Các nhà văn Việt Nam trong con mắt một kẻ thù cũ

370

Hiện trong Bảo tàng Văn học Việt Nam có lưu giữ hơn 30 bức tranh chân dung các nhà văn Việt Nam. Tác giả của những bức tranh ấy là nhà thơ Mỹ Kevin Bowen. Ông là một lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam từng là kẻ thù cũ của người Việt Nam. Ngôi nhà ông ở Boston suốt hơn 20 năm đều vang lên tiếng nói, tiếng cười của các nhà văn Việt Nam đến Mỹ. Rồi một ngày ông bị tai nạn và mất một phần trí nhớ. Nhưng cuối cùng ông đã phục hồi.

Ông phục hồi trí nhớ của mình bằng cách hồi tưởng những nhà văn Việt Nam mà ông đã gặp và vẽ họ. Các bác sỹ của ông ở Mỹ đã vô cùng bất ngờ về cách chữa bệnh kỳ diệu ấy của ông. Sự kỳ diệu đến từ trái tim ông. Ông viết: “Khoảng thời gian tôi dành cho những bức chân dung này là sự đắm chìm vào vòng xoáy thời gian. Nó dẫn tôi tới những bộ ảnh cũ và những bức ảnh của họ ở bìa sau các cuối sách. Mỗi bức chân dung trở thành một sự suy ngẫm về công việc và cuộc đời họ, về cuộc chiến tranh mà họ đã đi qua, cuộc chiến với những ngôn từ mà họ, đấu tranh nhiều năm sau đó để mang theo những gì họ đã chứng kiến, với cuộc sống hai mặt mà họ với tư cách văn nghệ sĩ, trưởng thành nhưng không già đi, vẫn trẻ trung trong cuộc chiến cho dù thời gian kéo họ đi. Có lẽ vì lý do này, tôi đã vẽ những bức chân dung với những nền màu xanh lá khác nhau, màu xanh của những cánh rừng và màu xanh của những khu vườn. Ở đó, những hình ảnh lung linh ẩn hiện, trông hiện thực hơn, không phải lúc nào cũng là những bức chân dung hoàn thiện, thường chỉ là những phác thảo, đang hoàn thiện, đang lớn dần, cuối cùng tới một nơi mà những bức chân dung này thuộc về, và quan niệm của tôi và có thể là quan niệm của người xem, sẽ tiếp tục phát triển và hoàn thiện chúng”.


Nhà thơ Mỹ Kevin Bowen.

Xin trân trọng giới thiệu một số chân dung bằng màu sắc, hình khối và bằng chữ về các nhà văn Việt Nam qua con mắt và trái tim nhà thơ Mỹ Kevin Bowen.

Nhà văn Nguyễn Khải

Nguyễn Khải là một trong vị khách đầu tiên của chúng tôi. Luôn ăn mặc chỉnh tề, mang theo vừa đủ sự hòa trộn giữa trang trọng và dân dã, ông dường như vừa bước ra từ một khoảng không đã biến mất. Tôi nhớ là vào năm 1989, ngay cả sau khi bị tấn công bằng vũ lực và lời nói sau một cuộc nói chuyện tại Thư viện công cộng Boston, sườn ông bị thâm tím nặng, ông vẫn xử sự với sự tự trọng và điềm tĩnh, không bao giờ thể hiện dù chỉ một chút tức giận hay phẫn uất. Cũng vào năm đó, tôi nhớ rằng ông, Nguyễn Quang Sáng và Lê Lựu đã gặp Thượng nghị sĩ John Kerry; Nguyễn Khải, như một nhà ngoại giao lịch sự, đã có một cuộc trò chuyện dài với Thượng nghĩ sĩ bằng tiếng Pháp. Phẩm chất này, một phẩm chất còn hơn cả vấn đề “phong cách,” mà tôi đã cố gắng nắm bắt lấy trong bức tranh này được lấy ra từ hình ảnh của một bức ảnh chụp cùng ngày chúng tôi gặp gỡ Thượng nghị sĩ.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật

Tôi vẽ bức chân dung này từ một bức ảnh năm 1990 khi ông chụp với một nhóm nhỏ cùng Hữu Thỉnh, Trần Ninh Hồ và một vài người khác. Khi đó chúng tôi thường ở Hồ Tây; chỉ tới sau này khi ở trung tâm Hà Nội tôi mới biết tới sự nổi tiếng của ông. Chúng tôi đang ngồi tại bàn ăn khi một bài hát được phát trên radio, dần dần mọi người đều hướng về phía bàn chúng tôi, nơi tác giả nhà thơ đang ngồi. Ông đã hát bài hát đó, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây,” cho một nhóm khán giả tại Boston, khiến cho nhiều người xúc động. Ông đã dành thời gian với chúng tôi đọc những tấm microfilm, bao gồm sổ tay của những người lính bị bắt giữ, để tìm những lá thư và những bài thơ mà sau này đuợc in tại Việt Nam. Tôi nghĩ bài thơ của ông mà tôi yêu thích nhất vẫn là bài “Cây cầu” được viết vào tháng 8 năm 1964, khi ông mới 19 tuổi vào thời điểm “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” dẫn tới việc ném bom miền Bắc. Duật luôn đợi chúng tôi tại Hà Nội, dẫn chúng tôi tới những cuộc phiêu lưu nhỏ, lần đáng nhớ nhất là chyến đi qua Hồ Tây trên một con thuyền nhỏ tới một ngôi chùa nơi chúng tôi đốt vàng mã và cầu khấn cho những người đã khuất. Tôi vẫn nghĩ tôi nghe được giọng ông, cảm nhận được tâm hồn ông mỗi lần tôi tới thăm Việt Nam.

Nhà thơ Thu Bồn

Tôi không nghĩ bất kỳ ai từng gặp Thu Bồn có thể quên được ông. Sự chói lọi của ông được tôn lên bởi sự hiền lành và nhã nhặn khiến mọi người yêu quý ông. Vào mùa hè ông ở Dorchester, ông trở thành huyền thoại trong con mắt những người hàng xóm với bộ comlê trắng và mái tóc bạc dài bay trên phố. Ông đã làm bạn với những người hàng xóm và lũ trẻ nhà họ, làm họ thức khuya lắng nghe những câu chuyện của ông. Kỷ niệm rõ ràng nhất là một đêm trên sông Bé, trong vườn thơ của ông, ngồi bên đống lửa với những cựu binh và gia đình họ từ nhiều lĩnh vực trong chiến tranh, nhà thơ, nghệ sĩ, những góa phụ, nhiều ngừơi đã mất chân tay, tôi quan sát những những thân hình khác nhau hiện lên, tỏa bóng bên đống lửa, ca hát, quan sát những người khác, tham gia cùng họ , cầm tay họ, có ai đó cầm một cây nến khi tôi đọc thơ. Bằng cách nào đó tôi cảm thấy tôi mới chỉ bắt đầu vẽ người đàn ông này, mái tóc có phần hoang dã của ông, với nụ cười ôm lấy tất cả mọi người.

