Vẻ đẹp tâm hồn và yếu tố bản năng của người lính trong truyện ngắn đề tài chiến tranh biên giới Tây Nam

1509

Phạm Khánh Duy


Tác giả Phạm Khánh Duy.

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chiến tranh giải phóng miền Nam vừa kết thúc, đất nước thống nhất chưa được bao lâu thì Việt Nam lại tiếp tục đối mặt với những cuộc chiến khác vô cùng ác liệt. Ở biên giới Tây Nam, lực lượng Khmer Đỏ tiếp tục gây hấn, tràn sang giết chóc đồng bào ta. Cuối năm 1978, từ cuộc chiến ở biên giới Tây Nam, dân tộc ta đã mở rộng thành cuộc chiến giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng tàn bạo của Khmer Đỏ. Sau năm 1975, ở Việt Nam xuất hiện một mảng văn học chống lại bọn diệt chủng Pol Pot trên chiến trường K (Campuchia) và cuộc chiến đấu chống Pol Pot để bảo vệ biên giới Tây Nam (Việt Nam).

Tuy số lượng tác phẩm viết về hiện thực bi tráng này không nhiều, nhưng hầu như những tác phẩm ra đời đều có giá trị. Những cây bút Việt tiêu biểu cho mảng văn học chống Pol Pot phần đông là cựu chiến binh đã từng cầm súng trên chiến trường Campuchia. Vì thế mà những trang viết của họ rất xúc động, chân thật, mang hơi thở của chiến trường và giàu giá trị nghệ thuật. Một thực tế đáng nói là những nghiên cứu xoay quanh mảng văn học chống Pol Pot vẫn còn chưa nhiều. Trong bài viết này, chúng tôi chọn một số truyện ngắn trong mảng văn học chống Pol Pot ở biên giới Tây Nam làm đối tượng để khảo sát, đi sâu vào làm rõ vẻ đẹp tâm hồn và yếu tố bản năng của hình tượng người lính.

* * *

Bên cạnh vẻ đẹp kiêu hùng của “Anh bộ đội cụ Hồ” lúc tác chiến ở “đất bên ngoài Tổ quốc”, một vẻ đẹp khác của người lính trong truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh biên giới Tây Nam là sự lãng mạn, đa tình và yếu tố bản năng. Lính chiến đấu ở biên giới Tây Nam có đủ mọi thành phần tham gia, trong đó phần đông là những thanh niên trẻ tuổi, nhiều người vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường khi nghe tiếng gọi của quê hương lập tức từ bỏ những giấc mộng riêng tư để dấn thân vào cuộc chiến mà không hẹn ngày về. Vì là thanh niên trẻ tuổi, yêu đời, nhiều mơ mộng nên lãng mạn, đa tình dường như đã trở thành phẩm chất của những người lính trẻ.

Trong mảng sáng tác về chiến tranh biên giới Tây Nam, các tác giả không còn e dè, ngần ngại khi đi sâu vào đời sống tâm hồn của người lính. Thứ nhất, giai đoạn mà tàn quân Pol Pot tràn vào biên giới Tây Nam thảm sát nhân dân ta cũng là giai đoạn mà văn học Việt Nam đang dần chuyển mình, đổi mới trên nhiều bình diện, vì thế mà cái nhìn của các tác giả và độc giả có phần phóng khoáng hơn, đời sống tâm hồn và nhu cầu bản năng của con người cũng được chú trọng hơn. Thứ hai, bên cạnh những sáng tác trực tiếp trên chiến trường thì rất nhiều tác giả cần “độ lùi thời gian” để cấu thành tác phẩm, nói cách khác, phần nhiều những sáng tác về cuộc chiến đấu chống Pol Pot được viết khi những người lính năm xưa nay đã là cựu chiến binh, thế nên họ không lần lữa khi viết về đời sống tâm hồn, về tình yêu, về vấn đề tính dục của người lính. Chính nhờ vẻ đẹp lãng mạn, đa tình, đời sống tâm hồn phong phú và những nhu cầu thuộc về bản năng mà người lính hiện lên gần gũi, chân thật, mảng sáng tác về chiến tranh biên giới Tây Nam cũng không rơi vào hiện tượng “văn học minh họa” (cách nói của nhà văn Nguyễn Minh Châu) như văn học một thời đã từng.

