Đoàn Kim Ngọc
Sau tám năm không có tiểu thuyết mới, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trở lại với bạn đọc qua “Biên sử nước” chỉ vỏn vẹn 125 trang – một cuốn sách mỏng đã khiến tôi đọc rất chậm vì sợ hết, vì nó hay “thần sầu” như cách nói địa phương của người miền tây quê chị.
Thật khó để lý giải vì sao chị lại chọn một đề tài có vẻ lạ lùng như vậy để bắt đầu và kết thúc câu chuyện đa tầng và nhiều nghĩa đó. Chương đầu với một đoạn nội dung không dễ nắm bắt: “Ngày hai ngàn không trăm bốn mươi sáu, Đức Ngài chỉ còn mỗi trái tim. Người đàn bà sẽ lấy nó đã tới bên kia sông, tay bồng đứa nhỏ”.
Chỉ có vậy, rồi câu chuyện cứ dẫn dắt người đọc từ một sân lễ đầy nước và bóng tối. Về một người đàn bà tên Phúc, về người khác tên Phúc, về một người khác nữa tên Phúc. Một vùng đất lạ lùng, ai cũng thích đặt con mình tên Phúc và có phải vì nhiều phúc đến thế mà nhiều họa chăng? Từ cái chết của má nhân vật tôi (cũng tên Phúc) đến một chàng trai (cũng tên Phúc) bị mẹ cho… đàn ông hãm hiếp vì muốn trở thành đàn bà. Về một người phụ nữ, lại tên Phúc, đến gặp Đức Ngài để lấy trái tim chỉ vì con chị không biết cười.
Một câu chuyện vừa gần gũi vừa xa lạ. Vừa rất Nguyễn Ngọc Tư và cũng không giống như Nguyễn Ngọc Tư mà bạn đọc đã từng biết qua Cánh đồng bất tận, Gió lẻ, Cố định một đám mây… Những con người, những thân phận trong Biên sử nước là những con người cố vượt lên số phận và một cách nào đó, như nước lũ, số phận vẫn bủa vây lấy cuộc đời của họ, không buông tha.
Bạn đọc luôn đòi hỏi ở người sáng tạo những điều mới mẻ, nhất là với người sáng tạo họ yêu thích. Trước Biên sử nước, Sông là tiểu thuyết chị xuất bản năm 2012. Sau tám năm, chị mới trở lại với tiểu thuyết. Hẳn rất nhiều bạn đọc mong chờ và thấy mừng vì chị trở lại.
Một sự trở lại không nên dùng từ “bứt phá”, nói thế là đang tâng bốc chị vì chị cũng vậy thôi, vẫn những bối cảnh vùng quê sông nước u buồn, vẫn những nhân vật hiền như đất, vẫn những thân phận đọc thôi đã thấy khắc khoải. Nhưng tôi hình dung có gì đó rất mới mẻ từ bên trong chị. Những con người ấy có buồn bã nhưng đã phản kháng mạnh mẽ. Một người mẹ dù có học nhưng vì nụ cười của đứa con, dám lấy trái tim của “Đức Ngài” – dù là cái tên tự xưng nhưng được thêu dệt bao câu chuyện thần thánh.
Về một người kỳ lạ ăn chữ để sống, cô vợ thấy “mông muội” quá và bỏ đi. Về một người đàn bà tên Cẩm – cũng ăn chữ để sống, nói một cách hồn nhiên: “Giờ có nên chừa chữ “vợ cũ” ra không, cắn mẻ răng là cái chắc”. Những nhân vật hồn nhiên như vậy, nói như chính họ nói ra, mà bạn đọc dân miền tây chắc tưởng là cô ba, cô bảy gần nhà mình nói, chớ không phải là nhân vật nào xa lạ trong truyện của Tư. Vậy mới thấy cái tài tình của nhà văn, không phải chỉ xăm xăm vào cấu trúc, tầng nghĩa mà viết như hơi thở của mình, như chính không khí mà chị đang sống nơi quê nhà Cà Mau.
Cái chữ hay “thần sầu” trên là tôi nói thay cho mình. Rằng có thể có một ai đó nữa, cũng quê miền tây đọc xong thấy hay đến… bỏ ăn bỏ ngủ thì rõ ràng sự chờ đợi của tám năm qua là xứng đáng. Nhưng cũng có thể ai đó hoặc rất nhiều ai đó thấy không hay như chờ đợi của họ. Tôi nghĩ không vấn đề gì. Chị Tư chắc cũng không bận lòng về điều đó. Nhưng mừng vì chị đã trở lại với Biên sử nước, một cuốn sách mỏng mà đọc thì không thể hoặc không nên vội vã.
Theo Phụ Nữ