Bùi Giáng rong chơi giữa đời (Kỳ 3)

738

Từ Kế Tường

(Vanchuongphuongnam.vn) –Từ khi nhà bị cháy, tất cả tác phẩm, sách vở bị thiêu rụi Bùi Giáng hầu như sống lang thang ngoài đường hoặc tá túc ở chùa. Ông thường trú ngụ tại chùa Long Vân ở Gò Vấp và có thời gian gần như sống hẳn ở nhà của nhà giáo Nguyễn Thùy đồng hương Quảng Nam, cũng là một nhà văn, nhà thơ yêu mến tài của Bùi Giáng.

BÁC SĨ BỆNH VIỆN BIÊN HÒA CŨNG BÓ TAY

Năm 1969, Bùi Giáng bị một cú sốc lớn về tinh thần khiến cho ông điên nặng hơn. Đó là một trận cháy nhà làm cả “kho tác phẩm” của ông cháy sạch. Sau đó là khoảng thời gian ông vào dưỡng trí viện Biên Hòa điều trị, nhưng người điên như Bùi Giáng thì làm sao mà trị? Bởi thế nên các bác sĩ cũng bó tay, nhưng ngược lại đã rất thích ông nhà thơ điên điên này. Cuối cùng thì Bùi Giáng là người điên hầu như được mọi người… chấp nhận vì ông thuộc dạng điên hiền, không làm hại ai, chỉ thích trêu đùa và rong chơi trong “cõi điên” của mình.

Trong “cõi điên” này, ông tự đặt cho mình những cái tên như: Trung niên thi sĩ, Thi sĩ đười ươi, Brigite Giáng, Giáng Monroe, Bùi Bán Dùi, Bùi Bàn Dúi, Bùi Tồn Lưu, Bùi Tồn Lê, Bùi Bê Bối, Bùi Văn Chiêu Lỳ… ai cũng biết đây là những cái tên bông đùa, bỡn cợt nhưng lại rất “đặc sản” giống như những cơn điên “không giống ai” của Bùi Giáng. Đó là một người điên văn nghệ, dễ thương nhất trần gian Việt Nam.

Từ khi nhà bị cháy, tất cả tác phẩm, sách vở bị thiêu rụi Bùi Giáng hầu như sống lang thang ngoài đường hoặc tá túc ở chùa. Ông thường trú ngụ tại chùa Long Vân ở Gò Vấp và có thời gian gần như sống hẳn ở nhà của nhà giáo Nguyễn Thùy đồng hương Quảng Nam, cũng là một nhà văn, nhà thơ yêu mến tài của Bùi Giáng. Trong số những bạn bè, thân thích của Bùi Giáng, có lẽ Nguyễn Thùy là người gần gũi với ông nhất, chịu đựng những cơn điên của Bùi Giáng nhiều nhất và anh lấy đó làm niềm vui, hạnh phúc chứ không một tiếng phàn nàn. Và cũng chính từ Nguyễn Thùy, mọi người yêu mến ông mới biết thêm được những mẫu chuyện thật về Bùi Giáng bên cạnh những giai thoại ly kỳ về ông.

Anh Nguyễn Thùy là một nhà giáo mẫu mực, một người cầm bút nghiêm túc và là một người yêu quý Bùi Giáng thật sự nên những gì anh tiết lộ về Bùi Giáng có thể tin tưởng, còn nhiều giai thoại về Bùi Giáng có lẽ chỉ nên tham khảo hoặc xem như những phần ”minh họa” thú vị cho cuộc đời ly kỳ của Bùi Giáng mà thôi. Và giai thoại sau đây là một ví dụ.

BÙI GIÁNG CHỌC GHẸO THU BỒN

Có giai thoại kể rằng, một lần nọ ở quán cà phê của nhà thơ Huy Tưởng nằm trên đường Bà Lê Chân gần chợ Tân Định kế bên một cái đình. Cái quán nhỏ tí, bày vài ba cái bàn, có bàn kê luôn ngoài lề đường nhưng “tao nhân, mặc khách”, “nam thanh nữ tú” nói chung là giới văn nghệ thường tới “ngồi đồng” vừa uống cà phê vừa nhìn thiên hạ qua lại, tán dóc. Nơi ấy Bùi Giáng cũng thường tới ngồi đồng.