Khảo sát hơn mười truyện ngắn về đề tài chiến tranh biên giới Tây Nam của một số tác giả tiêu biểu như Văn Lê, Trần Đình Thế, Chu Lai, Mai Ngữ, Ma Văn Kháng, Lê Lựu,… chúng tôi nhận ra biểu hiện của vẻ đẹp lãng mạn, đa tình, đời sống tâm hồn và yếu tố bản năng của người lính. Nỗi nhớ quê hương và gia đình, tấm lòng đau đáu hướng về mảnh đất chôn nhau cắt rốn gắn liền với những giá trị văn hóa tốt đẹp cũng là sự cụ thể hóa đầu tiên cho vẻ đẹp tâm hồn của người lính biên giới Tây Nam. Khi xa quê đi chiến đấu, những miền quê giàu truyền thống văn hóa trên khắp đất nước Việt Nam đã đi sâu vào trong tâm hồn, in hằn vào máu thịt của những người trai trẻ. Trong truyện ngắn Biển Hồ yên tĩnh, Mai Ngữ đã khơi lên những cảm xúc trong sâu thẳm tâm hồn của người lính Việt làm nhiệm vụ quốc tế trên “xứ sở Chùa Tháp”. Mai Ngữ không chú trọng quá nhiều vào sự kiêu hùng, quả cảm, khoảnh khắc xông pha “giáp lá cà” với tàn quân Pol Pot của người lính mà tinh tế phát hiện từng cung bậc trong xúc cảm, nội tâm của anh lính. Tâm trạng của nhân vật “tôi” khi sống những tháng ngày trên đất Campuchia là nỗi đớn đau, nỗi nhớ quê nhà và sự thèm thuồng những gì dung dị quen thuộc của nơi sinh thành ra anh. Đất nước Campuchia với “khu đền cổ Angkor”, “những khuôn mặt trầm tư và thần bí của tượng thần Bay – on bốn mặt xoay ra bốn hướng” cũng không thể lấp đầy nỗi nhớ về đồng quê nội cỏ đất Việt được. Biểu hiện của nỗi nhớ quê hương trong truyện ngắn Biển Hồ yên tĩnh có nhiều cấp độ khác nhau. Ban đầu nỗi nhớ về miền quê, dòng sông với những cái tên cụ thể: “Nước, nước ở khắp các dòng sông mà tôi đã đi qua, trước mắt là con sông Cẩm quê tôi nổi tiếng là thơ mộng vì những bài quan họ mà đến đời tôi chẳng còn ai thuộc lấy nửa bài. Làng tôi ở sát ngay bến đò Như Nguyệt, bên kia là Yên Phong, bên này là Hiệp Hòa”, “Biết bao dòng sông nữa lại hiện về trong giấc mơ điên loạn của tôi giữa cơn khát khủng khiếp này: sông Hồng, sông Chu, sông Mã, sông Hiền Lương, sông Thu Bồn… rồi sông Cửu Long”.

Hình ảnh những dòng sông, bến đò, làng mạc là biểu tượng của quê hương đất Việt thân yêu. Tất cả hiện lên trong giấc mơ của người lính, trở thành nỗi khát khao của nhân vật “tôi”. Đồng thời, những hình ảnh ấy cũng là “đòn bẩy” để người lính tình nguyện nhớ đến những gì rộng lớn, khái quát và thiêng liêng hơn: Tổ quốc.

“Thầm hát bài hát của người lính lái xe Trường Sơn. Anh hát không hay nhưng có sức rung động và bài hát đã đưa chúng tôi về những năm tháng chống Mỹ ác liệt, con đường chạy dọc thân hình Tổ quốc với những con cua, những ngầm, và những cô gái mở đường, những đoàn quân ra trận…”

Giữa cuộc chiến đấu ác liệt và tàn khốc với “lính áo đen” – Pol Pot, bài ca về người lính, về những năm tháng chiến đấu hào hùng của dân tộc Việt Nam vẫn vang lên. Rõ ràng, tiếng hát ấy chẳng những mang ý nghĩa “át tiếng bom” mà còn khẳng định sự lãng mạn, đa cảm trong tâm hồn người lính tình nguyện.

Làm nên vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa của người lính trong truyện ngắn viết về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam còn nằm ở phương diện tình yêu cá nhân. Không bị gò bó khi viết về tình yêu riêng tư như văn học thời kì kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cũng không nhất thiết phải gắn chặt tình yêu cá nhân của hai con người với tình yêu quê hương đất nước. Vấn đề tình yêu của người lính trong truyện ngắn về chiến tranh biên giới Tây Nam nói riêng, trong mảng sáng tác chống Pol Pot nói chung được các tác giả thể hiện rất đa dạng. Các tác giả thường có xu hướng lựa chọn những mĩ từ để miêu tả những cảm xúc của người lính trong tình yêu hoặc chỉ là những rung động ban đầu trước sắc vóc của những cô gái Khmer xinh đẹp để thương để nhớ trong lòng người lính sau khi trải qua bầu không khí ngột ngạt của chiến trường K. Chẳng hạn như trong truyện ngắn Biển Hồ yên tĩnh của Mai Ngữ, nhà văn đã gợi tả cảm giác của người lính Việt khi ngồi bên cạnh cô gái xinh đẹp Săm Ri: “Săm Ri mà chúng ta đã biết vẫn mặc bộ đồ Việt mà cô ưa thích, chiếc quần bằng vải thun đen nhánh, áo sơ – mi hoa trắng, người mảnh mai và trắng trẻo càng về đêm càng giống một bông hoa nhài”. Hình ảnh ấy đã gây ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng người lính tình nguyện – nhân vật “tôi” trong tác phẩm.  Cảm xúc của người lính Việt trước hình ảnh đó là sự thèm khát, bộc lộ rõ những ham muốn cá nhân. Mai Ngữ không ngại khi diễn tả cảm xúc của chính mình và của đồng đội trong khoảnh khắc đó: “Ôi người con gái Campuchia đáng thương và đáng mến, mãi mãi chẳng có ai có thể quên em”.

