Văn Hường – Vua hài vọng cổ

1373

Tương Như

Trong số hơn mười diễn viên hài – còn gọi là anh hề – được biết trên sân khấu cải lương từ nửa sau thế kỷ 20, nghệ sĩ Văn Hường xứng đáng được xếp hàng đầu. Bởi ông đã sáng tạo ra kỹ thuật ca và phong cách nghệ thuật biểu diễn độc đáo, hình thành nên thương hiệu Danh hài Vọng cổ Văn Hường. Dù chỉ với 6 câu ngắn, những bài ca vọng cổ do Văn Hường trình bày được coi là những bài học luân lý, có tác dụng giáo dục, phê phán nhược điểm hằng ngày, những thói hư tật xấu của người đời mà ít ai dám đề cập tới. Do vậy, hơn nửa thế kỷ qua, tiếng ca Văn Hường vẫn lưu lại những dư thanh tốt đẹp còn lắng đọng trong lòng công chúng mộ điệu đờn ca tài tử và sân khấu cải lương nước nhà. 

Vua hài vọng cổ Văn Hường thời trẻ

Sân khấu cải lương được coi là bức tranh thu hẹp xã hội muôn mặt của con người, phản ánh đủ trạng thái sinh hoạt tình cảm con người: hỉ (mừng), nộ (giận), ái (thương), ố (ghét), ai (buồn), lạc (vui), dục (muốn)… qua diễn xuất của nghệ sĩ. Luôn luôn, trong bất cứ vở hát nào cũng không bao giờ vắng nụ cười pha lẫn tiếng khóc, thể hiện tâm trạng nhân vật trong hoàn cảnh khác nhau. Nếu khán giả đã từng xót xa rơi nước mắt với tiếng … khi nghệ sĩ Út Trà Ôn (1919-2001) hay Thanh Nga (1942-1978) vô sáu câu trong tình huống lâm ly thống thiết thì cũng có thể cười vỡ bụng với những xen phản biện pha trò lắc léo trên sân khấu của những danh hề như: Ba Vân (1908-1988), Hề Minh (?-1985), Tùng Lâm (sinh 1934), Tư Rọm, Kim Quang, Thanh Nam (sinh 1958) và Văn Hường. Mỗi nghệ sĩ hài có nghệ thuật chọc cười thiên hạ mỗi người mỗi vẻ. Độc đáo ở Văn Hường, ông nổi tiếng ở cách làm cho khán giả cười bằng nghệ thuật trình diễn độc nhất, không giống bất cứ ai qua bài ca vua vọng cổ trên sân khấu cải lương.

Nghệ sĩ Văn Hường, tên thật là Nguyễn Văn Hường, sinh năm 1934, tại Mỹ Thành, Thủ Đức (nay thuộc quận 9), TP. Hồ Chí Minh. Xuất thân trong một gia đình nhà nông nghèo, nhưng Văn Hường từ thuở nhỏ rất yêu ca hát cải lương. Mới 15 tuổi, Văn Hường đã phải xa gia đình, đến Sài Gòn bán hột dưa trước rạp hát nổi tiếng Nguyễn Văn Hảo lúc bấy giờ (nay là rạp Công Nhân, 30 Trần Hưng Đạo, Tp. Hồ Chí Minh). Ban đầu chỉ nghe đài phát thanh mà ông thuộc lòng nhiều bài bản, điệu lý câu hò. NSND Minh Vương kể lại: “Nghệ sĩ Lệ Liễu – đang phụ trách chương trình ca nhạc cải lương đài phát thanh Sài Gòn – thấy cậu bé bán hạt dưa còn nhỏ mà ca hát rất mùi, bèn rủ hát cùng. Tình cờ, ông bầu Bảy Cao (1916-1996) – giám đốc đoàn hát Hoa Sen ghé chơi, nghe văn Văn Hường ca, chú ý và cùng nhiều nghệ sĩ khác đến xem để nhận xét. Trong số những người đến nghe Văn Hường ca, có soạn giả NSND Viễn Châu (1924-2016). Từ khi lọt vào mắt anh “vua soạn giả Vọng cổ”, cuộc đời Văn Hường sang một trang mới”.

