Võ Tấn Cường – kẻ du ca miền chữ

1720

 Vương Huy

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trường ca Cửa sinh tử là một tác phẩm dài hơi của thi sĩ Võ Tấn Cường. Nó là một tập đại thành của cả một chặng đường sáng tạo của thi sĩ. 

Tập thơ Cửa sinh tử của Võ Tấn Cường

Thi sĩ Võ Tấn Cường là một kẻ du ca trên miền chữ nhưng lại là một kẻ du ca có ý thức về công việc của mình, một kẻ du ca có lý luận. Điều này rất ít người đạt được vì thi sĩ chỉ như một cảm khiếu bẩm sinh, ít người được học hành bài bản về văn học.

Trong thơ của Võ Tấn Cường, chất lý trí pha trộn vào chất cảm xúc và nó được thể hiện qua những bài thơ tự do được lập tứ rất cẩn thận. Những tứ thơ kỳ lạ được xây dựng dày đặc trong tập Cửa sinh tử nhằm hướng đến một triết lý nhân sinh bi đát và thể hiện thân phận con người trong cô đơn, bất trắc.

Toàn thể tập thơ Cửa sinh tử là một khúc khổ ca, bi hoan ca, chứ không có lấy một chút tính chất tráng ca. Có thể đó là một bài thơ ca ngợi sự chung thủy thông qua một hình tượng thơ độc đáo: Chim còng cọc. Con chim treo mình trên nhánh cây cho đến khi thân xác chết khô là một ám ảnh tình yêu muôn thuở mang tính chất cổ tích. “Treo ngược đầu cành cây cao/ Chim còng cọc tiếc thương bạn tình/ Quên đói khát/ Quên tiếng hót/ Quên sự sống/ Tìm bóng hình yêu thương ký ức ảo ảnh đáy nước…”. Có thể đó là cái đẹp bị bỏ quên trong cùng kiệt. Người đời vốn thế, họ thường chạy đuổi theo bao ảo ảnh, phù du mà lãng quên những điều chân-thiện-mỹ. Điều này được thể hiện qua bài Hoa đói: “Người bỏ quên đóa hoa rũ mặt bàn câm lặng/ Hoa đói ánh mắt mê đắm/ Hoa đói đôi môi bỏng rát vị yêu/ Đói ý nghĩ yêu thương/ Đói lời thề chung thủy”.

Thi sĩ Võ Tấn Cường đề cập đến vấn đề nhân cách trong cái xã hội tha hóa, băng hoại đạo đức như hiện nay. Đồng tiền toan tính lọc lừa không mua chuộc được tấm lòng thi sĩ. Thi sĩ giữ lấy lề của mình mặc dù giấy vẫn chưa rách. “Người ơi!/ Tôi không phải kẻ ăn mày tình thương/ Xin nhặt trả người đồng xu toan tính/ Dù tuyệt lộ chết khát miền sa mạc tình người”. Trong bài Giun đất, một bài ngắn gọn mà tiêu biểu, thi sĩ thể hiện được thân phận chung của những người làm thơ. Đó là sự mù lòa và nhạy cảm. Thi sĩ như một người phải lăn lóc, chịu đựng trong thực tế để bật lên được những ý thơ, hình tượng thơ tuyệt diệu. Số phận họ như con giun đất lăn lóc trên sỏi đá tình người. Bài thơ này ý thơ độc đáo, lời lẽ cô đọng nhưng có sức ám ảnh lâu dài: “Lăn lóc tro bụi/ Quằn quại sỏi đá/ Miên man lê lết miền bóng tối/ Mù lòa dòng điện thân xác dẫn lối/ Đục rỗng nấm mồ hoang tưởng/ Ăn tủy xương óc não rễ cây sự sống/ Hành trình câm vô vọng”.

