Chính khách nặng hồn thơ

930

(Vanchuongphuongnam.vn) – Lịch sử cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam từ nghìn xưa được viết lại bằng đại tự, là những thiên hùng sử chói lọi và đa dạng sắc màu. Từ anh nông dân chất phác quanh năm cần cù lao động chân tay đến giới văn nghệ sĩ, nhà trí thức yêu nước, mọi tầng lớp nhân dân đều thể hiện quyết tâm đem tài năng, tim óc mình ra phục vụ đất nước bằng tất cả khả năng tài sức của mình. Trong khoảng thời gian 5 năm đấu tranh quyết liệt chuẩn bị cho việc ký kết hiệp định hòa bình tại Paris (1969-1973) cho Việt Nam, trong số những chính khách hiện diện trong thời gian nhạy cảm đó, các ông Lê Đức Thọ (1911-1990), Xuân Thủy, Mai Văn Bộ (1918-2002)… đều là những nhà ngoại giao – nghệ sĩ – nhà thơ. Trong đó, Xuân Thủy, trưởng phái đoàn đại diện nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được coi là một chính khách mang tâm hồn thi sĩ.

Nhà báo, nhà thơ, nhà hoạt động chính trị – xã hội – ngoại giao – Xuân Thủy

Ông Xuân Thủy (1912-1985) tên thật Nguyễn Trọng Nhâm, người huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Khi còn nhỏ, Xuân Thủy học tại Hà Nội và từng có mặt trong các tổ chức yêu nước chống thực dân Pháp. Từ một nhà báo (1930), tham gia hoạt động cách mạng (1932), Xuân Thủy bắt đầu làm thơ và tham gia báo Cứu Quốc (1944-1955), thuộc Tổng bộ Việt Minh, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Trường Chinh. Coi báo chí, văn nghệ như một vũ khí, ông hăng hái dùng nó để hoạt động cách mạng nên bị Pháp bắt giam nhiều lần nhưng Xuân Thủy vẫn kiên quyết, dũng cảm đấu tranh, giữ vững lập trường dân tộc, theo Đảng từ lúc còn ở trong tù cho đến khi được trả tự do. Trong thời gian bị giam cầm tại nhà ngục Sơn La, Xuân Thủy đã cùng ông Trần Huy Liệu (1901-1969), cũng là một nhà thơ, đã bí mật hai tháng một kỳ, cho ra tờ báo có tên gọi Suối reo. Khi cuộc kháng chiến bùng nổ, Xuân Thủy theo tờ báo ra chiến khu Việt Bắc. Từ năm 1963, ông chuyển sang công tác ngoại giao cho đến năm 1965. Góp phần tích cực vào thành công của Hiệp định Hòa bình Paris, Xuân Thủy là Trưởng đoàn đàm phán của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1968 cho đến khi hiệp định được ký kết (1973) tại Paris. Ngoài chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (1968-1973), Xuân Thủy liên tục là Đại biểu Quốc hội trong nhiều khóa, là Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng (1968-1982). Ngoài ra, ông còn từng là Ủy viên Hội đồng Hòa bình thế giới (1954), Chủ tịch Hội những người viết báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Xô, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Trung.  Ngoài việc giữ những vị trí đầu đàn trong hoạt động chính trị và viết báo, Xuân Thủy còn làm thơ, dịch thơ. Tác phẩm của Xuân Thủy gồm có: Tuyển tập Xuân Thủy; Những chặng đường báo cứu quốc (hồi ký) và những bài thơ dịch.

Với công lao cống hiến to lớn cho đất nước, Xuân Thủy được tặng thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều Huy chương cao quý khác. Hiện nay, Xuân Thủy có tên đặt cho một con đường lớn ở Hà Nội, nơi có nhiều trường Đại học lớn nhất Việt Nam.

Hành trình vào không gian văn chương đặc thù của Xuân Thủy, ta dễ nhận thấy toàn bộ sự nghiệp thi ca của ông chứa đựng nội dung tư tưởng lành mạnh,  nổi bật  trước tiên là lòng yêu nước thể hiện qua “niềm tin vững chắc vào sự nghiệp cách mạng và ý chí quyết thắng kẻ thù” thực dân đế quốc xâm lược. Đó cũng là tấm lòng kỳ vọng vào độc lập tự do của tổ quốc: Đế quốc tù ta, ta chẳng tù/ Ta còn bộ óc, ta không lo/ Giam người, khóa cả chân tay lại/ Chẳng thể ngăn ta nghĩ tự do (Không giam được trí óc).