Nhà văn Vũ Tú Nam

Khi tôi nói với Bruce Weigl rằng tôi đang vẽ một bức chân dung của Vũ Tú Nam, Bruce nói với tôi rằng tôi phải nhớ vẽ được nụ cười đó. Đó là nụ cười dường như bay về từ ngọn núi cao xanh thẳm, ôm lấy những người may mắn được thấy nụ cười đó. Tôi luôn nhớ lần đầu chúng tôi gặp nhau, với ông và Chính Hữu, và không bao giờ quên được sự tử tế của họ. Tôi vẫn có thể nghe được tiếng gà gáy ngoài cửa sổ khi tôi phỏng vấn ông năm 1992, khi ông kể cho tôi nghe về lá thư ông viết cho vợ. Tôi cố gằng nắm bắt lấy vẻ lịch lãm và sức mạnh bao quanh ông, cũng như cảm giác của một người đàn ông mặc dù truởng thành nhưng cũng không lạ gì với sự hóm hỉnh như một cậu bé.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Vì một vài lý do, khi tôi vẽ Sáng, tôi cảm thấy như mình đang cố nắm bắt một sức mạnh có thể có của một con người. Mỗi lần gặp Sáng, ông luôn tỏ ra là trung tâm của một vòng tròn năng lượng lớn. Mọi người gặp ông đều biết đến tiếng cười của ông. Tôi luôn liên hệ Sáng với âm nhạc. Tại Boston, tôi vẫn nhớ lúc ngồi ngoài vườn, khi ông hát những bài hát cũ của Trịnh Công Sơn cùng những người bạn. Tại Sài Gòn, tôi vẫn nhớ lúc lắng nghe piano của con gái một người bạn vọng từ cửa sổ vào một con ngõ nhỏ khi chúng tôi ngồi ngoài đó quay thịt lợn. Chúng tôi đã có rất nhiều buổi tối muộn với nhau, bao gồm cả những hôm tôi quan sát ông chơi bóng rổ ở sân sau nhà tôi. Tôi cố gắng nắm bắt những điều đó trong bức chân dung đầu tiên. Rồi sau khi tới thăm ông tại nhà mới, nhìn thấy chiếc võng rừng cũ của ông trong phòng làm việc của ông, bàn làm việc với những bức ảnh ông hồi trẻ trong rừng, tôi quan sát ông ôm đứa cháu mình. Lúc đó tôi biết là mình cần phải vẽ một bức chân dung thứ hai của ông khi còn trẻ.

Nhà thơ Hữu Thỉnh

Một trong những kỷ niệm sống động nhất của tôi là về Hữu Thỉnh, Lê Minh Khuê, và Nguyễn Quang Thiều khi họ bước xuống máy bay, bước đi trên con đường vào ngày họ tới Boston. Họ tới thăm và tạo ra một mối liên kết vẫn tồn tại ba mươi năm sau. Ban đầu chúng tôi cũng hơi hồi hộp vì chức vụ cao và quá khứ hoành tráng của ông, nhưng vào một ngày ông vào bếp nhà tôi với chiếc mũ dạ và bộ đồ ngủ thì tôi biết rằng chúng tôi sẽ trở thành bạn lâu dài. Thường vào buổi sáng, ông đưa tôi ra vườn và dạy tôi những bài tập để bảo đảm sức khỏe, vào buổi trưa ông thường kể chuyện và nấu ăn. Ông còn giúp chúng tôi đóng một chiếc gương trước cửa chính để phản lại khí xấu vì ông lo lắng vấn đề phong thủy của nhà tôi. Ông cũng thường  trông chừng mỗi khi con trai tôi chơi ở sân sau. Một trong những kỷ niệm đẹp nhất của tôi là khi chúng tôi cùng đi ăn tối ở Hà Nội, Thỉnh và vợ ông, tôi cùng vợ tôi Leslie, con gái tôi Lily và hai cô con gái ông. Tôi vẽ bức chân dung này cũng với bức ảnh chụp năm 1990 tôi dùng để vẽ chân dung Phạm Tiến Duật. Những nhà thơ của chiến tranh, những đôi mắt đầy niềm vui và nỗi buồn, tình bằng hữu, những điều kỳ diệu, và sự mất ngủ triền miên.

Nhà văn Lê Lựu

Lê Lựu là nhà văn đầu tiên chúng tôi gặp tại Việt Nam. Ông là người dẫn đường và là đại sứ của chúng tôi. Vào cuối những năm 80, ông dẫn chúng tôi tới thăm những ngôi nhà mù tối vào ban đêm, ngôi làng của những cựu binh tật nguyền, tới gặp những cựu binh khác, nơi mà chúng tôi xếp những núi bia và thuốc lá, những thứ hàng hiếm trên bàn. Ông là người đầu tiên tới và thăm chúng tôi tại Hoa Kỳ, du lịch quanh đất nước, gặp những cựu binh và nhà văn tại những vùng chưa được thám hiểm. Cũng giống như những gì ông đã làm trước chiến tranh, khi ông được gửi lên biên giới để trao đổi thực phẩm với những người lính khác. Tôi đã tìm những hình ảnh của Lê Lựu thời trẻ cho bức chân dung, cố gắng lột tả người đàn ông có thể là Sài hoặc anh trai ông trong “Thời xa vắng,” có thể là một anh hùng, một cậu bé quê, ngây thơ nhưng cũng thông thái dần qua thời gian, không thoải mái lắm trong bộ com lê, nhưng luôn biết rằng ông có nhiệm vụ phải trình diễn.

