Vương Hồng Sển tâm tình về sách

672

Đọc “Bên lề sách cũ”, nhiều kiến giải, ghi chép về địa danh, lịch sử, văn hóa đất Nam Kỳ xưa được Vương Hồng Sển đề cập, kể lại chi tiết qua tài liệu phong phú.

Vương Hồng Sển (1902-1996) được biết đến với rất nhiều vai trò khác nhau. Ở lĩnh vực đồ cổ, ông là người chơi cổ ngoạn có tiếng ở Sài Gòn xưa. Với sách vở, ông là tay sưu tầm sách báo có hạng.


Tác phẩm Bên lề sách cũ của Vương Hồng Sển được NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành. 

Vương Hồng Sển viết sách về những lĩnh vực mà ông am hiểu, dẫn dắt độc giả vào thế giới đồ cổ qua Cuốn sổ tay của người chơi cổ ngoạn, Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa, Thú chơi cổ ngoạn…

Trong khi ấy, với lĩnh vực sách, bạn đọc không lạ gì với Thú chơi sách, Thú đọc truyện Tàu. Trong số đó, Bên lề sách cũ hay “ăn cơm mới nói chuyện cũ” được NXB Tổng hợp TP.HCM tái bản.

Xem Bên lề sách cũ, độc giả sẽ bắt gặp một phong cách kể chuyện rất đặc trưng của Vương Hồng Sển, lan man và dông dài, đang chuyện nọ, có thể lái qua chuyện kia trước khi trở về với chủ đề chính.

Ấy là bởi thói quen mạn đàm của ông cùng hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực. Và cũng bởi vậy, độc giả thường bị hấp dẫn bởi phong cách tự nhiên đó.

Không trực tiếp bàn chuyên môn về sách cũng như việc chơi sách như cuốn Thú chơi sáchBên lề sách cũ chủ yếu là trích lục về những cuốn sách xưa, được tác giả chọn và dịch ra quốc ngữ để độc giả hiểu biết thêm về tài liệu quý hiếm, cũng như giá trị những tư liệu đó với người có nhu cầu tìm hiểu.

Đọc qua Bên lề sách cũ, độc giả đến với tác phẩm Petit cours de géographie de la BasseCochinchine của Trương Vĩnh Ký mà ở đó, quá trình mở đất về Nam của dân tộc được tái hiện rõ nét qua những sự kiện cụ thể gắn với tên tuổi của chúa Nguyễn, Mạc Cửu, Nguyễn Hữu Cảnh…

Về đường đi lối lại, thủy trình trên biển thời xưa cũng được Bên lề sách cũ đề cập. Theo đó, nhật trình đường biển từ kinh đô Huế vào Nam đến Vạn Ninh, Cần Giờ được diễn dịch bằng thơ, non sông gấm vóc với bao địa danh được điểm tên thật nên thơ hữu tình.

Chẳng hạn, nói về Đà Nẵng: “Sơn Trà, vũng Đắng dặm tràng [trường] / Kìa hòn Non Nước thiên chương địa đồ”.

Rồi nói đến đất Gia Định thì: “Lăn buồm mà dựa cho yên / Ba non chẳng lái chỉ ngay Cần Giờ / Cần Giờ cửa ấy là tên / Gia Định chảy xuống một bên hải tần”.


Đại Việt tập chí bộ tục bản do Hồ Văn Trung (Hồ Biểu Chánh) làm giám đốc.

Đối với đất Nam Kỳ lục tỉnh, với hiểu biết rộng qua việc đọc, tham khảo nhiều tác phẩm của tiền nhân, học giả Vương Hồng Sển lập một bảng danh mục về những sách đã đọc liên quan chỉ dấu cơ bản cho những ai có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về vùng đất này.

Nhiều tác phẩm quen thuộc được điểm tên như Gia Định thành thông chí (Trịnh Hoài Đức), Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán nhà Nguyễn) cho đến những sách xưa báo cũ như Nam Kỳ tuần báo, Đại Việt tập chí hay Dư đồ thuyết lược – Précis de géographie (Trương Vĩnh Ký), Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802 (Tạ Chí Đại Trường)…

Cũng ở tác phẩm này, tác giả nói nhiều về đất Sóc Trăng quê ông qua việc bàn về địa danh, lịch sử với những so sánh, tham khảo sách Người Việt gốc Miên (Lê Hương), Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười (Nguyễn Hiến Lê).

Chuyện “Bánh bông điên điển” của cô gái Miên đầy chất giai thoại mà nay đã thất truyền, cũng là từ tâm niệm “Ngủ đi còn sợ chiêm bao trước / Nghĩ lại như là chuyện thuở xưa” (Nguyễn Khuyến).

Theo Zing