Bẩm sinh, Văn Hường không được đẹp trai, miệng móm, lại thấp người. Nghe NSND Viễn Châu và ông bầu Bảy Cao hướng dẫn làm hề ca, Văn Hường vui vẻ đồng ý ngay. Bắt đầu từ thời điểm may mắn có thể gọi là cơ duyên ấy, Văn Hường tiếp tục được NSND Viễn Châu hết lòng giúp đỡ, huấn luyện cho Văn Hường có đủ yếu tố khởi sắc và mới lạ để ông trở thành một danh hài vọng cổ. Nghệ sĩ nhân dân tài hoa Viễn Châu sáng tác dần nhiều bài ca vọng cổ hài, chủ yếu cho Văn Hường ca theo lối đặt khuôn – đầu tiên là bài “Đêm tân hôn” – và sau đó nổi tiếng nhất là bài ca vọng cổ “Tư Ếch đi Sài Gòn”. Vua soạn giả vọng cổ Viễn Châu đã đào luyện Văn Hường trở thành một danh hài vọng cổ thực sự và đã nhanh chóng soán ngôi Hề Minh vốn đã nổi tiếng ca hay lúc đó một cách ngoạn mục.

Về sau, khi giọng ca – đúng ra gọi là lối diễn ca – của Văn Hường đã vươn cao tới đỉnh điểm nghệ thuật của vọng cổ hài, người thầy đạo diễn NSND Viễn Châu đã không nhắc lại công sức đào luyện của mình cho học trò, mà chỉ nhận xét lại đích thực chân dung nghệ thuật của Văn Hường: “Về lối ca, Văn Hường mới hơn, kỹ thuật sắp nhịp hay, độc đáo, không kém gì Út Trà Ôn nhưng biết cách biến hóa. Khi tôi chọn cách viết đúng dấu, đúng chữ, chọn đề tài đúng với sự quan tâm của số đông quần chúng. Văn Hường đã gặp “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Soạn giả Viễn Châu còn chia sẻ thêm về chuyên môn: “Sáng tác mang yếu tố hài, giọng ca thể hiện chất hài và nhạc cổ đệm phải biết nhấn nhá chữ đờn hài. Ráp ba công đoạn này lại sẽ có một trường phái”. Nhật báo Tiếng Dội nhận xét: “Đệ nhất thập lục huyền cầm Bảy Bá đã khai sáng trường phái vọng cổ hài qua việc phát hiện nghệ sĩ Văn Hường” (Hồi ký Đờn ca tài tử cải lương – Viễn Châu).

Sau bản vọng cổ hài nổi tiếng “Tư Ếch đi Sài Gòn”, các bài ca gần như cùng chủ đề đã được nghệ sĩ Viễn Châu tiếp nối cho ra đời “Tư Ếch đại chiến Văn Hường”, “Tư Ếch đi coi cải lương”, “Tư Ếch đi hội chợ (ca với NSND Ba Vân)”…  Ba ông thầy bói, Tôi thua số đuôi, Tứ đỗ tường, Văn Hường mê số đề, Văn Hường năm vợ, Văn Hường thương vợ nhỏ, Vợ tôi đi coi bói, Vợ tôi nói tiếng Tây, Vợ tôi tôi sợ… Những bài hát vọng cổ hài tiếp tục ra đời như hoa đào, hoa mai nở rộ vào mùa Tết do tiếng ca thời thượng minh họa, được tác giả Viễn Châu thuyết minh: “Hài có tính giáo dục, tính khuyên nhủ. Cười có trách nhiệm chứ không phải đả phá, châm chọc, phỉ báng”. Vua soạn giả thẩm định nghệ sĩ vọng cổ hài phải đạt được tính cách “Diễn trong ca” và Văn Hường đã làm đúng.

Danh hài Văn Hường 2015

Khi đã thành công tột đỉnh cột đèn, nổi tiếng cả nước, được nhiều đoàn hát lớn mời cộng tác với cát sê cao ngất ngưởng, Văn Hường cưới vợ – Văn Hường sơ sơ mới chỉ có 5 bà vợ hiền – rồi nghệ sĩ lấy tiền lẻ xây nhà lầu, tậu xe hơi. Chưa chịu dừng, say men chiến thắng, tìm dịp xông lên, danh hài vọng cổ Văn Hường phấn khích rủ vua ngâm thơ tao đàn Thanh Hải cùng làm bầu, lập đoàn hát riêng mang tên Thanh Hải – Văn Hường.  Tưởng cũng nên biết, trong cao trào ca nhạc dạo ấy, từ vọng cổ hài đến kịch bản hài, có tác phẩm tạo nên dấu ấn trong lòng công chúng mộ điệu đờn ca tài tử cải lương như vở kịch “Ngao Sò Ốc Hến” của NSND Nguyễn Thành Châu (1906-1977). Sau ngày thống nhất đất nước, vở hát nổi tiếng này đã được long trọng trình diễn lại với dàn diễn viên gạo cội như: Thanh Kim Huệ, Giang Châu, Nam Hùng, Thanh Điền, Tư Rọm… tại TP. Hồ Chí Minh.