Nhà văn Đỗ Chu

Tôi nhớ rất rõ đêm đầu tiên Đỗ Chu tới thăm Boston. Ông đến với đầy những tấm toan căng sẵn và màu dầu sẵn sàng để vẽ. Chúng tôi thức khuya mỗi đêm sau khi hoàn thành công việc ban ngày, nói chuyện, trao đổi những câu chuyện, khi ông vẽ chân dung Leslie và cả tôi mà đến giờ vẫn treo trong nhà tôi. Ông không bao giờ cảm thấy thỏa mãn, cứ muốn vẽ thêm lần nữa, cho dù chúng tôi ngăn cản rằng “bức chân dung đã xong rồi.” Chúng tôi vẫn quan sát ông đi ra vườn sau và cạo đi tất cả những gì ông vẽ cả ngày. Ông là một trong những người rất thích bạn bè khách khứa với lòng trắc ẩn sâu sắc. Tôi được biết tới câu chuyện về việc ông từ bỏ viết lách trong hơn  5 năm để về quê chăm sóc vợ. Vài năm trước ông dẫn chúng tôi tới thăm quê nhà Bắc Ninh. Tại đó chúng tôi thấy một vài bức tranh của ông, căn phòng nơi ông làm việc, chúng tôi lắng nghe và trò chuyện với những nghệ sĩ quan họ địa phương trong một buổi tối kỳ diệu. Khi chúng tôi tới thăm Khe Sanh, ông thấy một bức ảnh của một nhóm trong đó có ông khi còn trẻ treo trên tường một bảo tàng. Trong bức chân dung này tôi cố gắng nắm bắt lấy ông, sự kết hợp của người lính, nhà văn, học giả, mang lại hình ảnh và sự ân cần của ông.

Nhà thơ Nguyễn Duy

Phòng vẽ của tôi chứa đầy phác thảo, chân dung và ảnh của Duy. Ông thường chụp cùng một người bạn. Tuy nhiên không có bức ảnh nào lột tả được ông hoàn toàn. Rồi tôi nhận ra rằng đó là bởi vì Duy luôn chuyển động, luôn làm gì đó, luôn nói chuyện, cười đùa, ngồi ở sân sau nhà chúng tôi châm thuốc lá. Tôi vẫn nhớ lần tới thăm ông, mặc dù sau tai nạn xe máy ông bị gãy chân, ông vẫn tự ngồi dậy và tự di chuyển quanh chiếc bàn gỗ lớn trong nhà ông. Tôi nhớ lần ở Connecticut, ông đặt những vật dụng từ quê nhà, những chiếc giỏ mây, thìa, chiếu quanh căn phòng của một trường trung học, giới thiệu với học sinh rằng ngay lúc đó những vật này có thể chỉ đơn giản là những thứ vô sinh nhưng với hơi thở của thi ca chúng có thể trở nên sống động. Trong bức chân dung, tôi cố gắng làm cho ông dừng lại dù chỉ là một khoảnh khắc để chúng ta có thể thấy được ông, một cậu bé tại một ngôi làng ở Thanh Hóa đang quan sát chiếc xe kéo của ông mình đi xa dần qua quả đồi, một người lính nhìn xuống một lối đi vắng, một nhà thơ nhìn vào chính khuôn mặt mình đang nhìn lại ông từ Đài tưởng niệm cựu binh Việt Nam.

