Bọc gương mặt đẹp

681

                          Tuệ Mỹ   

(Đọc bài thơ “Cái đẹp” của Nguyễn Quang Thiều)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Bài thơ “Cái đẹp” của Nguyễn Quang Thiều mang dáng dấp một câu chuyện kể. Thơ mang tính truyện với ngôn ngữ đời sống cũng là một  nét riêng biệt đặc sắc của thơ ông. Đó cũng là thủ pháp thi sĩ dẫn dắt người đọc bước vào không gian bài thơ để chiêm nghiệm những triết lý nhân sinh.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều 

Bài thơ mở ra trước mắt người đọc một cảnh tượng chiếc xe bò chở đá di chuyển trong một hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, dữ dội “Trên đường gồ ghề/ Gió lạnh gào thét”. Xoay quanh chiếc xe có ba nhân vật: con bò, người đàn ông và người đàn bà. Mỗi nhân vật thực hiện những hoạt động khác nhau. Con bò “Cắm mặt bước” bởi nó phải dồn hết sức lực để “Kéo chiếc xe nặng nề” vượt qua hoàn cảnh khắc nghiệt. Còn người đàn ông, nhiệm vụ chính là điều khiển con bò nhưng trong tình huống đó ông cũng phải thay đổi nhiệm vụ, dùng hết sức lực “cúi rạp đẩy xe”. Chân con bò còn có bộ móng bảo vệ chứ còn ông thì “chân đất” cố  bám, sát vào mặt đường gồ ghề. Trái ngược với hai nhân vật trên, “người đàn bà ngồi im lặng” “trên đống đá thùng xe” với “Chiếc khăn trùm đầu/ Bọc một gương mặt đẹp”. Không biết người đàn bà đó là ai, ngồi trên chiếc xe với tư cách gì, chỉ biết đó là người đàn bà đẹp. Có phải là bà chủ thuê xe bò chở đá cho mình? Hay là người lỡ đường xin đi nhờ xe cho đỡ chân? Dù là lý do gì thì việc người đàn bà ngồi trên xe như thế đều hợp lý. Nhưng chỉ hợp lý trong tình huống bình thường thôi. Còn trong trường hợp bất thường, nghiệt ngã như thế này thì việc chị ngồi trên xe là chồng chất thêm sức nặng, làm chậm thêm sự dịch chuyển của chiếc xe. Đúng ra người đàn bà phải cùng người đàn ông đẩy xe hoặc chí ít phải bước xuống xe để giảm sức nặng.  Đằng này chị ta vẫn cứ “ngồi im lặng” không có một biểu cảm cũng không có một động thái nào, mặc cho con bò và người đàn ông gồng mình chống chọi. Lẽ nào chị ta không thấy con bò “cắm mặt” gắng gượng bước từng bước để kéo chiếc xe trên đó có mình? Lẽ nào chị không thấy người đàn ông “cúi rạp” người cố hết sức đẩy chiếc xe có chở chị, dù cho đôi “chân đất” của ông có đớn đau, tê buốt vì mặt đường “gồ ghề”, vì “gió lạnh gào thét”? Lẽ nào chị không thấy mình đã trở thành một phần gánh nặng cho người khác? Thấy, chắc chắn là thấy bởi chị đâu có mù. Vậy mà chị ta vẫn “lặng im”. Một thái độ dửng dưng vô cảm, vô ơn. Điều đáng ngạc nhiên là thái độ ấy lại phát lộ ở một con người có “một gương mặt đẹp”. Đưa ra cái điều nghịch lý này phải chăng Nguyễn Quang Thiều muốn người đọc suy ngẫm về một vấn đề có tính triết lý: Vẻ ngoài của con người không phản ánh đúng bản chất bên trong của họ. Có nhiều người có vẻ ngoài đẹp đẽ nhưng tâm địa xấu xa. Nên, không thể căn cứ vẻ bề ngoài mà đánh giá con người.

Ngòi bút của thi sĩ tiếp tục dẫn người đọc dõi theo diễn biến của câu chuyện. “Gió lạnh lồng lộng bốn phía chân trời”. Đất trời càng thịnh nộ càng làm tăng thêm sức cản chiếc xe dịch chuyển.  Sức cản càng tăng thì đương nhiên sự chuyển dịch của chiếc xe càng chậm. Khi rơi vào cảnh ngộ như thế, thường thì người ta trách trời, trách người gây trở ngại. Nhưng trái lại, con bò và người đàn ông không động đến trời và cũng chẳng trách ai. “Con bò nguyền rủa con đường quá dài/ Người đàn ông nguyền rủa con bò đi quá chậm”. Tránh nói thẳng thắn trước những việc trái tai gai mắt cũng là hiện tượng thường thấy ở nhiều người. Điều này có phải được thể hiện qua ý nghĩ của hai nhân vật con bò và người đàn ông?