Bài Sắc màu của lưỡi, thi sĩ thể hiện được sự dối lừa, biến hình, trí trá của ngôn ngữ. Ngôn ngữ lắm hệ lụy và cũng đầy ma quỷ. Ngôn ngữ chảy máu u mê, ngôn ngữ thoát tục, ngôn ngữ lọc lừa. Bài thơ này như một ẩn ngữ cho chức năng của chữ nghĩa và những người sống với nó. “Lưỡi uốn hình loài sứa/ Lưỡi đổi màu tắc kè/ Lưỡi tự cắn hình hài u mê/ Máu đen ngập ngụa/ Hương vị lọc lừa”.

Hoa điếm thì mở ra một cái nhìn xuyên thấu bản chất sự vật, sự việc. Một bông hoa độc cải trang, đội lốt trong vẻ hiền lành ngây thơ. Nó như một cái đẹp có nhiều độc tố ẩn trong hương vị ngọt ngào đánh lừa cảm giác. Bài này cũng có một tứ thơ ám ảnh kỳ lạ: “Hoa điếm đội lốt hoa dại/ Hoa điếm khoác áo hoa cô độc/ Hoa điếm di động liêu trai khuyến dụ xác thân ong bướm”.

Bài Qua lò thiêu nhớ Chế Lan Viên bộc lộ một cách nhìn đối với một nhà thơ lớn của thời đại. Đó là Chế Lan Viên. Thi sĩ nhìn thấy sự bình thản của ông trước cái chết vì đã làm xong nhiệm vụ, đã đạt đến sự vĩnh cửu. Con người chiến thắng cái chết bằng sự bất tử: “Ông đi đến lò thiêu bằng nụ cười bình thản/ Bỏ lại bên đường dấu chân thầm lặng/ Bỏ lại sau lưng câu thơ tứa máu hoàng hôn”. Thi sĩ tìm trong tận cùng của đáy sự sống đen ngòm một hình ảnh cái đẹp trân quý – một bông hoa bừng nở giữa lòng cống đen đặc, âm u. Mặt khác, thi sĩ ca ngợi vẻ đẹp trong lao động của những con người ở tầng lớp bên dưới xã hội. Bài thơ Bài ca người móc cống là một bài thơ đẹp, cái đẹp tận cùng cay đắng: “Tôi đi tìm loài hoa ngát hương giữa lòng cống thành phố/ Loài hoa nở sắc màu bóng tối và làn hương thoát thai từ xú uế/ Loài hoa sinh ra từ sự ghẻ lạnh của màn đêm và chết giữa sự thờ ơ độc ác”.

Trường ca Cửa sinh tử là một tác phẩm dài hơi của thi sĩ Võ Tấn Cường. Nó là một tập đại thành của cả một chặng đường sáng tạo của thi sĩ. Ở đó, nó nâng sinh diệt lên một tầm khái quát thông qua nhân vật chính là nhà thơ – bác sĩ sản khoa. Sinh và diệt trộn lẫn vào nhau như hai núm sen trên bầu ngực của bà mẹ tạo hóa.

Phương pháp sáng tác của trường ca này được viết trên phương pháp hiện tượng luận của triết học phương Tây (tức là một cái nhìn đa diện về sự vật, hiện tượng). Đó là cái nhìn đa chiều kích về gương mặt sinh tử. Cũng giống như bức tranh của Picasso -một gương mặt mở bung ra nhiều góc độ.

Tóm lại, thi sĩ Võ Tấn Cường là một kẻ du ca có ý thức. Thơ anh độc đáo về tứ, hiện đại về ngôn ngữ, hầu hết là thơ tự do không vần. Thi sĩ đi qua mặt đất này và hát lên lời khổ đau không ngớt về lẽ tồn sinh. Và, bài ca đã dệt nên chân dung tâm hồn người thi sĩ. Như vậy, tập thơ Cửa sinh tử lặng lẽ nằm chờ độc giả – như một người đẹp ma mị, liêu trai.

V.H