Đặc biệt, nhắc đến người lính ở phương diện tình cảm, không thể không nhắc đến những ẩn ức tính dục dồn nén thúc đẩy thành khát khao được giải tỏa, được thỏa mãn xác thân. Trong truyện ngắn Chăn Tha của Trần Thùy Mai, nhân vật “tôi” – người lính chiến đấu ở biên giới Tây Nam đã rung động trước sắc đẹp của cô gái Chăn Tha – nhân vật hiện thân cho nét đẹp của người thiếu nữ Campuchia ở độ tuổi trăng tròn: “Nàng đang tắm, vai để trần, tấm xà rông đỏ quấn từ ngực xuống, ướt đẫm”. Người lính ban đầu nhận ra “Chăn Tha đẹp: những đường cong trên người nàng mềm mại”, sau đó là cảm xúc “bối rối”, “muốn nắm tay Chăn Tha”, “bị ám ảnh bởi nụ cười của nàng”. Và khi được Chăn Tha chủ động chạm vào xác thịt thì người lính cảm thấy hạnh phúc, sung sướng: “tôi nghe rõ tiếng nàng thở, tiếng sự sống rung động dưới làn da, và cả giây phút tim tôi vỡ òa trong lồng ngực”. Thông qua đây, có thể nhận ra sự rung cảm mãnh liệt trong tâm hồn của người lính. Rõ ràng, dù trên chiến trận người lính có gan góc, kiên cường và sắt đá đến đâu thì ẩn đằng sau hình hài ấy là một trái tim khát khao được yêu, được trải nghiệm xác thịt.

Bên cạnh đó, vẻ đẹp tâm hồn của người lính còn được thể hiện ở những sinh hoạt thường nhật tuy cơ cực, vất vả nhưng đôi khi rất đỗi thi vị, tài tử. Người lính biên giới Tây Nam cũng chọn thơ ca như một phương tiện để bày tỏ tình cảm, cảm xúc, bộc lộ nỗi lòng của mình. Trong truyện ngắn Bài thơ của anh của nhà văn Chu Lai, những vần thơ “tươi xanh” giữa những tháng ngày máu lửa được viết ra từ trái tim của người lính. Bài thơ của anh vừa là câu chuyện về cuộc chiến đấu khốc liệt của người lính tình nguyện với tàn quân Pol Pot, vừa là những trang văn cảm động về những sinh hoạt thường nhật của người lính trên chiến trường. Đối với nhân vật Hòa trước kia từng là sinh viên Văn khoa Sài Gòn, khi nghe Tổ quốc gọi tên đã sẵn sàng “xung phong vào bộ đội”. Vốn là sinh viên Văn khoa nên tâm hồn Hòa rất lãng mạn, yêu đời, dùng tình yêu cuộc sống của mình để đối lập với chiến trường khốc liệt. Nhà văn Chu Lai đã dành nhiều bút lực để tái hiện lại vẻ đẹp tâm hồn của Hòa. Trên chiến trường K khói lửa, những vần thơ của người lính như hoa lặng lẽ nở ra. Người lính tình nguyện ấy làm thơ trong mọi khoảnh khắc, lúc thì “chong đèn làm thơ tặng cô mỗi tuần đều đặn”, khi lại “viết những bản nhạc tình theo thể A – pê dân gian”. Công việc giản dị nhưng nghệ sĩ ấy ít nhiều đã làm cho người lính thỏa mãn đời sống tâm hồn, vơi đi nỗi nhớ quê hương và vượt lên mọi khó khăn, tiếp tục cầm súng chiến đấu chống lại bọn tàn quân còn ẩn mình trong những cánh rừng hoang vắng. Dù vậy, người lính tình nguyện vẫn không bị nhu cầu cá nhân làm xao nhãng, lung lay ý chí chiến đấu. Người lính tình nguyện luôn tự nhận thức được sứ mệnh, trách nhiệm của mình, vì thế Chu Thom “không cho phép anh được chong đèn đắm đuối nỗi riêng tư” mà nỗ lực làm tròn bổn phận với đất nước Chùa Tháp. Đây là phẩm chất tốt đẹp của người lính tình nguyện, xứng đáng được ngợi ca, trân trọng.

* * *

Vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa, tinh thần lạc quan là phương diện độc đáo của hình tượng người lính trong truyện ngắn viết về chiến tranh biên giới Tây Nam. Vấn đề đời sống tâm hồn, những nhu cầu cá nhân luôn là điều quan trọng trong cuộc sống của con người mà người lính không phải ngoại lệ. Nhận ra được điều này, người đọc càng thêm khâm phục những người lính chiến đấu vì Tổ quốc và vì nước bạn. Bởi trong những năm tháng ấy, họ chẳng những anh dũng chiến đấu, bản lĩnh xông pha, xả thân mà còn sống lạc quan, nhân hậu vô cùng. Họ đã sống vì sự sống của một dân tộc anh em, đời đời thân thiện và hữu nghị: Campuchia – lẽ sống ấy thật cao quý và hướng thiện biết bao.

P.K.D