Yêu Bác – Lòng ta sáng hơn

527

Nguyễn  Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Lịch sử văn minh nhân loại từng lưu lại cho hậu thế những biểu tượng chói ngời như những tấm gương sáng cho loài người tiến bộ học tập. Có những người mà mỗi lời nói là giai diệu của núi sông, thấm đẫm giá trị nhân văn như những câu phương ngôn sâu sắc trong sách giáo khoa. Cũng có những người mà mỗi hành động gắn liền với một giai đoạn lịch sử tranh đấu thăng trầm, liệt oanh của một đất nước. Mỗi ngôn ngữ, mỗi hành động của những vĩ nhân ấy mãi âm vang theo từng nhịp đập trái tim và cộng hưởng theo từng bước đi lịch sử của dân tộc mình.  

Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta là một người như thế!


Bác Hồ – vị cha già kính yêu của dân tộc.

Sinh ra trong thời quốc phá gia vong, không nhắm vào học hành đến nơi đến chốn vì phải lo việc nước, Bác là hiện thân sinh động về văn hóa, tâm hồn và  trí tuệ của một vĩ nhân kiệt xuất trên thế giới. Là danh nhân văn hóa lớn, hoạt động trải rộng khắp năm châu, Bác là người thầy vĩ đại của một trường học lớn mà mọi người ai cũng ước mong học tập và noi gương không chỉ riêng dân tộc Việt Nam. Là nhà chính trị và quân sự xuất sắc, Bác còn là một thi sĩ có những vần thơ tuyệt bút, một nhà giáo giàu nhân cách của dân tộc Việt Nam.

Trong thời gian trước khi rời tổ quốc xuống tàu tại bến Nhà Rồng năm 1919, bôn ba ra hải ngoại tìm đường cứu nước, Bác đã dạy học tại Trường Dục Thanh ở Phan Thiết. Do vậy, suốt cuộc đời hoạt động cách mạng và toàn bộ tác phẩm quí báu trong sự nghiệp văn chương của Bác lúc nào cũng mang dấu ấn rõ nét về phong thái mẫu mực, ngôn ngữ trầm tĩnh của một nhà giáo tâm huyết.

Nhận thức sâu sắc được vai trò vô cùng quan trọng của thế hệ trẻ là tầng lớp thiếu niên học sinh, Bác quan tâm hàng đầu dạy các em lòng yêu đất nước, nhân dân, tinh thần học tập hăng say và lao động nhiệt tình. Muốn đạt thành quả trong mọi công việc, các em cần thể hiện tốt ý thức đoàn kết và kỷ luật trong cộng đồng, tập thể và tổ chức: “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào / Học tập tốt, lao động tốt / Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt”. Thực tế “Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” nên Bác minh họa cụ thể thêm bài học về tính hợp quần và tính chịu khó: “Hòn đá nặng / Hòn đá to / Nhiều người nhắc / Nhắc lên đặng”. Ngoài ra, Bác cũng không quên dạy bài học làm người, rèn luyện nhân cách và đức dũng cảm cho các em: “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Vì Bác ước mong các em hiện tại là những thiếu niên tiên tiến như Kim Đồng, Lê Văn Tám… trong tương lai sẽ trở thành những anh hùng bất tử như: Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân, Phan Đình Giót… Muốn được vậy, như ý nghĩa câu tục ngữ: “Có chí thì nên”, Bác dạy các em bài học về ý chí và nghị lực, chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa thành công trong sự nghiệp con người: “Không có việc gì khó / Chỉ sợ lòng không bền / Đào núi và lấp biển / Quyết chí ắt làm nên”.

Đối với giáo viên và những người làm công tác giáo dục vốn là những thành phần tác động, hướng dẫn trực tiếp đối tượng trên, Bác chân thành khuyên họ một phương châm xuất phát từ kinh nghiệm lao động của người làm vườn: “Muốn làm nhà cửa tốt / Phải ra sức trồng cây”.

