Bí thuật trong thơ Nguyên Bình

849

Nguyên Như

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nguyên Bình (Nguyễn Bá Bĩnh) Ông sinh năm 1953, là người con gốc Huế và hiện nay sinh sống ở Bà Rịa – Vũng Tàu. 

Nhà thơ Nguyên Bình

“Khe khẽ thôi khe khẽ thôi
Kẻo mà vỡ nụ hôn tôi đang chờ”
( Khe Khẽ Thôi)

Nhà thơ Nguyên Bình viết đấy, ông vẽ bức tranh mộc mạc, bình dị như đang thủ thỉ với cuộc đời, tâm sự với cỏ cây hoa lá… Chúng nói chuyện cùng ông, say cùng ông và mơ mộng cùng ông. Đánh thức những con chữ đang ngủ gục dù bí ẩn nhưng dần được khai mở. Thơ ông luôn dẫn dụ tôi đi vào hồi kết rồi mới cho giải thoát. Tôi nghĩ đó là thành công của người viết khi cuốn hút độc giả vào tác phẩm của mình.

Hòa nhập vào thơ Nguyên Bình, hồn tôi chênh chao một chút, lâng lâng một chút. Như có từng cơn gió nhẹ nhàng, từng cánh hoa dịu dàng, từng vạt nắng phiêu du quẩn quanh trong thơ Nguyên Bình. Ông phơi phới viết nên những áng thơ tình thắm thiết qua nhiều cung bậc với nhiều thể loại khác nhau. Đối với ông, thơ như một dòng sông, lúc dữ dội, lúc êm đềm hiền hòa. Khi sóng dậy phải gồng mình chống đỡ, khi sóng hiền phải hưởng thụ sự tự nhiên của nó. Thơ Nguyên Bình là thế, những thứ nặng nhọc nhất được ông thanh lọc đưa vào để khi thoát ra chỉ còn sự nhẹ bẫng, phiêu diêu đến tột cùng.

Nguyên Bình (Nguyễn Bá Bĩnh) Ông sinh năm 1953, là người con gốc Huế và hiện nay sinh sống ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Tâm hồn thơ ca đã có trong ông từ thời trẻ nhưng đến mãi sau này khi tóc đã trở nên như muối tiêu ông mới thỏa mãn cơn khát trong lòng mình. Tuổi ông lớn nhưng thơ ông là khung trời tình yêu mới chớm nở, có cái nhìn đăm chiêu, có sức để ham muốn, đó là thứ trời cho, không phải ai cũng được ban tặng. Nguyên Bình có những câu chuyện thấm thía sự đời, những câu chữ sóng sánh biết bay nhảy đúng cách trên bàn phím. Có lẽ chất hiền dịu, mềm mại… Đặc trưng của người con gốc Huế đã thấm vào ông, cho nên lời thơ mềm lắm, ngọt lắm, dịu dàng lắm. Nhìn qua gương mặt với nét từng trải, qua những nếp nhăn trên vầng trán, tôi hiểu chuyến xe đời của ông phải ngưng nghỉ nhiều lần và đi xa đến nhường nào. Gắn liền với nghề dạy học, ông thực sự rất nghiêm khắc với đời với chính mình và với thơ nữa. Thế nhưng thơ ông vẫn lãng đãng toát ra sự phóng khoáng và hồn nhiên. Ông viết cho đời, viết cho người, cho quê hương đất nước, đến thời điểm này ông đã xuất bản hai tác phẩm là “Tiền Kiếp, Nxb HNV 2019 (TK)”“Hoa Vàng Trên Áo Xanh, Nxb HNV 2020 “. Đây là hai tập thơ tình có chiều sâu và đột phá bởi nhiều bài thơ phong cách mới mẻ, cách tân.