Một hôm Bùi Giáng ngồi một mình ở bàn phía ngoài, nhà thơ Thu Bồn và một cô gái tên Thu Ba ngồi phía trong, nhưng quán nhỏ bằng bụm tay nên cô Thu Ba “tán” Thu Bồn ra sao, Bùi Giáng ngồi ngoài nghe tất. Thu Ba tán Thu Bồn rằng:

– Anh là nhà thơ lớn, tất cả mọi người trong giới đều hâm mộ. Anh vào Nam tôi nghĩ nghĩ anh có thể dạy cho người miền Nam biết làm thơ chứ lâu nay thơ ca miền Nam chẳng ra gì. Có Bùi Giáng khả dĩ được chút xíu, nhưng xem ra cũng chẳng đáng giá gì mấy nếu so với anh.

Bùi Giáng ngồi ngoài nghe tức khí, liền làm mấy câu thơ cấp tốc rồi khúm núm đi vào gặp Thu Bồn nhỏ nhẹ nói:

– Thưa anh, thưa cô, tôi là Bùi Giáng. Xin lỗi lúc nãy tôi có nghe cô nói anh là nhà thơ lớn miền Bắc, không ai sánh kịp. cô có bảo là miền Nam, thơ ca chẳng ra gì. Đúng vậy, tôi cũng thấy như thế. Nếu anh dạy cho người miền Nam làm thơ thì quý hóa quá. Lúc nãy cô có nhã ý nhắc đến tôi, thú thật thơ tôi cũng chẳng đáng gọi là thơ. Nhưng thói quen cứ muốn học đòi làm thơ nên lúc nãy, ngồi nhâm nhi chút cà phê có làm được hai câu mà không rõ có phải là thơ không, vì đọc lại chẳng có vần điệu gì cả. Xin anh và cô cho phép tôi đọc hai câu thơ đó và xin anh là nhà thơ lớn sửa hộ. Hai câu thơ thế này:

“Thu Ba ca ngợi Thu Bồn
Thu Bồn khoái chí sờ… Thu Ba”.

Đọc xong 2 câu thơ, Bùi Giáng tỉnh queo nói tiếp:

– Đúng là hai câu thơ nghe chẳng ra làm sao cả. Xin anh và cô vui lòng sửa hộ cho ăn vần Bùi Giàng Búi tôi xin muôn vàn cảm tạ, cảm tạ!

Sau khi không may gặp hỏa hoạn, không chỉ nhà bị cháy mà tất cả tác phẩm và sách vở tài liệu bị cháy sạch, Bùi Giáng lại thêm một cú sốc lớn khiến tâm hồn nhạy cảm của ông càng bị chấn động. Bùi Giáng càng điên hơn, ban ngày ông lang thang ngoài đường trong trang phục “cái bang” với mấy con chó nhỏ trong túi vải đeo lủng lẳng quanh mình. Cứ thế ông rong chơi khắp phố phường và trêu chọc thiên hạ, nhất là các cô gái đẹp. Có khi Bùi Giáng ra giữa đường làm… Cảnh sát Giao thông hướng dẫn cho xe cộ qua lại và ông tỏ ra rất thích thú với trò vui này.

Nhiều buổi tối Bùi Giáng say bí tỉ thường về tá túc mấy ngôi chùa hoặc nhà đứa cháu ở Gò Vấp, nhưng nhà một người bạn đồng hương Quảng Nam với ông: Nhà văn, nhà giáo Nguyễn Thùy là nơi Bùi Giáng thường ở lại sau những cuộc rong chơi, có khi tới mấy tháng trời nên Nguyễn Thùy rất gần gũi với Bùi Giáng trong sinh hoạt đời thường cũng như lúc Bùi Giáng “nhập” vào “cõi điên”.

(Còn tiếp Kỳ 4)

T.K.T