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ

Tô Nhuận Vỹ tới Boston cùng Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa, và Nguyễn Quang Thiều vào một trong những mùa hè nóng nhất. Nóng tới nỗi không thể ngủ được nhiều đêm. Tôi biết ông rất nhớ nhà, nhớ vợ và ba cô con gái. Ông rất thích nói về họ khi ông bế con gái tôi Lily. Lúc đó có một nhóm ba hoặc bốn cô gái trẻ là sinh viên tại trường đại học làm việc cùng chúng tôi. Gia đình họ đến từ Huế; họ rời Việt Nam khi còn rất nhỏ. Họ luôn tập trung quanh ông để nói về gia đình mình. Tôi biết không có gì là Vỹ không làm vì gia đình ông. Ông và vợ đã phải rời nhà và trú ẩn trong hang thời chiến tranh. Sau khi bị thương nặng, ông được đưa tới thành phố bởi một nhóm phụ nữ bảo vệ ông và tránh các cuộc ném bom. Tôi cố gắng đưa vào một chút lịch sử đó vào chân dung ông, một người đàn ông biết rõ về chia sẻ nỗi đau và sự mất mát, một người luôn vui vẻ và cảnh giác để bảo vệ những gì ông yêu quý.

Nhà văn Bảo Ninh

Khi vẽ Bảo Ninh, tôi cứ nhớ đến vài dòng trong bài thơ Trần Ninh Hồ đọc tại hội nghị năm 1990, “sau trận chiến, khi tôi đi tìm một người bạn, tất cả những người khác đều là người lạ.” Tôi nghĩ tôi chưa bao giờ thấy cái nhìn tìm kiếm đó trên gương mặt Bảo Ninh. Có người nói rằng câu chuyện của ông về việc sống sót qua chiến tranh được viết trên gương mặt ông. Nhưng tôi vẫn không thể không cảm thấy rằng gương mặt đó vẫn đang tìm kiếm để viết một câu chuyện khác. Dù là trường hợp nào thì vẫn có một luồng điện ông luôn mang theo, một nguồn năng lượng sẵn sàng bùng nổ ngay cả trong những khoảng khắc lặng lẽ, sẵn sàng tìm đường quay trở lại thế giới, vào từng câu chữ và những câu chuyện của ông. Đó là một sự bùng nổ phần lớn rất thoải mái và đúng đắn. Tôi đã cố mang những điều này vào chân dung ông. Ông là chủ đề của rất nhiều bức chân dung, thậm chí cả bức vẽ đôi dép lê ông để lại nhà chúng tôi ở Dorchester.

Nhà văn Y Ban

Tôi nhớ rất rõ lần Y Ban tới Boston. Chị là một trong rất nhiều nhà văn trẻ tới và thăm đất nước tôi trong chuyến đi đó. Cuộc hành trình từ Việt Nam tới Hoa Kỳ rất dài và mệt mỏi, nhưng chị đã tới, với gương mặt sáng, háo hức, khích lệ chúng tôi, giúp chúng tôi chuyển hành lý vào xe. Trong các buổi họp, các cuộc phỏng vấn, những điểm dừng dọc đường từ Boston tới New York, tới thủ đô Washington, tới Charlottesville, chị là người có giọng nói rõ ràng, hòa nhập nhất. Chị có trí thông minh sắc sảo, đôi khi như trêu chọc, chờ đợi để được đối đầu với thử thách hoặc một sự lĩnh hội. Tôi đặc biệt nhớ lần chị xử lý trường hợp với một nhà báo bảo thủ khi ông có ý định dồn chị  vào cuộc tranh luận phê bình đất nước chị mà ông sẽ đưa vào bài báo của mình. Ông không bao giờ ngờ được là đã gặp phải ai; sau đó ông gặp tôi bên ngoài và nói: “Chị ấy quá thông minh.” Tôi đã cố gắng đưa một chút sự thông minh đó vào bức vẽ.

Kevin Bowen – Hoàng Lê dịch

Theo Văn Nghệ số 2/2021 Bộ mới