê bình VHNT nói chung và âm nhạc nói riêng. Hiện nay, nhiều chương trình truyền hình thực tế, công nghệ lăng xê, gameshow… với kiểu tâng bốc đang góp phần tạo ra những giá trị ảo trong nghệ thuật. Trong khi việc xây dựng đội ngũ lý luận phê bình – nhân tố đóng vai trò then chốt để VHNT phát triển – lại thiếu và yếu, chưa được đầu tư.

 

Bà THÂN THỊ THƯ – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM:

 

Do chi phối của những mặt trái cơ chế thị trường, tác phẩm VHNT chiều theo thị hiếu dễ dãi, thậm chí là thị hiếu thấp kém, xuất hiện ngày càng nhiều và đáng lo ngại, làm nhiễu sự chọn lọc các giá trị chân, thiện, mỹ của công chúng; ảnh hưởng xấu đến việc xây dựng nhân cách, lối sống, nhất là đối với một bộ phận thanh thiếu niên. Hội thảo này rất quan trọng, bởi chúng ta có thể đúc kết được một số kinh nghiệm, những bài học quý giá để từ đó có những đề xuất cụ thể thúc đẩy sáng tác, kích thích đội ngũ văn nghệ sĩ ở các lĩnh vực, sáng tạo những tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật. Thông qua tác phẩm, khẳng định các nhân tố mới trong thực tiễn đấu tranh cách mạng và lao động của nhân dân; tham gia đấu tranh lên án cái xấu, cái ác, sự biến chất, thoái hóa về nhân cách, lối sống và đạo đức trong một bộ phận xã hội; tham gia đấu tranh phản bác các khuynh hướng nghệ thuật sai trái, lệch lạc, cực đoan; bảo vệ và phát triển đường lối văn hóa, văn học nghệ thuật của Đảng.

 

Nhà thơ LÊ TÚ LỆ Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM: Chiến lược phát triển văn hóa – chậm còn hơn không

 

Vừa qua, UBND TPHCM giao Sở VH-TT TP chủ trì soạn thảo đề cương quy hoạch phát triển ngành văn hóa TPHCM đến năm 2030. Theo tôi, 6 quan điểm phát triển mà dự thảo đưa ra đều đúng nhưng vẫn mang tính chất “dàn mặt trận”, không có mũi nhọn, không có đột phá. Trong quan điểm phát triển cần phải đưa vào việc xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên tiềm lực, tiềm năng, thế mạnh của TPHCM. Nếu không có quan điểm về chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa thì việc chủ động tiếp thu công nghệ tiên tiến của một số loại hình dịch vụ mới chỉ là thụ động phát triển.

Bài toán lối ra của xã hội hóa các hoạt động VHNT tại TPHCM chỉ giải được khi chúng ta có một chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của TP. Một chiến lược khả thi mang tính tổng lực từ phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác và tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ, đi kèm các chính sách về đào tạo nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp, chính sách hợp lý về quỹ đất, về đầu tư có hệ thống cho các thiết chế văn hóa dành cho nghệ thuật chuyên nghiệp, cùng các chính sách ưu đãi về thuế và chính sách kinh tế trong văn hóa, kể cả việc đào tạo và xây dựng công chúng của VHNT… có trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn cụ thể.

 

Nhà giáo nhân dân, họa sĩ HUỲNH VĂN MƯỜI (UYÊN HUY): Sau 30 năm, mỹ thuật vẫn chưa thực sự đổi mới

 

Hiện tại, TPHCM không quy hoạch, định hướng xây dựng khu VHNT liên hợp, và thật phản khoa học là TPHCM sẽ xây dựng một nhà hát giao hưởng ngay dưới chân một cây cầu. 30 năm qua, chúng ta vẫn chưa thiết lập hệ thống các tượng đài trong khu đô thị mới và cũ (về định vị, khả năng di dời, cách bảo quản, phân loại, định số lượng, quy mô…). Điều này dẫn đến một thực tế đáng buồn là “Tượng đài Thống nhất” và “Tượng đài Nam Kỳ Khởi Nghĩa” hơn 40 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng vẫn chưa thực hiện được. Tác dụng giáo dục trọn vẹn dòng lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước của dân tộc bằng ý nghĩa của cả hệ thống tượng đài ở TPHCM chưa được nhìn nhận đúng mức. Hơn 30 năm qua, chúng ta vẫn chấp nhận sử dụng một Bảo tàng Mỹ thuật không chuyên nghiệp, thể hiện rõ qua vụ một Việt kiều ngang nhiên đem tranh giả từ Pháp về và được cấp phép trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật uy tín của cả nước.    

 

Qua thực tế đổi mới trong 30 năm tại TPHCM, có nhiều lĩnh vực đổi mới mang lại kết quả nhưng vẫn còn nhiều mặt của hoạt động VHNT, đặc biệt là mỹ thuật, vẫn chưa thực sự đổi mới.

 

Đạo diễn NGUYỄN QUỐC HƯNG, Phó giám đốc Hãng phim Truyền hình TPHCM: Phim ảnh cần cuộc chơi chuyên nghiệp

 

Khi lý giải nguyên nhân sự “tuột dốc không phanh” của phim truyền hình hiện nay, nhiều người đề cập đến tác nhân truyền hình thực tế và xem đó là “hung thần”. Tôi không nghĩ như vậy, đây là hai thể loại hoàn toàn khác nhau. Bằng chứng là trong thời kỳ hoàng kim của phim truyền hình những năm 2007-2010, thì gameshow truyền hình cũng đâu kém cạnh gì.

 

Phim truyền hình Việt cần một cuộc đại phẫu và có thể xem 10 năm qua là buổi giao thời của phim truyền hình, có ý nghĩa như một cuộc diễn tập, thanh lọc đội ngũ. Từ cuối năm 2016, với bộ phim Zipo, mù tạt và em để rồi bước sang năm 2017, với hai bộ phim Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng gây bão mạng và khuấy đảo các diễn đàn. Đây là một cuộc chơi mới với hai chữ “chuyên nghiệp” – chuyên nghiệp trong ý tưởng kinh doanh, thực hiện phim và cách thức phát hành. Dứt khoát, tương lai của phim truyền hình Việt không có chỗ cho những tay chơi nghiệp dư theo kiểu “mì ăn liền”, chụp giựt, mà rất chọn lọc và kén người chơi. Một thị trường phim ảnh lành mạnh nhất thiết phải như thế.  

 

MINH AN

 

 

>> XEM TIẾP HOẠT ĐỘNG HỘI…