Thế, còn người đàn bà? Vẫn không có biểu cảm gì nhưng lần này chị ta có “động đậy”. Không phải xuống xe để giảm tải sức nặng, cũng không cùng người đàn ông đẩy xe mà là “Lặng lẽ quàng lại khăn/ Che bớt gương mặt”. Chị ta“che bớt gương mặt” chỉ vì sợ gió tạt mạnh làm hại đến gương mặt của chị. Cũng là làm nhưng chị ta chỉ làm điều có lợi cho mình thôi. Một khi không quan tâm tới ai thì đương nhiên chỉ biết lo cho cá nhân mình, đó là điều dễ hiểu. Đây là lần thứ hai gương mặt người đàn bà xuất hiện. Khác với lần trước, lần này, “đẹp” đã biến mất chỉ còn trơ ra “gương mặt” thôi. Phải chăng chính cái thái độ vô cảm, vô ơn, thói vị kỷ của chị đã xóa đi chữ “đẹp” ấy? Một khi không còn đẹp nữa thì phải “che”  thôi. Lại một vấn đề triết lý được khai mở: cái đẹp đâu phải ở cái vẻ ngoài mà chính là ở lối sống, thái độ sống, là nhân tính. Và, đó mới chính là thước đo chân giá trị của con người. Với “gương mặt đẹp” thì “bọc” lại giữ gìn, trân quý. Còn “gương mặt” trụi trần in hằn cái phi nhân tính thì phải “che ”. Gương mặt được “bọc” hay phải “che” đều được Nguyễn Quang Thiều đặt đúng chỗ, đúng đối tượng. Nhưng tại sao không che trọn mặt mà chỉ che “bớt” thôi? Có phải nhà thơ muốn hé mở một lối đi cho người mắc sai lầm. Con người sinh ra vốn dĩ đã thiện như người xưa đã nói “Nhân chi sơ tính bổn thiện”. Tiêm nhiễm cái xấu, cái ác là do tác động khách quan. Nếu biết thức tỉnh và sửa sai thì sẽ hoàn thiện. Với từ “bớt”, Nguyễn Quang Thiều đã thả một cái nhìn độ lượng vào cuộc sống.

Đưa ra những biểu hiện đối lập – “đẹp” ở gương mặt nhưng “không đẹp” ở thái độ, hành động của nhân vật, có lẽ nhà thơ không muốn lạm bàn về mối quan hệ giữa hình thức và nội dung mà chắc hẳn ngòi bút của thi sĩ chỉ muốn ghi lại một hiện tượng xã hội từng làm nhức nhối những người cầm bút có tâm huyết với cuộc đời. Đó là thái độ thơ ơ, vô cảm, là lối sống vô trách nhiệm, vô ơn, ích kỷ của một số người trong xã hội. Chua chát hơn là những cái xấu xa, phi nhân tính đó lại được che đậy bằng cái vẻ ngoài được tô vẽ, bằng cái mặt nạ tinh vi. Cái thực trạng ấy đã va đập vào trái tim thi sĩ khiến người thơ không thể không đau. Nên, tuy giọng thơ có phần sắc lạnh nhưng thi sĩ  lại giấu bên trong một nỗi đau đời.

“Nhà văn, nhà thơ là những kẻ không đi đầu đoàn người và cũng không đi cuối. Họ là những kẻ đi bên cạnh nhân loại để nhắc nhở và cảnh báo nhân loại”, đó là quan niệm của Nguyễn Quang Thiều về sứ mệnh của nhà văn, nhà thơ. Đọc bài thơ “Cái Đẹp”, người đọc đã thấy ông đi bên cạnh nhân loại và nhắc nhở nhân loại: Dù có rơi vào hoàn cảnh nào cũng phải luôn gìn giữ nhân tính. Bởi đó là Cái Đẹp vĩnh cửu, là căn cơ của Con Người trong hành trình của kiếp nhân sinh.

29/9/2020

T.M

Bài thơ:

CÁI ĐẸP

Trên con đường gồ ghề

Gió lạnh gào thét

Con bò cắm mặt bước

Kéo chiếc xe nặng nề

Người đàn ông chân đất

Cúi rạp đẩy xe

Và trên đống đá thùng xe

Người đàn bà ngồi im lặng

Chiếc khăn trùm đầu

Bọc một gương mặt đẹp

 

Gió lạnh lồng lộng bốn phía chân trời

Con bò nguyền rủa con đường quá dài

Người đàn ông nguyền rủa con bò đi quá chậm

Người đàn bà lặng lẽ quàng lại khăn

Che bớt gương mặt.

Nguyễn Quang Thiều

(Rút từ tập thơ “Sự mất ngủ của lửa”, Nxb Lao Động, 1992)