Trong hoàn cảnh kẻ thù mạnh hơn ta bội lần về vũ khí tối tân, đạn dược đầy đủ, muốn chiến thắng bọn xâm lược, người cán bộ và chiến sĩ cách mạng phải có tinh thần lạc quan, yêu đời, và coi thường gian khổ hy sinh”. Hồi còn ở chiến khu Việt Bắc (1949), Xuân Thủy làm thơ ca ngợi cuộc sống đạm bạc mà chứa chan tình cảm, quân dân lao động hăng say, thể hiện tinh thần chuẩn bị chờ ngày quyết chiến với kẻ thù chung của dân tộc. Xuân Thủy đã mượn những vần thơ tươi trong ấm áp để động viên: “Trời nắng trời mưa chi sá kể/…Dưới núi dừng chân tiếng hát vang/ …Trời lạnh sao lòng thấy ấm ran/ Đĩa muối bát canh thêm quả ớt/ Hơi cơm nghi ngút chuyện giòn tan” (Ngôi nhà kháng chiến). Bài thơ đẹp như một bức tranh thủy mặc chỉ với vài nét đơn sơ mà hiện lên ngôi nhà với cuộc sống sinh động và ấm áp.

Ca ngợi cảnh non sông gấm vóc và nền văn hóa văn nghệ rạng ngời của đất nước là một cách nói lên lòng tự hào dân tộc. Trong một lần đi công cán tại thủ đô nước Pháp, nhà thơ vô cùng xúc động, cảm thấy tự hào khi nghe tiếng đàn bầu Việt Nam, biểu tượng của nước mẹ: Hỡi tiếng đàn ta, tiếng hát ta/ Hỡi đôi chân ngọc búp tay ngà/ Vui tươi sắc sảo, mê hồn nữa/ Cho sáng trời Tây, dậy biển xa” (Thăm ngõ Công-poanh). Tiếng đàn bầu ấm áp, giai điệu của tình tự quê hương hay tiếng hát của núi sông, vang vọng cả trời Tây, bài thơ làm ta nhớ đến tiếng reo hò như sấm dậy của đồng bào Hà Nội trong không gian rực rỡ hoành tráng của ngày Cách mạng tháng Tám thành công, khi quân dân ta chiếm lại thủ đô Thăng Long từ tay giặc Pháp: “Rực rỡ sao vàng, hoa vĩ đại/ Năm cánh xòe lên năm cửa ô/… Hà Nội, tiếng reo hò bất tuyệt/ Vang sang bờ nọ Thái Bình dương… (Vũ Hoàng Chương).  Bài thơ cảm tác bén nhạy nơi đất khách được nhà phê bình Hoài Thanh dành cho lời khen trân trọng là “một trong những bài thơ được hoan nghênh nhất” của Xuân Thủy.

Bắt nguồn từ tính ưa nói vui, Xuân Thủy còn thể hiện thêm tài xuất khẩu thành thơ một cách bén nhạy cộng vào óc trào phúng hóm hỉnh rất trẻ trung. Năm 1938, ông bị bắt giam ở nhà lim Hỏa lò. Hôm nọ, một cố đạo vào thăm, Xuân Thủy làm thơ vui trêu vị cố đạo để biểu lộ quan điểm sống và ý chí của mình:Một hôm cố đạo vào thăm/ Hỏi thăm sức khỏe lương tâm thế nào/ Thưa rằng tôi chả làm sao/ Lương tâm vẫn tốt, máu đào còn nguyên/ Ở đây đôi lúc cũng phiền/ Nhưng tôi chưa định có lên thiên đàng”. Sau ngày thống nhất nước nhà, nhà thơ Xuân Thủy có dịp vào Sài Gòn, được xem vở cải lương Phụng Nghi Đình do các nghệ sĩ gạo cội của sân khấu cải lương như: NSND Phùng Há đóng vai Lữ Bố,  NSND Kim Cương vai Điêu Thuyền, NSND Ngọc Giàu vai Đổng Trác… Khi vở tuồng kết thúc, nhà thơ Xuân Thủy tươi cười, bước lên sân khấu bắt tay các nghệ sĩ, chúc mừng buổi biểu diễn thành công. Riêng với cô Bảy Phùng Há, nhà thơ ứng khẩu, đọc luôn bốn câu thơ tặng cánh chim đầu đàn ngành cải lương Nam bộ: “Ấy mới tài, ấy mới duyên/ Vui sao Lữ Bố hí Điêu Thuyền/ Ai hay Lữ Bố là con gái/ Hội ngộ tao phùng há dám quên”.