Nói đến danh hài Văn Hường, người ta cũng không được không nhớ đến những nghệ sĩ đã có công dìu dắt Văn Hường từ cảnh nghèo đi vào con đường nghệ thuật. Đó là soạn giả NSND Viễn Châu (1924-2016), NS Bảy Cao (1916-1996), NS Lệ Liễu và các soạn giả nổi tiếng: Viễn Châu, Qui Sắc (1914-2010), Kiên Giang (1929-201), Trần Hà (1928-2016),Thành Phát…, đã viết bài ca dành riêng cho Văn Hường ….ự …ự…. vào 6 câu, cù lét khán giả cười đến ra nước mắt.

Đã bảy thập niên trôi qua với bao nhiêu đổi thay trong xã hội cùng với sự thăng trầm của cuộc đời nghệ sĩ hôm nay người mất, người còn. Nhưng những bài ca vua vọng cổ trong đó có nhưng bài vọng cổ hài do các nghệ sĩ Văn Hường, Hề Minh, Hề Thanh Nam, Hề Sa… trình bày vẫn còn đắc dụng và được mọi người xem là vốn quý độc nhất của nền ca nhạc sân khấu cải lương nước nhà. Bình tâm nghĩ lại, từ trước đến nay, ai cũng coi tính cách bản vọng cổ là buồn thê thiết với triền miên âm hưởng ai oán não nùng, nhưng chính chất hài có được trong đó đã làm dịu bớt đi nỗi u hoài bằng những tiếng cười trong sáng, lại mang ý nghĩa giáo dục nhẹ nhàng. Huống nữa là “Một tiếng cười bằng mười thang thuốc”. Nhớ lại thuở còn bé tí mới vào học lớp sơ đẳng, những ngày lễ, chủ nhật, bọn học trò chúng tôi thường rủ nhau đi xem phim hài do những tài tử hài phương Tây như hề Charlot (Charlie Chaplin, 1889-1977), Laurel và Hardy đóng tại rạp chiếu bóng Tây Đô ở đường Nguyễn Thái Học (nay là đường Võ Văn Tần). Những nghệ sĩ hài – anh hề – phương Tây trên màn bạc đã chọc cười khán giả chỉ bằng động tác ngớ ngẩn đặc biệt mà làm khán giả cười lộn ruột, khiến bọn tôi quên hết đi bao nỗi lo lắng nhức đầu sau những giờ cực nhọc vùi đầu trên sách vở. Những bài vọng cổ hài do nghệ sĩ Văn Hường trình bày cũng vừa giải trí lành mạnh cho người nghe đồng thời cũng khuyên nhủ, giáo dục nhẹ nhàng cho con người.

Cũng như sầu nữ NSUT Út Bạch Lan (1935-2016) từng đi ca hát ăn xin, NSND Phùng Há (1911-2009) đi làm ở lò gạch, vua Xàng xê Minh Chí là đồ tể, nghệ sĩ Văn Hường từng đi bán hột dưa, nhưng ông đã đam mê nghệ thuật cải lương mà đi đến đỉnh cao sự nghiệp của cuộc đời nghệ sĩ. Tiếng ca bất tử mà âm vang ngọt ngào lạc quan đã đi vào lịch sử cải lương nước nhà và lắng đọng sâu vào tâm khảm của khán giả mộ điệu bốn phương trong ngót hơn nửa thế kỷ qua – và mãi cho đến hôm nay – cũng xứng đáng là một phần tặng thưởng tinh thần quý giá cho nghệ sĩ hài vọng cổ Văn Hường. Năm 1975, ông vua hài vọng cổ Văn Hường vẫn tiếp tục phục vụ cho nghệ thuật sân khấu cải lương trong giai đoạn mới của đất nước giải phóng. Văn Hường vẫn hăng hái thủy chung với nghề, hát cho hai đoàn cải lương tập thể Thống Nhất (Tây Ninh) và Sống Chung (Phước Chung) để phục vụ khán giả yêu sân khấu đờn ca tài tử cải lương cho đến năm 1987 do tuổi cao, nghệ sĩ mới xin nghỉ hưu.

T.N