Trong hoàn cảnh đất nước bị kẻ thù quấy phá, gây chết chóc cho đồng bào ba miền, Bác đau đáu khuyên đội ngũ giáo viên: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt…”. Hồ Chủ tịch nhắc nhở thầy cô giáo trong sứ mệnh “trồng người”:

                              “Vì sự nghiệp mười năm trồng cây

                                Vì sự nghiệp trăm năm trồng người”

Lời dạy thân thương của Bác như ngọn đuốc sáng soi đường chỉ lối muôn đời, có giá trị như một chân lý vĩnh hằng cho tập thể giáo viên xã hội chủ nghĩa chúng ta.

Trong giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng” nhân dân Việt Nam phải đấu tranh chống xâm lăng, giải phóng dân tộc, Bác gần gũi hàng ngày với nhân viên, cán bộ kháng chiến nên có những điều dạy bảo vô cùng thiết thực với tình hình đất nước, động viên hiệu quả mọi người tinh thần, ý chí quyết tâm đánh bại kẻ thù: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành / Khó khăn nào cũng vượt qua / Kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Để khắc phục lối làm việc lề mề theo thói quen vì thiếu phương pháp khoa học, Bác không quên khuyên nhủ cán bộ, công nhân viên “sửa đổi lề lối làm việc” mong cho mọi người trở thành lao động giỏi, biết tư duy, có tri thức và giàu óc sáng tạo. Đó là những phẩm chất thiết yếu mà những cán bộ thời chiến phải có để làm tốt sự nghiệp đấu tranh của nhân dân cả nước.

Vào triều đại nhà Lê, nhà chính trị, nhà thơ Nguyễn Trãi viết “Gia huấn ca” răn dạy các thành viên trong gia đình về lễ nghĩa, quan hệ cư xử… và những kiến thức phổ thông theo truyền thống đạo lý và giáo dục của người xưa. Thế kỷ hai mươi, nhân dân ta hạnh phúc, tự hào với một lãnh tụ lỗi lạc, một thiên tài đa dạng làm vẻ vang dân tộc ta, đưa đất nước ta lên tầm cao thời đại mới. Từng xuất thân dạy học, bôn ba trong cuộc đời hoạt động chính trị, Bác để lại những lời nói câu thơ mang thông điệp giáo dục giàu tính nhân văn. Ngần ấy tính cách trong sáng, cao đẹp đã minh họa cho nhân cách lớn của một nhà yêu nước vĩ đại. Bác là giáo viên chân chính của trường đại học cách mạng. Lớp học là cả ba miền đất nước khói lửa và học trò của Bác là mấy mươi triệu đồng bào Việt Nam đau thương vì chiến tranh xâm lược của thực dân, đế quốc.  Bác là điển hình đỉnh cao củamột nhà giáo – nhà ái quốc vĩ đại không chỉ riêng của dân tộc Việt Nam.

Nhiều thi sĩ nổi tiếng Trung Quốc như Viên Ưng (sinh 1924), Quách Mạt Nhược (1892-1978), Tiêu Tam (1886-1983) đã trân trọng Bác như biểu tượng tài năng về sự trong sáng, cao đẹp: một “Dũng khí lớn, trí tuệ lớn, tâm hồn lớn” (Viên Ưng). Một vĩ nhân trên thế giới đã ngưỡng mộ, ca ngợi Bác: “Chí khí tráng sơn hà, kim cổ anh hùng duy hữu nhất / Minh tinh quang vũ trụ, Á Âu hào kiệt thị vô song – Mao Chủ tịch ” (Chí khí làm mạnh mẽ núi sông, anh hùng xưa nay chỉ có một/ Tinh thần trong sáng làm rực rỡ vũ trụ, người hào kiệt Á Âu không có người thứ hai).

Hằng năm, cứ đến những ngày tháng Tư lịch sử hào hùng, rộn ràng chuẩn bị chào mừng sinh nhật Bác vào ngày 19/5, nhân dân cả nước cảm thấy lòng khôn nguôi một niềm nhớ thương vị lãnh tụ kiệt xuất với công ơn trời biển. Mọi người dân Việt ba miền càng yêu thương Người: Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn, càng nghe lòng trong sáng hơn, nguyện suốt đời một hồn một dạ đinh ninh bước theo chân Bác: “Nhớ lời di chúc theo chân Bác” (Tố Hữu).

N.T