Người ta còn nhớ lại những năm dẫn đầu đoàn đại biểu ta đàm phán tại Paris về hòa bình Việt Nam, nhà ngoại giao Xuân Thủy có dịp để hồn thơ dào dạt khơi dòng. Lúc này, nhiều tờ báo nước ngoài như Mỹ, Nhật… cũng đăng thơ Xuân Thủy. Với lòng yêu nước, vì tự do độc lập của dân tộc, nhà thơ không chỉ đấu tranh trên bàn đàm phán mà còn đấu tranh bằng văn thi ca:Đây phòng họp trang nghiêm là trận địa/… Đây chính nghĩa quang minh là vũ khí…”

Yêu thơ, yêu tổ quốc, Xuân Thủy còn làm thơ và đọc thơ thay cho bài diễn trong những lần kết thúc công tác ở nước ngoài. Cuối năm 1960, với tư cách là Phó Trưởng ban Thường vụ Quốc hội, nhà thơ đi thăm nước Cộng hòa Miến Điện (Myanmar). Sau gần hai tuần làm việc và được tiếp đón nhiệt tình ở nước bạn, nhà thơ đã đứng lên nói lời cảm tạ anh em nước bạn trong buổi chiêu đãi chia tay. “Hôm nay, tôi không có diễn văn. Tôi chỉ xin gửi lại tình cảm của mình trong một bài thơ: ‘Sông Hồng Hà, sông Iraoaddi cùng ra bể/ Núi rừng Việt Nam, núi rừng Miến Điện cùng xanh xanh/… Đôi tim khắc một chữ tình/ Bạn ơi đôi mắt in hình của nhau/ Việc đời bốn bể năm châu/ Bạn ơi xin nhớ cùng nhau một thuyền. Thực là độc đáo với một bài diễn văn bằng thơ trong lịch sử nước ta'”.

Bài thơ “Nguyên tiêu” bằng tiếng Hán nổi tiếng của Bác, nguyên tác vốn được tác giả làm theo thể tứ tuyệt nhưng nhà thơ Xuân Thủy đã dịch rất sát nghĩa và điêu luyện ra thơ lục bát vốn khó làm hay trừ các bậc thầy về thể loại sáu – tám truyền thống này như: Nguyễn Du (1766-1820), Tản Đà (1989-1939), Nguyễn Bính (1918-1966)…

Trên tất cả ở Xuân Thủy là tình cảm thành kính của nhà thơ dành cho lĩnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc. Khi nghe tin Bác Hồ mất, Xuân Thủy bàng hoàng đau đớn, từ Paris bôn ba về viếng Bác. Nhà thơ vô cùng xúc động khóc Bác bằng lời thơ tâm huyết, bộc lộ tấm lòng thành trước vị lĩnh tụ kiệt xuất của dân tộc, dồi dào tình cảm quốc tế mà cũng đậm đà phong cách Việt Nam: “Một con người kim cổ Tây Đông/ Giàu quốc tế, đậm Việt Nam từng nét (Đinh ninh lời thề)”. Những vần thơ xúc cảm của Xuân Thủy nghe rất gần gũi với hai câu thơ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh khi qua đời, của Chủ tịch Mao Trạch Đông đã nhiệt liệt ca ngợi Bác: “Chí khí tráng sơn hà, kim cổ anh hùng duy hữu nhất// Minh tinh quang vũ trụ, Á Âu hào kiệt thị vô song (Chí khí trải khắp cả non sông, anh hùng xưa nay chỉ có một/ Vì sao sáng chiếu khắp vũ trụ, hào kiệt Á Âu không một ai bằng)”.  

Tóm lại, dù làm thơ không phải là nghiệp vụ chính quy trong cuộc đời hoạt động cách mạng, nhưng bên cạnh công tác chính trị nổi bật trong và ngoài nước qua suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhà cách mạng Xuân Thủy đã được đánh giá là một thi sĩ hàng đầu của thơ ca kháng chiến. Với các bài thơ chọn lọc có ý nghĩa lành mạnh được đưa vào chương trình văn học bậc THPT và Đại học, cả những bài thơ dịch vững vàng có hồn, Xuân Thủy đã thể hiện rõ ràng được chân dung đích thực của một chính khách tài hoa mang tâm hồn thi sĩ, xứng đáng chiếm một vị trí trang trọng trong nền văn học nước nhà.

Nguyễn Tấn Thành