Tôi được nhận cùng lúc cả hai tập thơ, đã bỏ thời gian đọc và không cảm thấy hụt hẫng chút nào. Bởi, xuyên suốt hai tập thơ là những bài thơ chất lượng, bay bổng. Tôi hỏi ông sao thơ ông hay và ông chỉ nói đó là bí thuật mà ông cũng chẳng thể giải thích… Đây là một số câu thơ khắc họa cái tinh túy của thơ ông, nhân lúc tôi đang say sưa trong những cung bậc lâng lâng…

“Em cô miên trên cánh đồng tâm thức
Ngọn cỏ úa vàng thiêm thiếp khép mắt xanh
Cơn mưa đời chưa một lần bội thực
Tắm mát tình người trên sỏi đá vô thanh”
( Nụ Hôn Buồn )

Từng chữ, từng chữ khiến con người ta phải tò mò suy nghĩ, bén như gươm nhưng lại mềm mại, trong trẻo như bao cụm bông trên cây chưa hái. Nỗi cô đơn giữa cái không gian rộng lớn “tâm thức”, một cánh đồng chất chứa tình cảm và nhận thức đã in sâu vào tâm trí người con gái. Nó có sức mạnh lạ kì đến nỗi ngọn cỏ úa vàng cũng phải khép đi một chút sự sống còn lại. Ở đây tác giả đã sử dụng nhuần nhuyễn phép nhân hóa, ẩn dụ và biến hóa ngôn từ một cách nhạy bén “cơn mưa đời chưa một lần bội thực”, sự thông minh đáo để muốn dẫn dắt bạn đọc vào nhiều hướng khác nhau. Có thể đơn giản chỉ là một cơn mưa bình thương hoặc có thể là một cuộc tình chưa trọn vẹn , sự thẩm thấu với nhau chưa đạt đến cực đại… Thì bản thân ai đó đã phải nản lòng trong lối viết ẩn dụ của tác giả. Sự giả vờ thông minh nhưng tự nhiên nảy sinh để tác giả phóng bút” tắm mát tình người trên sỏi đá vô thanh”. Đấy là cái hay mà ông làm được trong thế giới đầy rẫy người viết thơ.

“Ánh vàng vụng dại hôn lá úa
Chở lặng thinh về khóc thời gian”

Để rồi:

Ta xây cung nhớ bên dòng suối
Tóc mây ảo ảnh gội hương rừng
Ngàn năm hoa tím ôm bờ đá
Thơm ngát bờ yêu mát suối trong

Và khiến:

Em dậy hương tình đêm mộng ước
Từng cánh tương tư khép muộn màng
Suốt đời lặn lội ta khăn gói
Đi tìm nhân ảnh dưới trăng tan”
(Trăng Tan )

Những câu thơ giàu hình ảnh, sinh động, và một chữ yêu vang dội. Cả bài thơ sáng rực phải chăng nhờ ánh trăng? Không phải đó là nhờ sự ngây thơ vụng dại của một nụ yêu vừa chớm, là sự đau đáu của đôi lứa xa nhau. Người chọn nơi vắng lặng ngồi khóc tiếc thương, người mơ màng những kỉ niệm hằn in trong gió, trong mưa… Là những khi chờ đợi, tìm kiếm dẫu biết vô vọng nhưng vẫn phải tìm. Cả nửa đời người tác giả đã gói trọn trong một bài thơ ngắn, sự bao hàm chững chạc không thừa không thiếu. Cảm xúc được nâng lên đỉnh điểm buồn đến quá buồn. Tôi khẳng định không chỉ mình tôi mà các bạn cũng nhất định bị lôi cuốn để phải yêu những câu thơ cuốn hút này.

Nhà thơ Hàn Mặc Tử viết “Cành lá in như đã lặng chìm/ Hư thực làm sao phân biệt được”.
Thơ Nguyên Bình lại đi ngược với Hàn Mặc Tử, ông muốn những thứ còn lênh đênh, trôi dạt, hay đã gần như biến mất được khơi dậy để mọi người hiểu rõ hơn, và từ đó sẽ có sự cảm thông, tha thứ hay cơ hội đến với cuộc đời.

“Bão đã đi xa
Anh ra phố ngóng em
Thăm cái nhìn ngác ngơ trên mớ rau hái vội…”
(Bão Tan)

Đơn giản, không cầu kì nhưng để lại ấn tượng khá sâu sắc cho người đọc, những cử chỉ, hành động đời thường, Nguyên Bình đã lồng ghép khéo léo, thon gọn, xúc tích… Chỉ một cái nhìn của ” em ” để bây giờ tác giả phải thấp thỏm, trông ngóng như một kỉ vật đã xa và xa mãi.
Tuy không thể thổ lộ nhưng đó chắc chắn là những vết cứa đau đớn lắm, xót xa lắm bởi vì nhớ lắm.

“Những vần thơ
Tan chảy vào đôi mắt đẹp kinh hồn…”

Và đây nữa

“Lời thơ đã chảy vào đời thực
Nở hoa trên môi thắm
Nở hoa trong khuê phòng khát khao…”
(Tình Thơ)

Những câu thơ như sợi chỉ đã luồn qua lỗ kim bé tí, sự khát khao, mơ ước đã chín muồi. Trọn vẹn một cuộc tình từ cái ánh nhìn của đôi mắt , đôi môi, thậm chí cả khuê phòng kín đáo… Ôi rào cản nào cũng không còn nữa, chỉ còn lại sự ngọt ngào, ấm áp vây quanh hai con người thiên tạo. Tác giả cho thấy mình đã vượt qua khỏi cái ngưỡng cửa éo le khi còn non dại. Sự trưởng thành, lột xác, sự chính chắn của một đấng nam nhi đó là bản lỉnh nắm giữ hồn cốt của một cuộc tình và một đời thơ.

“Em cứ khóc như ngọc chìm sông suối…
Ta mò tìm ngời sáng trái tim rơi.”
Thì ra vậy có một miền không chết
Nơi cỏ cây gối mộng tiễn xuân thì…
Ta là ta của trăm nghìn thương nhớ
Bỗng một chiều lạc dạ đến ngu ngơ.”
(Lạc Dạ)

Khi đã yêu thì chẳng có gì phải ngại, hãy yêu vì được sống một đời thôi. Hay trao cho nhau sự chân thành, sự nhân ái bao la tình nghĩa để đến được với nhau. Sự khát khao tìm được hạnh phúc luôn luôn có trong thơ Nguyên Bình. Thơ ông tuy buồn nhưng lại ẩn chứa những tia sáng có thể len lỏi để tìm được phương hướng đúng đắn của mình. Cái chữ “Bỗng” thật nhẹ tênh nhỉ.

Nó như không hề được sắp đặt, tính toàn từ trước mà là những vết sẹo bất ngờ vô tình bị quẹt phải mà không bao giờ có thể xóa được.

Đọc thơ Nguyên Bình để biết cái chân tình, cái đau đớn trong cuộc đời. Mọi sự đối lập được ông cô đọng dứt khoát mà nhẹ nhàng. Thơ ông không chỉ da diết, lả lướt mà còn mang đậm tính nhân văn. Những lần nhả chữ tâm điểm y hệt kĩ năng đã luyện tập thành thạo nhưng không phải, đó là bản năng, là cảm xúc bộc phát tự nhiên cho nên những vần thơ của Nguyên Bình trong như mạch suối, thơm như hương hoa. Vừa là mĩ cảnh vừa là nghệ nhân để mọi người ngắm nhìn và chiêm ngưỡng.

Đã bao nhiêu năm cơm áo gạo tiền, nay Nguyên Bình sáng rạng giữa đàn văn. Ông xứng tầm với những cây bút chuyên nghiệp của đất nước đó là ý kiến của riêng tôi với tư cách là một người bé nhỏ đứng giữa vũ trụ bao la thưởng thức và có đôi lời về những thiên thạch sáng lạng bay lượn giữa bầu trời.

Cảm ơn Nguyên Bình, một cây viết thanh thoát, đã không từ bỏ cái nghiệp này mà quay trở lại với văn chương một cách ngoạn mục. Tôi cũng rất may mắn đã cầm trong tay hai ấn phẩm trong đó là những bài thơ tâm đắc nhất của Nguyên Bình, người con của biển… hiền hòa mà dễ mến…

N.N